Tướng Cướp Bạch Hải Đường
Chắc anh chị cũng đã từng nghe qua về Bạch Hải Đường, một tướng cướp nổi tiếng ở miền nam trước ngày giải phóng 1975, TTL sưu tầm và xin phép đưa lên để anh chị em tham khảo.


Chân thành cảm ơn tác giả của tác phẩm này.

SỰ THẬT VỀ TƯỚNG CƯỚP BẠCH HẢI ĐƯỜNG
-oO0Oo-

Có người còn lãng mạn hơn khi kể về đối tượng tội phạm này như một tay giang hồ hào hiệp - chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo, chuyên trả thù bằng cách dùng tài nhập nha thần kỳ để trộm vợ của những cố vấn Mỹ và các sĩ quan cảnh sát, quân đội cao cấp chế độ cũ. Có cả những cuốn sách, kịch bản điện ảnh, sân khấu cải lương đã được xây dựng nhân vật từ những tình tiết hư cấu này, làm Bạch Hải Đường càng thêm nổi tiếng. Phóng viên đã tốn khá nhiều thời gian, công sức để đi đến các tỉnh miền Tây tìm lại những cán bộ công an, bộ đội, các nhân chứng trên dưới 30 năm trước đã từng nhận nhiệm vụ truy bắt, giam giữ, lấy lời khai Bạch Hải Đường. Anh cũng đã vào các thư viện, các kho lưu trữ ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây để thu thập, tìm lại những trang tài liệu, hồ sơ, thông tin về đối tượng phạm tội khét tiếng này. Qua đó, chân dung Nguyễn Ngọc Truyện - tướng cướp Bạch Hải Đường - đã lần đầu tiên được dựng lại một cách hoàn chỉnh, chính xác.
Sau khi gạt bỏ mọi hư cấu đồn thổi, thêu dệt, Bạch Hải Đường theo các tài liệu điều tra, nhân chứng và dưới ngòi bút của nhà báo Trần Trung Sơn vẫn đủ làm chúng ta kinh ngạc về sức khỏe, sự chịu đựng và khả năng kỳ lạ để đào thoát khỏi các vòng vây, các trại giam. Qua đây, chúng ta càng khâm phục những cán bộ công an, quân đội cách mạng đã kiên trì chiến đấu, mưu trí, dũng cảm để khuất phục được một “siêu tội phạm” mà cảnh sát, quân cảnh chế độ cũ coi như... bó tay.
Ông Phạm Thành Lợi (còn gọi là Năm Sắt) - nguyên Tham mưu trưởng Thị đội Long Xuyên (thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) năm nay đã gần 60, vẫn nhớ như in cuộc chạm trán với Bạch Hải Đường (BHĐ) vào năm 1980. Chính ông là người đầu tiên buộc tên giang hồ khét tiếng phải thúc thủ sau gần 10 năm trời gây tội ác, cũng là người đầu tiên cho hắn “ăn” ba viên đạn vào người. Ngày đó, ông là một thanh niên cường tráng, một sĩ quan quân đội, được giao nhiệm vụ đặc biệt phải “hạ” bằng được BHĐ. Và ông cùng những chiến sĩ trong đơn vị đã lập một chiến công xuất sắc.
Ông Lợi kể lại: Hồi đó, tôi đã “theo” BHĐ từ năm 1978, nhưng vẫn bặt vô âm tín vì không biết đối tượng này thực hư thế nào. Đến đầu năm 1980, chúng tôi nhận được tin báo từ một đối tượng tên là Hoàng “ó” trong khi ở tù với một đối tượng khác đã nghe tên này kể về một gã giang hồ khét tiếng đang ở bên ngoài và đang giữ một số vũ khí. Sau khi đối chiếu tất cả các nguồn tin, chúng tôi phán đoán đó có thể là BHĐ chứ không ai khác. Tên giang hồ khét tiếng này đã đào thoát khỏi trại giam công an tỉnh vào tháng 8-1975, sau khi hắn bị bắt hơn một tháng, và vừa làm bản “tự khai”, hứa hẹn đủ điều về sự hoàn lương, hối cải. Tỉnh ủy, Thị ủy giao nhiệm vụ cho lực lượng công an, bộ đội phải truy lùng, bắt bằng được tên giang hồ này. Phía Thị đội, việc bố trí theo dõi, tìm ra chân tướng, hành tung của BHĐ được chỉ huy giao nhiệm vụ cho chúng tôi.
Trong khi đang rà soát các đối tượng cộm cán trên địa bàn thì có một tên luôn xuất hiện ở Long Xuyên với bộ dạng khả nghi. Hành tung của đối tượng này ngay lập tức được các trinh sát đưa vào tầm ngắm. Quy luật đi lại, xuất hiện của tên này luôn được giám sát chặt chẽ. Có một điều rất lạ là y lúc ẩn lúc hiện như một bóng ma và gần như không ở chỗ nào cố định quá một đêm.
Khi đủ cơ sở khẳng định manh mối của BHĐ, nhiều đồng chí trong nhóm trinh sát của Thị đội hết sức bất ngờ. Vì đối tượng giang hồ nguy hiểm mà các đồng chí lâu nay truy tìm lại đang ung dung trong bộ quân phục bộ đội với cấp hàm trung úy, bên hông còn kè kè bao súng ngắn với khẩu colt 45 nhỏ gọn. Trong quân phục với vũ khí quân dụng đeo rất “oai” như thế, nhưng “sĩ quan” này ban ngày toàn lui tới nhà
của những đối tượng giang hồ tại khu vực đường Thoại Ngọc Hầu, thị xã Long Xuyên. Lạ lùng hơn nữa là “sĩ quan” này ban đêm thỉnh thoảng lại xin vào ngủ nhờ tại một số cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Sáng dậy lại đi “công tác”. Có lẽ sự lì lợm, tự tin của BHĐ đã khiến hắn không hề có chút nao núng, lúng túng mỗi khi vào xin trọ ở những nơi như thế.
Địa bàn “công tác” của “sĩ quan” BHĐ là lui tới từ Long Xuyên, lên Châu Đốc rồi vùng biên giới giáp Campuchia. Một kế hoạch vây bắt BHĐ được chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo. Ngày 22-3-1980, nguồn tin từ cơ sở báo về cho các đồng chí tại Thị đội Long Xuyên, BHĐ vừa thực hiện một vụ cướp tiệm vàng tại biên giới (chúng tôi sẽ đề cập đến vụ cướp kinh hoàng này ở những số báo sau) và đang trên đường về ăn mừng chiến thắng tại thị xã Long Xuyên. Đồng chí Phạm Thành Lợi lập tức bố trí trinh sát theo dõi mọi động thái của BHĐ, đồng thời báo cáo chớp nhoáng với đồng chí Nguyễn Văn Bê (Tám Bê) - Chỉ huy trưởng Thị đội Long Xuyên lúc đó (sau này là Bí thư Huyện ủy huyện Tịnh Biên, An Giang). Đồng chí Nguyễn Văn Bê cũng nhanh chóng báo cáo đồng chí Mười Liên - Bí thư Thị ủy Long Xuyên và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang về kế hoạch tổ chức bắt bằng được tên cướp nguy hiểm BHĐ.
Đồng chí Nguyễn Văn Bê đã chỉ đạo đồng chí Phạm Thành Lợi phải liên lạc ngay với đồng chí Nguyễn Văn Dũng - lúc đó là Trưởng ban Quân báo (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) để phối hợp nghiệp vụ. Tin báo từ cơ sở cho biết, tối 22-3-1980, BHĐ sẽ tổ chức ăn mừng chiến thắng vừa cướp tiệm vàng tại nhà của một đối tượng tên là Cùi Cang trong hẻm Ba Lâu, đường Thoại Ngọc Hầu (khóm 6 phường Mỹ Long, thị xã Long Xuyên). Đây là căn nhà nằm cách nhà của BHĐ thuê ở với mẹ già của hắn khoảng 50 mét. Sau khi nắm chắc kế hoạch tụ tập ăn mừng của BHĐ và đàn em tại đó, một tổ công tác, chỉ huy nhanh chóng đựơc hình thành do đồng chí Nguyễn Văn Bê làm Tổ trưởng. Trong cuộc họp chớp nhoáng được tổ chức sau đó vài phút, đồng chí Bê nhận định: “Hẻm
Ba Lâu ở đường Thoại Ngọc Hầu là khu vực nhà sàn ổ chuột, địa hình phức tạp, lắc léo. Từ trước giải phóng là địa bàn phức tạp về an ninh trât tự. Một bề giáp với sông, bên dưới là bùn lầy, lau, sậy mọc um tùm... Nếu đối tượng cố tình bỏ chạy sẽ rất khó khăn để truy đuổi. Đối diện hẻm Ba Lâu, bên kia đường Thoại Ngọc Hầu là hẻm Mừng Ký nổi tiếng từ thời chế độ cũ đến nay với rất nhiều đối tượng giang hồ ẩn nấp. Riêng đối với BHĐ, các đồng chí tổ công tác một lần nữa xác định đó là một đối tượng có “bản lĩnh” võ nghệ, gan lì, táo bạo và rất xảo quyệt trong việc tháo chạy mỗi khi bị vây bắt. Vì BHĐ đã từng “xuất quỷ nhập thần” trước mắt nhiều nhóm cảnh sát, quân cảnh chế độ cũ, khiến bọn chúng cũng rất ngán khi đối mặt với BHĐ.
Các đồng chí cũng không quên hệ thống lại những vụ tẩu thoát ly kỳ của BHĐ, trong đó có vụ đào thoát ngay tại con hẻm Ba Lâu vào năm 1974. Lần đó, quân cảnh chế độ cũ bao vây để bắt BHĐ. BHĐ bị còng tay, bỏ lên xe jeep chở đi. Hai cảnh sát lực lưỡng ngồi “kèm” BHĐ hai bên hông với vũ khí trong tay nhưng trên đường áp giải về đồn cảnh sát, BHĐ đã đánh gục cả hai viên cảnh sát và tài xế để tẩu thoát. Từ đó, các đồng chí trong Thị đội Long Xuyên đã vạch một kế hoạch gần như hoàn hảo để vây bắt BHĐ.
Đồng chí Tám Bê là Tổng chỉ huy. Lực lượng tác chiến chia làm hai tổ. Tổ một do đồng chí Phạm Thành Lợi làm Tổ trưởng, với các thành viên là đồng chí Đỗ Dũng Sĩ, Huỳnh Tấn Tùng. Tổ một có nhiệm vụ trực tiếp vây bắt BHĐ. Tổ hai do đồng chí Trần Văn Be làm Tổ trưởng, cùng với các đồng chí Bùi Văn Nghề, Nguyễn Văn Mừng, Nguyễn Văn Ký. Tổ hai có nhiệm vụ chốt chặn trên đường Thoại Ngọc Hầu để đề phòng BHĐ có thể tẩu thoát bằng con đường này. Tất cả bảy đồng chí được trang bị vũ khí là súng ngắn để chiến đấu.

Chuyện khó tin về hai lần vượt vòng vây của "siêu tội phạm"
Đêm 22-3-1980, sau khi bị bắn ba phát súng vào chân, BHĐ vẫn chạy thoăn thoắt, lội sình ào ào. Khi đã mất nhiều máu, kiệt sức, tên tội phạm giỏi võ Thiếu Lâm này vẫn đủ khả năng đánh gục nhóm trinh sát để phá vòng vây... Trước đó, vào năm 1974, khi đã bị còng hai tay ngồi trên xe Jeep giữa gọng kìm của hai quân cảnh (chế độ cũ) to như hộ pháp, BHĐ vẫn thoát được. Hắn đánh song chỏ hạ gục hai hộ pháp rồi tung người đá dập đầu tay quân cảnh lái xe. Chiếc xe mất lái đâm vào lề, BHĐ nhảy xuống với hai tay bị còng, chạy thoát... Đọc lại những trang hồ sơ lưu trữ trước năm 1975, các trinh sát mới biết tại sao hôm nay mình chưa bắt được tên cướp có những khả năng khó tin như thế!
Khoảng 19 giờ tối 22-3-1980, nguồn tin trinh sát báo về lần cuối cùng cho biết BHĐ đã xuất hiện tại nhà của Cùi Cang, một đối tượng hình sự có máu mặt ở cùng xóm với BHĐ. Đồng chí Phạm Thành Lợi cùng hai hai chiến sĩ của tổ một lên đường, áp sát mục tiêu. Tổ hai cũng triển khai ngay sau đó. Con hẻm tối tăm, rộng hơn một mét dẫn vào căn nhà lá lụp xụp của tên Cùi Cang được các đệ tử của BHĐ ngồi canh giữ rất cẩn thận. Khó khăn lắm, các đồng chí của Tổ công tác mới tiếp cận được nhà của đối tượng. Khi BHĐ và bốn tên khác đang nâng những ly rượu đế hô hào “dzô, dzô!...” thì ba họng súng đen ngòm chỉa thẳng vào giữa cái bàn làm tất cả im phăng phắc.
“Bạch Hải Đường. Mày đã bị bắt. Giơ tay lên đầu!” - đồng chí Phạm Thành Lợi ra lệnh.
Khi tất cả chưa kịp hoàn hồn, BHĐ bật ngửa ra phía sau bằng một thế võ điệu nghệ, phi ra cánh cửa sau nhà rồi lao xuống con rạch đầy bùn lầy tẩu thoát. BHĐ đã có một kinh nghiệm là dù ngồi bất cứ ở đâu, hắn cũng “xem hướng” rất
kỹ để phòng khi bất trắc có thể tẩu thoát được. Và lần này, kinh nghiệm ấy đã chứng minh hắn cảnh giác như thế là không thừa. Thấy tình huống không ổn, đồng chí Đỗ Dũng Sĩ đã bắn một phát súng chỉ thiên yêu cầu BHĐ đứng lại, nhưng không ăn thua. Hắn vẫn lao mình băng băng dưới đám bùn đen ngòm như một bóng ma giữa đêm tối. Tình thế khẩn cấp, như một phản xạ tự nhiên, đồng chí Lợi lao theo BHĐ như một mũi tên, vừa hô lớn:
- Bạch Hải Đường. Đứng lại!
Sau nhiều tiếng ra lệnh nhưng BHĐ vẫn không khuất phục, đồng chí Lợi đã buộc phải hạ thấp người, đưa súng về hướng chân của BHĐ bóp cò. Ba tiếng nổ xé màn đêm làm cả xóm nhà ổ chuột nháo nhào. Cả ba phát súng đều trúng chân hắn. Nhưng thật kinh khủng, đồng chí Lợi và cả hai đồng chí đang đuổi theo sau lưng không thể tin được. BHĐ không những không gục ngã mà hắn chỉ khựng lại bước chân trong giây lát bởi lực của những viên đạn ở tầm ngắn quá mạnh, rồi vẫn băng băng quanh co trong những con hẻm chằng chịt. Hắn tìm được một con hẻm thông ra đường Thoại Ngọc Hầu rồi phi lên đường này đúng như tính toán ban đầu của tổ công tác.
Các đồng chí của Tổ hai đã chuẩn bị tư thế nên khi thấy bóng của tên cướp loạng choạng chạy thục mạng trên đường đã giương súng và một đồng chí lệnh:
- Bạch Hải Đường! Không được chạy!
Tưởng rằng, thấy một nhóm người đang cầm vũ khí trong tay chặn trước mặt, hắn sẽ đầu hàng. Nhưng, một lần nữa, sức mạnh vốn đã làm nên “tên tuổi” của hắn trong giới giang hồ và cả giới quân cảnh chế độ cũ lại được hắn chứng minh. Cả bốn đồng chí của tổ hai không dám nổ súng vì sợ lạc đạn vào người đi đường đông đúc. BHĐ đã bị bắn, chạy cà nhắc. Nhưng khi giáp lá cà, những cú đánh với tất cả sức lực để
thoát thân như một bản năng sinh tồn, hắn đã gần như hạ gục các đồng chí của Tổ hai và tiếp tục tháo chạy.
Hắn lao mình vào con hẻm Mười Ký của đường Thoại Ngọc Hầu. Lúc ấy, các đồng chí của Tổ một cũng đã lường trước sự việc nên đi vòng đón đầu lối ra của hẻm Mười Ký. Phía sau lưng BHĐ, Tổ hai cũng đã xốc lại đội hình và tiến về phía hắn. Đứng giữa hai nhóm trinh sát ở hai đầu con hẻm đang kẹp hắn lại như gọng kềm. BHĐ biết đang gặp lại viên sĩ quan có tài thiện xạ vừa cho hắn “ăn” ba viên đạn, ý chí hắn bắt đầu co lại. Ý nghĩ đó thoáng qua trong đầu BHĐ, và đây là lần đầu tiên trong đời sau mười năm “hành nghề”, hắn đã phải thúc thủ.
Tuy nhiên, khi hai mũi tấn công tiến lại gần, BHĐ vẫn gan lì chống cự. Đồng chí Lợi và một trinh sát có “nghề” của thị đội đã quần nhau với BHĐ một lúc khá lâu hắn mới bị khống chế. Đó là lúc hắn đã đuối sức. Ba phát súng do đồng chí Lợi bắn, hai viên găm vào bắp đùi và một viên găm vào bắp chuối của BHĐ. Những vết đạn này làm máu chảy quá nhiều khiến tên cướp kiệt sức, thúc thủ. Đồng chí Lợi đến giờ vẫn nhớ dáng người của BHĐ tối hôm đó: “Hắn nhanh và khỏe đến kỳ lạ. Tôi không nghĩ một người đã bị bắn ba phát vào chân mà vẫn còn vùng vẫy chạy và đánh gục được vài anh em như hắn. Phải công nhận những gì mà chúng tôi biết được về hắn qua báo chí chế độ cũ là không ngoa tí nào. Nếu không có lần chạm trán hôm đó, chắc anh em chúng tôi chẳng ai tin được”.
Lần đầu tiên trong đời, hắn nếm mùi thất bại và cũng là lần đầu tiên, hắn “dính” đạn, sau một vài lần (trong chế độ cũ) hắn đã may mắn thoát được trong làn đạn của quân cảnh. BHĐ bị khuất phục, tra tay vào còng số tám. Chiếc xe Jeep đã chờ sẵn để áp giải hắn về Thị đội Long Xuyên. Sáng hôm sau, BHĐ được bàn giao cho Công an tỉnh An Giang giam giữ.

Đồng chí Huỳnh Tấn Tùng - nguyên Trợ lý Quân báo Thị đội Long Xuyên kể lại: Trước giải phóng, BHĐ bị cảnh sát vây bắt một lần ngay tại con hẻm Ba Lâu mà chúng tôi bắt BHĐ vào tối 22-3-1980. Vì là người được phân công theo dõi tung tích của BHĐ, sau ba tháng trời lặn lội “theo chân” BHĐ, tôi đã nắm khá rõ “thành tích” trong giới giang hồ của tên cướp. Lần đó, cũng trong con hẻm Ba Lâu, BHĐ bị hai viên quân cảnh chế độ cũ to lực lưỡng vây bắt, đã còng được tay đưa lên xe jeep chở về đồn. Nhưng khi vừa ngồi lên xe, BHĐ đã dùng hai cùi chỏ đánh gục hai quân cảnh ngồi hai bên hông hắn và phi cú đá như trời giáng vào đầu lái xe rồi lao xuống đường tẩu thoát với chiếc còng trên tay. Khi lực lượng ứng cứu đến, hai viên quân cảnh và ông tài xế vẫn ê ẩm mình mẩy. Sau lần tẩu thoát ngoạn mục đó, BHĐ trở thành một cái tên đáng sợ đối với giới quân cảnh chế độ cũ và cũng làm cho giới giang hồ thêu dệt thêm huyền hoặc.
Đồng chí Tùng tiếp: Khi được giao nhiệm vụ theo dõi và bắt BHĐ, đồng chí Nguyễn Văn Bê - chỉ huy đơn vị - trong một cuộc họp đã hỏi tôi: “Thường vụ Thị ủy kêu tôi sang báo cáo vụ việc BHĐ, đồng chí có dám hứa hoàn thành nhiệm vụ không, để tôi hạ quyết tâm với Thường vụ?”. Tôi trả lời anh Bê: “Nếu lần này chúng tôi không bắt được BHĐ thì tôi xin lột lon giao lại cho Đảng và Nhà nước rồi về nghỉ luôn, không ở trong quân ngũ nữa!”. Nghe xong, đồng chí Bê đã mạnh dạn sang báo cáo với Thị ủy và hạ quyết tâm sẽ bắt được BHĐ.
Hôm đưa về Thị đội, tôi hỏi BHĐ:
- Mày có biết vì sao bị bắt không?
- Không biết thưa cán bộ!
- Thế mày mang súng trong người để làm gì?
- Dạ, để phòng thân thôi ạ!
- Sao phải phòng thân?
- Dạ, để phòng bất trắc khi ăn trộm!
- Nếu không phải là kẻ cướp thì chỉ có làm chính trị mới mang theo súng trong người thế này!
- Dạ, thật ra thì tôi chỉ trộm từ trước giải phóng!
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng - nguyên Trưởng ban Quân báo (Bộ Chỉ huy quân sự An Giang), nhớ lại: “Thời đó, chúng tôi theo đối tượng này vô cùng gian nan. Gần như anh em chúng tôi không biết mặt mũi của BHĐ ra làm sao. Hắn gần như không để lại bất cứ một tấm hình nào lọt ra ngoài xã hội. Dù hắn đã chôm rất nhiều máy chụp hình trong chế độ cũ. Đó cũng là một trong những “mánh” để những tên giang hồ như BHĐ tồn tại trong bóng tối được lâu như thế. Hơn nữa trước đó, trong một vụ cướp, có một đối tượng gây án tự xưng là Bạch Hải Đường. Khi đối tượng này bị bắn chết, các cơ quan chức năng của ta đều cho rằng không cần lo nghĩ gì về BHĐ nữa. Suốt một thời gian dài gần ba năm trời, mọi thông tin về BHĐ đều biệt tăm. Mãi đến khi một đối tượng hình sự ra tù còn nhận dạng được BHĐ. Sau khi đối chiếu với tấm hình duy nhất lưu trong hồ sơ truy nã của cảnh sát chế độ cũ còn lại, mô tả các dấu vết, chúng ta mới biết rằng Bạch Hải Đường - Nguyễn Ngọc Truyện (hay Truyện “xăm mình”) vẫn còn sống và đang tiếp tục ẩn nấp để phạm tội”.


Lời thách thức sau vụ vượt ngục
Tường nhà giam đã bị đục thủng một lỗ, bên cạnh là dòng chữ của tên siêu tội phạm để lại như trêu ngươi: “Nơi đây không phải chốn dừng bước giang hồ của Bạch Hải Đường”, ký tên Nguyễn Ngọc Truyện (tên thật của BHĐ)... Một tổ trinh sát được thành lập, các anh cùng thề sẽ sinh tử với tên tội phạm đặc biệt này.
Sau khi Thị đội Long Xuyên bàn giao BHĐ cho Công an tỉnh An Giang, hắn bị giam giữ chung với bốn đối tượng khác. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, giữa tháng 5-1980, BHĐ đã
tổ chức cuộc vượt ngục gây kinh ngạc không chỉ với lực lượng công an, quân đội mà bất cứ cơ quan nào.
Bạch Hải Đường bị bắn tới ba phát súng vào chân, bị trọng thương. Khi về nhà tạm giam, hắn gần như kiệt sức, chân gần như không còn cử động được. Việc đầu tiên của cán bộ quản giáo lúc đó là điều trị vết thương cho BHĐ. Khi vết thương bắt đầu khô và lành dần, hắn đã tổ chức vượt khỏi trại giam cùng bốn đối tượng khác. Các đồng chí lãnh đạo các phòng ban nghiệp vụ và công an tỉnh khi đến hiện trường phòng giam mà BHĐ đã tổ chức để “ra ngoài”, đều không tin vào mắt mình. Phòng giam giữ được xây dựng kiên cố. BHĐ đã bị còng tay chân. Nhưng vì sao hắn có thể thoát thân với một lỗ thủng trên bức tường trại giam và bỏ lại tất cả những chiếc còng? Sau này, khi bắt được BHĐ lần thứ ba, bức màn bí mật về cuộc vượt ngục mới được hắn khai nhận tỉ mỉ.
Thông tin BHĐ đào thoát khỏi trại giam đã gây sửng sốt đối với mọi người, kể cả những cán bộ, chiến sĩ công an An Giang. Một lần nữa, tên giang hồ khét tiếng đã đào thoát khỏi vòng vây pháp luật và một cuộc truy bắt lại bắt đầu. Nó gian nan, gay cấn và nguy hiểm hơn. Bởi hơn ai hết, BHĐ khi ra khỏi trại lần này đã trở thành con mãnh hổ ghê gớm hơn trước để tồn tại ngoài vòng pháp luật!
Bạch Hải Đường đào thoát khỏi trại giam là một việc hết sức nguy hiểm cho xã hội. Lãnh đạo Công an An Giang, nhất là lực lượng cảnh sát hình sự phải mất ăn mất ngủ vì cái tin BHĐ trốn trại. Nhiều cuộc họp khẩn cấp diễn ra tại Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang nhằm huy động tất cả lực lượng nghiệp vụ để truy bắt bằng được BHĐ. Đội trọng án của Phòng Cảnh sát hình sự được giao nhiệm vụ chủ chốt, truy bắt BHĐ. Sau một tháng, rồi hai tháng trời ròng rã truy tìm, tung tích của BHĐ vẫn biệt vô âm tín. Tất cả các đối tượng hình sự ở An Giang và các tỉnh lân cận có quan hệ với BHĐ đều được các trinh sát “bám”, nhưng vẫn không có chút manh mối nào. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự nhận định
có thể BHĐ chỉ còn những chỗ ẩn nấp là gia đình những người thân. Nhưng việc xác minh được người thân của hắn ở đâu cũng là một thách thức. Từ An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang... đều có người thân của BHĐ.
Thời gian đã trôi qua hơn hai tháng, BHĐ vẫn không hề xuất hiện. Có ý kiến cho rằng BHĐ đã chết do những vết thương bị bắn? Đồng chí Nguyễn Thanh Sang - Trưởng Phòng CSHS và các đồng chí trong Đội trọng án gần như ngồi trên đống lửa vì nhiệm vụ cấp trên giao vẫn chưa hoàn thành. Đồng chí Sang chỉ đạo Đội trưởng Đội trọng án lúc đó là đồng chí Phạm Thanh Sơn phải truy bắt bằng được cả bốn đối tượng vượt ngục cùng đêm với BHĐ. Có thể những tên này sẽ biết BHĐ đang ở đâu. Cuối cùng, bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, một đối tượng hình sự tên là Th. đã bị bắt. Rất may là qua khai thác tên Th., các đồng chí đã có manh mối về nơi ẩn náu của BHĐ. Nguồn tin quý giá từ tên Th. làm các đồng chí mừng như mở cờ trong bụng. Đồng chí Nguyễn Thanh Sang đã nhanh chóng báo cáo Ban Giám đốc công an tỉnh xin ý kiến rồi tổ chức vây bắt. Chỉ thị của lãnh đạo công an tỉnh cho Phòng CSHS là không được để BHĐ trốn thoát và sống ngoài vòng pháp luật, phải bắt bằng được. Nếu không, ngành công an sẽ phải có lỗi với nhân dân!
Nhận nhiệm vụ nặng nề là đồng chí Phạm Thanh Sơn, lúc đó là thượng úy, Đội trưởng Đội trọng án (sau này đồng chí làm Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang, nay đã mất). Đồng chí Sơn là một trong những CSHS tài năng nhất của Phòng CSHS. Anh có tư duy phá án tốt và đặc biệt là rất giỏi võ. Lúc đó, giới giang hồ ở Sài Gòn thì khiếp đảm đồng chí D.M.N, còn ở An Giang, thì các đối tượng hình sự đều rất “ngán” Phạm Thanh Sơn. Nếu đã đụng độ với Sơn, tất những tên giang hồ đều phải thúc thủ, dù trong tay chúng đang cầm loại hung khí gì.
Sau khi xác định được địa điểm mà BHĐ đang ẩn náu, tổ công tác do đồng chí Phạm Thanh Sơn phụ trách, cùng với hai trinh sát của đội trọng án là Lê Trường Thanh và Nguyễn
Trường Sơn được giao nhiệm vụ truy bắt BHĐ. Cùng đi có tài xế lái xe và đối tượng Th. có nhiệm vụ dẫn đường. Trước khi lên đường, đồng chí Nguyễn Thanh Sang chỉ đạo: “Các đồng chí đang nhận nhiệm vụ rất nặng nề. Tôi tin tưởng các đồng chí sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Trên xe có xăng đủ chạy suốt ba ngày. Nếu dọc đường không đủ xăng thì cứ ghé vào đổ rồi... ký sổ. Tôi sẽ đến thanh toán!”. Sau cái bắt tay chắc nịch của trưởng phòng với từng người trong tổ công tác, ngày 25-7-1980, tổ công tác đặc biệt lên đường, hướng về thị xã Sóc Trăng - nơi mà Bạch Hải Đường đã ẩn trú suốt hai năm trong nhà một người thân và trong một ngôi chùa.
Ba giờ chiều 25-7-1980, tại căn nhà nằm ở ngoại ô thị xã Sóc Trăng, khu vườn có nhiều cây cối, nắng vẫn gắt, soi qua từng tán cây. Trên chiếc võng, một người nằm vắt vẻo, chân trên võng, chân chống dưới đất đu đưa, mắt lim dim ngủ. Tiếng một người đàn ông gọi khẽ bên tai:
- Truyện ơi. Mày có khách này! - giọng người anh rể vang lên làm BHĐ chồm dậy.
- Trời đất. Anh Th. Sao tìm được em? - Bạch Hải Đường vồn vã nhận ra “chiến hữu” Th. ở chung phòng giam đã được hắn kéo ra cùng trong đêm vượt ngục tại trại tạm giam cách đó hai năm.
Hai gã đàn ông ôm chầm lấy nhau ra chiều rất thân thiết.
- Dạo này chú thế nào rồi?
BHĐ: - Thì em toàn lo nghỉ ngơi và điều trị vết thương chứ có làm ăn gì đâu anh. Với lại nghe nói mấy ổng đang tìm em dữ lắm anh ạ!
- Còn anh thì thế nào?
Th. cười: - Anh đâu có dám “xông ra” nữa. Chạy xe ôm kiếm sống qua ngày.
Cuộc hàn huyên của Th. và BHĐ kéo dài đến khoảng sáu giờ chiều. BHĐ định gọi anh rể đi chợ mua ít đồ về nhà lai rai với bạn hiền. Nhưng Th. ngăn:
- Thôi không cần đi chợ đâu chú. Phiền hà nhà anh chị. Anh em mình kéo ra quán nào đó gần đây ngồi cho thoải mái đi. Bao nhiêu lâu mới gặp lại!.
BHĐ đồng ý. Sau vài phút thay y phục chỉnh tề, BHĐ và Th. đưa nhau ra một quán nhậu bình dân gần nhà anh rể để tiếp tục ôn lại chuyện xưa.
Vừa tìm xong chỗ ngồi, chưa kịp ăn thì BHĐ chợt nhận ra hai bóng người đi bộ bên kia đường. Linh tính mách bảo hắn có chuyện chẳng lành...
Sự thật về “tướng cướp Bạch Hải Đường” (Phần 3)
(24h) - Trinh sát Lê Trường Thanh đã nghiến răng chịu đòn, chấp nhận thà chết chứ không buông tên cướp khỏe và hung dữ như hổ báo. Đồng đội còn lại của anh là Phạm Thanh Sơn hai tay hai khẩu súng ngắn chạy vòng quanh chưa biết xử trí thế nào. Thanh kêu lên: “Bắn đi anh. Cứ bắn đi. Không để hắn thoát!”. Thượng úy Sơn chần chừ vì cự ly quá gần, viên đạn có thể sẽ “xuyên táo” cả tội phạm lẫn người đang ôm hắn.Trong tình thế vô cùng nan giải đó, Sơn đã thông minh khi nghĩ ra biện pháp mới... Khi đã thúc thủ, Bạch Hải Đường dù đã trúng thêm viên đạn thứ tư vào người, vẫn tỉnh táo nhận xét: “Trước giải phóng, cỡ mười quân cảnh, cảnh sát dù có ôm chặt cũng chẳng thể làm gì được tôi. Tôi thoát khỏe re. Còn đây chỉ có hai anh đã bắt được tôi. Các anh quá giỏi!”.
Cuộc chiến sinh tử trong quán nhậu
... Từ bên kia đường, ánh mắt nhà nghề của thượng úy Phạm Thanh Sơn cũng chợt nhận ra sự bất thường của BHĐ nên nháy mắt ra hiệu cho đồng chí Lê Trường Thanh rồi nhanh như chớp cả hai băng qua đường, lao thẳng vào quán. Đồng chí Thanh móc súng đưa về hướng BHĐ ra lệnh:
- Bạch Hải Đường. Đưa tay lên. Mày đã bị bắt!
Vẫn như bao lần trước đó, BHĐ không bao giờ ngoan ngoãn chịu khuất phục. Hắn phi thân vào hướng nhà bếp của quán hòng thoát thân. Vì biết phía sau không có đường chạy, nên tôi chuyển khẩu súng cho đồng chí Sơn rồi lao theo BHĐ. Hắn đã quay người tống về phía tôi mấy cú đá. Nhưng lúc đó, tôi đã dùng tất cả sức lực, “chịu đòn” để lao vào ôm hắn bằng được. BHĐ bị tôi quật ngã, đập đầu vào cái bếp nấu bằng trấu của chủ nhà. Hắn có vẻ loạng choạng nhưng vẫn lồng lộn chống cự. Hắn đã tính cướp súng trên tay tôi, nhưng đồng chí Sơn phát hiện đã dùng chân đá khẩu súng văng ra và giữ súng. Khi tôi đã xiết chặt vòng tay, ôm gọn người từ phía sau, hắn vẫn ra đòn liên tục vào người tôi. Vì tình thế khẩn cấp và nghĩ đến lòng tin của cấp trên, ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi ngay lập tức là không thể để hắn thoát được, dù phải đổ máu. Tôi ôm hắn, hắn đã kéo lê tôi khoảng năm mét. Tôi cố ôm và quay mặt hắn về phía đồng chí Phạm Thanh Sơn và kêu lên:
- Bắn! Bắn! Anh cứ bắn đi. Không được để hắn chạy!
Ở một cự ly quá gần, đồng chí Sơn hai tay cầm hai khẩu súng nhưng chưa dám siết cò. Vì nếu súng nổ thì chắc chắn tôi cũng “ăn” đạn cùng với BHĐ. Khi tôi gọi đến lần thứ hai “anh cứ bắn đi!” thì đồng chí Sơn đã chọn được khoảng cách thích hợp rồi hạ thấp tầm ngắm và nổ súng (vì lúc đó đồng chí Sơn không thể tiến sát BHĐ với hai khẩu súng trên tay, sẽ rất nguy hiểm - N.V) Viên đạn đã bắn trúng đùi BHĐ. Lúc đó hắn mới đổ gục bên cái bếp của quán nhậu.
Người dân hiếu kỳ đã tụ tập kín cả khu vực, bởi khi biết đó là BHĐ thì người ta muốn đến xen chân tướng của hắn và xem CA bắt hắn thế nào? Chúng tôi băng bó vết thương cho hắn, còng tay lại rồi đưa lên xe Jeep. BHĐ nằm bất động trên xe. Anh em cứ tưởng hắn đã đuối sức. Nhưng khi xe chạy về đến phà Vàm Cống, BHĐ tỉnh lại nói chuyện với chúng tôi bình thường. Đồng chí Thanh khi kể với tác giả loạt bài này, đã không thể quên được lúc đó: “Phải nói là hắn có sức khỏe cực tốt. Đù đã “ăn” viên đạn thứ tư vào người, máu chảy rất nhiều nhưng sau đó hắn tỉnh lại và vẫn nói chuyện với anh em như không bị gì vậy”. Trên xe, BHĐ đã nói với đồng chí Sơn rằng: “Tôi công nhận mấy anh giỏi thật.
Đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời, BHĐ biết sợ, biết rằng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Suốt mười năm tung hoành giang hồ, phần vì bất cần đời, liều lĩnh, phần vì giỏi võ Thiếu Lâm nên hắn dường như không biết sợ ai, chưa ai có thể “đấu” tay đôi với hắn mà thắng được. Nhưng lần này hắn đã nếm mùi thất bại. Phát súng của thượng úy Phạm Thanh Sơn hôm đó đã đặt dấu chấm hết cho một cái tên gây bao nhiêu kinh hoàng cho xã hội, cho lực lượng cảnh sát của chế độ cũ và gây mệt mỏi, vất vả cho những cán bộ chiến sĩ công an nhân dân có nhiệm vụ truy bắt hắn.
Khi bị giam giữ trong trại tạm giam, BHĐ vẫn chưa phải đã cải tà quy chính để hoàn lương thật sự như hắn đã “hứa” với cán bộ qua bao nhiêu lần hỏi cung. Hắn đã nhiều lần mưu toan “ảo thuật” với chiếc còng để vượt ngục. Nhưng những cán bộ quản giáo canh giữ BHĐ với kinh nghiệm trước đó, không để hắn có cơ hội lần nữa.
Trung tá Trần Thanh Tình - hiện là cán bộ Văn phòng Công an tỉnh An Giang - nguyên cán bộ quản giáo, Phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh An Giang, trước đây được giao nhiệm vụ canh giữ BHĐ - kể lại: Thời điểm BHĐ vừa đào thoát khỏi trại giam, tôi đang đi dự một lớp tập huấn, không có mặt tại trại giam. Khi trở về, nghe anh em kể lại vụ đào thoát của hắn. Trước khi rời nhà giam, hắn đã viết lên tường rằng: “Nơi đây không phải là chốn dừng bước giang hồ của Bạch Hải Đường”.
Sau này, khi BHĐ bị bắt trở lại vào ngày 25-7-1980, trung tá Trần Thanh Tình được giao nhiệm vụ nặng nề là canh giữ nghiêm ngặt tên giang hồ khét tiếng này. Đồng chí Tình cũng không thể ngờ rằng, lần hắn vượt ngục trước đó và lần vừa bị bắt lại đã làm hắn hối cải, hoàn lương. Chính thời gian “cùng ăn, cùng ở” với tên “tướng cướp” này trong trại giam, đồng chí Tình phần nào hiểu được vì sao tên cướp khét tiếng này đã khiến cho lực lượng giữ gìn trật tự của cả chế độ cũ và chúng ta hôm nay phải vô cùng vất vả.
Lần thứ hai bị bắt trở lại, BHĐ đã bị bắn trọng thương thêm một lần nữa, sức khỏe trở nên kiệt quệ. Thế nhưng, khi về tới trại tạm giam, không vì thế mà các đồng chí công an lơ là, chủ quan. BHĐ bị ngồi trong nhà giam với cả còng tay, còng chân. Hắn chỉ được di chuyển trong một không gian hạn hẹp. Thế nhưng, trong một buổi trưa, sau khi ăn cơm trưa cùng một số đồng chí và chuẩn bị nghỉ trưa thì từ bên phòng mình, đồng chí Tình nghe được những tiếng lộc cộc khả nghi phát ra từ căn phòng giam sát bên bức tường - nơi giam giữ BHĐ. Khi nhìn qua cửa thì đồng chí hoảng hốt vì nền nhà giam hoàn toàn trống rỗng, chỉ còn lại mấy cái còng. Khi mở cửa phòng giam để vào, đồng chí Tình không thể ngờ rằng, BHĐ đang đu người như một con vượn trên trần nhà giam để hòng tháo lưới chui ra ngoài, dù vết thương vẫn còn rất nặng trên chân của hắn.
Đồng chí Tình đã phải ra lệnh:
- Truyện! Mày không nên làm liều. Xuống đi!
Hắn ngoan ngoãn phi xuống nền nhà giam nhẹ như con sóc. Khi các đồng chí khác có mặt để tiếp ứng, BHĐ đã “giả điên” mà khai rằng:
- Hôm qua tôi nằm mơ, thấy mẹ tôi về báo mộng, bảo tôi phải “đi” khỏi đây không thì sẽ bỏ mạng ở đây. Nên tôi định... ra ngoài thôi!
Đó không phải là lần duy nhất BHĐ đã tháo được ổ khóa, tháo còng để đào thoát. Nhưng sau lần đó, đồng chí Tình đã có thêm được một bài học mà vì thế, sau này suốt một thời gian dài, đồng chí đã hoàn toàn khống chế được hắn. Hầu như tất cả ổ khóa dùng để khóa còng chân của chúng ta lúc đó đều không thể “khóa” được BHĐ. Chính đồng chí Tình đã liên tục phải thay ổ khóa. Đến nỗi quá bực mình, có lần đồng chí Tình đã chửi thẳng:
- Mày làm gì mà cứ “tháo” khóa mãi vậy? Ổ khóa đâu mà tao thay hoài!”.
Sau nhiều lần như thế, đồng chí Tình đã nghĩ ra cách để khống chế được tên cướp vốn có tài “ra khỏi nhà giam” này. Cùm chân được lồng vào một cây sắt to và dài, luồn qua tận bên phòng của đồng chí Tình và làm móc khóa ở đó. Thế là BHĐ không còn cơ hội “mày mò” với ổ khóa nữa. Hắn chỉ biết ngồi một chỗ và gầm rú như một con thú dữ cho đến ngày hắn không còn nữa.

Trung tá Trần Thanh Tình, người được giao nhiệm vụ canh giữ BHĐ cuối đời
Là người chứng kiến những tháng ngày cuối đời của tên tội phạm, đồng chí Tình vẫn nhớ như in từng cử chỉ, điệu bộ, tính tình và cả những vết xăm trên người hắn. “BHĐ khá đẹp trai, lanh lợi, điềm đạm và ít nói. Đúng bản chất của một tay đàn anh thứ thiệt chứ không phải là một đối tượng giang hồ kiểu chợ búa ăn to nói lớn để thị uy người khác. Chính những tháng ngày được đồng chí Tình gần gũi, giáo dục, BHĐ bắt đầu hối cải về con đường tội lỗi của hắn, BHĐ bắt đầu xem đồng chí Tình như một người anh. Hắn đã lặp đi lặp lại một điều về cuộc đời hắn với đồng chí Tình là hắn chỉ ăn trộm chứ không phải “tướng cướp” như mọi người gọi. Vụ cướp duy nhất mà hắn thực hiện là cướp vàng (chúng tôi sẽ phản ánh trong loạt bài này) ở biên giới và ngày hôm sau, 22-3-1980 bị bắt tại Long Xuyên. Hắn không hề thích cái “danh tiếng” mà giới giang hồ và cảnh sát chế độ cũ đã đặt cho hắn. Không hiểu vì sao những ngày cuối đời, BHĐ vẫn muốn “đính chính” về điều đó.
Có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn, hắn vẫn còn một chút phần người ít ỏi mà hắn không muốn người đời nghĩ về mình là một tên tướng cướp hung ác. Chính vì những suy nghĩ như vậy, hắn đã thổ lộ ra hết câu chuyện về cuộc đời “hành tẩu giang hồ” của hắn cho đồng chí Tình biết. Và có lẽ, đến bây giờ, đồng chí Tình là người duy nhất biết trọn vẹn về cuộc đời của BHĐ một cách đầy đủ, mà ngay cả những người thân như cha mẹ, vợ con, đàn em và cả lực lượng cảnh sát của chế độ cũ và lực lượng công an chúng ta cũng chưa ai biết được. Những ngày sau cùng, BHĐ đã viết lại cuộc đời hắn bằng 17 trang viết tay khá chi tiết - bút tích duy nhất còn lại kể về cuộc đời thật của BHĐ.
Chúng tôi xin được thuật lại bút tích của BHĐ để bạn đọc có thể hiểu được phần nào về con người thật, tội lỗi thật sự của “tướng cướp Bạch Hải Đường”...