Chuyện đời bất ngờ của Vua Karl XIV Johan
8:30, 28/04/2008


Có một chi tiết không nhiều người biết rằng, ngay khi còn là một sĩ quan trẻ chưa mấy ai để ý tới, Vua Karl XIV Johan đã được một bà thầy bói ở Paris tiên đoán về ngai vàng tương lai của ông...


Vua Karl XIV Johan (26/1/1763-8/3/1844), tên thật là Jean - Baptiste Bernadotte, vốn là một nguyên soái trong quân đội Pháp dưới thời vua Napoleon I nhưng nhờ những run rủi bất ngờ của số phận đã trở thành biểu tượng lâu bền của Thụy Điển... Vương triều mà ông lập ra cho tới hôm nay vẫn tiếp tục trị vì ở quốc gia Scadinavia này.

Có một chi tiết không nhiều người biết rằng, ngay khi còn là một sĩ quan trẻ chưa mấy ai để ý tới, ông đã được một bà thầy bói ở Paris tiên đoán về ngai vàng tương lai của ông.

Một ngày tháng 3 năm 1794. Bầu trời Paris bỗng nhiên hửng nắng sau những cơn mưa kéo dài lê thê. Khi bóng chiều buông xuống, "kinh đô ánh sáng" như cố trở nên thơ mộng hơn để quên đi những biến cố đẫm máu đã khiến vua Louis XVI phải lên giá treo cổ cách đó mới chỉ một năm.

Có ba chàng sĩ quan Pháp cưỡi ngựa nhong nhong đi tìm kiếm thú vui sau một ngày phải giam mình trong doanh trại. Hai người trong số này rất trẻ, người thứ ba, da ngăm ngăm, tóc đen, mắt đen, có vẻ lớn tuổi hơn một chút. Chính anh đã quyết định cho hai "cậu em" tối hôm đó biết thế nào là hương vị Paris về đêm.

Ba người đã dạo cả chục tửu quán, tới đâu cũng chén chú chén anh túy lúy đến mụ cả người. Và họ cũng không hiểu vì sao lại có mặt trên phố Rue de Turnon.

Nhìn thấy tấm bảng hiệu "Cô Lenormand, buôn sách", cả ba kỵ sĩ cười vang. Họ đã nghe được không ít chuyện về cô Marie-Anne Adelaide Lenormand và biết rõ rằng cô này không có buôn bán sách vở gì cả. Đằng sau tấm biển trên là nơi mà cả Paris thường đến để hỏi về tương lai của mình.

Thiên hạ xì xầm rằng, Lenormand xuất hiện ở đây từ bốn năm trước. Khi đó, cô nàng mới 18 tuổi nhưng trông đã cứng cỏi lắm rồi. Điều này cũng không có gì lạ vì cô nàng bẩm sinh mắc dị tật và nhan sắc khiêm tốn đến mức người nhà đặt cho biệt danh là "thùng phi di động".

Tuy nhiên, Lenormand có trí thông minh tuyệt vời và rất khéo lo toan đời sống. Khi người cha qua đời, Lenormand đã đưa cả gia đình từ tỉnh lẻ lên Paris kiếm kế sinh nhai bằng nghề xem bói và có mức thu nhập rất không tồi.

Một sĩ quan trẻ lên tiếng:

- Chúng ta vào thử nhé?

Chàng sĩ quan trẻ thứ hai gật đầu, còn người kỵ sĩ lớn tuổi hơn, Jean-Baptiste Bernadotte, thì làu bàu:

- Thôi, các cậu ơi, tin làm gì trò nhảm nhí!

Khác hai đàn em đã "tây tây" lắm rồi, Bernadotte vẫn còn tương đối tỉnh táo. Anh không thích vào xem bói chút nào. Hơn nữa, anh trước đó từng chế nhạo Lenormand khi nghe cô ta nói với cậu bạn sĩ quan quen thuộc của anh là Napoléon Bonaparte rằng anh ấy sẽ làm hoàng đế!

Mặc dầu anh bạn quê đảo Corse rất hoạt bát trên hoạn lộ, mới 5 năm trước chỉ là trung úy pháo binh hoàng gia nhưng giờ đã là một ông tướng nhưng tiên đoán anh ấy lên làm hoàng đế thì quả là quá giàu trí tưởng bở! Vì thế nên Bernadotte định giục hai anh bạn trẻ đi chỗ khác chứ không nên vào xem bói.

Thế nhưng, đúng lúc ấy, cửa ngôi nhà có biển đề "Cô Lenormand, buôn sách" mở tung ra và đích thân cô Lenormand xuất hiện:

- Xin mời các ngài sĩ quan vào chơi!

Và cô nhìn về phía người kỵ sĩ lớn tuổi nói:

- Riêng với ngài, tôi sẽ bói không lấy tiền!

Ba sĩ quan ngật ngưỡng xuống ngựa vào nhà, đi tới căn phòng ở cuối hành lang và sững người lại. Trong căn phòng lót tường nhung màu xanh thẫm, không gian mờ ảo. Giữa phòng đặt một cái bàn bốn góc, mỗi góc có một cây nến. Nhưng điều làm các vị khách kinh ngạc nhất là quả cầu lấp lánh đặt ở giữa bàn.

- Nào, dũng cảm lên, các ngài! - cô Lenormand khuyến khích. - Các ngài là tinh hoa quân đội Pháp cơ mà! Ngài, - cô quay sang một viên sĩ quan trẻ,- sẽ trở thành tướng quân! Còn ngài, - cô quay sang nói với người sĩ quan trẻ thứ hai,- thậm chí còn trở thành nguyên soái!

- Thế còn tôi thì sao? - bất giác, Bernadotte lên tiếng hỏi. - Cô cứ bói cho tôi một điều gì hay ho vào và tới kỳ lương sau, tôi sẽ thưởng cho cô như một hoàng đế đích thực!

- Như một vị vua thôi! - cô Lenormand sửa lại.- Ngài sẽ làm vua!

Bernadotte cười nhẹ. Hóa ra là theo cô Lenormand, anh bạn Napoléon sẽ cai quản một đế chế, còn anh sẽ chỉ được cai quản một vương quốc thôi.

- Đừng cười nhạo, thưa ngài. Ngài sẽ được thừa kế ngai vàng với tư cách một thái tử chân chính.

Rời khỏi nhà cô Lenormand, Bernadotte vẫn chưa thấy hết tính hài hước. Anh mà lại là thái tử ư? Anh thậm chí chẳng có chút máu quý tộc nào trong người. Cha anh chỉ là một luật sư khiêm nhường với số lượng khách hàng rất vừa phải ở hai thị trấn Béarn và Pau thuộc xứ Gascon heo hút - ông cụ đã qua đời vài năm trước.

Sau khi cha mất, anh là út ít trong số 5 người con nên chỉ được thừa hưởng độc một thanh kiếm và những câu chuyện một thời vang bóng của cha ông khi họ chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của ông vua Mặt Trời.

Và cũng do cảm xúc vì những câu chuyện đó nên Bernadotte đã xin nhập ngũ chứ không nối nghiệp luật sư của cha. Tuy nhiên, do thành phần gia đình thấp kém nên mãi mà anh vẫn không được thăng tiến như ý. Chỉ khi cuộc cách mạng Pháp bùng nổ, ngôi sao chiếu mệnh của Bernadotte mới vụt sáng: chỉ trong vòng vài năm, anh đã lên tới chức đại tá và đang ấp ủ được mang ngù vai tướng.

Tuy nhiên, tiên đoán rằng anh sẽ trở thành vua thì thực là một điều phi lý. Anh là một người ủng hộ chế độ Cộng hòa một cách nhiệt thành, căm ghét các vị vua chuyên chế, bạo hành. Anh thậm chí còn cho xăm lên cánh tay mình dòng chữ: "Vua chúa phải chết!".

Mùa thu năm sau (1795), tình cờ gặp lại Napoléon ở Paris, nhắc tới cô Lenormand, Bernadotte nói với bạn: "Những lời cô ta nói toàn là điều nhảm nhí!". Thế nhưng, Napoléon đã không đồng ý và bảo, cứ chờ xem đã.



Rồi Bernadotte quên đi câu chuyện liên quan tới cô Lenormand. Đời lính chiến triền miên trong các cuộc chiến tranh đã buộc ông phải nghĩ về nhiều chuyện khác. Bernadotte đánh đâu thắng đó và nhanh chóng được mang gù vai tướng như mơ ước.

Tướng Bernadotte đặc biệt xuất sắc trong các trận đối địch với quân Áo ở Italia. Chính tại Italia, Bernadotte đã thêm cho mình một cái tên nữa là Jules, để tưởng nhớ tới danh tướng La Mã cổ đại Jules César… Tháng 8/1798, Bernadotte lập gia đình và một năm sau, sinh đứa con trai đầu.

Thời ấy, cả châu Âu mê thích những huyền thoại về người Viking và đua nhau du nhập những cái tên truyền thống của người Scadinavia. Bernadotte trong không khí đó cũng đặt cho con trai cái tên rất phổ biến của các cậu bé Scadinavia là Oscar mà không hề nghĩ rằng, việc này về sau đã có vai trò quan trọng trong cơ nghiệp vương bá của ông.

Ngày 19/5/1804, Bernadotte được phong nguyên soái. Và chỉ khi ấy, ông mới chợt nhớ tới lời tiên đoán của cô Lenormand; "Hóa ra cô ấy lừa ta, ta không được làm vua mà chỉ là nguyên soái thôi!". Trong khi đó, hai người bạn trẻ của ông đã được hưởng điều mà cô Lenormand từng tiên đoán: một người trở thành tướng, người kia trở thành nguyên soái!

Trên cương vị nguyên soái, Bernadotte lại ra chiến trường. Và lại lập chiến tích lừng lẫy. Năm 1806, Nguyên soái Bernadotte đã đánh tan lực lượng của tướng Phổ Blucher, bắt vô số tù binh địch, trong đó có cả tốp lính Thụy Điển do Đại tá Merner chỉ huy.

Riêng đối với các tù binh người Thụy Điển, Nguyên soái Bernadotte biệt đãi, cho ăn uống đầy đủ rồi thả về quê hương. Trở về nước, những tù binh Thụy Điển không tiếc lời ca ngợi "hiệp sĩ Bernadotte" vừa dũng cảm, vừa nhân hậu. Và Nguyên soái Bernadotte trở thành nhân vật được sùng tín nhất ở quốc gia Scadinavia này.

Năm 1810, ông vua trị vì Thụy Điển lúc đó là Karl XIII, không con cái, đã gần đất xa trời. Một Hội đồng vương quốc được triệu tập và để duy trì chế độ quân chủ, đã đề nghị vua Karl III làm một việc tưởng như không thể là sự thật: nhận vị nguyên soái Pháp rất được dân chúng Thụy Điển yêu quý làm con nuôi rồi truyền ngôi lại cho.

Suy nghĩ một lát, vua Karl đồng ý: Nguyên soái Bernadotte còn trẻ, dũng cảm, chính trực, lại rất tôn trọng đời sống gia đình. Và thật lạ, con trai của vị nguyên soái Pháp cũng mang cái tên Oscar thân thuộc và thiêng liêng đối với người Scadinavia, đó há chẳng phải là một điềm lành ư!

Thêm vào đó, nếu Bernadotte trở thành vua Thụy Điển, đất nước này sẽ được bảo vệ tốt hơn trong điều kiện liên miên chiến sự ở châu Âu khi đó.

Khi nhận được lời đề nghị bất ngờ từ vua Karl III, Nguyên soái Bernadotte cực kỳ kinh ngạc. Sao số phận lại xoay vòng oái oăm một cách kỳ diệu đến thế! Hóa ra là lời tiên đoán của cô Lenormand rốt cục cũng trở thành sự thật...

Ngày 5/8/1810, Bernadotte được vua Thụy Điển Karl III chính thức nhận làm con nuôi và trở thành thái tử phụ chính. Ngay từ khi vua Karl III chưa băng hà và chưa chính thức lên ngôi, Bernadotte đã rất tích cực tham gia vào chính sách đối ngoại của Thụy Điển và tích cực bảo vệ quyền lợi của tổ quốc mới. Thậm chí ông còn tham gia liên minh chống Napoléon I trong chiến dịch 1813-1814.

Khi hay tin này, Napoléon chỉ nói: Không phải ông ấy phản bội mà đơn giản ông ấy đã trở thành một người Thụy Điển.

Sau chiến dịch ấy, Thụy Điển không tham gia thêm vào một cuộc chiến tranh nào khác nữa và tài năng quân sự của Bernadotte đã không còn đất dụng võ nữa. Thế nhưng, những kiến thức ngoại giao và đời sống châu Âu đã giúp ích cho ông khi ở trên ngai vàng không kém gì tài năng quân sự.

Trở thành vua Karl XIV Johan, Bernadotte không quên lời hứa năm xưa với cô Lenormand. Ông bảo vợ gửi cho cô Lenormand một số tiền khá lớn so với thời ấy: 10 nghìn quan.

Vua Karl XIV Johan đã trị vì Thụy Điển 26 năm liền. Ông băng hà ngày 8/3/1844, thọ 81 tuổi. Khi làm những thủ tục cuối cùng với thi hài của nhà vua, người ta mới thấy rõ dòng chữ "Vua chúa phải chết!" xăm trên tay ông, đã mờ đi gần nửa (có lẽ khi còn sống, ông đã không chỉ một lần muốn xóa dòng chữ này đi nhưng không được).

Cho đến hôm nay, vương triều mà ông lập ra vẫn tiếp tục trị vì ở Thụy Điển




Hoàng Phương

Hoàng Phương