Nhà báo Phạm Ngọc Dương (chuyên đề ANTG) đã thực hiện loạt bài về ngoại cảm. Tiêu đề "BÍ ẨN TÌM MỘ BẰNG HIỆN THƯỢNG NGOẠI CẢM" với các phần như sau:
PHẦN I: GIÁO SƯ TRẦN PHƯƠNG VÀ HÀNH TRÌNH TÌM HÀI CỐT EM GÁI ĐẦY BÍ ẨN
PHẦN II: THỰC HƯ QUANH CHUYỆN "GỌI HỒN"
PHẦN III: TÌM NGƯỜI CÒN SỐNG SAU 60 NĂM THẤT LẠC
PHẦN IV: CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH NHÀ NGOẠI CẢM
PHẦN V: THỰC HƯ CHUYỆN LIỆT SĨ TÌM NGƯỜI THÂN QUA NHÀ NGOẠI CẢM PHAN THỊ BÍCH HẰNG
PHẦN VI: CHUYỆN CỦA NGƯỜI 50 LẦN VÀO NAM TÌM ANH VÀ BÍ MẬT VỀ TRẬN ĐÁNH ĐẦY BI TRÁNG
PHẦN VII: TÌM CÁC ANH DƯỚI HỒ SÂU ĐẮK LỐP
PHẦN VIII: LINH HỒN CÓ TỒN TẠI HAY KHÔNG?
PHẦN IX: TIỀM THỨC KHAI MỞ KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT
PHẦN X: CÂU CHUYỆN VỀ BỨC XẠ TÀN DƯ
PHẦN XI: KHAI THÁC KHẢ NĂNG CỦA CÁC NHÀ NGOẠI CẢM NHƯ THẾ NÀO?

Đa số các bạn trên TGVH quan tâm đến ngoại cảm chắc đã biết phần lớn các thông tin nêu trong các bài viết kể trên. Nếu bạn nào cần nghiên cứu thêm có thể vào blog sau:

http://my.opera.com/phamngocduongantg/blog/

Sau đây là bài phỏng vấn Nhà báo này (cũng có trên blog), tôi copy ra đây để tiện theo dõi. Đồng thời tôi thấy phần X hay nên tôi cũng đưa kên đây.
Thân ái,

Nhson2001


Bài phỏng vấn: Tôi viết không phải vì câu khách

PHẠM NGỌC DƯƠNG (CHUYÊN ĐỀ AN NINH THẾ GIỚI, BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN):
“TÔI VIẾT KHÔNG PHẢI VÌ CÂU KHÁCH”

PV: Khởi điểm của đề tài này như thế nào Dương có lường trước đề tài này sẽ trở thành loạt bài, phóng sự nhiều kỳ thu hút sự chú ý của độc giả?
Phạm Ngọc Dương: Tôi đến với đề tài này cũng là sự tình cờ. Nói là sự tình cờ chắc mọi người buồn cười, bởi đề tài này có gì mới lạ đâu mà bảo là tình cờ, nhưng quả thực là vậy.
Khi người ta chưa chứng kiến những điều kỳ dị, trong đó có hiện tượng ngoại cảm tìm mộ thì người ta không tin đấy là chuyện có thực, bởi nó quá huyền bí, quá kỳ lạ và vượt ra ngoài khuôn khổ khoa học hiện tại. Tuy nhiên, tôi là người được chứng kiến nên tôi tin. Khởi đầu cho ý tưởng viết loạt bài này là buổi phỏng vấn ông Vũ Thế Khanh, TGĐ Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng, để viết phóng sự chân dung về ông – một nhà khoa học chuyên khám phá những khả năng đặc biệt và lật tẩy những trò lừa bịp. Khi tôi đến trụ sở của cơ quan này thì được chứng kiến một sự kiện có thể nói là kinh hoàng trong đời. Một cô gái trẻ, khá xinh đẹp bị… “ma nhập”. Theo các nhà khoa học thì cô gái này chuẩn bị đi lấy chồng, nhưng mỗi khi gia đình bàn đến chuyện cưới xin, “con ma” lại nhập vào cô này nói năng lảm nhảm, giọng đàn ông. Mỗi lúc như thế, người nhà lại khiêng cô gái đến để các nhà khoa học, các nhà ngoại cảm tác động… “đẩy con ma” ra ngoài. Sau một số động tác, kiểu như truyền năng lượng sinh học gì đó của nhà ngoại cảm thì “con ma” mới thoát ra và cô gái này mới tỉnh lại. Các nhà khoa học đã sử dụng nhiều phương tiện chiếu chụp, kể cả các bác sĩ ở những bệnh viện lớn, song không phát hiện ra cô gái này có biểu hiện bệnh tật gì. Mỗi khi “ma nhập”, nhiệt độ cơ thể cô gái này lại xuống khá thấp. Và còn nhiều chuyện lạ nữa, mà có kể ra cả ngày không hết. Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi, đó là cái kho tài liệu của ông Vũ Thế Khanh. Ông dẫn tôi vào, tôi thấy cả một gian nhà, toàn là hình ảnh, tài liệu nghiên cứu về các cuộc tìm mộ, các nhà ngoại cảm từ 15 năm nay. Cơ quan này âm thầm nghiên cứu và đã giúp hàng vạn gia đình tìm được mộ liệt sĩ, người thân. Với cái kho dữ liệu mang tính khoa học này, không thể nói là lừa bịp được. Đặc biệt, việc nghiên cứu vấn đề ngoại cảm có sự tham gia, giám sát âm thầm của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, do vậy không có lý do gì mà không tin đây là hiện tượng có thật và nó tồn tại khách quan trong đời sống. Ngay từ khi chứng kiến kho tư liệu này, tôi đã nảy sinh tham vọng muốn viết một bài báo thật sâu về vấn đề tìm mộ.

PV: Đây là vấn đề nhạy cảm. Dương đã viết như thế nào?
Phạm Ngọc Dương: Trước khi đặt bút, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Liệu đề tài có quá nhạy cảm, sa vào mê tín, câu khách rẻ tiền hay không? Sau cả tháng trời suy tính và rồi ý tưởng cũng được sắp xếp trong đầu. Từ trước đến nay, đã có nhiều báo, tạp chí viết về hiện tượng này, song mỗi bài báo thường chỉ viết một vụ việc tìm mộ rời rạc, do vậy kém hấp dẫn và tính thuyết phục không cao, cũng không nêu được số liệu và chứng minh khoa học. Đặc biệt, tôi chưa thấy tờ báo nào lý giải hiện tượng kỳ lạ này. Có chăng chỉ là vài dòng nhận xét của các nhà khoa học rằng nó có thật hay không mà thôi. Các nhà khoa học cũng bước đầu đưa ra lý giải trong các hội thảo để tranh luận, nhưng hầu như mỗi người một ý. Mỗi khi đưa ra lý giải, người khen thì ít, người chê thì nhiều, thậm chí còn nhận được sự phản ứng mạnh mẽ. Có nhà khoa học, sau khi lý giải, lại bị chính những nghiên cứu tiếp theo của mình phủ định những lý giải đó, cho nên họ vứt xó những lý giải của mình vào góc tủ nào đó, hoặc có lý giải cũng chỉ nghĩ trong đầu, không nói cho ai biết cả. Tôi đặt suy nghĩ của mình vào bạn đọc cả nước và biết rằng, hơn lúc nào hết, bạn đọc cần một sự lý giải cặn kẽ cho vấn đề này, do vậy, tôi chủ trương viết theo hướng sâu chuỗi sự kiện và lý giải vấn đề dưới góc độ khoa học. Với cách viết này, tôi hướng bạn đọc cả nước nhìn nhận vấn đề bằng khoa học và không cho đây là hiện tượng mê tín dị đoan. Tôi nghĩ, đó chính là thành công của bài viết và nó khiến bài viết không rơi vào dạng câu khách rẻ tiền.

PV: Việc gặp gỡ các nhà ngoại cảm và các nhà khoa học chắc phải khó khăn lắm vì họ rất bận rộn?

Phạm Ngọc Dương: ý tưởng hình thành là vậy, nhưng việc thực hiện không phải dễ dàng. Việc tiếp cận với các nhà khoa học là vô cùng khó khăn, vô cùng gian khổ. Hầu hết các nhà khoa học đều cực kỳ bận rộn. Ngoài việc nghiên cứu, thực nghiệm, họ còn phải đi thực địa cùng các nhà ngoại cảm. Mỗi chuyến đi tìm mộ có khi phải lần mò cả tháng trời trong rừng sâu, núi cao. Hơn nữa, các nhà khoa học làm công việc liên quan đến tâm linh này đều không có tính khoa trương nên họ không muốn lên báo, không muốn tiếp xúc với giới báo chí và cũng không muốn đưa ra quan điểm gì. Thậm chí, họ còn dị ứng với báo chí, bởi một số nhà báo thường không hiểu vấn đề, chưa tiếp cận với các nhà ngoại cảm, các nhà khoa học nên viết theo cảm tính, theo lời kể của một số gia đình thất bại trong việc tìm mộ rồi phủi sạch trơn mọi công lao của các nhà ngoại cảm, các nhà khoa học. Do vậy, cứ giới thiệu là nhà báo, là các nhà khoa học muốn đuổi ngay đi cho đỡ… ngứa mắt.
Việc gặp gỡ các nhà ngoại cảm còn khó khăn hơn nhiều. Bình thường, họ đi tìm mộ suốt. Chỉ đi tìm mộ theo các đề tài nghiên cứu cũng choán hết thời gian rồi. Tìm đến nhà họ thì chả lúc nào thấy ở nhà, gọi điện thoại thì chỉ thấy “tò te tí” hoặc “số máy quý khách vừa gọi… đang ở trong rừng”. Như nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, mỗi năm dành cả chục tháng vào Nam tìm mộ, nhà ngoại cảm Nguyễn Minh Nghĩa thì mỗi năm chỉ về quê (quê chị ở Thái Bình) chừng một tháng. Thời gian còn lại chị đi khắp cả nước tìm mộ. Lúc các nhà ngoại cảm về nhà, khách khứa ngồi chật nhà, kín sân nên cũng chẳng có thời gian tiếp phóng viên. Bích Hằng có những khi phải tiếp khách đến gần sáng, còn Nguyễn Khắc Bảy ngày nào cũng ngồi vẽ sơ đồ tìm mộ từ sáng sớm đến đúng 23h30 phút. Chả lẽ lại dựng họ dậy lúc nửa đêm để phỏng vấn? Để gặp được Bích Hằng, tôi phải hẹn đến mấy tháng trời chị mới sắp lịch cho được trò chuyện vài lần và những lúc gặp chị thường là tranh thủ trong bữa ăn, hoặc giờ nghỉ trưa sau buổi làm việc ở cơ quan. Những lần đi theo các nhà ngoại đi tìm mộ thường thuận lợi nhất trong việc thu thập thông tin.
Còn kho tư liệu của Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng đầy rẫy thông tin ra đó, nhưng cũng đâu có được sờ mó vào, bởi tập tài liệu nào cũng có chữ “MẬT” to tướng, đỏ chót ở góc trái. Hầu hết các tài liệu đều nằm trong danh mục nhạy cảm, chưa được công bố.
Với những khó khăn như vậy, tôi phải mất trọn một năm trời mới hoàn thành được loạt bài. Loạt bài tôi viết tổng cộng 17 kỳ, trong đó, chỉ có 5 kỳ đăng vụ việc, còn lại toàn là những lý giải của các nhà khoa học trong, ngoài nước và ứng dụng khả năng ngoại cảm vào lĩnh vực khác như chữa bệnh, rèn luyện sức khoẻ, khám phá tội phạm. Tuy nhiên, BBT thấy đăng 8 kỳ là đủ rồi, là thỏa mãn độc giả rồi nên dừng lại, mặc dù số lượng phát hành mỗi ngày một tăng đột biến. Tôi cũng thấy như vậy là hợp lý.

PV: Nhiều người cho rằng loạt bài trên được khai thác sâu, dài kỳ nhằm mục đích bán báo, Dương nghĩ sao về điều này?
Phạm Ngọc Dương: Đấy cũng là lẽ thường. Tuy nhiên, có ít người nghĩ như vậy, mà chủ yếu là vài đồng nghiệp. Theo tôi, làm báo mà không bán được báo thì không nên làm. Viết báo mà không ai đọc lại cứ vỗ ngực tự khen hay thì cũng chả ai khen. Cũng có đồng nghiệp bảo tôi viết bậy viết bạ, đi tuyên truyền mê tín dị đoan, nhưng rồi người nhà anh ta đọc được báo, nên anh ta lại gọi tôi nhờ cậy giới thiệu đến các nhà ngoại cảm để tìm mộ và đã tìm được.

PV: Ở phía Nam, nhiều sạp báo đã thu gom các số ANTG có đăng loạt bài ngoại cảm thành “bộ” bán cho bạn đọc. Khi hỏi vài chủ sạp báo, họ bảo bạn đọc đặt mua. Chứng tỏ bạn đọc rất quan tâm đến vấn đề này. Dương vừa viết vừa thăm dò tác động của thông tin đến bạn đọc như thế nào?
Phạm Ngọc Dương: Mỗi sáng, trên đường lên cơ quan làm việc, thấy các sạp báo bày báo ANTG thành chồng lớn, chồng bé, trưa về, đã sạch trơn. Rồi từ quán phở sáng đến quán café đêm người ta truyền tay nhau đọc báo, bàn luận, đó là hạnh phúc của người làm báo. Bạn đọc có thể không phải sưu tầm báo nữa mà có thể tìm mua sách, vì NXB Văn hóa Thông tin đã in loạt bài đó thành sách, rất kỹ lưỡng và đầy đủ.
Tất nhiên, không phải bài báo hay đã hấp dẫn và hấp dẫn đã là hay. Trước khi viết, tôi đã nhận thức rõ điều này và có cách viết hợp lý. Tôi chọn những vụ việc mang đậm tính nhân văn, giáo dục sâu sắc và đi vào kiến giải khoa học nhằm hướng bạn đọc nhìn nhận theo tinh thần khoa học khách quan, không sa đà vào mê tín, dị đoan.
Niềm vui lớn nữa của tôi đó là nhận được sự trân trọng của độc giả. Nhiều độc giả gọi điện hoặc đến tận cơ quan gặp tác giả chỉ để bày tỏ cảm xúc khi đọc bài báo. Có một người đến gặp tôi hỏi chân thành rằng: “Những chuyện tôi viết có đúng không? Hiện tượng này có thực hay không?”. Tôi chỉ cho anh ta đến những nơi có thể tin cậy để anh ta tìm hiểu. Vài hôm sau, anh ta gọi điện đến cơ quan nói rằng, anh ta vừa làm một mâm lễ lớn bày lên bàn thờ tổ tiên để xin lỗi, sám hối bởi từ trước đến nay anh ta thường xuyên phỉ báng chuyện thờ cúng tổ tiên, phỉ báng những người đi tìm mộ, bởi anh ta cho đó là trò lừa bịp, lừa cả người chết... Rồi ở cạnh nhà tôi, có một cậu thanh niên đọc say mê loạt bài của tôi. Một hôm, trên đường về nhà, cậu ta nhặt được chiếc ví, trong có 1.500 USD và những giấy tờ quan trọng. Cậu ta liền dán tờ giấy A4 có nội dung thông báo cho người mất ví lên mấy chiếc cột điện quanh khu vực nhặt được chiếc ví. Hôm sau, người mất ví đến xin lại. Cậu thanh niên này bảo: “Sau khi đọc bài báo “Bí ẩn hiện tượng tìm mộ bằng ngoại cảm” dù đây là lộc giời cũng không dám tiêu”. Chị này cũng là người đọc bài báo không thiếu một số nào. Chị rất cảm kích và biếu lại cậu ta 200 USD. Cũng phải đưa qua đẩy lại mãi cậu ta mới nhận.
Sau khi loạt bài này đăng, suốt mấy tháng trời, từ sáng đến tối tôi chỉ có mỗi việc nghe điện thoại và hướng dẫn độc giả cách thức, thủ tục gặp các nhà ngoại cảm để tìm mộ. Cơ quan tôi phải phân công mấy người nghe điện thoại, tiếp độc giả và hướng dẫn cho họ. Bài viết này trở thành một cầu nối nhỏ giúp hàng ngàn gia đình tìm được mộ liệt sĩ thất lạc.
Sau bài viết này, độc giả hảo tâm cả nước gửi rất nhiều tiền đến báo để đóng góp xây dựng nghĩa trang, tượng đài cho các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh ở K’Nak (K’Bang, Gia Lai) mà bài viết đã đề cập tới. TBT Hữu Ước cũng góp cả lợi nhuận từ bài viết này để xây dựng nghĩa trang và tượng đài. Nghe đâu chừng 400 - 500 triệu đồng.
Đó là những ý nghĩa rất thiết thực mà bài báo mang lại. Tôi nghĩ nó vượt ra ngoài ý nghĩ thiển cận, tham lam của một số người rằng, mục đích của bài báo chỉ là để câu khách, bán báo kiếm lợi nhuận.

PV: Cảm nhận riêng của một nhà báo khi thực hiện đề tài này…
Phạm Ngọc Dương: Tôi nghĩ rằng, cái gì chưa hiểu thì phải nghiên cứu chứ không nên gán ghép vấn đề ngoại cảm tìm mộ vào hiện tượng mê tín dị đoan để rồi phủ nhận sạch trơn, ném vào sọt rác một cách vô căn cứ. Ta thử nghĩ xem, nếu con người của vài trăm năm trước chứng kiến cảnh một người ở Mỹ nói chuyện với một người ở Việt Nam qua điện thoại thì quá kinh hoàng còn gì. Hay người châu Âu thời Phục Hưng trông thấy ta “làm trò”, cầm chiếc điều khiển từ xa nhắm vào tivi rồi hô: “người hiện hình”, thì chắc họ cho ta là phù thủy và đem treo cổ là cái chắc. Còn việc họ nhìn thấy máy bay trên trời thì cũng sẽ có ý nghĩ hoài nghi như người đương thời về đĩa bay từ ngoài hành tinh đến mà thôi. Tôi tin rằng, hiện tượng tìm mộ bằng ngoại cảm rồi sẽ giải thích được bằng khoa học hiện đại. Tôi rất ấn tượng với lời phát biểu trong một cuộc hội thảo của GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ: “Tôi là thầy giáo dạy triết học của những giáo sư triết học nên tôi đinh ninh mình là duy vật, nhưng hóa ra chính mình lại là duy tâm "chủ quan". Cái gì ta cho là nó tồn tại thì nó tồn tại, cái gì ta cho là nó không tồn tại thì nó không tồn tại, nó chỉ là mê tín dị đoan. Khả năng của các nhà ngoại cảm là có thật, là tồn tại khách quan, đó chính là duy vật. Ai bác bỏ tồn tại khách quan thì người đó chính là duy tâm”.
Các nước phương Tây nghiên cứu hiện tượng này rất nghiêm túc và sử dụng khả năng của các nhà ngoại cảm vào nhiều lĩnh vực khác nhau và đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Nước ta mới ở giai đoạn nghiên cứu bước đầu, mới sử dụng khả năng này trong việc tìm mộ và hỗ trợ chữa bệnh, song những lợi ích của các nhà ngoại cảm mang lại là rất lớn. Đã có hàng vạn liệt sĩ vùi xác nơi rừng sâu núi thẳm được tìm thấy, làm thỏa mãn niềm mong ước, day dứt của hàng vạn gia đình, của hàng vạn người mẹ già, vì ngóng con mà không nhắm được mắt. Người Mỹ chi ra 1 triệu USD để tìm một bộ hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh, còn đối với nước ta, mỗi nhà ngoại cảm đã tìm được cả ngàn hài cốt liệt sĩ, nhưng vẫn sống khá giản dị. Đối với các nhà ngoại cảm, họ coi khả năng của họ là “trách nhiệm thánh thần giao phó” nên đều dốc tâm dốc sức làm việc mà không màng đến lợi lộc, danh vọng, bởi họ biết rằng, khi dính vào cái vòng luẩn quần “tham sân si” thì sẽ mất ngay khả năng này. Do vậy, chúng ta không nên phán xét cảm tính về các nhà ngoại cảm khi ta chưa thực sự tiếp xúc với họ và hiểu về những công việc họ làm. Với tôi, cái được lớn nhất qua quá trình tìm hiểu về các nhà ngoại cảm, đó là mình thấy cần phải sống thật tâm và có ý nghĩa hơn.

Xin chân thành cảm ơn!

Hạnh Chi thực hiện
(Bài phỏng vấn in trên Tạp chí Nghề báo, số tháng 5.2007 của Hội nhà báo TP. Hồ Chí Minh)


PHẦN X: CÂU CHUYỆN VỀ BỨC XẠ TÀN DƯ

Những lý giải của các nhà nghiên cứu thuộc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng về hiện tượng tìm mộ bằng ngoại cảm dưới góc độ trường sinh học đã phần nào hé mở bức màn bí mật. Đây là một lý thuyết mới mà các nhà nghiên cứu quốc tế đã dày tâm nghiên cứu và cũng đạt được một số kết quả, tuy nhiên, nếu sử dụng lý thuyết mới này thì coi như đã loại khoa học hiện thời ra khỏi cuộc chơi: khám phá những hiện tượng đặc biệt.
Nhà nghiên cứu, Đại tá Đỗ Kiên Cường, Phân viện phó Phân viện Vật lý y sinh học, Trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng) chia khả năng ngoại cảm thành 4 loại: Thần giao cách cảm (đọc ý nghĩ người khác); Thấu thị (nhìn xuyên qua vật thể); Tiên tri (biết các sự kiện trước khi chúng xảy ra) và Viễn di sinh học (dịch chuyển, làm biến dạng đồ vật bằng ý nghĩ). Đại tá Đỗ Kiên Cường nghiên cứu hiện tượng tìm mộ bằng ngoại cảm dưới góc độ phân tích "Bức xạ tàn dư".
Từ xa xưa, triết học cổ phương Đông đã nhìn sự sống được cấu trúc từ một loại vật chất, loại "sinh khí" đặc biệt khác với những vật chất thông thường tạo nên thế giới sống. Vì sự sống huyền diệu nên loại vật chất đó cũng rất huyền diệu: tồn tại cả khi người đã chết, tác động mang tính tức thời, không phụ thuộc vào không gian, thời gian và các quy luật vật lý như dẫn truyền, tiêu hao... Nó được người xưa dùng để giải thích những hiện tượng lạ thường như cầu hồn, phong thủy, tìm mộ người chết... Nó có nét tương đồng với "sinh lực luận" của phương Tây cách đây vài thế kỷ. Theo luận thuyết này, trong cơ thể có "lực sống" và chính "lực sống" phân biệt vật sống với vật chết.

Nhà khoa học Đỗ Kiên Cường không công nhận khả năng "đọc được ý nghĩ người chết", cũng như các hiện tượng dị thường khác, vì ông thấy chúng mâu thuẫn với những sự hiểu biết của mình về khoa học hiện đại.
Theo nhà nghiên cứu Đỗ Kiên Cường thì ông đã tìm cách tiếp cận vấn đề này trên quan điểm không mâu thuẫn với khoa học hiện đại mà cũng không phủ nhận ngoại tâm lý, ngoại cảm. Ông Cường cho rằng, đó là quan điểm mới, quan điểm vật lý về bản chất sự sống.
Theo ông Cường, vật lý sự sống đã phát hiện hai kênh truyền tin có bản chất điện từ trong cơ thể: Liên lạc hữu tuyến bằng xung thần kinh và các dòng điện sinh vật khác; Liên lạc vô tuyến nhờ sóng điện từ. Chính các trường điện từ sinh học cho phép tìm hiểu ngoại tâm lý và khả năng "đọc được ý nghĩ người chết" để đi tìm mộ một cách khoa học và biện chứng. Mới đây, GS vật lý Janusz Slawinski, người Ba Lan, đã nhiều năm nghiên cứu trạng thái lúc gần chết đã đưa ra lý thuyết về bức xạ điện từ và cái tồn tại sau khi chết. Từ nghiên cứu bản thân và những người khác, ông và các GS, TS nổi tiếng thế giới trong ngành vật lý lượng tử đã phát hiện ra khả năng bức xạ photon của cơ thể, cường độ cỡ 10-1.000 photon/giây/cm2. Thú vị là phát xạ tăng đến 1.000 lần tại thời điểm chết. Slawinski giả thuyết trường điện từ tại thời điểm "lóe sáng" cuối cùng mang một số thông tin về sinh hệ và lan truyền trong không gian, thời gian. Bức xạ điện từ “hoại tử” đó chính là cái tồn tại sau khi chết như một "ý thức điện từ", về nguyên tắc có thể tồn tại vĩnh hằng do chuyển động với vận tốc ánh sáng. Nếu tiếp nhận và phân tích được bức xạ tàn dư đó thì có thể thu thập thông tin về người đã chết! Tuy nhiên, theo ông Cường, "đọc ý nghĩ người chết" là cách nói chưa đầy đủ, mà phải là "đọc thông tin chứa trong bức xạ tàn sư từ suy nghĩ của người đã chết". Nhà ngoại cảm có những khả năng kỳ lạ có thể là do họ đọc được những thông tin đó.
Qua đây, ta có thể đặt câu hỏi, nếu bức xạ tàn dư rời khỏi cơ thể người đang chết với tốc độ ánh sáng thì làm sao Bích Hằng, Nguyễn Văn Liên, Đỗ Bá Hiệp... có thể đọc được? Nhà nghiên cứu Đỗ Kiên Cường cho rằng: Vì bức xạ tàn dư được lưu giữ trong cấu trúc của nước.
Nước là khởi đầu của sự sống dựa trên cácbon trên trái đất. Nước có cấu trúc khá chặt chẽ, đó là cấu trúc fracatal bội ba. Bức xạ tàn dư có thể được niêm cất trong nước của một cấu trúc vật chất nào đó như cây cối, đất đá trong các công trình xây dựng... Càng gần nơi chôn cất người chết, bức xạ niêm cất càng mạnh nên nhà ngoại cảm "đọc ý nghĩ người chết" càng rõ khi đến gần khu vực có hài cốt là vì thế.
Chẳng hạn, như nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, khi tập trung tư tưởng thì nhận được nhiều thông tin, hình ảnh, âm thanh mơ hồ, hỗn tạp, nhiều can nhiễu từ rất nhiều nguồn: các bức xạ tàn dư, can nhiễu tự nhiên và nhân tạo... Chính vì thế chị cần tên tuổi, hình ảnh người chết để nhận ra cái cần tìm trong vô số các bức xạ tàn dư. "Đọc" thông tin chứa trong bức xạ tàn dư đó rồi so sánh chúng với tên tuổi, đặc điểm, lý lịch... người chết, chị có thể định vị được nguồn bức xạ để báo cho thân nhân người đã khuất. Biết được vị trí tương đối thì việc tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn, bởi càng gần mộ, bức xạ tàn dư và thông tin lưu trữ càng mạnh, càng dễ đọc. Khi Bích Hằng đến khu vực có nhiều mộ, có thể "trò chuyện" được với nhiều người chết quanh đó là vì thế.
Để tìm mộ, Bích Hằng không chỉ đọc "ý nghĩ người chết" mà còn đọc ý nghĩ người chôn cất và cả người còn sống. Nghĩa là chị có khả năng thần giao cách cảm, “truyền âm nhập mật”, hay còn gọi là “nghĩ ngữ truyền thanh”. Việc chị biết tên thân nhân người chết, những người chưa từng gặp chẳng qua là chị biết đọc ý nghĩ của họ chứ không phải do linh hồn mách cho.
Có một hiện tượng là rất nhiều nhà ngoại cảm phải "lên đồng" để "liên lạc với thế giới bên kia" mới tìm được mộ. Thực ra, việc "lên đồng" là biện pháp thoát khỏi ý thức để tới trạng thái vô thức, tức hoạt động tinh thần đi từ vỏ não xuống các trung tâm xử lý vô thức và tiềm thức. Hệ xử lý tiềm thức có những khả năng mà ta không lường trước được. Nó có thể xử lý được đồng thời thông tin đến từ nhiều giác quan và nó có ngưỡng kích thích thấp hơn hệ ý thức nhiều. Nói cách khác, tiềm thức có độ nhạy rất cao, có thể đo đạc, phân tích những tín hiệu cường độ vô cùng yếu. Qua hệ xử lý tiềm thức, nhà ngoại cảm đọc được một số thông tin về người chết như tên tuổi, nghề nghiệp, quan hệ gia đình, bạn bè... để nói với thân nhân. Người lên đồng đã đọc được ý nghĩ của những người xung quanh, do vậy, những lời họ nói ra không khác gì "sấm truyền", để rồi họ nói gì cũng tin, nói là người chết đang ốm đau, bệnh tật, đang thiếu tiền tiêu, nào là cần sắm sửa lễ vật cúng tế... Thực ra, đó chỉ là lời lẽ của những cô đồng tham lam để trục lợi.

Một số nhà ngoại cảm thường "lên đồng" để nhận thông tin từ bức xạ tàn dư qua hệ xử lý tiềm thức. Bằng cách đó họ xác định được những tín hiệu yếu, mơ hồ, những tín hiệu mà ý thức của họ không phát hiện được. Chính vì thế, những can nhiễu có thể ảnh hưởng đến khả năng của họ, chẳng hạn như những ngày mưa giông, sấm chớp, các nhà ngoại cảm thường không đọc được tín hiệu do can nhiễu quá mạnh, hoặc trạng thái sức khỏe cũng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đó... chứ không phải do "thần thánh" không về, hoặc người nhà không thành kính nên không tìm được, hoặc người chết không cho tìm... Những yếu tố này là do nhà ngoại cảm dựng lên, hoặc cũng có thể họ không nhận thức được cơ chế nên họ nghĩ do lực lượng siêu nhiên tác động vào mình từ đó mà tạo nên yếu tố mê tín dị đoan. Chuyện nhà ngoại cảm nói với thân nhân người chết rằng người chết đang tươi cười, mừng vui vì thấy người nhà đến thăm là hoàn toàn do tưởng tượng. Việc miêu tả linh hồn có nhân cách , biểu lộ cảm xúc là mê tín dị đoan, phản khoa học.
Nhà nghiên cứu Đỗ Kiên Cường cũng giải thích hiện tượng ma quỷ, linh hồn... qua việc phân tích bức xạ tàn dư. Nếu như ta coi hiện tượng đó là có thật thì một câu hỏi mà khoa học đặt ra: Đâu là cơ sở vật chất cho hiện tượng kỳ lạ đó, nếu như có thật? Điều này cần phải lý giải từ vấn đề bức xạ tàn dư, cái tồn tại sau khi chết, như vật mang một số thông tin cá nhân về người đã khuất.
Ở bất kỳ đâu trên thế giới này, những câu chuyện về ma quỷ bao giờ cũng rất rôm rả và dường như có ma quỷ, linh hồn thật. Rất nhiều người khẳng định rằng đã nhìn thấy "ma áo trắng", thậm chí đêm nào cũng thấy, rồi lo lắng bất an mà phát rồ phát dại. Ta giả thiết rằng, có một cô gái từng sống trong một ngôi nhà rồi cũng chết tại đó. Khi chết, các năng lượng bức xạ tàn dư giải phóng mạnh mẽ và sẽ lưu lại căn phòng rất lâu. Khi thức, không một ai phát hiện được các tín hiệu yếu ớt, mơ hồ. Nhưng khi ngủ, tâm trí rời ý thức để tới vô thức và tiềm thức, nên hệ xử lý tiềm thức ngưỡng kích thích thấp bắt và xử lý được tín hiệu. Kết quả là trong não hình thành một mạng neuron tương ứng với hình ảnh cô gái áo trắng và tâm trí liền tuyên bố thấy ma, nhưng thực ra đó chỉ là bức xạ điện từ còn sót lại. Giống như băng từ ghi lại hình ảnh của một người đã khuất vậy. Khi ta cho băng vào đầu video, hình ảnh người đó lúc còn sống sẽ hiện ra, nhưng không thể nói đó là hồn ma người đã chết. Hiểu một cách đơn giản, nếu người cổ đại mà nhìn thấy người thân mình đã chết trên tivi thì rõ ràng anh ta khẳng định đó là hồn ma. Cái băng hình hay bức xạ tàn dư chỉ là tín hiệu điện từ và tín hiệu trường sinh học mà thôi. Nói cách khác, bóng ma chỉ là ảo giác trong tâm trí, như kỹ thuật tạo thực tại ảo trong máy tính, chứ không phải là một hiện hữu khách quan. Hiện tượng "ma quấy rối" như làm di chuyển đồ vật, gây tiếng động... thì gần với viễn di sinh học hơn, và đây là một hiện tượng khác, không liên quan đến bức xạ tàn dư. Như vậy, phải chăng, hiện tượng viễn di sinh học chính là hiện tượng ý thức thể tác động làm thay đổi vật thể qua lực sinh học, hoặc lực điện trường, từ trường huyền bí mà nhà khoa học Vũ Thế Khanh đã nghiên cứu mà tác giả đã nêu ở phần trước.
Ngoài những kiến giải trên đây thì những kiến giải của GS nhãn khoa người Đức Rudolf Stem cũng rất đáng chú ý và có những liên hệ với nhau. Theo ông, trong võng mạc mắt người có những tế bào đặc biệt, hoạt động như máy thu phát sóng. Các dòng xung có định hướng của các tế bào đó phát ra tương ứng rất rõ với dòng ý nghĩ của con người. Một số GS chuyên khoa thần kinh thì bổ xung thêm rằng, không chỉ võng mạc mắt mà trong não có những vật chất mờ siêu tinh siêu mịn có thể thu phát sóng mờ và phát không chỉ qua mắt mà còn ra các huyệt như ấn đường... Các GS sinh học thì đặt giả thiết rằng, khoảng không xung quanh trái đất giống như một máy tính khổng lồ chứa đựng những thông tin về mỗi người trên hành tinh. Những người da đỏ cổ gọi đó là trí tuệ vũ trụ, còn nhà bác học vĩ đại của Nga Vemadski thì gọi đó là trường trí tuệ của trái đất. Cũng như tập tin được lưu trong máy tính, những ý nghĩ và kinh nghiệm của tất cả những người sống trên trái đất được lưu trong trí tuệ vũ trụ. Chúng thường xuyên nhập vào đó, còn sau cái chết, khối thông tin năng lượng mà chính là linh hồn sẽ lấp đầy một "ô" nhất định trong bộ nhớ của máy tính vũ trụ. Theo giáo sư Rudolf Stem, ở một số người phát hiện thấy tính hoạt động hai mặt của các tế bào thu phát: chúng không chỉ phát xạ mà còn tiếp nhận thông tin. Những người như vậy có khả năng kết nối được với ô nhớ của mình trong trí tuệ vũ trụ, cũng như với ô nhớ của người khác... Họ có thể đọc dữ liệu về bất kỳ cá thể nào đã chết, đang sống và thậm chí cả người chưa sinh ra. Phải chăng, các nhà tiên tri khẳng định số phận của chúng ta được "ghi sẵn trên trời" là đúng? Những kiến giải trên đây rất gần với quan niệm của phật giáo, khi mà các thiền sư chỉ cần ngồi một chỗ tu thiền mà có thể thông minh hơn người, cái gì cũng biết, chẳng lẽ điều họ nói và làm là đúng: tiếp thu trí tuệ từ vũ trụ.
Qua việc phân tích tỉ mỉ về tiềm thức, trường sinh học của nhà khoa học Vũ Thế Khanh kết hợp với những lý giải về bức xạ tàn dư của nhà nghiên cứu Đỗ Kiên Cường, cũng như của các nhà khoa học quốc tế có thể thấy có một số mối liên hệ lẫn nhau. Trường sinh học, bức xạ tàn dư, sóng năng lượng đặc biệt... phải chăng chỉ khác nhau ở cái tên gọi mà thôi? Qua những ý kiến trên có thể thấy sáng tỏ phần nào về những khả năng kỳ lạ của các nhà ngoại cảm, đặc biệt là vấn đề tìm mộ. Tuy nhiên, nói đến vấn đề tâm linh là nói tới bí ẩn lớn nhất của khoa học và của tự nhiên. Các nhà khoa học đã và sẽ còn tranh cãi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm nữa, bởi khả năng của con người là vô biên. Chính vì thế, bất kỳ bạn đọc nào cũng có quyền tưởng tượng theo cách của mình, tin theo một thuyết giải của nhà khoa học nào đó mà mình yêu thích, thấy hợp lý.

Để bạn đọc hiểu được sự phức tạp của vấn đề, các nhà khoa học đã phân tích khả năng kỳ diệu của bộ não như sau:
Bộ não con người có khoảng 14 tỉ tế bào thần kinh (Bách khoa toàn thư của Anh thì nói có 200 tỉ). Mỗi neuron nhận tin từ 10.000 và truyền tin cho 10.000 neuron khác. Có nghĩa mỗi neuron nối với 14 tỉ neuron khác, như vậy, số mạng thần kinh trong não người sẽ đạt đến con số không thể tưởng tượng nổi. Để viết con số đó dưới dạng thông thường sẽ cần 100 tỉ quyển sách, mỗi quyển dày 1.000 trang! Vậy làm sao có thể hiểu cặn kẽ các mạng thần kinh trong não người. Bộ não con người có khả năng bất tử, do vậy, cũng không bao giờ có thể giải thích được đến tận cùng những khả năng kỳ lạ của con người. Do vậy, mỗi người đều có thể tìm thấy một chủ thuyết ưa thích riêng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.

Đại tá Đỗ Kiên Cường: Lợi và hại của khả năng tìm mộ:

Lợi: Một số người tìm được hài cốt thân nhân, đối với tâm thức phương Đông, đó là hạnh phúc không gì sánh nổi.
Hại: Thứ nhất, người tìm mộ đặt nhiều hy vọng vào ngoại cảm, trong khi khả năng của nhà ngoại cảm lại có hạn, do vậy, nhiều người sẽ không tìm được khiến mất thời gian và công sức. Thứ hai, Đi cùng với thành công của nhà ngoại cảm là hiện tượng lan truyền mạnh mẽ những quan điểm thần bí và duy tâm. Không chỉ ông đồng bà cốt mọc lên như nấm mà một số nhà khoa học cũng hăng say tuyên truyền cho chủ nghĩa thần bí mới. Nếu một nhà khoa học phát biểu rằng trên đời có linh hồn, ma quỷ thì ông đã nhân danh một nhà duy tâm rồi. Điều nguy hiểm là những quan niệm đó lại có sức hút ghê gớm đối với mọi người. Thứ ba, để thực hành ngoại cảm phải dùng đến vô thức, mà vô thức là khả năng thiên phú. Do vậy, các nhà ngoại cảm đều có chung hiện tượng: nổi tiếng một thời gian rồi chìm hẳn, điều này khiến các nhà ngoại cảm bị coi là lừa bịp, đẩy cuộc sống của họ vào bóng tối.

Quan điểm của ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng về việc dùng lý thuyết "bức xạ tàn dư" để giải thích về các hiện tượng ngoại cảm:

PV: Theo ông Đỗ Kiên Cường thì chỉ cần dùng lý thuyết về Bức xạ tàn dư là hoàn toàn có thể giải thích được tất cả các hiện tượng ngoại cảm, ý kiến của ông và các nhà khoa học trong Liên hiệp như thế nào?

-Ông Vũ Thế Khanh: Nếu nói rằng dùng cái gọi là “bức xạ tàn dư” để có thể giải thích về các hiện tượng ngoại cảm thì sẽ làm tầm thường hoá, thô thiển hoá các khả năng ngoại cảm, chẳng khác nào sẩm sờ thấy chân voi vội kết luận voi là cái cột đình! Bởi vì sẩm không “nhìn” thấy sự di động của voi, mà chỉ sờ thấy lúc nó đứng yên mà thôi. Anh Đỗ Kiên Cường cho rằng các nhà ngoại cảm, các “giá đồng” đọc được ý nghĩ của những người đã chết được lưu giữ dưới dạng “bức xạ tàn dư”, nhưng anh ấy không ngờ rằng ý nghĩ của người đã chết lưu giữ dưới dạng "bức xạ tàn dư" thì không thể tiếp tục cập nhật được các thông tin sau khi chết (sự thay đổi về địa hình, địa vật, sự di chuyển nhiều lần của các ngôi mộ, tình trạng xương cốt… đã thay đổi sau hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng nghìn năm sau khi chết). Ai đã tiếp tục cập nhật các thông tin này sau khi đối tượng đã chết? Thậm chí “linh hồn” người đã chết luôn luôn cấp nhật ( up date) các thông tin về các sự kiện sau khi họ chết, và nhiều khi các thông tin này chính gia đình người đã chết cũng chưa hề ngờ tới và cũng chưa hề biết?
-Theo anh Đỗ Kiên Cường thì bộ não của các nhà ngoại cảm, các giá đồng có thể giải mã các thông tin của người đã chết thông qua việc đọc “bức xạ tàn dư”, nhưng anh ấy cũng không ngờ rằng bộ não của các con bướm, con rắn, con chuốn chuồn, con chó con mèo… không phải lúc nào cũng có đủ chỉ số IQ để đọc được cái gọi là “bức xạ tàn dư”, thế nhưng nó có thể “dẫn đường” cho các gia đình trong quá trình đi tìm mộ mất tích. Điều đáng lưu ý là các bằng chứng này không phải là xác suất ngẫu nhiên mà là hàng nghìn các ca khảo nghiệm khác nhau.
-Thần thức của người đã chết không chỉ lưu giữ được các thông tin trước đây mà còn tiếp tục cập nhật (up date) các thông tin sau khi chết.
Các nhà nghiên cứu nếu chỉ coi thần thức của những người đã chết chỉ như băng, đĩa lưu giữ thông tin dưới dạng bức xạ tàn dư, và coi những nhà ngoại cảm, những giá đồng như những máy tính (A) để đọc các thông tin này thì khoa học sẽ đi vào ngõ cụt, không thể giải thích hiện tượng các giá đồng có thể nói được cả tiếng nước ngoài (trước đây người này chưa hề biết được ngoại ngữ này, hoặc tự nhiên lại rất giỏi đánh cờ mà quên hẳn chức năng “thái thịt” hàng ngày).
Có nhiều liệt sỹ “nhập hồn” kể rằng họ đang hành quân ban đêm trong rừng thì bị đánh bom, không biết được rằng địa phương đó ở đâu, lại phải dùng “kênh ngoại cảm khác” để tìm thấy hài cốt liệt sỹ.
Qua hàng ngàn ca khảo nghiệm, thấy rằng thần thức của người đã chết không chỉ lưu giữ thông tin mà còn tiếp tục cập nhật, xử lý thông tin, nó hoàn toàn có thể tiếp tục tương tác ngược trở lại đối với người đang sống, nói theo ngôn ngữ tin học, họ không chỉ là đĩa mềm lưu giữ thông tin để cho máy chủ (là các nhà ngoại cảm) có thể đọc mà họ còn là chiếc máy tính thứ 2, với hệ điều hành đặc biệt, có thể tương tác với máy chủ, có thể làm thay đổi “cấu hình” và có thể làm thay đổi cả “hệ điều hành” của máy chủ trong khi “nối mạng”.

-Anh ĐKC là nhà nghiên cứ say mê, đã tham khảo khá nhiều các thuật ngữ về vật lý, đã dũng cảm, dám tin vào suy luận của mình để làm căn cứ giải thích các hiện tượng ngoại cảm. Đó là điều đáng quý, và là điều rất cần thiết trong việc nghiên cứu khoa học. Nhưng nếu chỉ dùng các kiến thức thuần tuý vật lý để giải thích các hiện tượng ngoại cảm, tâm linh thì e rằng sẽ sa đà vào cực đoan, dẫn đến sự giải thích ngây ngô. Tuy nhiên, giá anh ấy có đủ duyên, được trực tiếp khảo nghiệm hoặc được trực tiếp chứng kiến hàng ngàn, hàng vạn các cuộc khảo nghiệm về khả năng ngoại cảm thì chắc chắn anh ấy sẽ tự điều chỉnh hầu hết các lý giải và kết luận trước đây của mình.