KINH NGHIỆM TỐI THẮNG…



Trích từ tập Thiền Luận "MẬT TÔNG, TÂM THỨC TỐI THƯỢNG"
Tác giả: Osho
Việt Dịch: Minh Nguyệt
thuvienosho@yahoo.com

Trong Thánh ca của Tilopa(1) về Đại Thủ Ấn, ngài dạy rằng.


“Đại Thủ Ấn siêu việt trên mọi ngôn ngữ và biểu tượng.
Nay, ta truyền cho con, Naropa
Người hành giả trung hậu và kiên trì
Tánh Không một chỗ bám
Đại Thủ Ấn không nương tựa vào đâu
Không cần một chút công dụng nào
Chỉ để tâm buông xả tự nhiên
Con có thể đập tan gông xiềng
trói buộc tâm con và đạt đến sự Giải thoát…” ”


Kinh nghiệm Tối thắng không phải là một kinh nghiệm… bởi người kinh nghiệm đã biến mất. Khi không còn người kinh nghiệm nữa, điều gì có thể nói về nó? Ai sẽ đề cập đến nó? Còn ai sẽ thuật lại kinh nghiệm này? Khi không còn chủ thể, đối tượng biến mất… Bến bờ biến mất, chỉ còn dòng sông kinh nghiệm nổi trôi. Tri thức đọng lại, kẻ tri kiến không còn nữa.

Vấn đề này đã là một trong những vấn nạn của tất cả các huyền môn đạo sư. Họ đắc ngộ, nhưng họ không thể trao truyền cho các môn đồ. Họ không thể thuật lại cho môn đồ, người có đầy đủ trí năng thấu hiểu. Họ đã là Một với nó. Toàn bản thể của họ gắn liền với nó, nhưng họ không thể sử dụng trí năng để diễn đạt. Họ có thể trao truyền cho bạn nếu bạn sẵn sàng đón nhận. Họ có thể cho phép nó xảy ra trong bạn nếu bạn sẵn sàng đón nhận nó, nếu bạn lãnh hội và sẵn sàng mở rộng, nhưng ngôn ngữ thì không thể nào có thể diễn đạt. Biểu tượng không giúp đỡ được gì. Lý thuyết và giáo điều là vô dụng.

Kinh nghiệm là sự đang kinh nghiệm hơn là một kinh nghiệm. Nó là một tiến trình…Nó bắt đầu, nhưng không kết thúc. Bạn thấm nhập vào nó, nhưng bạn không chiếm hữu nó. Nó là giọt nước rơi trong đại dương, hay chính đại dương đang ngự trị nơi giọt nước trong suốt đó. Nó là sự thấm nhập sâu thẳm. Nó là Một. Bạn tan biến trong nó. Không còn gì để lại. Thậm chí, không còn một dấu vết nào. Cho nên, ai sẽ diễn đạt đây? Ai sẽ trở về với thung lũng của thế gian? Ai sẽ trở về trong màn đêm tăm tối để kể lại cho bạn?

Tất cả các huyền môn đạo sư khắp thế giới luôn cảm giác bất lực trước sự diễn đạt. Tương thông thì có thể, nhưng diễn đạt thì không. Điều này phải nên hiểu từ bước đầu. Cảm thông hoàn toàn là một bình diện khác. Hai trái tim gặp nhau. Một mối yêu thương. Diễn đạt từ trí qua trí. Cảm thông từ tâm qua tâm. Tương thông là một cảm giác. Truyền đạt là kiến thức, Vì vậy, chỉ có ngôn ngữ được trao truyền. Chỉ có ngôn ngữ được đón nhận và thấu hiểu. Ngôn ngữ chỉ có vậy. Bản chất của ngôn ngữ là một sự chết. Không có sinh khí nào chuyên chở qua chúng. Thậm chí, trong đời sống bình thường, huống chi là sự chứng đắc. Thậm chí, ngay ở một kinh nghiệm bình thường, khi bạn có khoảnh khắc tuyệt thú nhất, giây phút hoan lạc nhất, khi bạn cảm giác đang là một cái gì đó, và đang trở thành một cái gì đó. Bạn khó có thể diễn đạt kinh nghiệm Chứng đắc này qua ngôn ngữ.

Thưở còn thơ ấu, tôi thường dậy sớm vào mỗi sáng bình minh. Tôi tìm đến dòng sông. Trong một thôn xóm nhỏ, dòng sông thật là lười biếng, như nó không còn luân lưu. Mỗi ban mai, lúc mặt trời chưa lên, bạn không thể nhận thấy dòng sông đang lững lờ trôi theo dòng nước. Nó thật lười biếng và vắng lặng. Mỗi bình minh khi bờ sông lặng lờ yên tĩnh, người tắm sông vẫn chưa đến, thật là tịnh tĩnh. Thậm chí, các loài chim muông còn chưa thức dậy ca hót líu lo vào mỗi buổi sáng… thật sớm này. Không một âm thanh vang động. Chỉ có sự vô âm tuôn tràn. Hương soài phảng phất trên dòng sông bình lặng.

Tôi thường tìm đến bờ sông, đến tận cuối góc của dòng sông. Tôi ngồi đó một mình, chỉ hiện diện. Không tạo tác bất kỳ một hành động gì. Chỉ hiện hữu đã là quá đủ. Một kinh nghiệm thật đẹp khi tôi chỉ hiện hữu. Tôi sẽ tắm. Tôi sẽ bơi lội. Khi mặt trời lên, tôi sẽ tìm đến bến bờ bên kia, đến bờ cát nới rộng bao la, và làm khô mình dưới ánh nắng mặt trời. Tôi nằm đó. Có lúc, tôi đã ngủ thiếp đi. Khi tôi trở về nhà, mẹ tôi thường hỏi. “Con đã làm gì suốt một buổi sáng?” Tôi đáp. “Con không làm gì hết. “ Thật sự, tôi đã không làm gì hết. Bà nói. “Sao lại có thể như vậy được hở con? Trong bốn tiếng đồng hồ qua, con đã vắng mặt. Làm sao có thể con không làm một điều gì hết. Nhất định, con phải làm một điều gì đó.” Bà nói đúng, nhưng tôi cũng không sai.

Tôi không tạo tác bất kỳ một điều gì. Tôi chỉ hiện diện với dòng sông. Tôi chỉ bình thản ngắm nhìn quá trình diễn tiến của vạn vật. Nếu tôi cảm giác muốn bơi lội, hãy chú ý, nếu tôi cảm giác muốn bơi lội, tôi sẽ bơi lội. Không phải sự muốn này bắt nguồn qua tác ý. Tôi không cưỡng cầu bất cứ điều gì. Nếu tôi cảm giác muốn ngủ, tôi ngủ. Mọi sự tuần tự xảy ra, không một tác nhân. Kinh nghiệm Ngộ đầu tiên của tôi đã xảy ra bên cạnh dòng sông. Tôi không tạo tác một hành động gì. Tôi chỉ đơn giản hiện diện, và một ngàn lẻ một sự việc xảy ra…

Bà vẫn khăng khăng. “Nhất định con đã làm một điều gì đó rồi.” Tôi phải bảo bà. “Được rồi. Con có tắm, và con chờ nắng lên cho khô mình.” Bà lộ vẻ hài lòng, nhưng tôi thì không. Những gì xảy ra bên bờ sông không thể diễn đạt thành lời. “Con đã tắm tại nơi chốn đó.” Ngôn từ thật là nghèo nàn và lạt lẽo. Vui đùa với dòng sông, trôi trên dòng sông, bơi lội trong dòng sông, là một kinh nghiệm sâu sắc. Để nói rằng, “ Con đã tắm nơi chốn đó” không chuyên chở được một ý nghĩa nào hết. Nếu tôi nói, “Con đã tìm đến dòng sông. Con đã tản bộ bên bờ sông, và con đã tọa thiền nơi chốn đó,” cũng không diễn đạt được một điều gì.

Thậm chí, trong đời sống hằng ngày, bạn cảm nhận được vốn liếng nghèo nàn của ngôn ngữ. Nếu bạn không cảm nhận được sự nghèo nàn của ngôn ngữ, điều này cho thấy rằng bạn chưa hề biết sống. Sự kiện đó cho thấy rằng bạn sống thật là nông cạn. Nếu kinh nghiệm đang sống của bạn có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ, như vậy, bạn đã chưa hề biết sống...

Lần đầu tiên, có một sự kiện nào đó xảy ra, siêu vượt trên cả ngôn ngữ, sự sống xảy ra với bạn. Sự sống gõ cửa bạn. Khi sự Chứng đắc gõ cửa bạn, bạn siêu vượt trên ngôn ngữ… Bạn trở nên đần độn. Bạn không thể thốt được nên lời. Thậm chí, không một ngôn từ nào có thể nhóm tụ bên trong… Bất kỳ điều gì bạn thốt lên cũng sẽ cực kỳ nhạt nhẽo, khô khan, và vô ý nghĩa. Nó sẽ không chuyên chở một ý nghĩa trọng đại nào. Như bạn đã đối xử một cách bất công với những kinh nghiệm đã xảy ra với bạn. Tôi xin bạn hãy nhớ kỹ điều này, bởi Đại Thủ Ấn là một kinh nghiệm tối hậu nhất, một kinh nghiệm về sự chứng đắc tâm thức tối thượng...

Đại Thủ Ấn là sự phúc lạc hoàn toàn với vũ trụ. Nếu bạn yêu thương một ai, có đôi lúc, bạn cảm giác như bạn muốn tan biến và thấm nhập vào người đó… Hai sẽ không còn là hai nữa. Cơ thể tuy cách biệt, nhưng có một điều gì đó ngự trị giữa cơ thể, là một chiếc cầu nối liền. Một chiếc cầu vòng, nơi chốn đó cả hai đồng biến mất. Một năng lượng sống chấn động trên hai đối cực… nếu nó xảy đến với bạn. Chỉ có như vậy, bạn mới thẩu hiểu được Đại Thủ Ấn là gì. Kinh nghiệm này hàng triệu, hàng triệu lần sâu thẳm hơn, và hàng triệu, hàng triệu lần ngây ngất hơn. Nó là Đại Thủ Ấn. Đây là sự tối an lạc cùng vạn hữu, cùng vũ trụ. Nó là sự tan biến trong tận nguồn khởi nguyên của tự tánh.

Còn tiếp.

CHÚ THÍCH:
1. Cái Nhìn Của Một Hành Giả Về Bộ Đại Thủ Ấn (Mahamudra). Diệu Pháp Đại Không Thủ Ấn. Cư Sĩ Liên Hoa.

2. Ðại Thủ Ấn, Mahamudra, là một phép thiền quán khảo sát nội tâm, nhằm loại trừ tất cả ảo tưởng và phú chướng từ đời vô thỉ đã bao phủ dày đặc bản tâm.


rose4rose4rose4rose4rose4rose4rose4rose4rose4