Nguyễn Bỉnh Khiêm và những điều tiên đoán
30/08/2010 0624

- Bạn đọc Nguyễn Đình Khiết, thôn An Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương có hỏi: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi tiếng vì biết trước được các diễn biến của thời cuộc.

Vậy tại sao ông lại vận động học trò cũ là Nguyễn Quyện đang phục vụ cho nhà Lê về với nhà Mạc dù biết nhà Mạc sẽ suy? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Phan Duy Kha về vấn đề này.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nước ta. Ông quê ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là Vĩnh Bảo, Hải Phòng).

Nguyễn Bỉnh Khiêm học giỏi nhưng thời thế hỗn loạn, nhà Lê suy vong, nhà Mạc nổi lên cướp ngôi, ông không muốn đi thi và làm quan. Mãi đến năm 45 tuổi (1535), ông mới đi thi và đỗ ngay trạng nguyên.

Lúc này đất nước đang bị chia đôi, ở phía Bắc, từ Ninh Bình trở ra thuộc nhà Mạc. Ở phía Nam, từ Thanh Hóa trở vào thuộc nhà Lê. Sử gọi là Nam Bắc triều... Các nhà nho, các anh hùng hào kiệt, người thì theo Mạc, người thì chạy vào Nam theo Lê (thực chất là bù nhìn, do Nguyễn Kim dựng nên). Không thể nói rằng ai chính, ai tà.

Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan cho nhà Mạc cũng không như ý. Mới được 8 năm (đến năm 1542), thấy cảnh quan lại lộng quyền, tham nhũng, gian thần hoành hành trong triều, Nguyễn Bỉnh Khiêm rất bức xúc.

Ông dâng sớ xin chém 18 gian thần nhưng không được vua Mạc đồng ý, nên xin từ quan về quê dạy học (sự kiện này giống với Chu Văn An đời Trần dâng Thất trảm sớ).

Sau này, ông lại được vua Mạc mời ra làm quan, được thăng Tả Thị Lang bộ Lại, rồi Thượng thư bộ Lại, tước Trình Quốc công. Vì vậy, dân gian quen gọi là Trạng Trình.

Đến năm 70 tuổi, ông lại xin về quê mở trường dạy học. Học trò của ông có nhiều người nổi tiếng, có người theo Lê như Phùng Khắc Khoan, người theo Mạc như Nguyễn Quyện, có người lại ở ẩn không ra làm quan (như Nguyễn Dữ, tác giả Truyền kỳ mạn lục).







Nguyễn Bỉnh Khiêm được cho là người có tài tiên tri. Các giai thoại, các chuyện kể dân gian thường cho rằng, chính ông là người tiên tri cho Nguyễn Hoàng vào Nam để xây dựng cơ nghiệp muôn đời (Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân), tiên tri cho họ Trịnh phải tôn phò vua Lê (thờ Phật để được ăn oản), hay tiên tri cho nhà Mạc lên giữ đất Cao Bằng, thì sẽ kéo dài thêm được mấy đời nữa.

Người ta còn cho rằng, thậm chí Nguyễn Bỉnh Khiêm còn tiên tri được đến thời đại của chúng ta. Các tác giả nghiên cứu thường trích dẫn câu: "Long vĩ xà đầu khổ chiến tranh/Can qua xứ xứ khởi đao binh/Mã đề dương cước anh hùng tận/Thân Dậu niên lai kiến thái bình" (Cuối năm Thìn (1940), đầu năm Tỵ (1941), khổ vì chiến tranh/Can qua nổi lên khắp nơi/Cuối năm Ngọ (1942), năm Mùi (1943), anh hùng hết/Đến năm Thân (1944), năm Dậu (1945), thiên hạ thái bình).

Người ta cho rằng, những câu này ứng với giai đoạn lịch sử từ 1940 - 1945. Thật ra thì đến năm 1945, dân ta đâu đã được hưởng thái bình, khi mà thù trong giặc ngoài còn đầy rẫy. Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, để rồi 29 năm sau mới có ngày toàn thắng.

Xem thế, thì nhiều câu được gọi là "sấm ký" của Nguyên Bỉnh Khiêm, được người đời suy luận ra, sao cho phù hợp với một giai đoạn lịch sử nào đó mà thôi (tức là sự gán ghép sao cho hợp lý). (còn nữa)

Phan Duy Kha