Đó là vào những năm trước cách mạng tháng 8, khi đó u tôi khoảng trên dưới 10 tuổi gì đó, nhưng vốn còi cọc nên thể tạng u tôi chỉ như đứa trẻ lên 5. Là con út trong một gia đình địa chủ giàu có nên u tôi được nuông chiều lắm, không thiếu thốn thứ gì, đi đâu cũng có người đưa đón, trên u tôi còn có 3 người chị tất cả đều chưa có chồng nên u tôi lại càng được o bế bở 3 bà chị gái.
Vào một đêm cuối thu, làng tôi có đoàn tuồng (hát bội) về biểu diễn, địa điểm biểu diễn cách nhà bà ngoại tôi khoảng nửa cây số, ngày đó các đoàn nghệ thuật về nông thôn diễn là hiếm lắm, cho nên mỗi khi có đoàn nào về là làng như có hội, người dân trong làng và cả những làng bên cạnh người ta đi làm về từ 5 giờ chiều nấu cơm ăn sớm để tối đi xem hát. Trong 3 người chị của u tôi thì người chị cả là người lanh lợi và có thể tạng cao to nhất nhà, đó là bác Diệm (quê tôi gọi chị của mẹ là bác, em của mẹ là dì) bác tôi trắng hồng hào lại đẹp nền nã. Vì là người cao to nên bác Diệm được phân công nhiệm vụ cõng u tôi đi xem.
Ở một vùng quê cách xa Hà nội 30 cây số nên sự thiếu thốn văn hóa là thường xuyên, mỗi khi có đoàn hát tuồng về là cả làng háo hức lắm, chính vì sự háo hức của dân như thế nên các đoàn hát nói chung người ta thường làm cao, làm phách, cụ thể là giờ biều diễn người ta chờ cho gần như không còn người ngoài cổng thì người ta mới mở màn biểu diễn. Chương trình biểu diễn bắt đầu thì cũng đã hơn 9 giờ đêm, mà các bạn thử tưởng tượng xem ở làng quê không có điện, không có một thứ gì để cung cấp ánh sáng ngoài cây đèn dầu (đèn Hoa Kỳ)... vì thế ngoài nơi diễn tuồng ra nếu không có trăng thì quê tôi tối như hũ nút, những ngày khác trẻ con trong làng đã đi ngủ từ lâu, còn người lờn thì cũng chỉ 9 giờ là đi ngủ. Giờ diễn đến thì u tôi cũng bắt đầu ngủ gật, bác Diệm bế u tôi xem được chừng 1 hoặc 2 màn (cảnh diễn) gì đó thì cũng bắt đầu chán, vì tuồng là một loại hình nghệ thuật đậm chất 'bi hùng' nên không hợp với phụ nữ, nhất là với một cô gái đang yêu như bác tôi. Xin nói về chuyện yêu của bác tôi một chút, ngày đó chuyện yêu đương gần như là bất khả thi, vì chuyện tác hợp nam nữ phụ thuộc tuyệt đối vào cha mẹ, nhưng bác tôi là một cô gái đẹp, thông minh, năng động nên có nhiều chàng trai ve vãn, trong số đó có bác Tần (sau này là bác rể tôi) cao to đẹp trai cực, lại học giỏi, bác thông thạo cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, viết lại đẹp nữa nên bác Diệm tôi đã phải lòng bác ấy (ngày đó người ta không gọi là yêu nhau mà gọi là "phải lòng nhau"),
Quay lại chủ đề chính, sau khi chán không muốn xem nữa, thì đúng lúc đó bác Tần đứng ở vòng ngoài ra hiệu cho bác Diệm đứng lên bế theo u tôi (lúc đó u tôi đã ngủ) đi ra khỏi nơi diễn tuồng, hai người đi vào một xóm vắng nằm ngay phía sau sân khấu tuồng, đó là một xóm vắng chỉ có khoảng 4 nóc nhà, nhà nào đất cũng rộng mênh mông, tất cả đều có cổng xây gạch, cổng được đóng cẩn thận bằng cánh gỗ lim, nơi giao nhau của 4 hộ gia đình là những bụi tre gai um xùm, tre trĩu xuống khá thấp, ban ngày trẻ con tập trung chơi vì mát và sach sẽ, nhưng ban đêm thì tuyệt nhiên không, vì tre dày ken nhau tao ra một khoảng tối um um, tiếng tre đu đưa va vào nhau nghe kẽo kẹt như đưa võng, khi thì lại ken két như tiếng người nghiến răng nghe rợn người, có lẽ vì thế mà chập tối là khu này tuyệt nhiên không có người. Hai người nói chuyện được một lúc lâu (u tôi đoán thế) thì u tôi tỉnh giấc, chắc là do lạnh vì đã vào tiết cuối thu, nhìn quanh chỉ thấy bác Tần và bác Diệm nói ngồi nói chuyện mà không thấy người xem đâu, u tôi dấm dức khóc vì không được xem tuồng và đòi về, lúc đầu bác Diệm nói "ngồi tý nữa rồi về", nhưng u tôi không chịu mà cứ nằng nặc đòi về và dọa về mách u (tức bà ngoại tôi), lời hăm dọa của u tôi có ngay hiệu quả, bác Diệm vội vã chào bác Tần rồi bế u tôi đứng dậy đi về, nhà bác Tần chỉ cách đó vài ngõ nên bác đi đường tắt về, còn bác Diệm và u tôi thì về nhà theo đường chính tức là đường làng tôi.
Lúc đầu bác Diệm định cõng u tôi cho dễ đi, nhưng u tôi không chịu vì lỡ có ma đi theo thì u tôi sẽ không nhìn thấy và sẽ bị ma cấu đít thì sao (?), vậy là bác Diệm bế u tôi quay mặt lại phía sau. Trời cuối thu, đêm cuối tháng, chắc đã gần sáng vì trăng suông sáng vằng vặc, sương đã xuống đậu đầy những cây dại mọc ven đường làng nhờ ánh trăng chiếu vào nhấp nháy như những con đóm đóm yếu ớt cố chiếu sáng để gọi bạn tình...
Như đã nói ở trên, bác Diệm là người to cao lại là con gái đầu của bà ngoại tôi nên thường xuyên phải theo thợ ra đồng làm việc vì thế bác tôi rất khỏe. Đi được khoảng nửa đường (lúc này u tôi đã tỉnh hẳn) u tôi nhìn sang bên trái (bên phải của bác Diệm), bên lề đường làng... Xin nói thêm về làng tôi một chút để các bạn dễ hình dung, làng tôi nằm phía trong sông Đáy, làng dài khoảng hơn 1 km, dân trong làng chủ yếu tập trung xây nhà bên phía bắc của làng, phía nam chỉ có khoảng vài ba gia đình, vì vậy lề đường làng phía nam gần như bỏ không, cây dại mọc hoang khá nhiều, độ chênh giữa lề đường và mặt đường làng khoảng 4 tấc.
Nhìn xuống lề đường làng, u tôi bất chợt phát hiện một người, nhìn dáng người u tôi đoán đó là một người đàn ông, người này đứng quay lưng vào đường, quay mặt ra dãy ao trước làng, trăng sáng lại ở cự ly gần nên u tôi nhìn rõ mồn một trang phục của người này, người đó mặc bộ đồ bẳng vải tám nhuộn màu nâu đất (quê tôi gọi là vải gụ) có vá víu nhiều chỗ, trên đầu đội một cái nón cũ đã bị sứt cạp, vì đội nón che xụp mặt lại quay lưng lại nên u tôi không thấy mặt người này khi đó. Căng mắt theo dõi xem người này đang làm gì thì hoàn toàn u tôi không thấy người này có động thái gì, chỉ đứng im một chỗ, đầu hơi cúi về phía trước như đang đăm chiêu suy tư gì đó (?), lúc đầu u tôi tưởng người đi câu trộm cá, nhưng hoàn toàn không vì không ai lại đi câu trộm cá và đúng lúc trăng sáng thế này, mà cũng không thấy cần câu, và ngày đó thì quê tôi cá cua đầy đồng chỉ tranh thủ một lúc là có bữa thì việc gì phải đi câu trộm vào đêm thu lạnh lẽo thế này, và thời đó con người còn nhân cách lắm không ai làm cái việc đê tiện đó.
Khi đi ngang qua người ấy u tôi thấy một luồng khí lạnh toát phả vào người, tự dưng tóc gáy tôi u tôi dựng lên, vốn là người dạn đêm nhưng không hiểu sao khi đó u tôi sợ co dúm người lại ghì chặt lấy cổ bác Diệm khiến bác Diệm phải nới lỏng tay u tôi ra, vì lúc đi ngang qua người đó u tôi đã cảm nhận được đó là một âm hồn, vì lẽ thứ nhất là khí lạnh toát ra từ người đó. Xin giải thích để các bạn khỏi thắc mắc là sao mà người đứng dưới lề đường mà có thể tỏa luồng khí để người đi trên đường cảm nhận được ? Tuy là lề đường và mặt đường nhưng nó sát nhau các bạn ạ, vì là đường làng được lát gạch nên người ta làm đường làng chỉ hơn 2 mét một chút thôi, 2 bên đường vì sợ bị lở nên người ta kẹp vỉa gạch nghiêng cao hơn mặt đường độ 5 phân gọi là vỉa cau, vì cao hơn mặt đường nên nó sạch sẽ nên mọi người đi bộ thường đi trên vỉa cau này. Bác Diệm lúc đầu cứ nghĩ đó là người chứ không nghĩ là âm hồn, phần vì vội về sợ bị u đánh (bà ngoại tôi nghiêm khét tiếng) nên không sợ gì mà đi sát sạt vào người này, lẽ thứ 2 mà u tôi khẳng định đó là âm hồn vì khi đi ngang qua mặc dù người này đứng dưới lề đường thấp hơn bác Diệm hơn 40 phân mà u tôi thấy người đó cao hơn cả bác Diệm và u tôi. Chỉ vụt qua người đó được vài mét, người đó xoay người và bước lên đường đi theo bác Diệm và u tôi, chỉ cách vài mét lại sáng trăng, nhưng u tôi không thể thấy được mặt người này mà kỳ lạ thay lại thấy được hỉnh ảnh phía sau khuôn mặt đó, giống như ta nhìn qua tấm kính trong ấy, quá sợ hãi, nhưng với bản chất tò mò lại là lần đầu tiên được nhìn thấy "ma" nên u tôi nhìn không chớp mắt. Các bạn biết không u tôi bảo khi lên đường người đó cao lênh khênh, có cảm giác người đó chỉ cần ngã về phía trước là đổ ụp lên đầu u tôi và bác tôi, không bỏ lỡ thời cơ u tôi quan sát toàn cơ thể người này, u tôi bảo tuy cao nhưng người đó bước như là không có đầu gối và cũng không nhìn thấy chân tiếp đất, tuy là bước nhưng người ấy lại chuyển động như trôi về phái trước. Lấy lại chút bình tĩnh u tôi thì thào vào tai bác Diệm "đi theo mình", bác Diệm lúc này đã biết người đi theo mình là một âm hồn, tuy bản lĩnh, nhưng chắc cũng đã quá sợ hãi, bác tôi không trả lời mà chỉ cấu vào mông u tôi như ra hiệu im lặng, tuy chỉ theo nhau trên một đoạn đường ngắn, nhưng giữa âm hồn kia và bác Diệm như chơi trò thi đi bộ, bác tôi đi nhanh cỡ nào âm hồn đó cũng di chuyển nhanh cỡ đó, nhưng luôn giữ khoảng cách cố định, cứ thế, cứ như thế cho đến cách chùa làng tôi (tên là Đông Hoa Tự) khoảng 30 mét, mặc dù không chớp mắt nhưng u tôi không thể phát hiện ra âm hồn đó rẽ vào ngõ nào, giống như tự bốc hơi vậy. Về cách nhà khoảng 30 mét, ngay trước tảng đá mồ côi (gọi là tảng đá mồ côi vì trước có người mồ côi đi ăn xin nằm chết đói ở đây), vì vừa trải qua chuyện khiếp đảm lại nhớ chuyện "tảng đá mồ côi" bác Diệm tôi đã không còn bản lĩnh hàng ngày nữa mà bác tôi đã quá sợ hãi không thể bước tiếp mà líu lưỡi gọi "u ơi, u ơi !" rồi vỡ òa nức nở khóc ồ ồ, u tôi thì không khóc mà gào to gọi bà ngoại tôi, mấy nhà gần đấy nghe tiếng người khóc và réo gọi thì lục tục dậy đem đèn ra và nhận ra bác Diệm và u tôi, trong khi đó ở nhà bà ngoại tôi do chó sủa ỏm tỏi nên mọi người cũng dậy (khi đó cũng đã đến giờ thợ làm dậy nấu cơm ăn để ra đồng sớm) và chưa thấy 2 con mình về, bà ngoại tôi tru tréo sai người bổ đi tìm, vừa mở cổng ngõ thì gặp u tôi và bác Diệm về tới (mấy người đưa về), bà ngoại tôi bổ ra lao vào cho bác Diệm mấy cái tát nổ đom đóm mắt và tuyên bố cấm tiệt ra khỏi nhà vào buổi tối.
Sau khi nghe u tôi kể bà ngoại tôi bảo đó là ma chơi, ma chơi thường hay đi vào đêm trăng, găp người yếu vía sẽ dìm chết dưới ao dưới hồ. Chuyện nghe u tôi kể lại nhưng tôi không bỏ sót chi tiết nào, vì được nghe u tôi kể cho nghe không biết bao nhiêu lần, nhưng càng nghe tôi càng khoái, u tôi bảo nghe u kể thì mấy anh em biết thế thôi, mặc dù u kể những gì mắt thấy không thêu dệt thêm thắt, nhưng kể ra người ta bảo mình dựng chuyện vì mỗi thời mỗi khác, thời nay do nhiều súng đạn, lại có điện sáng trưng, cây cối thì bị chặt hết, con người thì ma mãnh quá, chắc ma quỷ cũng sợ con người mà dạt đi cả, tôi cũng cho là vậy
$$$191