Nghiên mực cổ và Tổng Thống Ngô Đình Diệm


Hơn 1 thập niên trở lại đây, trong nước có 1 phong trào viết chữ đẹp khổ to mà người ta gọi là Thư pháp chữ Việt. Thực ra thì viết thư pháp đã có từ rất lâu bên Trung quốc với 1 lịch sử hơn 3000 năm rồi nghệ thuật này truyền sang Việt Nam, Triều tiên (Nam-Bắc Hàn hiện nay) và Nhật bản. Nhưng tất cả đều dựa vào căn bản chữ Tàu (Hán). Người biết chữ Tàu để có thể hiểu được và thưởng lãm được cái hay, đẹp trong thư pháp viết bằng chữ Tàu trong nước Việt hiện nay thì không nhiều. Do đó, mới có phong trào viết thư pháp bằng chữ Việt.

Dụng cụ dùng trong nghệ thuật viết thư pháp là Bút, Mực, Nghiên và Giấy mà người ta gọi là văn phòng tứ bảo. Trong giới viết thư pháp tại Việt Nam vẫn truyền miệng về 1 cái nghiên cổ của vua Tự Đức. Đó là nghiên mực Tức Mặc Hầu. Vua Tự Đức là ông vua hay chữ, nên những gì thuộc văn phòng tứ bảo, ông hết sức nâng niu. Vua có 1 nghiên mực làm bằng đá Đoan Khê, ông rất ưng ý cái nghiên mực này đến nỗi phong chức Tức Mặc Hầu cho nghiên. Ông đã nhân cách hóa 1 vật vô tri, 1 cục đá mài mực, phong quan tước Hầu, vì biết dâng mực cho ông cấp kỳ khi ông cần.Tại sao có chuyện phong tước cho cái nghiên mực này thì ta phải đặt mình vào khung cảnh thời vua Tự Đức, khi đó cái gọi là khoa học vẫn chưa du nhập vào nước ta, vào thời đó, thi nhân khi nguồn thơ trong lòng vừa dâng kịp lúc có cái nghiên mực bên cạnh, muốn có ngay mực để mà phóng bút thì chỉ cần cầm nghiên lên, thổi một hơi vào mặt nghiên, tức thì có mực ngay đủ dung. Qủa là 1 nghiên mực tiên còn gì hơn nữa và thật là lạ lùng qúa sức phải không các bạn đọc? Vua Tự Đức làm việc bằng cây bút thật nhiều, mỗi khi gặp việc gấp rút, không sẵn mực dưới tay, nếu đợi người cung phi lấy nước, mài mực thì sẽ lâu.

Nhất là khi nguồn thi hứng trong đầu vua khi đó chờ có được mực thì bay đi hết còn đâu! Có nghiên mực mà ngài chỉ cần hà hơi vào (với số mực cũ còn sót lại trong nghiên) thì mực này lại ánh lên và tươm ra óng mướt đủ dùng trong phút chốc. Chuyện nghe có vẻ huyền bí nhưng qủa thực là như vậy và người đã biết về cái kỳ diệu của nghiên mực này chính là cụ Vương Hồng Sển. Theo lời kể của cụ VHS thì trong 1 dịp ra Huế năm 1958, cụ đã đến thăm Viện bảo tang Huế và được vị quản thủ tại đây (cụ Tôn Thất Đào) tiếp và cho xem nghiên mực Tức Mặc Hầu này. Theo đó, nghiên mực có vóc lớn, nặng cỡ hai phần ba miếng gạch Tàu. Nghiên được chạm trổ rất đẹp. Mặt dưới của nghiên là 1 bài ngự chế của vua Tự Đức, đề cao đặc tính của nghiên mực. Mặt trên của nghiên thì chạm nổi, hình một cổ Tùng, gốc ngoằn ngèo trông thật già.

Cạnh cổ tùng là một cổ Đình với nóc trổ từng miếng ngói đều đặn. Phần dưới cổ tùng, cổ đình là 1 bể con khoát sâu trong mặt nghiên, biến thành một vũng xinh xinh dùng để chứa nước cần cho việc mài mực. Giữa cái bể con đó có chạm 1 cù lao và có 8 vị Tiên ông đứng cạnh nhau cùng xem 1 bức tranh cổ mà mỗi vị tiên này đều nắm 1 chéo nhỏ của bức tranh. Chính chỗ là bức tranh này là nơi mài mực nhưng lạ là chỗ mài mực này tuy bằng phẳng nhưng dường như có bẩy tám chỗ u lên cao trông to bằng đầu đũa, sắc trông lạt hơn so với màu của nghiên. Theo cụ VHS, những nốt u này trong sách Tàu gọi là Cù dục nhãn, nôm na là mắt chim cù dục. Khi thổi một hơi mạnh vào ngay chỗ mài mực này rồi thử lấy tay quệt vào đó thì đầu tay đã đẫm ướt mực không khác gì tay vừa nhúng vào mực( vừa mài sẵn) cạnh bên mà trước đó, theo cụ VH khi chưa hà hơi vào thì rõ ràng là nghiên vẫn khô ráo, tay cầm vào không dính mực thế mà chỉ mới có chút hơi cụ thổi vào , bẩy tám chỗ u cù dục nhãn kia đã làm sao đó (nương vào hơi thở) để làm ướt mực khô trong nghiên này đủ để cho chủ nhân của nghiên , chấm bút vào đó mà có đủ mực để viết ngay vài hàng những câu thi phú vừa mới nghĩ ra. Trong thời buổi mà chưa có cây bút chì, bút bi như thời bây giờ, thì cái nghiên mực này qủa là vật thần kỳ, vật qúy. Bởi vậy, hèn chi vua Tự Đức mới phong tước Tức Mặc Hầu cho nghiên mực này.

Nhưng cũng cụ Vương Hồng Sển trong các bài viết của cụ (Bách Khoa thời đại số 290-291 số ra tháng 2 năm 1969 xuân Kỷ Dậu và trong quyển Hơn nửa đời hư, bản in năm 1996 tại USA), lại cho là chính Tổng Thống Đệ nhất Cộng Hòa miền Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm đã lấy nghiên mực này mang về Sài gòn (Dinh Gia Long) làm của riêng (không cho biết vào lúc nào?) và khi Dinh Gia Long bị tấn công (01-11-1963), ông NĐD bỏ chạy và bị giết ngày hôm sau. Nghiên mực Tức Mặc Hầu này cũng mất tích luôn từ đó cho đến nay. Nhiều người cũng nói y kiểu cụ VHS cái nghiên mực Tức Mặc Hầu lọt vào tay ông NĐD rồi sau ngày 01-11-1963 thì không biết nó lưu lạc nơi nào? Đã theo chân khách buôn ra nước ngoài hay vẫn còn nằm đâu đó trong nước Việt?

Người viết bài này đã viết thư hỏi ông Nguyễn Hữu Duệ người mà hơn 40 năm trước đã làm việc gần bên Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong nhiều năm trời. Nhờ địa vị này mà ông Duệ biết nhiều về Tổng Thống Ngô Đình Diệm . Ông NHD là một trong số các nhân chúng biết những việc làm thường ngày trong Dinh Gia Long của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Khi được hỏi về chuyện cái nghiên mực Tức Mặc Hầu trong các bài viết của cụ VHS thì chính ông NHD đã trả lời là (nguyên văn): Chuyện của ông thắc mắc về bài viết của cụ Vương Hồng Sển về nghiên mực Tức-mặc-Hầu tôi cũng có đọc nhưng tôi thấy cụ Sển viết không đúng mà chỉ nghe nói và chính mắt cụ không thấy và chưa ai thấy cụ Diệm giữ nghiên mực này và theo ý tôi cụ Diệm ăn ngủ và làm việc trong 1 phòng ở dinh Gia Long mà chúng tôi ra vào nhiều lần nhưng không ai trông thấy .Về chữ Nho cụ Diệm rất giỏi nhưng tôi không thấy cụ dừng bút lông viết bao giờ. (Thư gửi ngày 18-03-2004, viết từ thành phố San Diego, tiểu bang California-USA ).

Đây là đoạn copy lá thư của cụ Nguyễn Hữu Duệ (xin xem hình).
Một người trong giới mua bán đồ cổ tại thành phố Sàigòn đã cho người viết bài biết là bây giờ chuyện đồ cổ thật hay giả rất khó biết vì với các phương tiện kỹ thuật computer hiện nay, nếu có 1 món đồ cổ thật (hay vật muốn làm giả) thì các chuyên gia trong nghề (làm đồ giả cổ) sẽ chụp món đồ này (bằng không gian 3 chiều) rồi máy sẽ phân tích, lên các chi tiết và rồi bằng kỹ thuật CNC (thật sự người viết không biết kỹ thuật CNC là kỹ thuật gì?). Các chuyên gia này sẽ dễ dàng làm ra 1 món đồ giống y chang và công đoạn kế tiếp là làm cho nó có vẻ cũ đi trước khi tìm mối tiêu thụ. Người này cũng cho biết đã tận mắt thấy có người tại Việt Nam sở hữu tới 3 chiếc dĩa Mai Hạc mà 3 chiếc đều khác nhau từ hình dáng con Hạc, cụm Mai, gò đá và bài thơ viết trong các dĩa đó. Trở lại cái nghiên mực Tức Mặc Hầu, cụ VHS là người rất thích sưu tập đồ cổ xưa. Khi cụ viết bài đổ riệt cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm lợi dụng chức quyền để chiếm đoạt cái nghiên mực này, câu chuyện thực-hư ra sao? Phải chăng bản thân cụ là người sẵn sàng thủ đắc một món đồ cổ xưa nào mà cụ thích (nếu có điều kiện trong tay như lời cụ thường bộc bạch trong các bài viết) nên, cụ cũng nghĩ người khác có cái đam mê như vậy? Thiển nghĩ, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người dám từ bỏ chức vị Thượng Thư ( chỉ sau 2 tháng nắm quyền) lúc đó mới 36 tuổi và rồi chọn cái chết (thay vì lưu vong ra nước ngoài) khi chịu nạp mạng cho đám tướng lãnh phản loạn (ngày 02-11-1963), 1 người đã không tiếc thân mình cho 1 lý tưởng, 1 chính nghĩa mà lại …có lòng tham với 1 vật cổ xưa mà vật đó chỉ có giá trị với người yêu thích khoa khảo cổ học hoặc ưa chuộng đồ cổ ngoạn như cụ VHS?

Phạm thắng Vũ

November 01, 2007. Theo Thư Viện Toàn Cầu