Thời xa xưa, trong kho truyền thuyết của nhiều dân tộc trên thế giới đều có đề cập đến loài xà tinh khổng lồ. Thời kỳ hiện đại, cũng có không ít ghi nhận về những cuộc chạm trán giữa con người với sinh vật biển bí ẩn. Nhân chứng chủ yếu là thủy thủ trên các tàu buôn và hải quân...

Trường hợp của cựu quan chức hải quân Liên Xô (cũ) Y. Starikov là một điển hình. Ông và nhiều thành viên thủy thủ đoàn từng chứng kiến một con rắn biển khổng lồ ở gần vịnh Kunashir thuộc quần đảo phía Nam Kurile. Cuộc chạm trán tình cờ xảy ra vào năm 1953 khi sinh vật này bơi ngang qua tàu họ với vận tốc cao. Sau đó, nó mất hút vào đại dương mà không để lại một dấu vết nào...

Thủy quái sợ ánh sáng

Các thành viên của thủy thủ đoàn trên tàu tuần tiễu SKR-55 thuộc hải quân Liên Xô dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng A. Lezov đã vài lần nhìn thấy một con rắn biển khổng lồ bơi khá gần thuyền của họ khi đang tuần tiễu ở vùng biển phía Bắc Barent. Con rắn này có màu nâu xám, trong khi vụ đụng độ tương tự xảy ra ở vùng biển Nam cực lại là một con có màu nâu sáng...

Chỉ riêng trong năm 1966, hai tàu thăm dò dầu khí Bleat và Ridgeway của Mỹ đã cung cấp cho các nhà khoa học nhiều thông tin về những cuộc chạm trán với loài rắn biển khổng lồ khi họ đi qua Đại Tây Dương. Nhiều thành viên đoàn thám hiểm cả quyết đã nhìn thấy một chiếc đầu rắn khổng lồ nhô lên khỏi mặt nước trên chiếc cổ dài khoảng 2 m màu xanh sẫm, đặc biệt là đôi mắt lồi ra to như chiếc đĩa. Sau khi bơi vượt qua tàu họ, nó phóng nhanh về phía trước, để lộ phần cơ thể đồ sộ trên mặt nước và dần mất hút vào đại dương. Theo các nhà thám hiểm, sinh vật sợ ánh sáng này thường chỉ trồi lên mặt nước vào ban đêm, có thể xuất hiện khá gần tàu bè...

Trong cuốn The Marine Charts ấn hành từ thế kỷ XVI, nhà khoa học Thụy Điển Olaus Magnus đã đưa ra những chứng cứ lịch sử và địa lý về sinh vật có sức mạnh bí ẩn này. Ông cho rằng mối nguy hiểm tiềm ẩn đến từ biển sâu này thường xuất hiện vào ban đêm và từng tấn công tàu bè, đặc biệt nguy hiểm với các tàu nhỏ, nên các thủy thủ luôn được thông báo không đi vào những vùng biển lạ, nhất là vào ban đêm. Nhiều thủy thủ được cứu thoát do tàu bị lạc đã cho biết, những con mèo họ nuôi trên tàu lộ rõ sự sợ hãi như kêu rên và run cóng do lạnh...

Nhà sinh vật học nổi tiếng Bernard Eiwelmans ở Viện Khoa học tự nhiên Hoàng gia Bỉ, có trụ sở ở thủ đô Brussels, đã có công thu thập nhiều thông tin về loài rắn biển khổng lồ và hệ thống hóa theo 9 lớp cơ bản, nổi bật nhất là loài xà tinh trong các truyện thần thoại của nhiều nền văn hóa thế giới. Trong khi những nền văn hóa phương Đông rất tôn kính loài quái vật này và coi như con vật may mắn, thì người dân châu Âu lại xem loài bò sát khổng lồ này là hiện thân của yêu tinh. Trong cuốn The Giant Sea Serpent (Rắn biển khổng lồ), ông cho biết sinh vật được coi là “chúa tể rồng” này có một sức mạnh bí ẩn chi phối mọi sự sống, có thể dài đến... nửa cây số (!). Chính sức mạnh ấy đã giúp nó kiểm soát biển sâu, đại dương, sông suối và tất cả các cư dân đại dương trên thế giới. Loài này có nhiều màu, từ xanh sẫm, đỏ, vàng trắng và cả màu đen như ở vùng biển Bắc và các đại dương phía Đông.

Cá voi tự sát vì sợ rắn biển?

Trong những thập kỷ qua, tại nhiều vùng khác nhau trên thế giới, người ta thường chứng kiến những cuộc “tự sát tập thể” của các loài cá heo, cá mập và đặc biệt là những con cá voi khổng lồ trên các bãi biển. Cư dân vạn chài ở vùng Nam và Bắc Mỹ, Nam Ohi, quần đảo Tasmania của Úc và cả Nhật Bản... từng chứng kiến nhiều trường hợp chạy nạn của những động vật biển, đôi khi chúng bơi cả lên bờ, thường từ tháng 12 đến tháng 3.

Một số trường hợp cả đàn chạy thẳng lên bãi biển với vận tốc lớn như thể đang cố tìm nơi ẩn náu nguy hiểm. Hầu hết chúng đều có xu hướng trở lại biển sau khi được nhân viên cứu hộ giúp đỡ, nhưng thường sẽ bơi đi nhanh hơn nếu được phóng thích ở vùng biển khác...

Nhiều năm qua, người dân ở vùng bãi biển phía Tây nước Mỹ thường chứng kiến các đàn cá heo “diễu hành” qua lại nhiều lần dọc bờ biển trước khi nhảy lên bờ tự sát. Điều gì khiến loài động vật thông minh này phải leo cả lên bờ vào cuối cuộc diễu hành?

Trong khi một số nhà sinh vật học tin rằng cá heo bị rắn biển khổng lồ tấn công từ ngoài khơi (?) thì một số khác cho rằng là do một số tác động vật lý hay địa lý và cả vấn đề sinh học cơ thể được tạo ra bởi một nguồn sức mạnh bí hiểm nào đó.

Một số nhà nghiên cứu còn suy đoán, chính sự phóng thích năng lượng trái đất đã ném các loài sinh vật biển lên bờ, đặc biệt sự phóng thích năng lượng này có thể được tạo ra bởi một sinh vật bí hiểm nào đó. Và nổi bật hơn hết trong số các giả thuyết là sư tử đại dương.

Sư tử đại dương biết thôi miên?

So với não bộ của cá heo, não bộ sư tử đại dương phát triển hơn nhiều. Sự hoạt động não bộ của sư tử đại dương có thể gây ra tác động thôi miên đối với loài cá heo, do phóng thích ra những xung điện có tần số cao, tạo sự khuấy động có xu hướng hoảng loạn đối với các động vật biển kể trên.

Các loài nhạy cảm như cá heo... sẽ bắt đầu chạy trốn khi các xung tần số bức xạ cao xảy ra trong phạm vi bán kính tác động. Sư tử đại dương chỉ sống trong những hang sâu trong lòng đại dương, được nối thông với những hang ngầm dưới đại dương và trên đất liền tại những vùng đảo đá vôi hay khu vực ven biển.

Các nhà khoa học đã ghi nhận ít nhất 7 loài sư tử đại dương khác nhau trên thế giới, chiếm cứ những vùng biển gần Greenland và khu vực phía Đông Caribbean. Sinh vật biển bí hiểm này cũng được cho là thường sống ở Đông Tierra del Fuego, phần cuối phía Nam Ấn Độ Dương gần với Nam cực. Sư tử đại dương không ăn cá heo, nhưng lại tác động rất mạnh đến cá heo vốn mẫn cảm với tần số bức xạ sinh học của nó, nên đã gây ra những hiện tượng bí ẩn như tự sát tập thể.

NGUYÊN HÙNG (Theo báo Sự Thật)
http://www.nld.com.vn/tintuc/the-gio...ieu/210614.asp