Quy tắc chốn phòng the của võ sĩ Nhật thời Trung Cổ


(Thâm cung bí sử) - Trong suốt 7 thế kỷ, từ cuối thế kỷ 12 cho tới cuối thế kỷ 19, Nhật Bản bị đặt dưới sự cai trị của các thống lĩnh quân đội, triều đình Thiên hoàng dường như chỉ là bù nhìn. Chính vì vậy, Mạc phủ chính là nơi tập trung quyền lực bậc nhất, quyết định mọi vấn đề lớn của quốc gia. Chính vì thế, những câu chuyện chốn phòng the kỳ bí nhất cũng bắt nguồn từ chính nơi này…


Vợ cả không được phép có con

Người ta thường nói, vào thời kỳ chế độ chính trị Mạc phủ đã thuần thục thì những “chính thất” (vợ cả, được cưới chính thức) của các vị tướng quân trong Mạc phủ bắt đầu trở thành những hiện tượng quái lạ. Các tướng quân lựa chọn phu nhân ra sao.

Đương nhiên chủ yếu là những cô gái con nhà quý tộc, bản thân tướng quân nhiều khi không có quyền phát ngôn. Những cuộc hôn nhân chính trị như vậy là chuyện thường gặp, đặc biệt là trong thời phong kiến. Tuy nhiên, điều kỳ quái chính là ở 1 quy tắc ngầm mà người ta đặt ra cho các tướng quân: Không được phép làm các bà vợ cả… có thai.

Quy tắc này có thể sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Bởi lẽ, trong những triều đình phong kiến khác, hoàng hậu chỉ mong sao mau mau chóng chóng sinh được 1 đứa con, đặc biệt là con trai. Bởi lẽ, con trai do hoàng hậu sinh ra tức là dòng đích.

Nếu như có con trai do hoàng hậu sinh ra, triều đình sẽ bớt đi được rất nhiều chuyện anh em tàn sát lẫn nhau, các quan đại thần chia bè kết đảng, làm loạn triều chính.

Vậy vì sao các tướng quân Mạc phủ của Nhật Bản thời xa xưa lại không được phép để vợ cả mang thai? Hơn nữa, thời bấy giờ chưa có biện pháp tránh thai, cũng chẳng thể thực hiện các phẫu thuật triệt sản, vậy các vị tướng quân này làm sao để bảo đảm là không có chuyện “ngoài ý muốn”? Hóa ra, đằng sau nguyên tắc có vẻ hài hước này chính là một vấn đề chính trị rất nghiêm túc.

Thế cục chính trị của Nhật Bản lúc bấy giờ khá là cổ quái. Một mặt, Thiên hoàng được coi như thần thánh, là người có quyền lực tối cao về mặt danh nghĩa. Mặt khác, người cầm quyền thực sự, nắm mọi quyền sinh sát lại chính là các tướng quân.

Thực tế, mô hình cai trị ở Nhật Bản lúc bấy giờ giống với thời vua Lê chúa Trịnh ở Việt Nam. Vua Lê là người đứng đầu triều đình về mặt danh nghĩa nhưng các chúa Trịnh mới là người nắm thực quyền.

Người Việt Nam ta có câu vua chúa cũng chính là vì chế độ cai trị này. Tại Nhật Bản, các “chúa” chính là các vị tướng quân nắm quyền ở Mạc phủ.

Thời bấy giờ, thiên hoàng phụ trách phần lễ nghi còn các tướng quân phụ trách phần thống trị. Việc phân chia thu nhập cũng được quy định theo tỉ lệ: Tướng quân mỗi năm 4 triệu thạch, thiên hoàng mỗi năm 50 ngàn thạch.

Tỉ lệ thu nhập giữa hai bên dường như là nghịch lý, thiên hoàng chỉ được hưởng lương bằng 1/100 của tướng quân.

Tuy nhiên, thời bấy giờ người ta lại coi đó là chuyện rất bình thường, thậm chí hợp lý. Thiên hoàng ngài chẳng phải là con của trời hay sao, dùng tiền của người phàm làm gì mà muốn nhiều?

Vì thế, tuy thân là hoàng đế một nước nhưng thiên hoàng thời Mạc phủ thường xuyên phải lâm vào cảnh túng quẫn, cơm của người hầu kẻ hạ thường xuyên phải độn vài phần cám.

Trong tình cảnh đó, giả như thiên hoàng có xuống chiếu đòi thêm quần áo, thu nhập thì không những chẳng có người hưởng ứng mà ngược lại, thậm chí còn cho rằng vị thiên hoàng có vấn đề về đầu óc. Hay là khởi binh tạo phản? Là vua 1 nước, sao phải khởi binh tạo phản, đó chẳng phải là việc đáng mặt của một hoàng đế, nhất quyết không thể làm.

Không những bị các vị tướng quân chèn ép, thiên hoàng có thể bị họ ép phải thoái vị bất cứ lúc nào. Vậy chẳng phải các vị tướng quân mới thực sự là hoàng đế hay sao?



Tướng quân Tokugawa
Trên thực tế, các tướng quân đứng đầu Mạc phủ dù một tay che trời, song về danh nghĩa thì họ vẫn phải tuân lệnh của thiên hoàng, do vậy có những lúc không thể thoát tình huống oái oăm.

Chẳng hạn như gia tộc Tokugawa dưới thời Mạc phủ Tokugawa (bắt đầu từ năm 1600 cho đến Minh Trị Duy Tân năm 1868) vốn chẳng phải là một danh gia vọng tộc gì, vì vậy thường bị giới quý tộc cũ của Nhật Bản coi thường.

Tại một quốc gia coi trọng huyết thống như Nhật Bản gia tộc Tokugawa buộc phải tìm cách nâng cao danh vọng của gia tộc mình.

Vì thế, từ thế hệ thứ ba, tướng quân Iemitsu trở đi, gia tộc Tokugawa bắt đầu tìm kiếm những người vợ chính thất là con cháu những quý tộc ở kinh đô, bao gồm cả thiên hoàng. Việc kết thân với quý tộc cũ được coi gia tộc Tokugawa coi là một phương pháp hữu hiệu để nâng cao danh vọng của gia tộc mình.

Tuy nhiên điều này cũng tạo ra một nguy cơ, đó là những người phụ nữ quý tộc được cưới về hoặc con cháu do họ đẻ ra sau này rất có thể sẽ khống chế cục diện của Mạc phủ.

Khi ấy, việc kết thân với quý tộc không những không mang lại hiệu quả mà còn phản tác dụng, tước đoạt quyền lực mà tổ tiên dòng họ Tokugawa dày công xây dựng.

Vậy phải làm cách nào để vừa có thể kết thân mà lại tránh được hậu họa về sau? Những người của dòng họ Tokugawa đã nghĩ ra một cách vô cùng nhẫn tâm, đó là tước đoạt quyền sinh dục của những người phụ nữ được cưới về.

Không chỉ những người chính thất xuất thân quý tộc tuyệt đối không được phép có con mà trong số những người vợ bé nếu như ai có xuất thân quý tộc cũng tuyệt đối không được phép có con.

Người phụ nữ bị tước đoạt mất chức năng thiên bẩm của mình là sinh con, lại sống trong một xã hội phong kiến khắt khe đương nhiên khó tránh khỏi việc tính cách ngày càng trở nên khó chịu.

Ngoài ra, do họ đều là những công chúa hoặc chí ít cũng là tiểu thư quý tộc, lá ngọc cành vàng, vì thế, dù xuất giá về với Mạc phủ, họ vẫn mang theo rất nhiều người hầu. Những người hầu nữ này xuất thân từ gia đình quý tộc nên vốn rất hách dịch.

Lại thêm, từ khi về Mạc phủ, chủ nhân của họ vì chuyện riêng tư mà suốt ngày cau có, trách phạt, thành ra họ càng thêm hống hách, tìm chỗ để trút giận.

Chẳng hạn, phu nhân của tướng quân đời thứ 14 của Mạc phủ Tokugawa là Iemochi là công chúa Kazu, con gái của thiên hoàng. Nhờ cuộc kết hôn này, Iemochi đã giữ được tước phong Nội thân vương.

Tuy nhiên, sau khi đã về nhà chồng, công chúa Kazu vẫn giữ cách hành xử trong chốn cung đình của thiên hoàng. Ngay cả cách búi tóc cho tới trang điểm và ăn mặc nhất loạt đều theo quy cách của hoàng cung chứ không chịu tuân thủ theo quy định của Mạc phủ.

Những nữ quan được công chúa Kazu đưa về Mạc phủ thấy chủ mình như vậy cũng bắt chước làm theo, nhất định không chịu tuân theo quy định ở Mạc phủ.

Mẹ của tướng quân Iemochi thấy cảnh đó quá chướng mắt, nhiều lần ra mặt nhắc nhở Kazu phải tuân theo những quy định của Mạc phủ. Vì thế, mối quan hệ giữa hai người trở nên rất căng thẳng.

Vậy cách trang điểm, phục sức của công chúa Kazu có điểm gì khác thường mà khiến bà mẹ chồng chốn Mạc phủ cũng phải trách mắng, không còn nể nang gì tới thân phận cao quý của cô nữa? Theo ghi chép của sử sách, công chúa Kazu nhất định không chịu cạo mày.

Theo quy định của Mạc phủ, những thê thiếp trong Mạc phủ nhất loạt phải cạo lông mày, đồng thời cạo hết cả lớp lông tơ trên mặt, sau đó dùng bút vẽ lông mày, gọi là “mi trên điện”.

Sở dĩ gọi là “mi trên điện” là vì những lông mày này không phải do những người phụ nữ tự vẽ mà do một người đàn ông có đủ tư cách trong chính quyền Mạc phủ thực hiện.

Đầu tiên họ sẽ cạo sạch lông mày trên mặt sau đó dùng bút mực vẽ hai đường lông mày vừa tròn vừa ngắn lên trên. Tuy nhiên, công chúa Kazu khi về đến Mạc phủ nhất định không chịu cạo lông mày cũng không chịu cạo lông mặt đi.

Thứ nữa là Kazu không chịu vấn tóc. Những người phụ nữ sống trong Mạc phủ không chỉ có thói quen vấn tóc mà cách vấn cũng rất tỉ mỉ. Đương thời, những nữ quan cao cấp sẽ vấn tóc thành hình giống như một cây nấm.

Thông thường, kiểu tóc “nấm” này chỉ dành cho các phu nhân của tướng quân và các nữ quan cao cấp, tuy nhiên, những nữ quan cấp thấp hơn trong những ngày về tỉnh vẫn có thể chải kiểu tóc này. Đó là những ngày vinh dự đối với họ.

Trong những ngày ấy, các nữ quan này sẽ có thể ngẩng cao đầu, coi thường những cả những vị quan chức cao cấp của triều đình. Tuy nhiên, khi Kazu về Mạc phủ, cô và các nữ quan của mình nhất định không chịu vấn kiểu tóc “kỳ dị” đó.

Chưa hết, công chúa Kazu còn nhất định không chịu nhuộm răng đen. Cũng giống như người Việt thời xưa, phụ nữ Nhật Bản thời cổ đại cũng có tập tục nhuộm răng đen.

Trong thời đại ngày nay, khi mà mọi người quan niệm răng phải trắng mới là răng đẹp thì những người phụ nữ có hàm răng đen sẽ khiến nhiều chàng trai phải bối rối.

Tuy nhiên, vào thời đó, răng càng đen thì càng đẹp. Làm thế nào để làm cho răng đen? Người Nhật dùng trà, rượu, giấm và đường trộn đều với nhau sau đó bỏ vào một ít bột sắt đã được rang nóng, sau khi để nhiều ngày cho lên men, người ta lại đem đun sôi lên mới thành thứ dung dịch để nhuộm răng.

Thứ dung dịch này có mùi khó chịu vì vậy, việc nhuộm răng thực sự là một cực hình với nhiều người. Vì vậy, công chúa Kazu nhất định không chịu nhuộm răng.

Cuộc sống của công chúa Kazu ở Mạc phủ sau đó ra sao không thấy sử sách nói đến. Tuy nhiên, với tư tưởng chống đối và tính cách mãnh liệt như vậy, chắc chắn cô công chúa đã gây cho vị tướng quân đời thứ 14 không ít phiền toái.

Muốn ngủ với vợ phải xin phép

Hoàng đế sủng hạnh phi tần là chuyện hoàn toàn bình thường, bởi lẽ hoàng cung chính là nhà của hoàng đế, những người phụ nữ ở đó là của riêng ông ta. Tuy nhiên, thân mang đại quyền như các vị tướng quân Mạc phủ lại không được tự do đến như vậy.

Các vị tướng quân Mạc phủ không được sống cùng một nơi với vợ. Toàn bộ phụ nữ trong Mạc phủ, kể cả mẹ của các tướng quân đều sống trong một nơi gọi là Ōoku (nghĩa là hậu cung) còn các vị tướng quân sống ở một nơi hoàn toàn tách biệt với hệ thống quản lý, bảo vệ cho tới nhà bếp riêng biệt.

Vì sao lại có kiểu bố cục cổ quái này? Nhiều người dự đoán rằng, tổ tiên của các vị tướng quân đều xuất thân từ quân nhân vì thế, nơi ở của các vị tướng quân được thiết kế theo kiểu doanh trại quân đội.

Một khi tướng quân đã xuất chinh, trong những tình huống thông thường không thể mang theo vợ con vì thế, các bà vợ phải được sắp xếp ở một nơi khác. Vì thế, trong kết cấu của Mạc phủ mới có chuyện tướng quân ở một nơi còn thê thiếp ở một nơi khác.

Mặc dù cùng ở trong một tòa thành, tuy nhiên, nơi ở của vợ con các tướng quân vẫn tượng trưng cho “hậu phương” còn nơi ở của tướng quân chính là doanh trại chỉ huy nơi tiền tuyến. Tuy nhiên, kết cấu này cũng đẻ ra rất nhiều thứ phiền toái, khiến cho các tướng quân muốn được gặp vợ mình cũng giống như khổ sai vậy.

Nói khổ sai ấy là còn nhẹ. Theo quy định của Mạc phủ, tướng quân không được phép triệu bất cứ người vợ nào tới “nhà riêng” của mình để “sủng hạnh”. Thành ra, muốn “sủng hạnh” thê thiếp của mình, tướng quân phải tự mình tới hậu cung.

Tuy nhiên, không phải cứ muốn là đi được cũng không phải muốn vào phòng của phi tử nào cũng được. Ngay cả chuyện tới hậu cung của tướng quân cũng được quy định rất chặt chẽ.

Nếu như tướng quân muốn cùng ân ái với 1 người vợ nào đó thì phải tới một địa điểm cố định trong hậu cung. Tướng quân vào hậu cung, vị phi tử đã được chọn trước sẽ trong căn phòng đặc biệt này đợi. Làm thế nào để biết tướng quân chọn ai? Vậy thì tướng quân phải “xin phép” từ trước.

Vì thế, trong Mạc phủ mới sinh ra một quy tắc khá kỳ quái là, mỗi lần tướng quân muốn sủng hạnh 1 phi tử nào đó thì buộc phải thông báo trước với nữ tổng quản trong hậu cung để hậu cung chuẩn bị đón tiếp từ trước.

Quy tắc này mới nghe ra thì có vẻ như tướng quân chẳng còn chút quyền lực nào cả. Tuy nhiên, thực chất thì mục đích của biện pháp này chính là giữ gìn sự uy nghiêm của các vị tướng quân.

Bởi lẽ, lỡ như một khi tướng quân cao hứng muốn sủng hạnh phi tần nào đó mà chạy xộc ngay vào hậu cung, các phi tử không kịp chuẩn bị, người thì quần áo xộc xệch, người thì chưa điểm trang, người thì chưa kịp súc cả miệng,… như vậy chẳng phải là thất lễ với các vị tướng quân quyền uy lắm hay sao?

Tướng quân thông báo trước là mình muốn sủng hạnh phi tần nào, các vị phi tần cùng toàn bộ hậu cung sẽ có sự chuẩn bị chu đáo để đón tiếp, như vậy sẽ tránh được những tình huống bất ngờ xảy ra.

Tới đây, ắt sẽ có người thắc mắc, như vậy chỉ có thể nói là “thông báo” chứ sao lại nói là “xin phép” được.

Trên thực tế, thì nói “xin phép” không sai, bởi lẽ trong rất nhiều trường hợp, những “đề nghị” sủng hạnh của các tướng quân bị từ chối. Bởi lẽ, tướng quân của Mạc phủ và thiên hoàng là hai thể chế khá độc lập, vì vậy, các ngày lễ tiết, kiêng kỵ của các tướng quân cũng khác với các nhà khác.

Theo đó, có một số ngày đặc biệt mà nếu như tướng quân qua đêm tại hậu cung sẽ bị coi là mất hết cả thể thống, chẳng hạn như các ngày lễ kỉ niệm các vị tướng quân đời trước hay như ngày có dấu hiệu dị thường,…

Vào những ngày như vậy, hậu cung có nghĩa vụ đóng chặt cửa, cảnh cáo những vị tướng quân có trí nhớ không tốt để tránh cho các vị tướng quân mắc phải sai lầm, làm tổn hại hình tượng của các tướng quân.
Ngoài ra, một khi tướng quân đã “thông báo” sẽ qua đêm tại hậu cung mà giữa chừng lại cụt hứng đổi ý cũng không được chấp nhận.

Đương nhiên, ngoại trừ những trường hợp xảy ra chiến tranh hoặc có chính biến trong Mạc phủ. Lý do thì vẫn là để giữ gìn sự tôn nghiêm của các tướng quân.

Một vị tướng quân cai quản cả một đất nước, đường đường chính chính như vậy làm sao lại có thể không giữ lời hứa được. Nói là như vậy, nhưng ở một góc độ nào đó thì nói rằng tướng quân đúng là phải “xin phép” mới được vào hậu cung cũng chẳng có gì sai.

Nhưng như vậy vẫn chưa phải là đã xong chuyện. Sau khi đã “xin phép” xong, trước khi có thể ân ái cùng người vợ yêu của mình, tướng quân còn phải thực hiện một loạt các bước theo trình tự đã được sắp sẵn mới có thể được như ý nguyện.

Hẳn điều này sẽ khiến nhiều người cảm thấy buồn cười. Nói cho trần trụi thì chỉ là ngủ với vợ thôi mà cũng lắm thủ tục như vậy thì làm tướng quân làm gì cho khổ?

Nhưng đó mới là sự phận biệt giữa thường dân và quý tộc. Một người thuộc tầng lớp quý tộc cao quý như các vị tướng quân, nếu như làm việc gì cũng bình thường giống như chúng ta thì làm sao thể hiện được sự khác biệt và cao quý của mình?

Trong chốn hậu cung của các tướng quân thời kỳ Mạc phủ còn có một quy tắc khác, cổ quái không kém, đó là các thê thiếp một khi quá 30 tuổi thì bất kể là vợ cả hay vợ bé đều nhất loạt không được phép cùng với tướng quân qua đêm nữa.

Nếu như những quy tắc trước là để bảo vệ sự tôn nghiêm của các tướng quân thì quy tắc này nghe ra có vẻ tàn nhẫn với phụ nữ. Tuy nhiên, thực chất đây lại là một quy tắc đứng trên lập trường bảo vệ phụ nữ.
Thời bấy giờ, dù là phụ nữ trẻ tuổi cũng thường bị lưu sản hoặc tử vong khi sinh. Vì thế, những người phụ nữ quá 30 tuổi mà vẫn qua đêm với các tướng quân, sau đó mang thai và sinh con là điều rất nguy hiểm.

Đó là về mặt lý thuyết, còn trong thực tế, khi quy tắc này được áp dụng đã gây ra không ít phiền toái. Chẳng hạn vào đời tướng quân thứ 9 của chế độ Mạc phủ Takugawa, có 2 người phụ nữ cùng tranh giành nhau sự sủng hạnh của tướng quân, trong đó một người là chính thất còn người còn lại vốn là 1 cô hầu gái.

Tuy nhiên, do người vợ cả tuổi đã trên dưới 30, vì thế, theo quy định, tướng quân không được phép sủng hạnh người vợ cả nữa. Dù là vợ chồng nhưng xa mặt cách lòng, lại thêm cô vợ trẻ tuy xuất thân thấp kém nhưng lại luôn ân cần ở bên, thành ra tướng quân nhanh chóng quên mất người vợ cả, dồn hết sự sủng hạnh cho cô vợ bé.
  • Phong Nguyệt