Hòa thượng vân du buổi tối lên đến giữa lưng núi, nhìn thấy trong túp lều nhỏ tỏa ánh sáng. Hòa thượng gõ cửa vào nhà, thấy một ông laõ đang ngồi xếp bằng trên giường lò. Chào hỏi xong, hòa thượng hỏi ông lão:
_ Thí chủ đang luyện công gì vậy?
Ông lão đáp:
_ Bồ Tát chú!
Hòa thượng càng vui mừng, trong lòng nghĩ rằng mình xuất gia trên bốn mươi năm, vẫn chưa từng nghe đến Bồ Tát chú. Hòa thượng liền thỉnh giáo ông lão, ông lão nói:
_ ta luyện chú này hơn sáu mươi năm, còn chưa truyền thụ cho ai, đó chính là sáu chữ: ÚM MA NI BÁT MI NGƯU.
Ông lão đọc nhầm chữ “HỒNG” thành chữ “NGƯU”. Hòa thượng nghe vậy cười, nói rằng chú này không phải là Bồ Tát chú, mà là sáu chữ Đại minh thần chú, chữ cuối cùng đọc “HỒNG”, không phải đọc “NGƯU”.
Sau khi hòa thượng đi rồi, ông lão đổi lại lời chú đọc theo như hòa thượng nói, nhưng luôn bị líu lưỡi không đọc được.
Ba tháng sau, hòa thượng lại đến giữa lương chừng núi, trong lòng nghĩ rằng ông lão sau khi đổi chữ “NGƯU” đọc thành chữ “HỒNG”, công phu nhất định sẽ càng cao. Nhưng khi bước vào cửa nhìn, trong nhà một chút ánh sáng cũng không có, ông lão đang ngồi niệm Đại minh thần chú, chữ “HỒNG” cuối cùng vẫn đọc không được.
Hòa thượng trở về chùa cầu giáo thiền sư, thiền sư nói:
_ Người xuất gia bốn mươi năm, tại sao không hiểu lẽ thiền ấy? Niệm chú là đem tâm định vị, tâm định thì tam muội chân hỏa của cơ thể mới phát ra, nên tỏa ra ánh sáng. Ông lão niệm theo phép niệm của ông ta sáu mươi năm, cái tâm không loạn, tam muội chân hỏa phát ra. Người bảo ông ta đổi lời niệm, làm cho tâm loạn, tam muội chân hỏa sẽ không phát ra nữa.

TL: Trí tuệ của thiền_ Thành Thông dịch