1-Đường Tăng Anh là ai?

Năm mà một

Tây du ký là câu chuyện trường thiên về hành trình qua phương Tây thỉnh kinh của năm thầy trò: Tam tạng, Tề thiên, Bát giới, Sa tăng, và con ngựa trắng.

Thông thường, người ta sơ ý, chỉ kể có bốn, quên đi con ngựa, nguyên là con rồng ngọc (ngọc long), thái tử thứ ba, con của Tây hải Long vương Ngao Nhuận. Quên kể đến ngựa rồng, phải chăng vì vai trò đỡ chân cho Đường tăng của ngọc long tam thái tử hình như có vẻ lu mờ? Hay quên kể, vì không thấy ở Tây du ký tản mác ẩn ngữ nơi này, rải rác ẩn dụ nơi kia, mà ngòi bút của Ngô Thừa Ân đã ung dung viết như giỡn chơi, như bông đùa, mà ý hàm tàng thì rất thực. Và nên hiểu chỗ thực trong cái hư của Tây du ký, nét nghiêm trang trong vẻ bỡn cợt của Ngô Thừa Ân như thế nào?

Tây du ký là truyện xuất thế gian, do đó không có dấu ấn của Nho giáo, vì Nho giáo về cơ bản là đạo nhập thế, thuộc phạm vi hình nhi hạ học mà ngày nay Cao Đài gọi là ngoại giáo công truyền (exoterism).

Đọc Tây du mà bảo Ngô Thừa Ân có cái gọi là tư tưởng chống Trời, chống thiên tử, tức là đã quên đi ngay từ ban đầu câu chuyện xuất gia, thỉnh kinh vốn đã hàm ngụ ý ngoại thế gian pháp.[1]

Tây du nào có chống ai đâu, vì Tây du là câu chuyện ngụ ngôn, đem chuyện thỉnh kinh để diễn bày tư tưởng thiền học giải thoát trong đạo Lão, đạo Phật, thuộc phạm vi hình nhi thượng học mà ngày nay Cao Đài gọi là nội giáo tâm truyền (esoterism).

Muốn đọc Tây du, hiểu Ngô Thừa Ân, cần thiết biết đọc giữa hai hàng chữ, nắm lấy bốn chữ ý tại ngôn ngoại (ý ở ngoài lời).

Như chép ở kinh Viên giác, Phật bảo lấy ngón tay chỉ trăng, nếu đã thấy mặt trăng thì có thể biết rằng phương tiện để chỉ trăng rốt cuộc chẳng phải là mặt trăng. Trang tử khuyên: «Có nơm vì cá, đặng cá hãy quên nơm. Có dò vì thỏ, đặng thỏ hãy quên dò. Có lời vì ý, đặng ý hãy quên lời.»

Thế thì, vượt lên trên mọi hư cấu văn chương của Tây du ký với tài hí lộng chữ nghĩa của Ngô Thừa Ân, cuộc thỉnh kinh của Đường tăng thực chất là chi? Đường tăng là ai đó? Nước Thiên Trúc với chùa Lôi âm ở đâu?

Sẽ là sửng sốt nếu nói rằng Đường tăng vẫn còn đang thỉnh kinh dù đã thỉnh kinh xong rồi từ vạn cổ. Tề thiên đã hàng phục xong thiên ma vạn quỷ, đã cởi được kim cô niệt đầu, đã được Phật tổ tán thán là Đấu chiến thắng phật ở giữa bửu điện trang nghiêm của chùa Lôi âm, nhưng Tề thiên vẫn còn đang và vẫn sẽ còn tiếp tục vất vả đánh nhau với yêu tinh ma quái. Mãi mãi cuộc chiến đấu vẫn chưa xong. Tề thiên nào đã thành phật? Tề thiên nào chưa thành phật? Yêu ma nào đã quy hàng? Yêu ma nào còn chưa ngừng dấy động phong ba? Nước Thiên Trúc với chùa Lôi âm không ở về phương Tây, và cũng không phải là một địa danh trên bản đồ kim cổ. Vậy, cuộc thỉnh kinh đi về phương trời nào viễn xứ?

Nên ta thử hỏi lớn tiếng rằng: Đường tăng! Anh là ai? Câu hỏi ấy phải chăng xấc xược? Sao lại dám xưng hô với Đường tăng là... Anh? Ta cứ hỏi nữa: Đường tăng! Anh là ai?

Cũng là ta hỏi chính ta đó thôi. Mỗi một người trong chúng ta đều là Đường tăng. Mỗi thời đại của quá khứ, hiện tại và vị lai đều có Đường tăng, đều vẫn đã, đang và sẽ còn tiếp tục thỉnh kinh. Cuộc thỉnh kinh chính là hành trình đầy trắc trở của mỗi người trong chúng ta truy tầm Chân lý - tìm cái mà Lão tử gượng cho là Đạo, gọi tên là Xích tử chi tâm, Phật mệnh danh là Bổn lai diện mục, và Cao Đài ngày nay bảo là Nhân bản hay Thượng đế tính - vốn dĩ đã sẵn tàng ẩn trong mỗi con người.

Đi về đâu để có được Chân lý đó? Thiên Trúc ư? Hà xứ tại? Thưa rằng nước Thiên Trúc ấy nào có đâu xa và con đường thỉnh kinh cũng chẳng phải là hành trình từ phương Đông qua phương Tây diệu vợi. Vương Dương Minh bảo: Vũ trụ là tâm ta, tâm ta là vũ trụ. Ngô Thừa Ân ám chỉ: Thiên Trúc là thân ta, thân ta là Thiên Trúc. Kinh báu chùa Lôi âm là hình ảnh tượng trưng cho Chân lý, nó nằm trong tự thân nội thể con người. Cuộc thỉnh kinh vì vậy là con đường quy hướng về nội tâm của mỗi người, là hành trình phản tỉnh nội cầu, quay lại nhìn vào chính nội thân của mình, tìm thấy trong chính ta cái chân lý: Người là một thiêng liêng tại thế, cùng với Trời đồng thể linh quang (ánh sáng thiêng liêng).

Do đó phải nói rằng bộ phim Tây du ký hai mươi lăm tập của nữ đạo diễn Trung Quốc Dương Khiết đã rất tài tình khi nhạc mở đầu cho phim là bài hát «Con đường nào ta đi...» Con đường thỉnh kinh là đường trở về nội tâm. Trên con đường cô đơn đó, ta là Đường tăng, và ta cũng là Tề thiên, Sa tăng, Bát giới, long mã. Như vậy cuộc thỉnh kinh phải bắt buộc đủ bộ năm thầy trò. Thiếu một là không được! Nhưng năm mà một: là một con người với năm phương diện.