Thế Giới Của Mật Tông

Trích từ tác phẩm"Mật Tông Tâm Pháp"
Bàn về bộ kinh Vigyana Bhairava Tantra
với 112 Phương Pháp Thiền Của Shiva
Chuyển ngữ: Vạn Sơn 2007
thuviennosho@yahoo.com


Giới Thiệu

Osho nói rằng thiền là một khoa học. Đó là một phát biểu rất đơn giản nhưng có rất nhiều ý nghĩa. Thiền không phải tín ngưỡng, không phải giáo điều, không phải nghi lễ mà là một khoa học, một sự thí nghiệm không phải với thế giới bên ngoài, mà trong thế giới nội tâm của hành giả.

Khoa học đó đã được các nhà huyền môn thực hành trong nhiều ngàn năm mà đám đông chỉ nghe nói tới. Kiến thức đó không thể học qua sách vở, mặc dù tài liệu về khoa học đó không hề thiếu, chẳng hạn bộ Mật Tông Tâm Pháp này. Tuy nhiên, ý nghĩa của những thánh thư đó chỉ có thể được truyền bởi những người đã đi qua những con đường đó. Chúng chỉ có thể được truyền từ đạo sư qua đệ tử.

Con người hiện đại, đặc biệt là Tây Phương, và Đông Phương ngày càng bị Tây Phương hóa, đã quên hẳn thiền là gì; tất cả đã thay nó bằng tín ngưỡng và nghi lễ. Chúng ta có những thoáng nhìn về thiền khi bị ngẩn ngơ trước vẻ đẹp, hay câm nín khi được yêu. Nhưng chúng ta đã được điều kiện hóa để nhìn ra ngoài, đến nỗi chúng ta quên hẳn thế nào là nhìn vào bên trong. Mà nếu thỉnh thoảng có nhìn vào bên trong, chúng ta rất căng thẳng, rất phức tạp, quá bận rộn về những ưu tư bên ngoài đến nỗi chúng ta không biết bắt đầu từ đâu, hay bằng cách nào.

Đó là việc làm của Osho. Ngài đã dành cả đời hoằng pháp của Ngài để làm sáng tỏ khoa học đó và giúp con người hiện đại hiểu được nó. Những bài giảng về những phương pháp mà Shiva nói với hiền thê Devi là một trong những kiệt tác của Osho. Những bài giảng của Ngài về một trăm mười hai phương pháp thiền của bộ Mật Tông Tâm Pháp này là toàn bộ khoa học về thiền. Osho nói rằng bộ kinh ấy đều có những phương pháp cho mỗi loại người trên thế gian này. Ngài giảng mỗi phương pháp và trả lời những câu hỏi liên quan đến những phương pháp đó. Ngài khuyến khích người nghe thực tập những phương pháp đó một cách thư giãn để biết phương pháp nào thích hợp với mình, mà nếu đã thử tất cả mà không cảm thấy cái nào thích hợp, thiền không phải là cái họ phải quan tâm.

Cho nên điều quan trọng nhất là bạn không phải chỉ là một độc giả, mà là một khoa học gia của chính thế giới nội tâm của bạn. Và một vài điều có thể hữu ích cho bạn nên chúng tôi muốn nêu ra trong phần giới thiệu này.

Trong phần đầu của tập sách này Osho so sánh giữa Yoga và Mật tông. Yoga là con đường của ý chí, mà Mật tông là con đường buông thả, tự nhiên. Ngài nói rằng Tây Phương đã có một ý chí được phát triển rất mạnh, và vì lý do đó Yoga không giúp họ được nhiều lắm. Mật tông là con đường xây trên sự chấp nhận. Ngài nói,

"Mật tông nói bạn phải chấp nhận bất cứ bạn là gì. Bạn là một bí ẩn với nhiều sinh lực trong mọi chiều. Hãy chấp nhận sinh lực đó với sự nhạy cảm sâu sắc, với tỉnh thức, với tình yêu, với hiểu biết. Hãy đi theo sinh lực ấy. Được vậy thì mỗi ham muốn đều trở thành một phương tiện để vượt qua nó, và mọi sinh lực đều có lợi ích riêng của nó. Và thế giới này sẽ là Niết Bàn; thân xác này sẽ là một đền thờ."

Osho cũng nói rằng nếu biết thế nào là yêu, chúng ta chẳng cần phải học một phương pháp thiền nào cả. Bởi vì nhiều lắm là chúng ta chỉ có những thoáng nhìn về tình yêu, những phương pháp này có thể giúp chúng ta vượt qua giới hạn của chúng ta. Nhưng nếu không được Osho hướng dẫn, những phương pháp này thật là khó hiểu.

Osho giải thích mỗi phương pháp một cách kiên nhẫn, và Ngài nói rõ phương pháp nào thích hợp loại người nào. Chẳng hạn, có những phương pháp thích hợp giới trí thức; lại có những phương pháp hợp với người nhiều cảm xúc.

"Suy nghĩ và cảm xúc là hai loại căn bản. Bạn phải biết bạn thuộc loại nào. Và chẳng có loại nào cao, loại nào thấp. Đừng nghĩ rằng trí thức cao hơn cảm xúc. Không! Chúng chỉ là những loại người khác nhau. Không có ai cao hơn hay thấp hơn."

Chỉ riêng lời khuyên này cũng tiết kiệm cho chúng ta rất nhiều thời giờ để biết phương pháp nào không hợp với loại người của chúng ta.

Những phương pháp này này cũng khác hẳn nhau vì chúng dựa vào giác quan. Có cái liên quan đến mắt, đến thị giác, đến hình ảnh. Có những phương pháp dùng cho âm thanh. Lại có cái áp dụng cho vị giác và khứu giác.

Những phương pháp ấy cũng có liên hệ với những trung tâm sinh lực của cơ thể. Có những phương pháp giúp đưa sinh lực xuống những luân xa bên dưới, đến trung tâm dục, đến đan điền, và có những phương pháp để khai thông sinh lực của trái tim, của cuống họng, của mắt thứ ba hay đỉnh đầu.

Vì những phương pháp này do Shiva đặt ra để dạy cho hiền thê Devi, nhiều phương pháp đó rất thích hợp với phụ nữ. Vì lý do đó Osho đã bàn nhiều về sự khác nhau giữa sinh lực của phái nam và phái nữ. Ngài vạch ra phương pháp nào thích hợp với đàn ông, phương pháp nào hợp với đàn bà.

Thí nghiệm với các phương pháp.

Mặc dù đã rất lâu đời, những phương pháp này vẫn còn thích hợp với người đời nay, mà có lẽ còn hơn thế nữa, nếu được áp dụng theo sự hướng dẫn của Osho. Trong ba năm qua Deva Wadud và tôi đã dùng những phương pháp đó trong các khóa huấn luyện Khoa học Huyền bí tai đại học đường Osho ở Poona, Ấn Độ. Một trăm mười hai phương pháp đó không thể dạy hết trong ba tháng. Cho nên chúng tôi chỉ dùng một phần nhỏ khi nghe học viên phát biểu ý kiến. Diễn tả kinh nghiệm thiền bằng lời là một điều không thể làm được. Và chỉ có người điên mới muốn giải thích kinh nghiệm thiền của mình. Dĩ nhiên là nó chẳng làm hại ai, nhưng đó là một việc làm vô ích.

Chẳng hạn, trong giai đoạn đầu của khóa thiền, học viên ra vườn để nhìn hoa lá, nhưng tới một điểm nào đó hướng nhìn được thay đổi, và họ phải hướng sinh lực trở về bên trong qua đôi mắt. Osho giảng về pháp thiền này như sau:

"Khi bạn nhìn một bông hoa, hay một người, một loại sinh lực nào đó được tạo ra. Cái nhìn của bạn tạo ra sinh lực… bỗng dưng, sự chú ý của bạn từ bông hoa đó trở lại với chính bạn. Nó đã trở thành một vòng tròn… Và nếu lúc đó bạn không có một ý tưởng nào, hiện tượng này sẽ xảy ra. Thế thì bạn không chỉ nhìn hoa mà bạn đang nhìn cả người nhìn hoa nữa. Người nhìn hoa và hoa đã trở thành hai khách thể, trong lúc bạn quan sát cả hai."

Sau khi đã tập phương pháp này, có người nói, “Tôi cảm thấy như thể hoa đang nhìn tôi,” hoặc “Tôi cảm thấy hoa rất yêu tôi.” Người khác nói, “Tôi cảm thấy như thể hoa va tôi đã làm một.” Người khác lại nói, “Tôi cảm thấy chẳng có sự tách biệt nào giữa hoa và tôi.” Người đời sẽ cho rằng nhiều người chúng ta đã trở nên khùng điên, lập dị nếu nghe được những câu như thế.

Vì vậy, trong nhiều lần chia sẻ kinh nghiệm, chúng tôi phải lắng nghe cả từ những người đã từng thiền, và phải nghe “bằng con tim.” Nếu không, chúng tôi không thể hiểu được người ấy đang muốn nói gì.

Đôi khi có người có phản ứng trong cơ thể khi thực tập phương pháp thiền nhìn này. Có người cảm thấy nóng bỏng ở mắt, và nước mắt chảy dài, hoặc muốn mở to mắt ra những chúng cứ nhắm lại. Có người có phản ứng khác nên chúng tôi phải bảo họ đi bác sĩ. Nếu bác sĩ nói không có gì bất bình thường, chúng tôi đoán rằng chuyện gì đó đã xảy ra cho sinh lực của họ.

Trong trường hợp đó chúng tôi giúp họ thiền một cách thoải mái, nhưng phần lớn là họ có thể tự tìm ra cách để sinh lực có thể lưu thông một cách tự nhiên. Kết quả là cơ thể của họ được thư giãn và những phản ứng ấy sẽ biến mất. Và sau một thời gian họ có thể mở mắt thật lâu mà không phải dụi mắt.
Sau đó có người trở lại nói rằng, “Tôi có thể áp dụng phương pháp thiền nhìn này bất cứ nơi nào, thậm chí khi họ đang sắp hàng, hoặc khi đi trên phố, hoặc khi chờ khám bệnh. Tất cả trở nên ổn định yên tĩnh. Nhưng tôi không muốn nói với y tá rằng hoa đang nhìn tôi!”

Con Tim Là Cánh Cửa

Thật ra, theo kinh nghiệm của tôi, những phương pháp thiền bằng con tim là chỗ quan trọng nhất để bắt đầu toàn thể quá trình thiền. Thiền có thể được nói là có hai giai đoạn: từ trung tâm đầu xuống trung tâm tim, và từ tim xuống đan điền, trung tâm nguyên thủy. Cho nên chúng tôi giới thiệu những phương pháp thiền bằng con tim ngay từ đầu khóa học, và trong suốt ba tháng thiền ấy chúng tôi đào sâu vào phương pháp ấy. Ban đầu học viên không nhận ra khoảng trống trong con tim. Osho nói với điều đó như sau:

Có đủ loại học đường, đại học rèn luyện tâm trí, nhưng không có chỗ nào dạy về con tim cả… Thật vậy, con người càng trở nên văn minh, con tim càng bị lãng quên hơn. Chúng ta đã quên hẳn nó – rằng nó tồn tại, hoặc không nghĩ rằng nó cần phải được huấn luyện.

Cho nên chúng ta phải đến với con tim một cách gián tiếp. Trong một lần thực hành, học viên cứ hai người ngồi đối diện nhau; họ cố điều chỉnh vào cảm xúc bên trong của nhau. Phần lớn rất ngạc nhiên và thích thú khi thấy rằng chín mươi phần trăm cảm giác của họ rất chính xác. Trong giai đoạn này họ có khuynh hướng là họ có thể cảm thấy được con tim của người khác. Nhưng không nhất thiết phải như vậy.

Một phương pháp thiền nhìn mà chúng tôi dùng là “Con mắt của tình nhân.” Chúng tôi bảo học viên nhắm mắt và hồi tưởng lại cách mà họ nhìn người yêu, hay một đứa trẻ mới sinh. Sau đó chúng tôi bảo họ mở mắt ra mà nhìn những người trong phòng với cùng ánh mắt ấy. Phương pháp “con mắt của tình nhân” rất hiệu nghiệm trong việc giúp mọi người hòa nhập với nhau. Nhưng sự hòa thuận này cũng không đúng là sinh lực của con tim, mà thuộc về trung tâm thứ hai, mặc dù nó cũng bao gồm cả trung tâm tim.

Một cách khác để hòa nhập với người khác là lắng nghe với phương pháp con tim mà chúng tôi đã đề cập tới. Học viên chỉ cần tưởng tượng rằng mọi âm thanh, mọi tiếng động mà họ nghe được trong phòng là những âm thanh phát ra từ trái tim của người đối diện, và âm thanh đó đi vào con tim của mình. Phương pháp này không khác thiền nhìn, nhưng nó hợp với người thính tai hơn. Nó giúp học viên hòa nhập vào sinh lực và cảm xúc của người khác.

Chúng tôi bắt đầu với những kinh nghiệm này mặc dù chúng không phải là phương pháp thiền con tim, bởi vì nó hơi giống cách học lái xe đạp. Lúc đầu người ấy phải té nhiều lần. Người ấy phải tập trung vào chân đang đạp xe, và phải tập trung vào tay lái để có thể giữ xe được cân bằng mà đi về hướng mà người ấy muốn. Người ấy phải nhìn vào mọi hướng để không đâm sầm vào những chướng ngại trước mặt. Cùng một lúc người ấy phải nhớ cách sang số, và phải nhớ thắng xe ở đâu. Lúc đầu rất là phức tạp. Nhưng dần dần người ấy tìm ra được cách để lái xe một cách dễ dàng. Những phương pháp thiền con tim cũng tương tự như thế.

Những bước đầu rất quan trọng nên chúng tôi áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Chẳng hạn, phương pháp hòa nhập vào ý thức của người khác. Vì đang trong giai đoạn đầu, khó mà học viên có được kinh nghiệm về ý thức của người khác, nhưng họ có thể cảm thấy như thể họ đang ở trong hoàn cảnh của người khác, và cảm thấy được cảm xúc của người khác. Thường thì họ biết được cảm xúc bên trong của người khác. Điều này chúng ta có thể cảm thấy được qua luân xa thứ hai. Đó không phải là sinh lực của trung tâm tim, mà là sinh lực của luân xa thứ hai; đó là nơi thuận tiện nhất để bắt đầu.

Sau này khi học viên đã học được nhiều phương pháp, họ có thể xuyên thấu qua nhiều tầng lớp cảm xúc và tình cảm mà đi vào một không gian mà chúng tôi gọi là “khoảng trống của con tim”. Tại đây cảm xúc thay đổi từ đam mê đến trầm tĩnh. Đó là thời điểm mà học viên kinh nghiệm được sự mở rộng của con tim. Trước đó đôi khi họ cảm thấy được sự mở rộng của con tim, nhưng cảm giác đó không kéo dài được lâu.

Một khi con tim đã mở ra, học viên có thể chấp nhận sự việc một cách dễ dàng. Một khi sự chấp nhận sâu sắc ấy xảy ra, người ấy có khả năng hướng về bên trong mà quan sát những gì đang xảy ra bên trong của họ. Nếu sự chấp nhận này không xảy ra, khó mà quan sát được thế giới nội tâm của mình.
Chúng ta đã được dạy để phán xét, phê bình, để chối bỏ chính mình. Cho nên những gì bị phán xét, bị phê bình và chối bỏ sẽ lẩn trốn bên trong, và khó mà chúng ta thấy được chúng. Chúng ta chỉ quan sát được chúng khi con tim đã mở ra.

Đó là lý do mà chúng tôi nghĩ rằng Osho đã nói rằng con tim là cánh cửa dẫn về thiền. Khi khoảng trống này, sự chấp nhận này xuất hiện, nó không phải là cảm giác đam mê mà người đời nghĩ là tình yêu – vốn chỉ là một phản ứng hóa học và hoóc-môn với người khác, với một sự gắn bó mạnh mẽ, hoặc hấp dẫn mà chúng ta thường gọi là tình yêu.

Vì lý do đó chúng tôi không dùng cụm từ “tình yêu” trong khóa học, bởi vì ý nghĩa ấy rất hỗn độn đối với nhiều người. Osho nói,

"Tình yêu tự nó là một phương pháp tốt nhất, nhưng khó mà có tình yêu đối với con người ngày nay. Yêu nghĩa là phải lấy bạn ra khỏi ý thức của bạn, và bạn phải đặt người khác trong cùng một chỗ mà cái tôi của bạn đang ngự trị. Thay thế bạn bằng người khác nghĩa là yêu."

Với quan niệm về tình yêu như thế tôi không nghĩ mấy người trong chúng ta có thể hiểu được tình yêu là gì. Cho nên chúng tôi cố tránh dùng cụm từ “tình yêu” mà dùng các cụm từ như chấp nhận, từ bi, trực giác, thinh lặng, tin tưởng. Đó là những phẩm chất được cảm thấy lần đầu tiên khi trung tâm tim thực sự mở ra.

Lý do mà một người không thể có kinh nghiệm thiền cho đến khi trung tâm tim mở ra vì điều kiện ắt có là người ấy không phán xét. Osho đã nói rằng phẩm chất tối quan trọng của thiền là quan sát, thư giãn và không phán xét. Chỉ khi trung tâm tim mở ra ta mới có thể chấp nhận và không phán xét. Lúc đó chúng ta mới có thể nhìn vào bên trong của chúng ta. Có những người đi trước chúng ta vài bước, và họ có thể nhìn vào bên trong chúng ta, nhưng điều quan trọng không phải người khác có thể nhìn được, mà là chính người ấy phải nhìn được bên trong của mình với sự chấp nhận, hay không phán xét, không chối bỏ, không cố thay đổi nó. Thậm chí chỉ ý tưởng muốn thay đổi nó cũng là sự phán xét chính bạn một cách tinh tế.

Cho nên khi con tim mở ra, và sự chấp nhận được cảm thấy, bạn sẽ có nhiều bộc phát về sinh lực, tự phát, hỗn độn và vui đùa. Và sau kinh nghiệm đó người ấy không tăng trưởng theo đường thẳng nữa – không phải từng bước một – nhưng tăng trưởng một cách nhảy vọt. Và nhiều sáng tạo được tạo ra trong quá trình đó.


Còn tiếp.

rose4rose4rose4rose4rose4rose4rose4rose4