ĐỀN QUỐC MẪU ÂU CƠ
(Đệ nhất tiên thiên công chúa)

Mẹ Âu Cơ gắn với truyền thuyết 18 đời Hùng Vương, mở đầu trang sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Phải chăng, nguyên khí trời Nam tụ vào lòng mẹ rồi sinh ra những người con thảo hiền, cần lao, chung thủy. Những người con ấy từng ngăn sông, lấp biển, khai khẩn đất hoan lập nên bờ cõi nước Văn Lang, biết chắt lọc tinh hoa từ đất thành bánh chưng, bánh dày, hoa thơm, quả ngọt... dâng kính tổ tiên; từ trên ngọn núi cao cho đến miền duyên hải ai ai cũng giống nhau lòng yêu nước thương nòi. Dấu chân của mẹ hòa cùng mây núi, phúc đức của mẹ thấm vào từng nguồn dòng chảy trong dòng máu Lạc Hồng, như dòng sông, ngọn suối không bao giờ cạn.


Truyền thuyết kể rằng: Đế Lai lấy Ngọc Nương phu nhân, lúc sinh nàng Âu Cơ có mây lành che chở, hương rừng tỏa ngát. Nàng xinh đẹp, lung linh như hạt ngọc trời buông xuống, là điềm "Tiên nữ giáng trần", Ngọc Nương vui mừng khôn xiết thường gọi con là "Đệ nhất Tiên Thiên công chúa". Nàng Âu Cơ đi đến đâu, trời râm, mưa tạnh, rét ngừng, chim rừng ca ríu rít, hoa đua nở muôn màu.


Bấy giờ, Sùng Lãm được vua cha An Dương Vương truyền ngôi (2793 TCN), xưng là Lạc Long Quân, người kết duyên với Âu Cơ. Khi đến kỳ khai hoa, bà chọn núi Nghĩa Lĩnh là nơi nghỉ sinh, mấy ngày sau bà trở dạ sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành một trăm người con. Năm mươi người con theo cha xuống biển, năm mươi người con ở lại với mẹ và cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. 49 người con theo mẹ tỏa khắp núi rừng, sinh cơ lập nghiệp.


Một hôm, bà Âu Cơ cùng hai người con (Hùng Trấn Quý Minh, Hùng Trấn Bảo Quốc) đến trang Hiền Lương thấy ba bề sông nước uốn quanh, lung linh bóng núi, đất đai màu mỡ một dải ven sông, cỏ cây sầm uất, hoa trái dâng hương, suối reo vang đến mây trời, điểm hội tụ của cá, chim, muôn thú... Bà chọn nơi này là chốn dừng chân, liền cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải... Chẳng bao lâu làng mạc trở nên trù phú, vạn vật tốt tươi.


Ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, bà cùng các tiên nữ bay về trời, để lại trần gian một dải yếm như những dáng mây ngũ sắc bay lơ lửng trên nền trời Hiền Lương. Trong trí tưởng tượng của người xưa, dải yếm như lòng mẹ, là điểm tựa tinh thần cho cháu con mãi mãi về sau. Để ghi ơn đức sâu dày của mẹ, nhân dân đã lập một ngôi miếu tuần rằm nhang khói.


Đời Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497), vua sai Giám Quốc sư đến Hiền Lương phong sắc cho bà Âu Cơ, cấp 30 quan tiền xây dựng đền. Đến thế kỷ XIX một lần nữa nhà Nguyễn lại phong sắc công nhận đền Quốc Mẫu Âu Cơ. Trải qua 5 thế kỷ ngôi đền đã được trùng tu, tôn tạo vào những năm: 1700, 1900, 1942, 1982...


Đền tọa lạc giữa cánh đồng màu mỡ, trên khu đất rộng 21.000m2 thuộc thôn Việt Hồng, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Mái đền ẩn dưới màu xanh của bóng đa cổ thụ thâm nghiêm, tĩnh tại. Trời cao xanh, núi cao xanh, cánh đồng xanh... Một màu xanh mịn màng yên ả, quyện vào nhau tạo nên khung cảnh vừa thâm u tĩnh mịch của núi rừng, nồng nàn gió thoảng ven sông.


Từ cửa đền nhìn ra phía nam, xa xa núi Giác, núi Nả như một bức tranh hoành phi giữa mênh mang đất trời. Tương truyền, hàng năm mỗi độ xuân sang hoa mận, hoa đào nở rộ, các tiên nữ thường xuống núi này soi mình, chải tóc bên bờ suối, thưởng ngoạn hương sắc thơ mộng chốn sơn khuê. Cảnh trí ngoạn mục ở đây mà thiên nhiên đã ban tặng cho làng quê Hiền Lương thuần phác hứa hẹn điểm du lịch đầy tiềm năng. Phía Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam dòng sông Hồng cần mẫn như cỗ máy vận hành phù sa bồi đắp vùng châu thổ, đôi bờ ngút ngát lúa ngô.


Trong đền, tượng mẹ Âu Cơ ngôi trên long ngai đặt trong khảm sơn son thiếp vàng, mắt mẹ nhìn xuống bao dung, độ lượng, ta có cảm giác lâng lâng như được bàn tay mẹ che chở, bao nỗi nhọc nhằn khuất mắt đời thường như tan biến, khiến tâm hồn ta nhẹ nhõm thảnh thơi, trong sáng hơn.


Đặc biệt trong đền còn lưu được nhiều cổ vật quý: Tượng Mẫu Âu Cơ cao 0,95m, 3 bộ long bài vị, tượng Đột Ngột Cao Sơn, án gian, sập thờ, cửa võng... Với những đường nét chạm khắc tinh sảo, được bàn tay nghệ nhân đương thời mô phỏng thật sinh động.


Vừa qua, lãnh đạo UBND huyện Hạ Hòa đã xem xét dự án tôn tạo di tích đền Quốc Mẫu Âu Cơ để trình lên lãnh đạo tỉnh. Ngày 27-12-2001, UBND tỉnh Phú Thọ phê chuẩn, ra Quyết định số 4663/QĐUB đầu tư 12 tỷ đồng, nhằm bảo tồn vùng cát địa có di tích lịch sử văn hóa cội nguồn và tiềm năng phát triển văn hóa du lịch với các hạng mục công trình: Tôn tạo hoàn chỉnh đền Quốc Mẫu Âu Cơ, tả hữu mạc, giếng Loan, giếng Phượng, gò Thị, gò Cây Dâu... đều mang đậm truyền thống về Quốc Mẫu Âu Cơ, nhắc nhủ cháu con hướng về cội nguồn dân tộc.


Hằng năm lễ hội Quốc Mẫu Âu Cơ được tổ chức chính vào ngày mùng 7 tháng giêng, ngày "Tiên giáng", nghi lễ dùng cỗ chay, mâm quả, tiền giấy.


Đúng giờ Thìn (7 giờ đến 9 giờ), đội tế nam rước kiệu Thành Hoàng làng (Hùng Trấn Quý Minh) từ đình về đền. Kiệu Thành Hoàng uy linh giữa dòng người, sắc áo nở rộ như vườn hoa muôn màu, cờ thần, cờ sai, cờ lệch phất bới các ngả đường, không gian ầm rung tiếng trống, tiếng chiêng náo nức ngày hội xuân. Tiếp theo là lễ dâng hương, gồm 100 cầu bánh ngọt, 100 phẩm oản. Sau đó mười hai cô gái thanh tân trong đội tế nữ thực hiện nghi lễ tế Mẫu. Ngày thứ ba đội nữ tế tạ xong, đội tế nam rước kiệu Thành Hoàng làng về đình.


Những ngày sau đó, nhân dân địa phương cùng khách thập phương tiếp tục về đền đang hương, lễ Mẫu hết tháng giêng, tháng hai...


Trong những ngày lễ hội, ban di tích tổ chức nhiều trò dân gian như đu tiên, cờ tướng, chọi gà, bóng đá, kéo co... nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc. Ngoài ra trong năm còn có những ngày tiệc khác.


Mồng 10 tháng 11: Ngày giỗ Đức Quốc Đại Vương.
10 tháng 3: Ngày giỗ Vua Hùng.
12 tháng 3: Ngày Vua Hùng lên thăm mẹ Âu Cơ.
13 tháng 8: Ngày cầu mưa thuận gió hòa.
25 tháng chạp ngày "tiên thăng" mẹ về trời.


-----------------------------------------------


Đền Mẫu Âu Cơ:
Điểm đến trong hành trình về cội nguồn ngày xuân



Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyên Hạ Hoà) được xây dựng thời hậu Lê. Theo truyền thuyết thì giữa Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Hùng và Đền Lăng Xương (thuộc xã Trung Nghĩa huyện Thanh Thuỷ) có mối liên quan chặt chẽ với nhau.

Truyền thuyết và lịch sử còn chép lại rằng: Vào khoảng năm 2879 trước công nguyên (TCN) vua Đế Minh phong cho Đế Nghi làm vua ở phương Bắc, Lộc Tục làm vua ở phương Nam. Lộc Tục lên ngôi xưng là Kinh Dương Vương. Đến năm 2793 (TCN) Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Sùng Lãm. Sùng Lãm lên ngôi vua (Xưng là Lạc Long Quân). Thuở ấy vợ chồng Đế Lai ở Động Lăng Xương đã sinh được con gái yêu tên gọi là Âu Cơ. Khi Âu Cơ cất tiếng khóc chào đời thì hương thơm toả ngát, trên trời có mây lành che chở, điềm báo “tiên nữ giáng trần”. Nàng Âu Cơ lớn lên ngày càng sinh đẹp, lại chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, tinh thông âm luật. Âu Cơ đã được Lạc Long Quân kén làm vợ và đưa về Núi Nghĩa Lĩnh. Tại đây Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng nở ra một trăm người con trai. Khi các con lớn khôn, Lạc Long Quân và Âu Cơ chia đôi số con để người thì lên rừng, người thì xuống biển nhằm gây dựng mở mang non sông bờ cõi. Cơ nghiệp nhà Hùng và Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên trong lịch sử của dân tộc Việt Nam được khởi nguồn từ khi người con trưởng lên ngôi vua (niên hiệu Hùng Vương thứ nhất) tiếp đó là các đời Hùng Vương trị vì đóng đô ở Phong Châu (trong khoảng thời gian từ năm 2879 TCN đến năm 258 TCN). Thời gian này được các nhà lịch sử gọi là thời đại của các Vua Hùng. Mẹ Âu Cơ cùng 49 người con lên miền ngược thấy đất Hiền Lương phong cảnh tươi đẹp, sơn thuỷ hữu tình nên đã chọn làm nơi dừng chân trong hành trình khai sơn phá thạch. Tại Hiền Lương mẹ Âu Cơ đã dạy dân khai hoang lập ấp, cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải. Và cũng từ đây Mẹ Âu Cơ hoá tiên bay về trời cùng bầy tiên nữ. Nơi bà để lại dải yếm lụa khi về trời đã được nhân dân dựng miếu thờ phụng, hương khói muôn đời.


Theo Thần tích của đền thì dưới triều vua Lê thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1465) Vua Lê đã sai giám Quốc Sư đến Hiền Lương phong Thần, cấp tiền xây dựng đền thờ Mẫu Âu Cơ. Ngôi Đền thờ Tổ Mẫu có từ đó. Đền trông hướng chính Nam, bên trái có giếng Loan, bên phải có giếng Phượng, phía trước đền có ao sen, sông Hồng như dải lụa đào bao quanh. Ngôi đền nằm dưới tán cây đa cổ thụ, trên một vùng bình địa rộng lớn.


Ở góc độ kiến trúc có lẽ người ta quan tâm nhiều hơn đến gian trong cùng của ngôi đền. Tại đây có gian thựơng cung thờ cao 2,2m, bên trên có khám thờ đặt tượng Mẫu Âu Cơ, diềm khám thờ được chạm văn hoa tứ quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai). Tượng Mẫu Âu Cơ (có niên đại khoảng 540 năm) cao 0,95m ngồi uy nghiêm trên ngai. Mẫu Âu Cơ mặc áo đỏ, yếm trắng đầu đội mũ, một tay cầm viên ngọc, tay kia đặt trên đầu gối trông thật mềm mại thư thái. Ngoài tượng Mẫu là cổ vật linh thiêng, ngôi đền còn lưu giữ được những bức trạm gỗ quý giá, tượng đức ông, long ngai, khám thờ.


Cũng như hàng năm, vào dịp này Đền Mẫu Âu Cơ thu hút một lượng khách thập phương khá đông trong cả nước về bái lễ tưởng nhớ công đức của tổ Mẫu. Các cán bộ của Ban quản lý Đền Mẫu cho biết: vài năm trở lại đây khi Đền Mẫu được tỉnh, huyện đầu tư tôn tạo thì không chỉ du khách trong tỉnh và tỉnh Yên Bái gần kề về bái lễ trong dịp chính lễ (7-1 âm lịch) mà ngày thường bà con ở nhiều tỉnh ở miền Bắc nhất là Hà Nội và Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Tây đã nô nức kéo về ngày càng đông. Trước mùa lễ hội năm nay hàng loạt các hạng mục như cổng đền, ban thờ Mẫu thựơng Thiên, nhà đón tiếp, nhà lưu niệm, ao sen, đường vào đền, bãi đỗ xe, sân vườn Đền Mẫu được xây dựng mở rộng. Việc thành lập BQL đền Mẫu đã làm cho công tác quản lý di tích và các hoạt động văn hoá tín ngưỡng, các dịch vụ phục vụ ăn uống, bán đồ lưu niệm, trông giữ xe đi vào nền nếp, đáp ứng với nhu cầu của nhân dân. Đặc biệt tại đây không có các hoạt động buôn thần bán thánh, lợi dụng tín ngưỡng để mưu lợi cho cá nhân. Bà Đào Thị Nhạn – Phó phòng VHTT-TT huyện Hạ Hoà, Trưởng Ban quản lý đền mẫu Âu Cơ - Hiền Lương cho biết: Chúng tôi đã sớm xây dựng kế hoạch với các nội dung khá chi tiết về tổ chức hội đền trình UBND huyện phê duyệt. Mặc dù số cán bộ của BQL chỉ có 5 người song công tác quản lý bảo vệ cổ vật, hướng dẫn đồng bào về bái lễ được tổ chức chu đáo. Công tác đảm bảo ANTT được các lực lượng công an, quân đội phối hợp hỗ trợ tích cực, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách thập phương. Những năm gần đây nghi lễ tổ chức lễ hội đền Mẫu cũng đã được điều chỉnh tương xứng với quy mô tổ chức của di tích cấp quốc gia. Trong ngày chính lễ huyện Hạ Hoà đã tổ chức trọng thể nghi thức tế lễ, đồng thời tổ chức nhiều các hoạt động văn hoá thể thao khác thu hút đông đảo người xem.


Những ngày đầu năm, Đền Mẫu Âu Cơ thực sự trở thành điểm hội tụ về nguồn của khách thập phương.

Báo Phú Thọ