HẠT CẢI TRỜI


Trích từ tác phẩm"Hạt Cải Trời
Tác giả: Osho
Việt Dịch: Vạn Sơn
vnosho@yahoo.com

Các môn đệ nói với Chúa Giê-Su, “Hãy nói cho chúng tôi nghe Nước Trời giống như cái gì.”

Ngài nói với họ, “Nước Trời giống như hạt cải trời - nhỏ hơn mọi hạt giống khác, nhưng khi rơi xuống mảnh đất đã được cày xới, nó sẽ sinh ra một cây lớn và trở thành nơi nương tựa cho muôn loại chim trời.” (1)


Những mối quan hệ của con người đã thay đổi rất nhiều; thay đổi nhưng xấu hơn. Trong tất cả mọi khía cạnh, những mối quan hệ thâm sâu đã biến mất; vợ không còn là vợ mà chỉ là đào; chồng không còn là chồng mà chỉ là kép. Tình bằng hữu thì tốt nhưng thiếu chiều sâu. Hôn nhân là một loại quan hệ thâm sâu. Đó là một loại cam kết linh thiêng, mà nếu đôi bên không cam kết thật tình, tình nghĩa không thể nảy sinh. Trừ khi bạn cam kết thật tình, bạn không thể hiến đời cho tình yêu. Bạn chỉ dừng lại trên bề mặt, nhưng bạn không hề biết chiều sâu.

Dĩ nhiên, vực sâu có cái nguy hiểm của nó - nhất định phải vậy, bởi vì trên bề mặt bạn rất hiệu quả. Trên bề mặt bạn có thể hành động như một cái máy, không cần đến sự tỉnh thức. Nhưng bạn phải cảnh giác hơn khi tiến xuống chiều sâu, bởi vì thần chết có thể rình rập bất cứ lúc nào. Sự sợ hãi chiều sâu đã đưa đến sự nông cạn trong mọi quan hệ của con người. Họ vẫn chưa trưởng thành.

Chỉ là đào, kép thì thú vị thật, nhưng đó không phải là cánh cửa dẫn đến những huyền bí thâm sâu nhất nằm ẩn tận bên trong mỗi người. Bạn có thể liên hệ với tình nhân về mặt tình dục, nhưng tình yêu không thể trưởng thành. Tình yêu cần phải mọc rễ thật sâu. Dục có thể xảy ra trên bề mặt, nhưng nếu chỉ có dục mà không có tình yêu thì có gì hơn thú vật? Dục chỉ được thăng hoa khi nó là một phần của tình yêu.

Nhưng nếu không phải là một phần của tình yêu sâu xa, nó rất xấu xa; xấu xa nhất vì không có sự tương thân - bạn tìm đến nhau rồi vội chia tay. Hai thể xác gặp nhau nhưng thiếu hai tâm hồn – không có ta mà cũng chẳng có người. Điều này đã xảy ra trong mọi mối quan hệ. Mà mối quan hệ vĩ đại nhất đã biến mất, và quan hệ đó là quan hệ giữa đạo sư và môn đệ. Bạn không thể hiểu được Chúa Giê-Su nếu bạn không hiểu được ý nghĩ của quan hệ giữa thầy và đệ tử. Điều đó đã biến mất hoàn toàn. Vợ được bạn gái thay vào, còn chồng thì được thay thế bởi bạn trai. Nhưng một đạo sư và mối quan hệ giữa Ngài và chúng đệ tử đã hoàn toàn biến mất. Cũng có thể nói rằng quan hệ ấy đã được thay thế bởi quan hệ giữa một bác sĩ tâm thần và bệnh nhân.

Giữa bác sĩ tâm thần và bệnh nhân chỉ có một mối quan hệ bệnh hoạn, thần kinh - bởi vì bệnh nhân không đến vì chân lý, không phải đến vì sức khỏe. Từ sức khỏe (health) này rất là thâm thúy; nó có nghĩa là nguyên vẹn (wholeness), linh thiêng (holiness); nó mang ý nghĩa của sự chữa lành chính bản thân mình. Vì vậy, nếu một bệnh nhân thực sự đi tìm sức khoẻ, anh ta nhất định phải là một môn đồ.

Bệnh nhân muốn được hết bệnh. Đó là một thái độ tiêu cực. Anh ta muốn được trở lại bình thường, như mọi người bình thường khác. Anh ta bị trục trặc, cần được điều chỉnh, và vị bác sĩ tâm thần giúp anh ta điều chỉnh lại. Nhưng điều chỉnh theo người nào? Điều chỉnh theo thế giới bệnh tật này, xã hội bệnh tật này sao?

Người mà bạn gọi là “bình thường” chẳng qua là bình thường một cách bệnh hoạn, điên khùng một cách bình thường, mát giây một cách bình thường. Người “bình thường” cũng điên khùng, nhưng điên khùng có giới hạn - cái giới hạn mà xã hội, văn hóa chấp nhận. Người nào bước ra khỏi giới hạn ấy, ranh giới ấy thì bị coi là bệnh hoạn. Lúc đó thì toàn thể xã hội, vốn là bệnh hoạn, sẽ nói rằng người ấy bệnh hoạn. Và bác sĩ tâm thần làm việc tại ranh giới để giúp người ấy trở lại với đám đông.

Bác sĩ tâm thần không thể là một đạo sư, vì ông ta vốn không nguyên vẹn. Mà bệnh nhân thì không thể là môn đệ, vì chủ đích của anh ta không phải là học hỏi; anh ta bị xáo trộn mà anh ta không muốn; anh ta chỉ muốn được điều chỉnh, không phải được chữa lành. Bác sĩ tâm thần không thể là đạo sư, mặc dù ở trời Tây ông ta đóng vai đó, và chẳng chóng thì chầy ông ta cũng sẽ làm bộ như vậy ở Đông phương nữa. Nhưng ông ta không thể làm được – chính ông ta là người bệnh. Ông ta có thể giúp người khác điều chỉnh lại; điều đó thì được: một người bệnh có thể giúp người bệnh khác, trong phạm vi nào đó.

Nhưng một người bệnh không thể làm cho một người bệnh khác trở thành nguyên vẹn được. Một người điên không thể giúp người điên khác khỏi điên. Thậm chí ngay cả Sigmund Freud, Carl Jung và Alfred Adler – ba ông tổ của Phân tâm học – cũng là những người bệnh; nói chi đến các bác sĩ tâm thần bình thường, người vĩ đại nhất trong bọn họ cũng bệnh hoạn và thần kinh. Tôi sẽ đưa ra vài thí dụ điển hình. Mỗi khi có người đề cập đến cái chết là Freud run cầm cập. Hai lần ông ta ngất xỉu và té khỏi ghế ngồi, vì có người nói về xác ướp Ai Cập. Ông ta ngất xỉu! Một lần khác Jung, học trò của ông, nói về cái chết, về thây ma thì bỗng nhiên Freud run lên và ngã xuống, ngất xỉu, bất tỉnh nhân sự. Nếu Freud sợ chết đến thế, các học trò của ông ta thì sao? Tại sao phải sợ chết đến thế? Bạn có thể tưởng tượng nổi một vị Phật mà sợ chết không? Thế thì ông ấy không thể là Phật được. Jung kể lại là nhiều lần ông ta muốn đến La Mã để thăm tòa thánh Vatican, mà đặc biệt là thư viện vĩ đại của tòa thánh – nơi đó chứa những bản thảo bí mật nhất của tất cả các tôn giáo từ xưa đến nay. Nhưng mỗi khi ông ta định đi mua vé thì lại run lên. Mà đấy là mới chỉ đi La Mã thôi. Chuyện gì sẽ xảy ra khi ông ta đi tìm giải thoát hoàn toàn? Ông ta trả lại vé và trở về. Ông ta không bao giờ đến đó, không bao giờ. Ông ta cố gắng nhiều lần và cuối cùng quyết định, “Không, Tôi không thể đi.” Đi thăm La Mã có gì mà sợ? Tại sao một bác sĩ tâm thần lại sợ viếng thăm một nơi tôn nghiêm?

Lý do là La Mã chỉ là một biểu tượng, một đại diện. Mà Jung đã xây dựng một triết lý chung quanh tâm trí của ông ta, và Jung sợ triết lý ấy bị đập vỡ tan tành. Khác gì con lạc đà sợ đi đến Hi Mã Lạp Sơn, bởi vì khi đến gần Hi Mã nó sẽ thấy nó chỉ là con số không. Toàn bộ triết lý mà Jung đã xây dựng rất là ấu trĩ. Con người đã tạo ra biết bao nhiêu là hệ thống đồ sộ về vũ trụ, mà nay tất cả chỉ là những hoang tàn. Sợ đi đến La Mã là sợ tìm về những điêu tàn của những hệ thống đồ sộ mà quá khứ đã tạo ra. Thế thì những hệ thống nhỏ bé thì sao? Thế thì cái xó xỉnh nhỏ bé này mà bạn từng lau chùi và tô điểm thì sao? Thế thì triết lý của bạn thì sao? Những học thuyết lớn đã xụp đổ và trở về cát bụi: Hãy đến La Mã để xem cái gì đã xảy ra. Hãy đến Athens (2) mà xem! Những viện triết học của Aristotle, Plato và Socrates đã biến đi đâu rồi? Tất cả đã biến vào cát bụi. Những hệ thống vĩ đại nhất cuối cùng cũng trở thành tro bụi. Mọi ý tưởng đều được chứng minh là vô ích, bởi vì ý tưởng là sản phẩm của con người. Chỉ khi không bị ý tưởng khuấy động, bạn mới thể nghiệm được chân lý. Bạn không thể nương theo ý tưởng mà đạt được vĩnh cửu, bởi vì ý tưởng thuộc về thời gian. Ý tưởng không thể thuộc về vĩnh cửu. Không một triết học nào, không một hệ thống tư tưởng nào có thể tồn tại mãi mãi. Sợ hãi là ở chỗ đó.

Ít nhất là bốn hay năm lần Jung đã đặt mua vé rồi lại thôi. Mà Jung là một trong những nhà phân tâm vĩ đại nhất. Nếu Jung sợ không dám đi La Mã, đám học trò thì sao? Mà nếu bạn không sợ - không phải vì bạn khá hơn Jung, mà chỉ vì bạn đang say ngủ hơn ông ta. Jung biết rằng khi đến La Mã, ông ta phải cúi đầu. Khoảnh khắc mà ông ta nhìn đến những đổ vỡ của những hệ thống lớn, sự run rẩy, sợ chết điếng sẽ xâm chiếm tâm hồn, “Sự gì sẽ xảy ra cho hệ thống của ta? Sự gì sẽ xảy ra cho ta?” Nghĩ đến đó mà run nên trở về, và trong hồi ký ông ta viết, “Cuối cùng tôi bỏ hẳn dự án. Tôi không đi thăm La Mã.” Điều đó cũng xảy ra cho Freud rất nhiều lần. Ông ta cũng muốn đến La Mã – không phải là một sự trùng hợp – và ông ta cũng rất là sợ hãi. Tại sao? Freud cũng nổi giận như mọi người, cũng ham muốn xác thịt như mọi người, cũng sợ chết như mọi người, cũng xử sự điên rồ như mọi người. Vậy có gì khác đâu? Ông ta có thể thông minh hơn, có thể là một thiên tài, và có thể hữu ích một đôi chút, nhưng cũng mù quáng như mọi người trước chân lý tối thượng và những bí ẩn nhất, cốt lõi nhất của bản thể con người. Không, tâm bệnh học không thể trở thành tôn giáo được. Nó có thể trở thành một bệnh viện, nhưng không thể trở thành giáo đường. Và bác sĩ tâm thần có chỗ dụng vì có người bệnh, không thích nghi, nhưng ông ta không phải là đạo sư, và bệnh nhân không phải là môn đệ. Nếu đến với đạo sư như một bệnh nhân, bạn đi lạc đường, bởi vì Ngài không phải là bác sĩ tâm thần.

Tôi không phải là bác sĩ tâm thần. Nhiều người đến với tôi và nói, “Con bị khổ não vì những lo âu tinh thần, loạn thần kinh và những bận tâm khác.” Tôi bảo họ rằng, “Không sao hết. Tôi không chữa những lo âu của bạn. Tôi sẽ chữa bạn. Tôi không quan tâm đến bệnh tật của bạn, mà chỉ quan tâm về bạn thôi. Bệnh tật chỉ ở ngoài chu vi, mà chính bản thể của bạn thì chẳng có bệnh tật gì hết.” Một khi bạn đã nhận ra mình là ai, mọi chứng bệnh đều biến mất. Chúng tồn tại chỉ vì bạn đang che giấu cái ý thức về chính mình; bạn đang chạy trốn khỏi chính mình; bạn lẩn tránh sự đối mặt chỉ vì bạn không chịu nhìn vào chính bạn. Tại sao bạn không chịu nhìn vào chính mình? Điều gì đã xảy ra cho bạn? Trừ khi bạn sẵn sàng đối mặt với chính mình, bạn không thể là một môn đệ, bởi vì đạo sư sẽ chẳng làm được gì nếu bạn vẫn còn tránh né. Ngài chỉ có thể giúp bạn giáp mặt với chính bạn.

Tại sao bạn sợ như vậy?... Bởi vì một nhầm lẫn nào đó trong quá khứ. Một đứa trẻ sinh ra, và nó không được chấp nhận hoàn toàn. Nhiều điều phải thay đổi, phải ép buộc; nó phải được khép vào kỷ luật. Nó có những phần mà xã hội và cha mẹ không chấp nhận, nên những phần đó phải chối bỏ, đè nén; chỉ một phần nhỏ được chấp nhận và khuyến khích. Vì vậy nó phải cố gắng thực hiện những phần nhỏ đó. Nó phải chối bỏ những phần còn lại và không cho phép biểu lộ. Nó phải chối bỏ quá nhiều đến nỗi chính nó cũng không biết nữa.

Đó là ý nghĩa của đè nén, và toàn thể xã hội tồn tại nhờ đè nén. Phần lớn bản thể của đứa trẻ bị đè nén, bị nhét hoàn toàn vào bóng tối. Nhưng phần bị đè nén ấy cố khẳng định chính nó; nó nỗi loạn, phản ứng lại; nó muốn biểu lộ, và bạn phải trấn áp dài dài. Cho nên bạn sợ không dám đối mặt với chính mình, bởi vì cái gì sẽ xảy ra cho phần bị đè nén ấy? Nó sẽ trở lại; nó sẽ ngẩng đầu lên. Chuyện gì sẽ xảy ra cho phần vô thức. Nếu bạn đối mặt với chính mình thì sẽ chạm trán vô thức, và những gì bạn chối bỏ sẽ có mặt đầy đủ. Và điều đó làm cho bạn sợ. Trừ khi đứa trẻ được chấp nhận một cách trọn vẹn, sự sợ hãi này sẽ nằm chờ ở đó. Nhưng cho tới nay chưa có một xã hội nào chấp nhận đứa trẻ một cách trọn vẹn. Mà có lẽ không một xã hội nào có thể chấp nhận đứa trẻ một cách trọn vẹn; điều đó không thể xảy ra. Cho nên sự đè nén nhất định phải có, ít hay nhiều. Và mỗi người một ngày nào đó sẽ phải chạm trán với vấn đề đối mặt này. Bạn trở thành môn đệ cái ngày bạn quên hẳn mọi ý niệm về cái tốt, cái xấu; bạn bỏ sau lưng những gì được chấp nhận và những gì không được chấp nhận. Bạn chỉ trở thành môn đệ cái ngày bạn sẵn sàng lôi toàn thể con người bạn ra ánh sáng. Đạo sư chỉ là bà đỡ. Ngài giúp bạn đi qua một cuộc sống mới, để được tái sinh. Và thế nào là mối quan hệ giữa một đạo sư và môn đệ? Môn đệ phải tin tưởng; anh ta không thể nghi ngờ.

Nếu nghi ngờ anh ta không thể phơi bày chính mình. Khi bạn nghi ngờ người nào, bạn sẽ thu lại; bạn không thể mở rộng. Khi bạn nghi ngờ…. Một kẻ lạ mặt; thế thì bạn tự khép kín; bạn không thể rộng mở, vì bạn không biết kẻ lạ mặt này sẽ làm gì. Bạn không muốn bị người đó lừa đảo; bạn phải đề phòng và khoác lên áo giáp che thân.

Với một đạo sư bạn phải buông rơi áo giáp – đó là điều tối cần. Ngay cả với một tình nhân, bạn cũng mang áo giáp mỏng; khi bên cạnh người yêu, bạn cũng không hoàn toàn cởi mở. Nhưng với một đạo sư, sự cởi mở phải toàn phần, nếu không thì chẳng có gì sẽ xảy ra. Nếu bạn giữ lại chỉ một phần nhỏ của bạn, mối quan hệ với Ngài sẽ không xảy ra. Tin tưởng trọn vẹn là điều cần thiết; chỉ có thế thì những bí mật mới có thể tỏ lộ; chỉ có thế thì chìa khóa mới có thể trao cho bạn. Nếu bạn che dấu chính mình, nghĩa là bạn đang giằng co với Ngài, và thế thì không gì có thể hoàn thành được.

Tranh chấp không phải là lề lối của môn đệ; qui phục là chìa khóa. Và qui phục đã biến mất hoàn toàn khỏi thế giới này rồi. Nhiều điều đã dọn đường cho việc đó: trong ba hay bốn thế kỷ vừa qua con người đã được dạy để trở thành cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ; hắn không được dạy để qui phục mà phải đấu tranh, không phải vâng lời mà nổi loạn; hắn không được dạy để tin tưởng mà nghi ngờ. Điều đó có lý do: bởi vì khoa học phát triển qua sự nghi ngờ. Khoa học lấy nghi ngờ là nguyên tắc; nó không dùng đến niềm tin mà xây trên lôgic, lập luận, nghi ngờ.

Càng nghi ngờ, càng khoa học hơn. Phương pháp của khoa học trái ngược hoàn toàn với tôn giáo. Tôn giáo xây trên đức tin: càng tin tưởng bao nhiêu. bạn càng đạo đức bấy nhiêu. Khoa học làm ra nhiều phép lạ mà ai cũng thấy được. Tôn giáo tạo nên nhiều phép lạ hơn nhưng khó thấy được. Dù có đứng trước mặt một vị Phật, bạn cảm thấy gì nào? Bạn thấy gì chứ? Bạn không thể thấy Ngài bằng mắt thường – cái bạn thấy được chỉ là thể xác; nhìn bằng mắt thì Ngài cũng phải chết như mọi người, và Ngài sẽ già yếu rồi ngày nào đó chết đi. Về mặt vô hình thì Ngài bất tử. Nhưng bạn không có con mắt để nhìn thấy cái vô hình; bạn không có khả năng để cảm thấy cái thâm sâu nhất, cái không thể biết được. Đó là lý do tại sao những con mắt tin tưởng dần dần cảm thấy được và trở nên nhậy cảm hơn. Tin tưởng nghĩa là bạn không dùng đến đôi mắt nữa. Vì vậy tin tưởng là mù quáng, khác gì yêu là mù quáng – nhưng tin tưởng còn mù quáng hơn cả yêu nữa.

Còn tiếp.

rose4rose4rose4rose4rose4