Vài nhận định về võ trong và ngoài nước




Võ Trung Quốc

Trung Quốc có cả một kho tàng võ thuật rất phong phú và đa dạng. Họ có hàng trăm phái khác nhau, nhưng tiêu biểu nhất thì có các đại phái như Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga My, Không Động, Côn Luân, Hoa Sơn... Mỗi môn đều có những đặc trưng riêng, có những ưu điểm riêng, họ đều có những đòn thế bí truyền, những kỷ thuật chiến đấu đặc biệt, và đa số thường được "bảo mật" không cho phổ biến ra ngoài, trừ các Nội Đồ của họ. Nhưng cũng chính vì vậy Trung Quốc đã gặp những trở ngại rất lớn trong công cuộc phát triển quốc tế. Có thể họ bị rơi vào tình trạng bị trung hòa (saturate) chăng?

Nhưng nói chung về kỹ thuật thì tất cả đều chỉ đặt trên căn bản Quyền - Tấn - Múa Võ Khí và Thở Khí Công, và điều khó hơn cả là họ không thể nào thống nhất được, mà chỉ cố gắng chọn lựa một số kỹ thuật, đưa ra một số các luật lệ để gọi chung chung là môn Wushu (có nghĩa là Võ Thuật) hoặc Kungfu và nhờ thế, thế giới đã biết đến họ khá nhiều, nhưng lại không có thế đứng lớn mạnh như các môn võ của người Nhật Bản.

Võ Nhật Bản

Người Nhật có một truyền thống võ thuật khá lâu, từ thời các Samurai còn thịnh trị. Tuy nhiên, nền võ thuật của họ cũng có nguồn gốc từ kho tàng võ thuật của Trung Quốc. Tổ Sư Akiyama của môn võ cổ truyền của Nhật, từng là một vị lương y, du học ở Trung Hoa và đã học được các kỹ thuật của Thiếu Lâm Bắc Phái, sau này về chế tác ra môn JIUJITSU (Nhu Thuật) với nguyên lý nhu của cây liễu. Từ Nhu Thuật, Tổ Sư chế hành JUDO (Nhu Đạo) và ngài Morihei Ueshiba lại tinh chế và xây dựng ra môn AIKIDO (Hiệp Khí Đạo) nổi tiếng ngày nay. Rồi từ những bài quyền do một vị Sứ Thần Trung Quốc phổ biến tại đảo OKINAWA mà về sau du nhập vào nước Nhật đã trở thành các hệ phái KARATEDO (Không Thủ Đạo), phổ biến rộng khắp năm châu, nhưng không thể thống nhất thành một phái như Nhu Đạo được, chính vì thế KARATEDO đã không có mặt trong các môn tranh tài thể thao của Thế Vận Hội.

Võ Nam Hàn

Thực tế cũng là một hệ phái của KARATEDO nhưng năm 1955, các Võ Sư của Đại Hàn đã chỉnh biên lại, với kỹ thuật dùng chân nhiều hơn và đặt ra một tên khác là TAEKWONDO (Túc Quyền Đạo) nhưng quốc tế vẫn thường gọi là Korean Karatedo. Chính phủ Đại Hàn rất trân trọng môn võ này, coi như một môn quốc võ của họ. Sau khi thành lập, họ cho phổ biến rộng khắp các học đường, quân đội, các lực lượng võ trang và các cơ quan dân chính. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã đào tạo được hàng ngàn võ sư và huấn luyện viên. Họ bắt đầu tranh thủ đi phổ biến tại các nước bạn mà Nam Việt Nam trước đây là một trong những nước đầu tiên họ đặt nền móng. Với danh nghĩa là phái bộ quân sự do người Mỹ yểm trợ, họ đề nghị đưa các võ sư sang dạy hữu nghị cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, đầu tiên tại trường Võ Khoa Thủ Đức khoảng năm 1960-1961. Đến năm 1973, khi quân đội Nam Hàn rút khỏi Việt Nam Cộng Hòa, họ tổ chức một khóa lên đai chót cho lớp võ sư Việt Nam đầu tiên, có 14 người dự thi, họ chấm đậu cho tất cả đều được lên Đai Đen Tứ Đẳng, đó là các ông Đặng Huy Đức, Đào Tuấn Ngọc, Nguyễn Mười Nho, Nguyễn Bình, Nguyễn Ngọc Vân v.v... Trước năm 1975, Taekwondo phát triển mạnh trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, hơn Vovinam-Việt Võ Đạo nhiều, nhưng ngoài dân sự thì Vovinam có phần mạnh mẽ hơn. Sau năm 1975, các võ sư Huấn Luyện Viên từ quân đội cũ tràn ra mở lớp dạy Taekwondo, khiến phong trào này trở nên mạnh mẽ. Có thể nói sau Đại Hàn, Việt Nam là nước đông người tập Taekwondo nhất hiện nay. Do vì hoàn cảnh riêng, những năm sau này, môn Taekwondo lại tự tách thành hai phái: một phái là WTF, do bộ Quốc Phòng Nam Hàn thống lãnh, phái kia là ITF do chủ tịch Choi Hong Hy, đặt trụ sở ở Canada cai quản. Nhưng mới đây, hai hệ phái này đã vì quyền lợi chung của đất nước, bắt tay lại với nhau để có thể hội đủ điều kiện gia nhập OlympicsS trong kỳ Thế Vận tổ chức tại Australia vào năm 2000 sắp tới.

Xét người lại nghĩ đến ta

Vovinam-Việt Võ Đạo tuy được thành lập từ năm 1938, nhưng trong 7 năm đầu (1938-1945) đang trong thời kỳ bảo hộ của ngoại bang, mọi hoạt động bị giới hạn, rồi bị cấm đoán, nên Môn Phái mới chỉ đặt được một cái nền, mà chưa phát triển được phong trào lớn mạnh. Tiếp theo là 9 năm chiến tranh Việt Pháp (1945 -1954), Vovinam đã không có cơ hội để phát triển theo ý muốn. Sau 1954, vào miền Nam, với 9 năm dưới chính thể Ngô Đình Diệm, Vovinam cũng chỉ có thể hoạt động một cách èo uột. May mắn thay, chính trong 12 năm chiến tranh khốc liệt (1963-1975), Vovinam-Việt Võ Đạo lại phát huy được hết khả năng của mình. Từ vài phòng tập ở Sàigòn, chúng ta đã phổ biến môn võ của dân tộc ra khắp Miền Nam Việt Nam. Từ võ thuật học đường đến võ thuật trong quân đội và các lực lượng võ trang cũng như dân sự, thu hút hàng trăm ngàn môn sinh và sau đó đã đặt nền móng phát triển sang các nước Phương Tây. Sau 1975, nhờ phong trào di tản ra nước ngoài, khiến Vovinam-Việt Võ Đạo đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại quốc nội, vì biến cố lịch sử, tất cả các môn võ đều ngưng hoạt động trong 5 năm (1975-1980), trong đó có Vovinam-Việt Võ Đạo. Nhưng từ năm 1980, chính quyền Việt Nam đã bắt đầu mở đường cho các phái võ được dạy trở lại, tuy rằng chỉ trong vòng tự phát, nhưng nhờ thế mà Vovinam-Việt Võ Đạo cũng đã tạo được phần nào thanh thế cũ. Mãi tới năm 1987, chính phủ Việt Nam mới chính thức công nhận và cho phép các môn phái võ hoạt động. Vovinam-Việt Võ Đạo được thành lập các hội võ tại các tỉnh và thành phố. Nhờ thế phong trào có hào khí tiến lên. Nhưng bất hạnh thay! Đến năm 1992, Vovinam-Việt Võ Đạo xin tiến hành thành lập một Liên Đoàn Quốc Gia (Federation), để hoạt động trên qui mô toàn quốc, như các liên đoàn Taekwondo, Karatedo, Judo, Võ Cổ Truyền... thì lại không được Tổng Cục Thể Dục Thể Thao Hà Nội cho phép, mặc dù Vovinam-Việt Võ Đạo có tất cả mọi điều kiện. Tuy nhiên, Vovinam-Việt Võ Đạo vẫn hy vọng chờ đợi, thì bất thình lình, các Quan chức Tổng Cục Thể Dục Thể Thao lại đơn phương ra một Quyết Định (1994) chỉ cho phép Vovinam-Việt Võ Đạo thành lập một "Ban Điều Hành Lâm Thời Việt Võ Đạo" nằm trong Liên Đoàn Võ Cổ Truyền. Đồng thời tự bổ nhiệm một số cán bộ và vài võ sư trẻ vào trong ban lãnh đạo, không hề tham khảo ý kiến của những võ sư cao cấp đã từng làm ra phong trào này. Các môn võ thuật tại Việt Nam, được coi là một môn "Thể Thao Quần Chúng", thì đáng lý ra phải có ý kiến đóng góp của quần chúng đã từng sinh tử với môn võ của họ mới phải, nhưng các vị có thẩm quyền lại không hề làm như thế. Chính sự kiện này đã làm cho phần lớn bộ phận võ sư và huấn luyện viên Việt Võ Đạo trong nước nản lòng, nhiều người đã xin nghỉ dạy, khiến cho phong trào hiện nay đang đi xuống dốc một cách thê thảm!

Nguyện vọng của tất cả các môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo là mong muốn phát triển môn võ của dân tộc mình thật lớn mạnh tại nước gốc để đưa Việt Nam thành một "Đại Cường Quốc Việt Võ Đạo". Nhưng nếu tại Việt Nam không có được một Liên Đoàn Việt Võ Đạo, thì chúng ta lấy tư cách gì để hãnh diện là nước gốc và so sánh với quốc gia Việt Võ Đạo khác? Đấy là điều mà chúng tôi đang trông đợi từ các giới chức có thẩm quyền tại Tổng Cục Thể Dục Thể Thao Hà Nội. Nhưng đó là việc về sau, chúng ta hãy kiên nhẫn.


VS Trần Huy Phong-Vovinam