Đúc tim tượng Thánh Gióng: Tôn vinh khí phách dân tộc
Cập nhật lúc 10:38, Thứ Sáu, 16/07/2010 (GMT+7)
,
Đúc tim tượng là một việc xưa nay hiếm, và rất ít khi được công bố. Thế nhưng, tượng đài Thánh Gióng – công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đang tiến hành nghi lễ đúc tim tượng, một nghi lễ được xem là đặc biệt quan trọng.


Bà Nguyễn Thị Thoa – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư ATS, là người “nặng lòng” với công trình thế kỷ này đã có cuộc trao đổi với báo giới.
Bà Nguyễn Thị Thoa – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư ATS

- Thời gian qua, tượng đài Thánh Gióng đã được rước lên đỉnh đá Chồng và sắp tới sẽ diễn ra Lễ đúc tim tượng. Là một người đã phát tâm công đức hàng chục tỷ đồng cho việc đúc tượng Thánh Gióng, chắc hẳn bà rất rõ về lý do và ý nghĩa của việc đúc tim tượng?

Bà Nguyễn Thị Thoa: Đức thánh Phù Đổng Thiên Vương là một trong Tứ bất tử, là biểu tượng của trí tuệ, dũng khí trường tồn của dân tộc Việt, tiêu biểu cho tinh thần chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Vì thế, việc đúc tim tượng là thể hiện sự tôn kính người anh hùng của dân tộc và hơn thế, chúng tôi mong muốn đức Thánh mãi mãi sống trong lòng người dân đất Việt, sự sống ấy biểu hiện ở trái tim của Ngài chứ không chỉ là biểu tượng.

- Đúc tim tượng là một việc làm rất ít thấy. Theo bà, đó là việc cần làm cho sự linh thiêng, tôn kính hay là để gây sự ồn ào?

Bà Nguyễn Thị Thoa: Tất cả các tượng đài từ trước đến nay người ta có thể không nghĩ đến việc đúc tim vì những lý do này khác. Nhưng đây là Đức Thánh Gióng, biểu tượng của cả dân tộc nên việc đúc trái tim là việc vô cùng quan trọng và nhất thiết phải làm. Tim tượng là tâm hồn, là linh hồn tạo ra sự linh thiêng cho bức tượng.

Hơn nữa, dựng Tượng đài Thánh Gióng là do sự chọn lựa rất công phu gần 15 năm của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội thông qua ý kiến của các nhà sử học, xã hội học, các nhà nghiên cứu, các tầng lớp sĩ phu, trí thức, dân chúng để tạo dựng một hình tượng dân tộc chứ không phải do tín ngưỡng nào xây dựng nên.


Lễ rước tượng Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương


Chúng tôi cũng đã đề nghị với UBND thành phố Hà Nội, TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai phát động một tuần lễ phát tâm công đức để nhân dân đại diện các tỉnh, thành trong cả nước, các cơ quan ban ngành, các tổ chức xã hội có cơ hôi phát tâm giọt dầu, tạo tâm phúc đúc trái tim Ngài. Có như vậy việc xây dựng Tượng đài Thánh Gióng mới hoàn thành một cách mỹ mãn, xứng đáng là một công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long lịch sử.

- Bà có cho rằng hình thượng Thánh Gióng có một sợi dây tâm linh xuyên suốt lịch sử không?

Bà Nguyễn Thị Thoa: Việt Nam trong suốt quá trình dựng và giữ nước luôn dựa vào tinh thần và sức mạnh đoàn kết dân tộc mà khởi nguyên của sức mạnh đó được thể hiện qua hình tượng Thánh Gióng. Tại làng Phù Đổng quê Ngài vẫn còn Đền thờ Thân mẫu ngài, Đền thờ Ngài, những lễ hội…

Tất cả đã ngàn năm mà vẫn tồn tại đến giờ. Ngay cả Đền Gióng cũng đã hơn 1000 năm trải qua bao nhiêu lần tu sửa vẫn còn giữ được nguyên phần bệ thờ và bức tượng của Ngài theo truyền thuyết làm bằng gỗ cây Chèm Gió. Dân gian truyền rằng nơi đây có những huyệt đạo rất ling thiêng chỉ có những người lâu đời thuộc những dòng họ kế tục ở đây mới biết. Đó chính là những huyệt khai thông vận nước.


Thành kính dâng hương lên Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương


Tôi được biết, có dòng họ tại Sóc Sơn còn giữ được một sắc phong Đền Gióng hơn 1000 năm tuổi và họ muốn dâng lại Đền. Chính ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, họ sẽ chính thức trả về Đền. Tinh thần Thánh Gióng luôn là dòng máu nóng từ thời vua Đinh, Lê, Lý, Trần cờ lau dựng nước cho đến thời đại Hồ Chí Minh – Tinh thần tâm linh ấy được phát huy ở mức cao nhất bền vững và trường tồn với dân tộc.

- Liệu có sự phân biệt giữa hình tượng Thánh Gióng với các tín ngưỡng khác không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thoa: Dù là một phật tử nhưng theo tôi, không bao giờ có sự phân biệt đó. Thánh Gióng không phải của đạo Phật cũng không phải của đạo nào cả, Thánh Gióng là của dân tộc Việt Nam.

- Xin cảm ơn bà!

Lam Linh thực hiện