kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: Nghiên mực cổ và Tổng Thống Ngô Đình Diệm

  1. #1

    Mặc định Nghiên mực cổ và Tổng Thống Ngô Đình Diệm

    Nghiên mực cổ và Tổng Thống Ngô Đình Diệm


    Hơn 1 thập niên trở lại đây, trong nước có 1 phong trào viết chữ đẹp khổ to mà người ta gọi là Thư pháp chữ Việt. Thực ra thì viết thư pháp đã có từ rất lâu bên Trung quốc với 1 lịch sử hơn 3000 năm rồi nghệ thuật này truyền sang Việt Nam, Triều tiên (Nam-Bắc Hàn hiện nay) và Nhật bản. Nhưng tất cả đều dựa vào căn bản chữ Tàu (Hán). Người biết chữ Tàu để có thể hiểu được và thưởng lãm được cái hay, đẹp trong thư pháp viết bằng chữ Tàu trong nước Việt hiện nay thì không nhiều. Do đó, mới có phong trào viết thư pháp bằng chữ Việt.

    Dụng cụ dùng trong nghệ thuật viết thư pháp là Bút, Mực, Nghiên và Giấy mà người ta gọi là văn phòng tứ bảo. Trong giới viết thư pháp tại Việt Nam vẫn truyền miệng về 1 cái nghiên cổ của vua Tự Đức. Đó là nghiên mực Tức Mặc Hầu. Vua Tự Đức là ông vua hay chữ, nên những gì thuộc văn phòng tứ bảo, ông hết sức nâng niu. Vua có 1 nghiên mực làm bằng đá Đoan Khê, ông rất ưng ý cái nghiên mực này đến nỗi phong chức Tức Mặc Hầu cho nghiên. Ông đã nhân cách hóa 1 vật vô tri, 1 cục đá mài mực, phong quan tước Hầu, vì biết dâng mực cho ông cấp kỳ khi ông cần.Tại sao có chuyện phong tước cho cái nghiên mực này thì ta phải đặt mình vào khung cảnh thời vua Tự Đức, khi đó cái gọi là khoa học vẫn chưa du nhập vào nước ta, vào thời đó, thi nhân khi nguồn thơ trong lòng vừa dâng kịp lúc có cái nghiên mực bên cạnh, muốn có ngay mực để mà phóng bút thì chỉ cần cầm nghiên lên, thổi một hơi vào mặt nghiên, tức thì có mực ngay đủ dung. Qủa là 1 nghiên mực tiên còn gì hơn nữa và thật là lạ lùng qúa sức phải không các bạn đọc? Vua Tự Đức làm việc bằng cây bút thật nhiều, mỗi khi gặp việc gấp rút, không sẵn mực dưới tay, nếu đợi người cung phi lấy nước, mài mực thì sẽ lâu.

    Nhất là khi nguồn thi hứng trong đầu vua khi đó chờ có được mực thì bay đi hết còn đâu! Có nghiên mực mà ngài chỉ cần hà hơi vào (với số mực cũ còn sót lại trong nghiên) thì mực này lại ánh lên và tươm ra óng mướt đủ dùng trong phút chốc. Chuyện nghe có vẻ huyền bí nhưng qủa thực là như vậy và người đã biết về cái kỳ diệu của nghiên mực này chính là cụ Vương Hồng Sển. Theo lời kể của cụ VHS thì trong 1 dịp ra Huế năm 1958, cụ đã đến thăm Viện bảo tang Huế và được vị quản thủ tại đây (cụ Tôn Thất Đào) tiếp và cho xem nghiên mực Tức Mặc Hầu này. Theo đó, nghiên mực có vóc lớn, nặng cỡ hai phần ba miếng gạch Tàu. Nghiên được chạm trổ rất đẹp. Mặt dưới của nghiên là 1 bài ngự chế của vua Tự Đức, đề cao đặc tính của nghiên mực. Mặt trên của nghiên thì chạm nổi, hình một cổ Tùng, gốc ngoằn ngèo trông thật già.

    Cạnh cổ tùng là một cổ Đình với nóc trổ từng miếng ngói đều đặn. Phần dưới cổ tùng, cổ đình là 1 bể con khoát sâu trong mặt nghiên, biến thành một vũng xinh xinh dùng để chứa nước cần cho việc mài mực. Giữa cái bể con đó có chạm 1 cù lao và có 8 vị Tiên ông đứng cạnh nhau cùng xem 1 bức tranh cổ mà mỗi vị tiên này đều nắm 1 chéo nhỏ của bức tranh. Chính chỗ là bức tranh này là nơi mài mực nhưng lạ là chỗ mài mực này tuy bằng phẳng nhưng dường như có bẩy tám chỗ u lên cao trông to bằng đầu đũa, sắc trông lạt hơn so với màu của nghiên. Theo cụ VHS, những nốt u này trong sách Tàu gọi là Cù dục nhãn, nôm na là mắt chim cù dục. Khi thổi một hơi mạnh vào ngay chỗ mài mực này rồi thử lấy tay quệt vào đó thì đầu tay đã đẫm ướt mực không khác gì tay vừa nhúng vào mực( vừa mài sẵn) cạnh bên mà trước đó, theo cụ VH khi chưa hà hơi vào thì rõ ràng là nghiên vẫn khô ráo, tay cầm vào không dính mực thế mà chỉ mới có chút hơi cụ thổi vào , bẩy tám chỗ u cù dục nhãn kia đã làm sao đó (nương vào hơi thở) để làm ướt mực khô trong nghiên này đủ để cho chủ nhân của nghiên , chấm bút vào đó mà có đủ mực để viết ngay vài hàng những câu thi phú vừa mới nghĩ ra. Trong thời buổi mà chưa có cây bút chì, bút bi như thời bây giờ, thì cái nghiên mực này qủa là vật thần kỳ, vật qúy. Bởi vậy, hèn chi vua Tự Đức mới phong tước Tức Mặc Hầu cho nghiên mực này.

    Nhưng cũng cụ Vương Hồng Sển trong các bài viết của cụ (Bách Khoa thời đại số 290-291 số ra tháng 2 năm 1969 xuân Kỷ Dậu và trong quyển Hơn nửa đời hư, bản in năm 1996 tại USA), lại cho là chính Tổng Thống Đệ nhất Cộng Hòa miền Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm đã lấy nghiên mực này mang về Sài gòn (Dinh Gia Long) làm của riêng (không cho biết vào lúc nào?) và khi Dinh Gia Long bị tấn công (01-11-1963), ông NĐD bỏ chạy và bị giết ngày hôm sau. Nghiên mực Tức Mặc Hầu này cũng mất tích luôn từ đó cho đến nay. Nhiều người cũng nói y kiểu cụ VHS cái nghiên mực Tức Mặc Hầu lọt vào tay ông NĐD rồi sau ngày 01-11-1963 thì không biết nó lưu lạc nơi nào? Đã theo chân khách buôn ra nước ngoài hay vẫn còn nằm đâu đó trong nước Việt?

    Người viết bài này đã viết thư hỏi ông Nguyễn Hữu Duệ người mà hơn 40 năm trước đã làm việc gần bên Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong nhiều năm trời. Nhờ địa vị này mà ông Duệ biết nhiều về Tổng Thống Ngô Đình Diệm . Ông NHD là một trong số các nhân chúng biết những việc làm thường ngày trong Dinh Gia Long của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Khi được hỏi về chuyện cái nghiên mực Tức Mặc Hầu trong các bài viết của cụ VHS thì chính ông NHD đã trả lời là (nguyên văn): Chuyện của ông thắc mắc về bài viết của cụ Vương Hồng Sển về nghiên mực Tức-mặc-Hầu tôi cũng có đọc nhưng tôi thấy cụ Sển viết không đúng mà chỉ nghe nói và chính mắt cụ không thấy và chưa ai thấy cụ Diệm giữ nghiên mực này và theo ý tôi cụ Diệm ăn ngủ và làm việc trong 1 phòng ở dinh Gia Long mà chúng tôi ra vào nhiều lần nhưng không ai trông thấy .Về chữ Nho cụ Diệm rất giỏi nhưng tôi không thấy cụ dừng bút lông viết bao giờ. (Thư gửi ngày 18-03-2004, viết từ thành phố San Diego, tiểu bang California-USA ).

    Đây là đoạn copy lá thư của cụ Nguyễn Hữu Duệ (xin xem hình).
    Một người trong giới mua bán đồ cổ tại thành phố Sàigòn đã cho người viết bài biết là bây giờ chuyện đồ cổ thật hay giả rất khó biết vì với các phương tiện kỹ thuật computer hiện nay, nếu có 1 món đồ cổ thật (hay vật muốn làm giả) thì các chuyên gia trong nghề (làm đồ giả cổ) sẽ chụp món đồ này (bằng không gian 3 chiều) rồi máy sẽ phân tích, lên các chi tiết và rồi bằng kỹ thuật CNC (thật sự người viết không biết kỹ thuật CNC là kỹ thuật gì?). Các chuyên gia này sẽ dễ dàng làm ra 1 món đồ giống y chang và công đoạn kế tiếp là làm cho nó có vẻ cũ đi trước khi tìm mối tiêu thụ. Người này cũng cho biết đã tận mắt thấy có người tại Việt Nam sở hữu tới 3 chiếc dĩa Mai Hạc mà 3 chiếc đều khác nhau từ hình dáng con Hạc, cụm Mai, gò đá và bài thơ viết trong các dĩa đó. Trở lại cái nghiên mực Tức Mặc Hầu, cụ VHS là người rất thích sưu tập đồ cổ xưa. Khi cụ viết bài đổ riệt cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm lợi dụng chức quyền để chiếm đoạt cái nghiên mực này, câu chuyện thực-hư ra sao? Phải chăng bản thân cụ là người sẵn sàng thủ đắc một món đồ cổ xưa nào mà cụ thích (nếu có điều kiện trong tay như lời cụ thường bộc bạch trong các bài viết) nên, cụ cũng nghĩ người khác có cái đam mê như vậy? Thiển nghĩ, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người dám từ bỏ chức vị Thượng Thư ( chỉ sau 2 tháng nắm quyền) lúc đó mới 36 tuổi và rồi chọn cái chết (thay vì lưu vong ra nước ngoài) khi chịu nạp mạng cho đám tướng lãnh phản loạn (ngày 02-11-1963), 1 người đã không tiếc thân mình cho 1 lý tưởng, 1 chính nghĩa mà lại …có lòng tham với 1 vật cổ xưa mà vật đó chỉ có giá trị với người yêu thích khoa khảo cổ học hoặc ưa chuộng đồ cổ ngoạn như cụ VHS?

    Phạm thắng Vũ

    November 01, 2007. Theo Thư Viện Toàn Cầu
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Chiếc nghiên mực của vua Tự Đức
    Bài viết được đăng lúc 834 AM, 12.03.2010




    Chân dung vua Tự Đức - Ảnh: Internet
    NGÔ VĂN PHÚ

    Sứ thần Trung Hoa mến tiếng vua Tự Đức, liền đem dâng một báu vật. Quan nội giám giở ra xem thì chỉ là một chiếc nghiên mực. Liền cất đi, không dâng lên.




    Một lần, y mài mực cho vua viết, vua chỉ chiếc nghiên ngọc bảo:

    - Chiếc nghiên này tuy đẹp, nhưng ta đọc trong sách, thì nghiên phải được làm bằng đá, đá ráp, mới mài mực được. Nghiên bằng ngọc chỉ để chơi thôi!

    Rồi, bởi thông tuệ, ngài ngự chợt nhớ ra:

    - Bữa nọ, sứ thần Trung Hoa, có tặng chiếc nghiên mực, khanh để đâu rồi!

    Nội giám tâu:

    - Thần cho là thứ nghiên mực không được quý như các báu vật khác, nên đã cất vào ngự khố rồi ạ.

    - Lấy ra đây cho ta xem nào!

    Nội giám vâng mệnh đi ngay. Vua giở ra xem. Khi sờ tay vào thớ đá, vua đã lấy làm lạ. Chiếc nghiên mực quả không phải làm bằng đá thường. Đó là chiếc nghiên hơi quá cỡ, bề dài dễ đến gần tám tấc (1), bề rộng năm tấc, dầy non một tấc. Đá vừa trơn vừa bén. Bờ nghiên chạm trổ rất tinh vi. Vua hỏi nội giám:

    - Khanh có biết xuất xứ chiếc nghiên này từ đâu không?

    Nội giám ứ cổ không nói được. Vua nhắc:

    - Về sau, nếu những báu vật được thu nhận, ngươi phải hỏi người dâng xem nó từ đâu tới và lai lịch ra sao, hiểu không?

    Rồi vua lại cười độ lượng bảo:

    - Chắc là ngươi lại cho là thứ đồ xoàng. Nghiên mực bằng đá thì có gì là quý đâu chứ! Thế ngươi có biết tích ngọc Biện Hòa ngày xưa không? Ngọc ẩn trong đá mới là thứ ngọc quý đấy!

    Nội giám sợ hãi, tóc gáy dựng lên, mồ hôi vã ra trên trán, tự vả vào mặt mình mà nói:

    - Thần biết tội rồi ạ, thần là đứa ngu ngốc, tầm thường ạ!

    Hôm sau vua cho mời Tùng Thiện Vương Miên Thẩm tới và hỏi xem có biết về gốc tích chiếc nghiên mực này không?

    Tùng Thiện Vương nâng chiếc nghiên mực lên tay, nhìn toàn thể, lật lên lật xuống, nhìn chân nghiên bờ nghiên rồi đáy nghiên, mắt chớp chớp, gương mặt lúc rạng rỡ, lúc đăm chiêu suy nghĩ. Thận trọng vốn là nết của Vương. Vua cứ để mặc cho ông Miên Thẩm quan sát.

    Tùng Thiện Vương để mắt rất lâu trong lòng nghiên mực. Lòng nghiên khóet sâu rất khéo, ở rốn nghiên hơi trũng mà mắt thường nhìn không thấu nổi. Cạnh cái rốn nghiên ấy, khắc hình bát tiên xem tranh rất sinh động. Đẹp nhất là hai ông Lý Tĩnh và Lý Thiết Quài. Lý Tĩnh thì mảnh mai, tiên phong đạo cốt, còn Lý Thiết Quài thì mặt tròn to, râu quai nón rậm rì, lông mày lưỡi mác xếch ngược, mũi to, mắt sáng... Miên Thẩm bất giác mỉm cười khiến vua cũng vui theo. Tám vị tiên đứng chéo nhau vừa khéo trong lòng nghiên, mắt dán vào một bức tranh cổ. Vua đã xem trước và nói:

    - Không phải là thợ tài hoa, không thể có những sáng tạo tinh vi, hài hòa đến thế được. Ta cho đây quả là một báu vật. Chỉ tiếc khi người dâng tặng, ta chưa phải là bậc tri âm, tri kỷ của họ...

    Tùng Thiện Vương vội tâu:

    - Quý nhau mới tặng vật lạ. Mà vật lạ mỗi chốc ai đã nhận ra ngay. Bệ hạ quả có con mắt xanh mới thấy hết chiếc nghiên đá này, người dâng tặng báu vật dẫu không có mặt, nhưng tin vào lòng thành và vật tặng thế nào cũng có người biết đến, như thế cũng đủ mãn nguyện rồi!

    Vua Tự Đức gật gật đầu, hỏi:

    - Khanh biết xuất xứ chiếc nghiên đá này chứ!

    - Tâu bệ hạ, thần đọc sách Trung Hoa cổ sử, có nhắc đến một miền đất gọi là Đoan Khê. Khe Đoan phong cảnh rất đẹp, ở sâu trong núi. Đá ở đây có thể đẽo được thành những cổ vật rất quý đem bán cho các nhà quyền quý. Họ làm chậu cảnh, hoặc làm phượng múa rồng chầu, lân mừng chân chúa, cá hóa long, rất nhã rất đẹp, nhưng nổi tiếng nhất là nghiên mực. Nghiên mực Đoan Khê rất được ưa chuộng.

    Tự Đức ban trà. Tùng Thiện Vương nâng tay đón, nhấp một ngụm, nói tiếp:

    - Chung quanh nghiên mực đều khắc hoa văn chân muỗi, hoa văn này làm tôn lên bức bát tiên xem tranh trên cái đổm giữa nghiên như chiếc cù lao này. Còn đây mới là điều độc đáo nhất của chiếc nghiên này!

    - Cái gì vậy? Tự Đức hỏi?

    - Bệ hạ nhìn kỹ vào lòng nghiên đây. Thoạt nhìn cái nghiên này như là thợ chưa làm cho lòng nghiên trũng đều. Bởi trong lòng nghiên có tám cái u nhỏ, vây xung quanh chiếc cù lao mang bức vẽ tám tiên xem tranh. Tám cái u này cùng với chiếc cù lao ở giữa, tạo thành cửu đảo. Tại sao lại tám, vì để ứng với bát tiên vậy. Còn chỗ kỳ diệu ở tám cái u nhỏ là ở chỗ này.

    Tự Đức bị lôi kéo vào lời dẫn giải rất đặc sắc của Tùng Thiện Vương, liền giục:

    - Khanh nói tiếp đi.

    - Tâu, tám cái u ấy đều được gọi là cù dục nhãn, nghĩa là mắt chim họa mi, cũng có người cho cù dục là chim cun cút, vì mắt cun cút hơi lồi. Nhưng chữ nghĩa mà làm gì, miễn là nó đẹp là được rồi.

    Tự Đức nói:

    - Ta xem nghiên thấy lạ, tự tay mài mực thử, thấy mực chóng quánh lắm.

    Tùng Thiện Vương cười:

    - Thông thường muốn thử mực nho lúc nào đã được để thôi mài, nho sinh thường thổi lên mặt mực xem đã đạt chưa. Bây giờ thần xin bệ hạ hãy thổi xem.

    Vua Tự Đức nâng nghiên lên thổi thử rồi đặt nghiên xuống. Vua hết sức ngạc nhiên. Trước ánh sáng trời của Hiên Ngự Mặc hơi thở trên nghiên mực đã biến thành một làn nước mỏng, ánh lên màu ngũ sắc, nước chảy lên, chảy xuống trên mặt nghiên rồi vụt biến mất.

    Vua Tự Đức ngạc nhiên thật sự. Tùng Thiện Vương lại nói:

    - Phiền bệ hạ quệt thử đầu ngón tay lên nghiên xem.

    Vua Tự Đức quệt nhẹ vài cái thì thấy đầu ngón tay ướt đẫm những mực, đen nhánh, thơm đẹp như ai đã mài sẵn...

    Tùng Thiện Vương lại giảng thêm:

    - Cù dục nhãn chính là nơi túi nước chứa mực khi được mài. Những túi nước ấy cũng là nơi thử xem mực mài đã đạt chưa. Nếu thổi thấy ánh lên màu ngũ sắc là được.

    Nội giám đứng hầu, dỏng tai lên mà nghe, rất phục. Chợt Tùng Thiện Vương quay lại bảo:

    - Sao không lấy nước để Hoàng thượng rửa tay, còn đứng ngây ra đấy!

    Từ ngày được chiếc nghiên quý, vua Tự Đức không rời nó. Chỉ những đại thần trong nội mật viện mới được vua cho xem.

    Vua đặt riêng trong văn phòng tứ bảo, chỉ chuyên dùng khi làm văn chương, thơ phú. Vua bảo nội giám:

    - Nghiên thường dùng các việc đời thường, nghiên nghệ thuật phải dùng vào những việc sáng tạo. Như thế mới xứng với báu vật.

    Tùng Thiện Vương thơ văn đã lừng danh cả nước. Các sứ thần Trung Hoa biết tiếng đều đến thăm chào thăm, ngâm vịnh, rất kính trọng.

    Tự Đức cũng rất thích thơ, phú, nhưng bởi triều đình lắm việc, vua không được rảnh rang, dành riêng cho thơ ca. Vua có đọc Hồng Đức quốc âm thi tập của Hội Tao Đàn, một bận gọi Tùng Thiện Vương vào chầu hầu mà bảo:

    - Thơ thời Hồng Đức lời lẽ thanh tao, cao khiết, nhưng chưa gần đời như Đỗ Phủ, chưa vẩy bút viết hết cho lòng mình như Lý Bạch. Nếu ta làm thơ, có lẽ sẽ khác!

    Tùng Thiện Vương thưa:

    - Ngài Ngự dạy rất phải!

    Tùng Thiện Vương thường được gọi thân mật là ông Hoàng Mười, con vua Minh Mạng, vào hàng vai chú của vua. So với những người ở Tôn Nhân Phủ, Tùng Thiện Vương là một bậc văn nhân, thức giả vào bậc nhất, do đó vua càng tin trọng. Vua thường hay gọi ông vào đàm đạo văn chương. Vua hỏi:

    - Trong bài tựa “ Đằng Vương Các” của Vương Bột, có hai câu rất hay là: “ Lạc hà dữ cô vu tề phi, thu lộ thủy cộng trường thiên nhất sắc” (2) thật tuyệt diệu, nhưng ta nhớ là đọc được ở đâu, ai cũng đã viết tứ này, Vương có nhớ không?

    - Tâu, hai câu đề tựa Đằng Vương Các quả là hay tuyệt, nhưng trước kia văn của Thẩm Ước đã từng có câu: “ Lạc hoa dữ chi cái đồng phi, dương liễu cộng xuân kỳ nhất sắc” (3), tờ Thiên Chiếu của vua nhà Chu cũng từng có câu: “ Chức cống dữ văn vũ câu thông, hiến chương cộng quang hoa tịnh cắng” (4), nhưng so với câu thơ của Vương Bột thì không thể nào hay bằng.

    Tự Đức hỏi tiếp:

    - Thi ca là nghề vi diệu có thể truyền nghề được không?

    - Tâu, thơ là riêng của từng người. Sầm Tham là Sầm Tham, Cao Thích là Cao Thích. Nhưng cái hay của người nọ, người kia có thể học được.

    - Nghề thơ khó lắm sao?

    - Tâu không khó, nhưng ít người có đủ tư cách, cảnh ngộ để hành nghề, luyện nghề!

    - Như ta liệu có đủ tư cách không?

    - Xin bệ hạ tha tội nói thẳng, Ngài Ngự lo trị nước, trách nhiệm nặng nề, tâm không được nhàn, không hư tình, xưa nay các đấng chí tôn làm thơ chỉ là tiêu khiển nhất thời... Còn như Đỗ Phủ và Lý Bạch đều bỏ quan mới thành thi hào, thi bá được!

    Tự Đức trầm lặng nói:

    - Ta muốn làm thi nhân hơn là làm vua. Song biết làm sao. Thôi ông giúp ta vậy. Ông có bài thơ nào mới làm đọc cho ta nghe thử!

    Tùng Thiện Vương nói:

    - Thần xin đọc bài thơ về cái guồng nước:

    THỦY XA HÀNH (5)

    Đỏ rực vầng ô, tiếng nước xối
    Ngăn sông, xe guồng, tát nước vội
    Một lời hát buồn, chín họa theo
    Thay nhau đạp xe, lòng rười rượi
    Năm nay rồng bướng chẳng phun mưa
    Nhà nông than khổ mấy cho vừa
    Thân đẫm mồ hôi, lệ nhòa mặt
    Mong đem nước vào ruộng khô rốc
    Mười ngày cực nhọc chửa nên công
    Đất nẻ, bờ vỡ, nước mất không
    Trưa trật cả nhà meo bụng rỗng
    Đòi tô, hạch thuế vẫn om sòm.

    Nghe xong vua khen:

    - Có cảnh này thật ư? Quả là năm nay hạn nặng thật. Ta đã ban chiếu để các nơi lúa hỏng được miễn giảm thuế. Nhưng quan lại sở tại là vấn nạn của dân chúng, biết làm thế nào? Thôi hãy bàn về chuyện thơ ca đã. Ta thỉnh thoảng cũng làm thơ, mà ông thì có đâu chịu ở trong hoàng thành. Từ nay, ta làm, khi được dăm bảy bài gom lại nhờ ông phủ chính cho.

    Từ bữa ấy, lúc mau, lúc lâu, dinh phủ của Tùng Thiện Vương thường được thị vệ mang tráp ngoài có đề Ngự chế thi. Tùng Thiện Vương vâng đọc thơ của nhà vua, rồi tự tay viết mật sớ dâng lên, tâu xin đổi chữ nào, và nói rõ, tại sao nên đổi. Vua khi được trao lại tráp, xem lại ngay, rồi sai Bằng phi mài mực ở chiếc nghiên quý của sứ thần Trung Hoa dâng tặng, vua tự chép vào sách.

    Việc ấy kéo dài cho đến tận lúc Tùng Thiện Vương mất.


    Vua Tự Đức bảo Bằng Phi:

    - Chiếc nghiên mực này từ ngày ông Miên Thẩm mất nó cũng như kẻ mất hồn.

    - Bệ hạ cũng thôi làm thơ ư?

    - Ta cũng có làm, nhưng ít có ai là người thẩm thơ giỏi như ông Miên Thẩm. Ông ấy quả là bậc thầy trong đám thi sĩ. Mà thơ của ông ấy có kém gì thơ Đường đâu. Phi thử nghe bài Xuân khuê oán này nhé: “Tứ lâu hựu kiến hạnh hoa phi. Nộn lục kinh hoàng, liễu tiệm phì, Mạc thị niên lai, xuân thảo át, Mã đề hành xứ bất tư qui” (6). Thơ của ông tao nhã kín đáo lắm. Quả là như sinh thời ông nói, đã làm vua, thì ít có ai trở thành thi sĩ như đúng danh của nó được. Ông ấy sở dĩ thành thi sĩ vì không ham danh chuộng lợi.

    Vua lại buồn.

    Bằng Phi nói:

    - Thiếp thích bài “ Tàn tốt” (Người lính sống sót) của ông hơn: “ Loạn thi, tùng ý bạt thân hoàn. Nhất lĩnh đơn y, chiếu huyết ban. Ỷ trượng độc cô sơn tửu điếm. Tự ngôn sinh nhập Ai Vân quan” (7). Ông Miên Thẩm viết về người lính vừa đánh giặc Tây Dương ở cửa Hàn về. Tứ thơ đầy cảm khái, cảnh bi mà tứ tráng. Bài này so với thơ của Đỗ Phủ, đâu có thua!

    Vua thở dài:

    - Ta mất ông Miên Thẩm, như mất một người bạn lớn về văn chương.

    Nhưng bất hạnh cho nhà vua, ít lâu sau Bằng Phi cũng mất. Một đêm, trăng cuối năm lạnh, gió se se. vua ngự một mình trong cung, buồn không sao ngăn nổi. Nhìn đâu cũng thấy dáng Nguyễn Nhược Thị. Vua liền lấy nghiên mực quý, tự mài mực rồi viết một hơi:

    KHÓC BẰNG PHI

    Ớ Thị Bằng ơi, đã mất rồi,
    Ớ tình, ớ nghĩa, ớ duyên ơi!
    Mưa hè nắng chái oanh ăn nói,
    Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồi
    Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
    Xếp tàn y lại để dành hơi,
    Mối tình muốn dứt càng thêm bận
    Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.

    Tự Đức viết xong, gục đầu bên nghiên mực, mím môi lặng khóc một mình

    Hôm sau vua gọi nội giám đến bảo:

    - Khanh đem cất chiếc nghiên này vào ngự khố cho ta!

    - Tâu Hoàng thượng...

    - Ta đã bảo cất đi mà! Sao chậm thế. Vua cau mặt... Nội giám vội cẩn trọng tay nâng lấy nghiên, mang đi

    Vua buồn vời vợi nói theo:

    - Người ta mến, ta yêu đã bỏ ta mà đi cả rồi. Kỷ vật thì cứ luôn ở bên mình, chịu làm sao nổi!

    1999
    N.V.P
    (132/02-2000)


    ----------------------------------------------------
    (1) đơn vị đo lường đương thời, một tấc bằng 0, 04 mét
    (2) Ráng trời, chim lẻ cùng bay. Nước mùa thu, cùng trời mênh mông một màu.
    (3) hoa rụng cùng nấm cỏ chi bay, dương liễu cùng cờ xuân một sắc.
    (4) lễ cống nạp cùng văn võ thông suốt, hiến chương cùng vẻ đẹp văn chương lưu lại muôn đời.
    (5) Nguyên văn chữ Hán, bản dịch của Ngô Văn Phú
    (6) Bốn lầu hoa hạnh đã bay bay. Xanh thắm xua vàng, liễu đậm cây. Đâu phải năm nay xuân biếc cỏ. Quên về, vó ngựa ruổi chân mây!
    (7) Lê chân vượt núi, chiếc thân tàn. Máu đỏ còn loang áo mỏng manh. Chống gậy bước vào quán núi lảnh. Hẹn còn trở lại Ai Vân quan.

    Sông hương
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Nhắc lại chuyện nghiên mực Tức Mặc Hầu

    I.Học giả Vương Hồng Sển nói gì về nghiên mực quí hiếm trên?:

    Vua Tự Đức là ông vua hay chữ, nên những gì thuộc văn phòng tứ bảo (bút, mực, nghiên, giấy), ông hết sức tâng tiu. Ông có một nghiên mực làm bằng đá Đoan Khê, ông ưng ý đến nỗi phong nghiên mực tước là Tức Mặc Hầu

    Cụ Vương Hồng Sển, người khá am hiểu về vật báu này đã giới thiệu như thế trong nhiều sách do cụ viết; ở đây tôi dựa theo văn bản được in trong sách Hơn Nữa Đời Hư, in năm 1992 của nxb TP.HCM.

    Chuyện nghe có vẻ huyền bí, nhưng sau đây chúng ta hãy nghe cụ giải thích:

    Đó chỉ là một nghiên mực làm bằng đá Đoan Khê…Nghiễm nhiên nhà vua đã nhân cách hóa một vật vô tri, một cục đá mài mực, vì nó biết dâng mực cho ông cấp kỳ, theo ý ông muốn

    Và cụ cho biết vì ảnh chụp nghiên mực đã mất, nên cụ chỉ có thể mô tả và tôi đã tóm gọn như sau:

    Một lần, cụ Vương ra thăm Huế và được ông quản thủ Tàng cổ viện lúc ấy là cụ Tôn Thất Đào (thân sinh của nhà thơ Tôn Thất Quán) đem khoe chiếc nghiên mực Tức Mặc Hầu của vua Tự Đức.

    Nghiên mực dài khoản 3 tấc, ngang 2 tấc và dày khoản 3 phân tây. Dưới đáy nghiên chạm nổi mạ vàng một bài văn ngự chế của vua Tự Đức ca ngợi đặc tính tuyệt vời của nó. Nghiên lại được đặt trong một chiếc hộp bằng đồi mồi Hà Tiên vàng rực, được chế tác cực kỳ tinh xảo.

    Trên nắp hộp và mặt dưới hộp cũng có thêm hai bài văn. Phía trên đầu của nghiên chạm nổi một cổ tùng gốc ngoằn ngoèo, bên cạnh một cổ đình bị che lấp bởi mây trời, cây lá sum sê.

    Ngay dưới chân núi, tùng và đình cổ có cái bể nhỏ khoét sâu trên mặt nghiên, chính là nơi chứa nước dùng cho việc mài thỏi mực.

    Giữa cái bể tí hon ấy nổi lên một cù lao đủ chỗ cho 8 vị tiên (bát tiên) đang xúm nhau xem một bức tranh cổ, mà mỗi vị tiên này đều nắm 1 chéo nhỏ của bức tranh.

    Lại có một tiểu đồng theo một tiên ông khác chống gậy trường sinh bước qua chiếc cầu nhỏ nối liền cù lao có bát tiên với núi, tùng, đình cổ tạo thành một bức tranh chạm nổi rất mỹ thuật.

    Phía dưới bức tranh bọc một đường hồi văn “chân muỗi”. Bức tranh và đường hồi văn bao quanh một khoảnh chạm khuyết phẳng lì. Đó là phần chính của nghiên.

    Trên bề mặt phẳng lì đó có nhiều chỗ u lên và màu hơi nhạt. Sau nhiều năm nghiên cứu cụ Vương mới biết đó là những túi nước huyền bí (cù dục nhãn, nôm na là mắt chim cù dục) của nghiên.

    Cố học giả Vương Hồng Sển cho biết giá trị của nghiên mực chính là vì có “cù dục nhãn” huyền bí và cụ đã hết lời khen ngợi vật quí lạ như sau:

    Tôi định hoàn lại cho ông Đào, nhưng ông biết ý, nói nhỏ vào tay tôi: “Đâu, cụ thổi mạnh một hơi vào, coi nào”.

    Tôi vâng lời, nâng nghiên mực lên gần sát mặt, và thổi một hơi dài lên chỗ mài mực. Thổi rồi, tôi giựt mình, hết sức ngạc nhiên, vì dưới ánh sánh mặt trời rọi chỗ tôi đứng, tôi thấy hơi thở trên nghiên mực đã biến thành một lằn mống ngũ sắc, đang từ từ chạy lên chạy xuống mặt nghiên, rồi vụt biến mất…

    Ông Đào cười, rồi bảo tôi lấy ngón tay quệt thử trên nghiên, quả đầu ngón tay tôi ướt đẫm những mực, không khác gì tôi đã nhúng vào mực do ai mài sẵn hồi nào không hay…

    Mà chớ chi nghiên đá này”nông nước”, ẩm ướt tỷ như đá mài dao, đá bùn, thì đâu có chi là lạ. Đàng này, trước khi tôi hà hơi vào, rõ ràng cục đá vẫn khô ráo cho nên tôi cầm nó mà không bẩn tay, thế mà tại sao có chút hơi “ cầm thực” thổi vào để mượn sức, thì tức khắc bảy tám chỗ “cù dục nhãn”kia, bèn thi hành phận sự…mà tiết ra đủ số mực cần thiết.Ồ, sướng quá, thần bí quá và quí hóa quá!

    Trong thời buổi mà chưa chế tạo ra cây bút chì, cây viết bi “atomic” chưa sanh…người nào có dưới tay một nghiên mực có phép lạ như vầy, lại không lấy nó làm quí và tự mình hãnh diện lắm sao?...

    Phần cuối bài viết về đề tài này, cụ Vương Hồng Sển cho biết có một kẻ khéo nịnh bợ, vì mưu cầu danh lợi đã ôm báu vật vào Sài gòn “tấn cống”cho ông Ngô Đình Diệm (sách không cho biết vào lúc nào).

    Và khi Dinh Gia Long bị phe đảo chánh tấn công (01-11-1963), ông Diệm và em là “cố vấn” Ngô Đình Nhu bỏ chạy và bị giết ngày hôm sau, nghiên mực Tức Mặc Hầu cũng mất tích luôn kể từ đó cho đến nay.

    Than thở cho việc mất nghiên, cụ Vương viết:
    Sau ngày đảo chánh, ai nấy lo mất nước mất nhà, tôi lại lo mất nghiên mực. Tôi hỏi khéo ông quản gia có phận sự gìn giữ đồ vật của dinh Gia Long, ông này trả lời ông chẳng bao giờ nghe thấy điện có nghiên mực nầy. Tôi chẳng bao giờ ngã lòng , day qua mượn ông nhạc gia của quản gia hỏi chắc chú rể, ông cũng đinh ninh một hai ông không biết…

    Có thể vì nuối tiếc quá nên ông có hơi úp mở và xỉa xói hơi nhiều:

    Hỏi mãi, có người đưa ra thuyết hay là nghiên mực có cánh, đã bay tuốt qua La Mã ( ám chỉ L.M Ngô Đình Thục, anh ông Diệm, mang đi), qua Paris, hoặc mụ em dâu ác ôn (ám chỉ Trần Lệ Xuân, vợ ông Nhu tức em dâu ông Diệm) đã ôm bán quách cho nước ngoài rồi….

    Sau lời hằn học đó, giọng văn của cụ dịu lại và tôi đoan chắc đây mới là những câu đáng nhớ nhất, vì nó được thốt ra từ đáy lòng:

    Trước năm 1975, có một người trẻ, xưng là học trò cũ của tôi, nói nửa úp nửa mở rằng nghiên mực Tức Mặc Hầu chưa ra ngoại quốc, vẫn còn luẩn quẩn đâu đây hoặc vùng Sàigòn, hoặc còn trong nước không xa, và ở trong tay một người nọ, và nghèo lắm, túng lắm, chức vị nhỏ lắm, nhưng và không khứng lìa ngọc Tức Mặc Hầu.

    Tôi đã ráng hết sức hỏi, hỏi thêm gì người ấy cũng không nói nữa, nên hôm nay đành nói tách bạch ra đây, những ai có lòng với văn hóa, biết bảo tồn quốc túy, hãy cứu vớt nghiên mực khỏi bước lạc loài…

    Ảnh:
    Nghiên mực của vua Tự Đức do cụ Tôn Thất Sa vẽ lại bằng màu nước
    Nguồn/Ảnh: Nguyễn Văn Lục/E. Gras

    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  4. #4

    Mặc định

    II.Nghi án: Có phải ông Diệm là người chịu trách nhiệm về sự mất tích nghiên mực của vua Tự Đức?

    Người đầu tiên đưa ra vấn đề này là cố học giả Vương Hồng Sển, mà tôi vừa nói đôi chút ở đoạn trước.

    Ở đây, tôi xin ghi thêm đôi ba dòng do cụ viết, cũng nằm trong sách nêu trên:

    “Khi ông (chỉ Ngô Đình Diệm) lên tột phẩm nấc thang danh vọng, thì có người ở Huế biết chỗ nhược của ông và để củng cố địa vị cho mình, bèn ôm nghiên mực vào Sài Gòn tấn cống. Tôi biết chắc việc ấy vì từ năm 1959 đến năm 1962 mấy lần ra Huế, tôi hỏi thăm thì ngoài ấy nói với tôi Tức Mặc Hầu đã vào Nam”.

    Ở một đoạn văn khá dài khác, cụ Sển còn tỏ ý trách ông Diệm quá tham lam, xin trích một ít:

    Đến đây tôi trở lại chuyện một người mê cái nghiên Tức Mặc Hầu hơn tôi bá bội. Mê đến bất chấp lương tâm. Người đó khi đã chết, người ta lập biên bản thống kê tài sản mới biết y muốn lưu di 50 kí lô vàng (theo công báo của chính phủ Sài Gòn trước ). Ấy mà thuở sanh tiền, ông có tiếng là thanh liêm số dách. Đã ham hai chữ thanh liêm, lại ham chi cái Nghiên Tức Mặc Hầu…

    Nhà nghiên cứu về Huế, ông Nguyễn Đắc Xuân trong bài “Nhớ thầy Vương Hồng Sển, đi tìm nơi ẩn náu của chiếc nghiên mực Tức Mặc Hầu của vua Tự Đức”, thì đại khái là: trước sau chỉ có hai người là ông và cụ Sển lên án ông Diệm đã chiếm công vi tư, đã tham lam nhận cái nghiên mực về làm của riêng cho mình.

    Nhưng sau khi hai bài viết trên được công bố rộng rãi, đôi ba tác giả khác đã đồng đưa ra những chứng cứ phản bác lại:

    -Ông Vĩnh Phúc trong cuốn Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm, đã ghi lại những xác nhận của B.S Trần Kim Tuyến (là người chỉ huy hệ thống an ninh mật vụ của ông Diệm trong suốt giai đoạn 1956–1963) để bác bỏ những đồn đãi về việc ông Diệm “chiếm công vi tư”:

    Có những người như Quách Tòng Đức, Cao xuân Vỹ và nhất là Hoàng Bá Vinh đều quả quyết chẳng bao giờ nhìn thấy nghiên mực nào cả.

    Trong dinh lại có ba nguời thường ra vào thường xuyên phòng ông Diệm là bí thư Võ văn Hải, Đại úy Bằng hầu cận và ông già An, người bỏ già. Trừ ông Hải, hai người kia thường có dịp trò truyện, kể cho ông Tuyến nghe. Nhưng tuyệt nhiên, không có ai nói về nghiên mực đó cả. Chính cụ Sển cũng đã dò hỏi ông Giá là người chịu trách nhiệm bảo quản các vật dụng trong Dinh, nhưng ông bảo không bao giờ trông thấy nghiên mực. (trang 457).

    -Ông Phạm Thắng Vũ đã viết thư hỏi ông Nguyễn Hữu Duệ, người mà hơn 40 năm trước đã làm việc gần bên Ngô Đình Diệm trong nhiều năm trời. Nhờ địa vị này mà ông Duệ biết nhiều chuyện riêng tư của gia đình họ Ngô .

    Khi được hỏi về chuyện cái nghiên mực Tức Mặc Hầu trong các bài viết của cụ Vương, thì chính ông Duệ đã biên thư trả lời là:

    Chuyện của ông thắc mắc về bài viết của cụ Vương Hồng Sển về nghiên mực Tức Mặc Hầu tôi cũng có đọc, nhưng tôi thấy cụ Sển viết là cụ không thấy mà chỉ nghe nói; và cũng chưa ai thấy ông Diệm giữ nghiên mực này và theo ý tôi cụ Diệm ăn ngủ và làm việc trong 1 phòng ở dinh Gia Long mà chúng tôi ra vào nhiều lần, nhưng không một ai trông thấy .

    Về chữ Nho cụ Diệm rất giỏi nhưng tôi không thấy cụ dừng bút lông viết bao giờ. (Thư gửi ngày 18-03-2004, viết từ thành phố San Diego, tiểu bang California-USA )…

    ***

    Ý của người soạn bài này:

    Nhân đọc được những điều hoài nghi về sự “biến mất” nghiên mực Tức Mặc Hầu của ông Phạm Thắng Vũ đăng trên net, nên tôi muốn nhắc lại vấn đề và qua đây, cũng xin được nói rõ:

    Tôi không đủ chứng cứ để đổ lỗi hay thanh minh cho ai, mà chỉ muốn một lần nữa, tiếp sau cố học giả họ Vương, để thốt lên lời thiết tha rằng:

    Nghiên mực vừa kể trên là một quốc bảo, nếu bấy lâu nay có ai may mắn gìn giữ hay biết được tin tức gì về vật ấy, nên cung cấp thông tin, đem trả hoặc cho chuộc lại bằng một thứ nào đó để đất nước ta không mất đi vật báu “có một không hai”này.

    Vì ngoài giá trị là một món “đồ cổ, biết tự tươm mực”; vật dụng này còn một giá trị to tát hơn nhiều, mà theo tôi đây mới là giá trị vô giá và “có một không hai”của nghiên quí:

    Đó là trong 36 năm trị vì của Tự Đức, mảng thơ văn do vua sáng tác và những dòng châu phê của nhà vua ở những bản tấu sớ trong suốt ngần ấy năm “dầu sôi lửa bỏng”, tức là từ thời kỳ “thù trong giặc ngoài”, rồi đến cảnh “nước mất nhà tan”… Ngòi bút của nhà vua chắc chắn ít nhiều đã lấm những giọt “lệ mực”, từ nghiên mực“vô tri” này…

    III.Vài lời trước khi tạm biệt bạn đọc:

    1/Cụ Vương Hồng Sển là một học giả uy tín, có hiểu biết sâu rộng, nhưng do thói quen viết, cụ ưa tán rộng bàn thêm, đôi lúc viết theo trí nhớ nên có thể hơi khác sự thật đôi chút.

    Trong bài viết nói về nghiên mực Tức Mặc Hầu của cụ, ta thấy cụ tán dương hơi quá: Đàng này, trước khi tôi hà hơi vào, rõ ràng cục đá vẫn khô ráo cho nên tôi cầm nó mà không bẩn tay, thế mà tại sao có chút hơi “ cầm thực” thổi vào để mượn sức, thì tức khắc bảy tám chỗ “cù dục nhãn”kia, bèn thi hành phận sự…mà tiết ra đủ số mực cần thiết.Ồ, sướng quá, thần bí quá và quí hóa quá!

    Nhưng trong bài ngự bút do vua Tự Đức viết về nghiên mực và đã được ông Diệm dịch vào năm 1917, nhằm bổ túc bài của E. Gras có tựa đề: Sur un encrier de Tự Đức, thì nhà vua cũng chỉ nêu lên đặc tính ẩm ( giữ ẩm) của nghiên mực.

    Vậy có thể hiểu“ nó biết dâng mực cho ông cấp kỳ, theo ý ông muốn…” vì nhà vua thường dùng và thường cho người mài mực trên nghiên quí, nên mỗi khi vua cần ghi lại một vài tứ thơ bất chợt nảy ra, hay bút phê một vài câu ngắn cần kíp, nhà vua chỉ cần hà hơi vào nghiên thì có mực ngay…

    Còn nghiên mực lúc cụ Sển hà hơi mà bổng dưng được vậy, không thể nó bị bỏ khô khan trong nhà Bảo tàng từ thời Tự Đức, mà chỉ có thể vật báu này vẫn được ai đó, cũng vì quí vật mà lạm dùng…


    2/Cụ Nguyễn Thiệu Lâu, một trí thức khoa bảng xuất thân trường Sorbonne cũng có dịp được xem cái nghiên này, và cụ đã sao y một đoạn sử nhà Nguyễn để cho rằng nghiên có từ thời vua trước (tài liệu do cụ Sển đính kèm trong Hơn Nửa Đời trang 541):
    Vào năm thứ hai thời Thiệu Trị, năm 1842, tháng 10 có người dâng cái nghiên xưa lên Thiệu Trị.

    Cũng theo cụ Lâu, đầu nghiên có khắc một bài “minh” (“minh” là một bài thơ theo cổ văn).

    Ông Nguyễn Văn Lục trong một bài viết về đề tài này, tự hỏi: nếu cái nghiên là của vua Thiệu Trị, tại sao người đời cứ gán nghiên cho vua Tự Đức?
    Và chính Tự Đức cũng đã cho biết vua nhận được nghiên từ tay một sứ giả ở một đất nước xa xôi nào đó:

    “Đột nhiên , từ phía vừng đông đỏ thắm, giữa những áng mây bay tiến về hướng chúng ta, một sứ giả khoác áo vân cầm. Đó là niềm hân hoan của chúng ta khi được thưởng thức và nhận lãnh bảo vật ấy”.(trích bài ngự bút vừa nói trên)

    Điểm thứ hai, người viết đếm bài minh trên nghiên do cụ Lâu cung cấp có cả thảy 32 chữ ( 8 câu, mỗi câu 4 chữ); trong khi chữ viết trên nghiên mực của Tự Đức được vẽ lại bởi cụ Tôn Thất Sa không đúng số chữ như thế.

    Thêm một bằng chứng rõ rệt nghiên mực của Thiệu Trị không phải là nghiên mực của Tự Đức, vì trên bản khắc nghiên của Tự Đức có ghi rõ: “Fait un jour faste de l’an Mậu Thìn (1868) de la période de Tự Đức” ( theo bản văn tiếng Pháp của E. Gras)

    Vậy trong khi chờ thêm tư liệu, tạm thời ta có thể nói thời bấy giờ có hai nghiên mực Tức Mặc Hầu, một của vua Thiệu Trị và một của vua Tự Đức…

    3/Nghiên Tức Mặc Hầu của vua Thiệu Trị, cũng là một vật báu nên ta cũng nên biết thêm một vài điều về nó:

    Dựa theo bài viết của cụ Nguyễn Thiệu Lâu có tựa đề: Sự tích một cái nghiên xưa, mà cụ cho biết là đã sao y từ bộ Chánh biên:

    Năm Nhâm Dần, tức năm thứ hai triều vua Thiệu Trị (1842) tháng mười,có người dâng cái nghiên xưa.Nghiên dài 7 tấc 4 phân, rộng 4 tấc 7 phân, dày 5 phân.Chất nghiên bền mà láng bóng, kiểu xưa mà đơn sơ.

    Rõ ràng một phiến “ngói âm dương” mà người xưa đã nhơn hình dạng, đục ra chỗ chứa nước, chỗ mài mực. Đầu nghiên có khắc bài minh 32 chữ.
    …Sau bài minh, ông Tô Thức,(tức Tô đông Pha, một vị hay chữ đời Tống) xưa có khắc hai cái ấn:

    Một cái khắc hai chữ “Kỳ trân” nghĩa là quý lạ;

    Một cái khắc hai chữ “Tàng bửu” nghĩa là báu kín.

    Sau lưng nghiên có khắc 4 chữ “Thạch cừ các ngõa” nghĩa là ngói ở các Thạch cừ. Dưới lạc khoản mấy chữ rằng: “nghiên nầy chế tại tháng 8 năm thứ 3 hiệu Nguyên Phù”.

    Rồi ngài (vua Thiệu trị) truyền đem nghiên ấy dâng vào sở Kinh diên. Rồi Ngài bảo Nội các như sau:

    “nghiên nầy là nghiên “Các Thạch Cừ” xưa. Nguyên các ấy từ Tiêu Hà lập ra để chứa đồ tịch. Đến năm thứ 3, hiệu Cam Lộ, vua Tuyên Đế nhà Hán hội các nho thần giảng ngũ kinh tại đó.
    Từ năm thứ 3 hiệu Cam Lộ, đến năm thứ 3 hiệu Nguyên Phù đời Triết Tôn nhà Tống, Tô Thức mới được phiến ngói ấy đục làm thành nghiên, cả thảy 1.149 năm.
    Từ khi ấy đến nay, lại được hơn 740 năm nữa…

    Âu Dương Tu đời Tống xưa có câu rằng: “Ai ưng vật gì thời vật ấy thường tụ hội tới”. Nghĩa là vậy đó…

    ( Tôi cắt bớt một đoạn, và trong toàn bài tôi đã tự ý thay đổi cách xuống dòng của cụ để bài được gọn)

    4. Vài ý nhỏ khác :


    -Trong bài viết của Nguyễn Thiệu Lâu, ở đoạn mà tôi cắt bỏ, cụ cho biết Tức Mặc Hầu là tên gọi có sẵn trong điển tích “Có một điển tích, ấy là thời xưa phong cái nghiên là tức mặc hầu. Nghiên tức là Tức Mặc Hầu.
    Tức mặc là tên đất; mà nghĩa chánh: tức là tới, mặc là mực. Vậy nên đời xưa nhơn tên đất mà phong hầu cho cái nghiên; lại có ý nghĩa riêng là cái đựng mực.
    Lan đài là nơi làm sách, nơi ấy phải cần nghiên, bút. v.v... nghiên là Tức mặc hầu, bút là Quản thành tử, đều dự tước trong Lan đài cả.

    Vậy có thể nói việc phong tước cho nghiên, không phải do vua Tự Đức sáng tạo ra.Và vì điển tích có ý nghĩa nêu trên, nên có thể có vài vị đế vương mà Tự Đức chỉ là một, đã dùng để đặt tên cho nghiên mực yêu quí của mình …

    -Tôi rất mừng vì tra tìm được 2 tấm ảnh quí hiếm chụp nghiên mực Tức Mặc Hầu. Nhất là tấm ảnh chụp lại bức hình vẽ mầu nước của cụ Tôn Thất Sa. .(Nhưng không biết chúng có phải là ảnh mà cụ Vương đã làm mất hay không)

    Cụ Sa, không rõ sống thời nào, chỉ biết là một người trong Tôn thất, chuyên vẽ các bức trướng, các cửa cung điện, các vạc, các đỉnh, các súc vật, các bộ mũ áo dùng trong cung đình. Nhờ vậy mà người đời sau có mẫu để thiết kế lại những gì đã mất hoặc hư hỏng…
    -Nhờ ông Nguyễn Đắc Xuân mà ta biết được mấy câu cuối của bài ngự chế khắc trên nghiên Tức Mặc Hầu, được vua Tự Đức viết vào năm Mậu thìn (1868) để ca ngợi nghiên mực thật quí hiếm, được dịch nghĩa như sau:

    “Nghiên mực tuyệt mỹ nầy là điềm tốt cho sự tiến bộ của văn học
    Có thể tiên đoán sự lớn mạnh của xã tắc, thịnh vượng của chính quyền
    Và tạo việc giáo dục cho dân chúng.
    Đây là của báu mà hậu thế phải gìn giữ mãi mãi”.

    Bùi Thụy Đào Nguyên, người nhắc chuyện

    Long Xuyên 15/11/2007

    (Những tài liệu tôi dùng tham khảo, trích dẫn; đều được nêu tên trong bài. Xin các tác giả bỏ qua lỗi của tôi vì đã “sử dụng mà không xin phép trước”)



    Tấm ảnh quí chụp nghiên mực Tức Mặc Hầu.
    Trên nắp có ngự bút bằng chữ Hán của vua Tự Đức.
    Ảnh này của ông Thái Văn Kiểm trong cuốn Vietnam d'Hier et d'Aujourd'hui, Editions Intern., Tanger, 1956

    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •