NGŨ NGUYỆN
1. Khảo sát lịch sử hình thành và phát triển của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ về phương diện Kinh Lễ cho chúng ta thấy:
1.1. Trước tiên, khi quyển kinh đầu tiên “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Kinh” của Ngài Nguyễn Ngọc Thơ phổ biến vào cuối năm 1926 để đáp ứng nhu cầu trong đại lễ Khai Minh Đại Đạo diễn ra ở Gò Kén vẫn chưa thấy có bài Nguyện này.
1.2. Sang năm 1927, trong quyển “Phụng Thừa Thiên Mạng - Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” của bà Lâm Hương Thanh phổ biến, khởi đầu quyển kinh ở trang 4 có bài thơ gồm 5 câu nguyện, mỗi câu có sáu chữ được in bằng hai thứ tiếng Hoa và Việt. Nhưng khi đó bài thơ này chưa chính thức được xem là một bài kinh vì hai lý do:
. Bài thơ không có tên. Qua đó nó gây cho người xem hay đọc quyển kinh cảm nhận đây chỉ là những lời hướng dẫn khấn nguyện khi bắt đầu hành lễ.
. Ở trang 2 trong hướng dẫn thứ tự các bài kinh “Mỗi Ngày Cúng Bốn Lần”, chúng ta không thấy có nhắc đến bài này.
1.3. Sang năm Mậu Thìn 1928, Thánh thất Vĩnh Nguyên Tự phát hành quyển “Tứ Thời Nhật Tụng Kinh”. Cùng với sự đồng đứng tên tác giả của hai vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt, quyển kinh này đã có sự phê duyệt của Hội Thánh Tây Ninh. Trong đó ở trang 40 có in bài kinh “Cầu Năm Lời Nguyện” và sắp sau các bài kinh Dâng Tam Bửu. Đặc biệt, cuối phần “Nghi Lễ Đại Đàn” nơi hàng số 61 ở cuối trang 53 có hàng chữ “Thiên Phong thành tâm cầu Ngũ Nguyện”.
Như thế Hội Thánh Tây Ninh đã có sự chánh thức định danh cho bài kinh này và sắp xếp nó ở vị trí sau cùng trong thứ tự các bài kinh cho một buổi cúng.
2. Tạp chí Đại Đồng số 16 ra vào tháng Septembre 1940 có đăng bức thơ của đạo hữu Nguyễn Tú Thà.
Nội dung lá thơ nêu ý kiến nhận xét rằng bài Ngũ Nguyện là một “điểm trọng yếu” trong kinh Tứ Thời nhưng chưa được quan tâm giải thích. Nay xin được quý vị cao kiến giải đáp cho ba câu hỏi: 1.“Tại sao người tu phải thệ nguyện”, 2. “Chơn giải Ngũ Nguyện” và 3. “Phương pháp thật hành Ngũ Nguyện”.
Ngài Nguyễn Trung Hậu đã hồi đáp cho “Tân nhơn” ở Sa Đéc ấy như sau:
“ … Ý nghĩa trong bài này, hại rắc rối hết sức:
1- Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai.
2- Nhì nguyện phổ độ chúng sanh.
“Đại Đạo hoằng khai” tức là “phổ độ chúng sanh” rồi còn nguyện làm chi nữa.
3- Tam nguyện xá tội đệ tử.
Người tu hành không bao giờ ích kỷ. Đại phàm hễ nguyện điều chi là mong mỏi cho chúng sanh, cho người khác, chớ không bao giờ nguyện cho mình được xá tội. Muốn được xá tội cho mình, mình phải tự hối và lập công bồi đức mới được. Có người cãi “xá tội đệ tử” là xá cho hết thảy chư đệ tử, chứ không phải một mình mình. Giải như vậy quyết không ăn với ý nghĩa câu văn.
4- Tứ nguyện thiên hạ thái bình.
5- Ngũ nguyện Thánh thất an ninh.
Thiên hạ mà được thái bình thì Thánh thất tức được an ninh, cần chi phải nguyện?
Vì cái rắc rối ấy trong bài “Ngũ nguyện” nên mười mấy năm nay tôi kiếm không ra phương pháp thực hành. Nay Nguyễn huynh cật vấn tôi thì tôi phải chịu, chỉ còn chờ các bậc thông minh cao kiến hơn giảng giải.”
Ngài Nguyễn Trung Hậu là bậc Tiền Khai Đại Đạo đã cho xuất bản nhiều quyển đạo học rất thâm sâu. Nhưng với bài Ngũ Nguyện, Ngài đã tỏ ra dè dặt và thành thật tỏ bày ý kiến rằng mình có nhiều chỗ chưa được thông cảm về nghĩa lý. Một bậc cao minh mà còn mạnh dạn bày tỏ như thế thì với đa số tín hữu Cao Đài chúng ta nếu không có điều kiện và cơ hội để tìm học ý nghĩa bài kinh này từ Thánh giáo thì sự hiểu sai lệch ý nghĩa lời kinh là điều hoàn toàn có khả thể xảy ra! Điển hình nhất là câu kinh thứ năm “Ngũ nguyện Thánh thất an ninh”!
3. Vì thế, Ngũ Nguyện là một bài kinh ngắn gọn dễ thuộc nhưng lại là một kết luận về đường lối thực hành, một triết lý cứu cánh của Đạo Cao Đài:
Như Đấng tiền bối Phan Thanh ở Thiên Đạo Học Đường – Liên Hoa Cửu Cung - Thủ Đức khi giáng cơ đã nhắn nhủ:
“Các em hằng nhớ câu: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tam Giáo quy nguyên - Ngũ Chi phục nhứt, và những câu nguyện: Đại Đạo hoằng khai, Phổ độ chúng sanh, Thiên hạ thái bình… mà các em hằng nói và nguyện hằng ngày.
Đó là cả một đường lối, một mục đích, một triết lý, một cứu cánh cho Đạo Cao Đài. Nhưng từ lâu, ít người khai thác và giảng giải tận tường minh bạch trong đại chúng những tiêu ngữ đó” .
Vậy việc tìm học để hiểu thông ý nghĩa của bài Ngũ Nguyện qua lời dạy của các Đấng Thiêng Liêng và nương theo lý Đạo ấy mà cố gắng thực hành là điều hết sức cần thiết và hữu ích cho mỗi người tín hữu chúng ta.
Ngày mà phần lớn tín hữu Cao Đài đều hiểu bài kinh này theo cùng một chiều hướng đạo lý và cùng thực hành như nhau thì sứ mạng Kỳ Ba chắc chắn sẻ được triển khai mạnh mẻ, Trời Nghiêu đất Thuấn trở thành hiện thực rực rở huy hoàng.
  

NHỨT NGUYỆN ĐẠI ĐẠO HOẰNG KHAI
  

I. THẾ NÀO LÀ ĐẠI ĐẠO HOẰNG KHAI?
II. THỰC HÀNH LỜI NGUYỆN THỨ NHỨT
1. Bất cứ ai, không phân biệt chức sắc hay tín đồ nếu có tâm thành vì đạo, có nhận thức đạt lý đạo đều có thể góp phần.
2. Mở rộng và phát triển từ cơ sở (Thánh Thất, Thánh Tịnh) cho đến giáo lý.
3. Phải phổ cập (tiếp cận rộng rãi):
4. Đức, tâm, tài đủ Đạo Thầy hoằng dương
5. Vượt mọi trở ngại chông gai, quyết tâm nắm cờ Đại Đạo để cắm mọi nơi.
6. Trên đường Hoằng Khai Đại Đạo, chúng ta phải học và noi theo hành động của Trời (Đạo) mà làm.
III. KẾT LUẬN





Mỗi khi kết thúc thời cúng với bài Ngũ Nguyện, bao giờ chúng ta cũng khởi đầu bằng câu “Nhứt nguyện Đại Đạo Hoằng Khai”. Cầu nguyện cho Đại Đạo được hoằng khai, tín hữu Cao Đài chúng ta đã hiểu và thực hành lời cầu nguyện ấy như thế nào? Các đấng Thiêng Liêng đã nhiều lần hướng dẫn, giải thích để giúp cho chúng ta hiểu thấu đáo hầu thực hành ý nguyện.

I. THẾ NÀO LÀ ĐẠI ĐẠO HOẰNG KHAI?

Danh từ Đại Đạo nơi đây được hiểu là Đạo Lý của vạn giáo nói chung chứ không phải chỉ đóng khung trong tôn giáo Cao Đài (ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ). Nói cách khác, đây là yếu tố Đại Đồng tôn giáo. Đó là những gì mang các yếu tố Chân Thiện Mỹ.
Hoằng khai là khai phóng, mở rộng. Câu kinh nguyện thứ nhứt có ý nhắc nhở chúng ta: phải cố gắng phát triển Đạo Lý và mở rộng đưa Đạo Lý đến với mọi người. Đức Ngô Minh Chiêu có dạy:
“Người Đạo Cao Đài luôn luôn tôn trọng các xu hướng tín ngưỡng, đem tình thương hòa đồng khắp cả mọi giới, đem thiện cảm gieo rắc mọi nơi để người người đều nhìn nhận cái lý duy nhất là cứu thế qua khỏi cơ tận diệt, hầu xây dựng hòa bình hạnh phúc nhân loại…”
Vậy những ai có thể góp phần thực hiện câu nguyện thứ nhứt nầy?

II. THỰC HÀNH LỜI NGUYỆN THỨ NHỨT

1. Bất cứ ai, không phân biệt chức sắc hay tín đồ nếu có tâm thành vì đạo, có nhận thức đạt Lý đạo đều có thể góp phần Hoằng Khai Đại Đạo với bất cứ hình thức nào.Đức Đông Phương dạy:
“Muốn hoằng khai cho thiên hạ biết được Đạo, phải qua trung gian của thiên hạ tức là con người, là chư Thiên mạng có trọng trách thế Thiên hành Đạo.
Thế Thiên hành Đạo không phải chỉ ở hàng chức sắc chức vụ phẩm vị cao, mà bất cứ ai có tâm thành vì Đạo, có nhận thức đạt được Lý Đạo, đều có thể hoằng khai với bất cứ hình thức nào.”
Là tín hữu Cao Đài Việt Nam, đại diện cho dân tộc Việt, hân hạnh được Thầy ban trao sứ mạng Kỳ Ba chúng ta hãy tỏ ra xứng đáng với trọng trách tiền phong:
“Trên con đường Sứ Mạng Phổ Độ Kỳ Tam của các con mà chư Phật Tiên hằng nói là “một dân tộc được chọn”, phải tiền phong đảm đang lãnh trọng trách hóa hoằng Đạo Thầy. Dĩ nhiên các con phải gánh gồng mọi khó khăn trước thiên hạ, nhơn loại thế giới. Những khó khăn trên đường hành đạo là những bước tu tiến trên lộ trình đến Long Hoa Đại Hội.”
Đức Quán Thế Âm nói:
“Là những người cầm ngọn đèn đi trong đêm tối, không vì lý do gì làm cản trở trì trệ bước đi của kẻ cầm đèn rọi đường cho nhơn loại. Là những người tiền phong, cần phải biết trước cái biết của thế nhân, hiểu trước cái hiểu của người đời, phải tốt hơn cái tốt của phàm tục, phải hy sinh trước cái hy sinh của thế nhân.”
2. Mở rộng và phát triển từ cơ sở (Thánh Thất, Thánh Tịnh) cho đến giáo lý.
Đức Quán Thế Âm dạy thêm:
“Thử hỏi hoằng khai là gì? Có phải phát triển khai phóng mở rộng từ cơ sở đến giáo lý cho quãng đại quần chúng hiểu biết và làm theo hay chăng?
Chớ không có nghĩa là đóng khung trong hình thức nhỏ hẹp như một Hội Thánh, một Thánh Thất hoặc Tịnh Thất để cho một thiểu số người mà dám gọi là Đại Đạo hoằng khai.”
Ngày nay, vẫn còn tồn tại một thực trạng đáng buồn: có vài chức sắc, chỉ đạo không cho tín hữu trong Hội Thánh của mình được đọc kinh sách của chi phái khác trong Cao Đài giáo! Tuy thực tế không thể kiểm soát được mức độ thi hành nhưng chỉ thị đã gây ra tâm lý e ngại trong tín đồ. Và điều này liệu có phù hợp với ý nghĩa của tên gọi, danh xưng tôn giáo của chúng ta hay không? Về mặt đời, liệu những chỉ thị này có vi phạm quyền tự do luật định theo Tuyên Ngôn Nhân Quyền quốc tế hay không?
3. Phải phổ cập (tiếp cận rộng rãi):
. Làm cho giáo lý trở nên đơn giản, dễ hiểu, thực tế (nội dung): giúp cho mọi người nhận thức được và tự giác trở về với lẽ sống tự nhiên của nhân bản.
. Phát triển cơ sở đạo khắp mọi nơi khi có điều kiện (hình thức).
Đức Lý Giáo Tông dạy: “Muốn hoằng khai Đại Đạo phải mở rộng cửa. Người tu mà giáo lý còn phức tạp! Cũng như sự hoằng khai phải đặt mình vì Thượng Đế, vì nhân sanh thì Đại Đạo hoằng khai với một sức sống đạo đức chơn chánh. Như thế còn phải phổ cập, phô trương hình thể Đạo là điều trọng yếu.”
Như thế, trong việc hoằng Đạo chúng ta phải ý thức phát triển nội dung giáo lý song hành cùng với hình thức là các hoạt động tôn giáo.
4. Khả năng hoằng Đạo
Để có khả năng hoằng Đạo, Đức Lý Giáo Tông dạy:
“Tài với đức đổi trao phụng sự,
Tâm với tài bực thứ không hai;
Có tâm mà lại có tài,
Đức, tâm, tài đủ Đạo Thầy hoằng dương.”
Và Ngài không quên cổ động giới trẻ:
“Thanh Thiếu Niên ngày ngày ghi nhớ,
Học tu nhiều dầu dỡ cũng hay;
Tre tàn cằn cỗi ngày mai,
Lập đời hoằng giáo nhờ tay các trò.”
5. Vượt mọi trở ngại chông gai, quyết tâm nắm cờ Đại Đạo để cắm mọi nơi.
Hoằng khai Đại Đạo là lý tưởng sứ mạng của tín hữu Cao Đài nói chung và của tầng tầng lớp lớp các thế hệ trẻ nói riêng. Vì thế người đi trước phải khai đường mở lối cho lớp trẻ nối bước theo sau, như vậy vấn đề quan tâm chăm sóc đào tạo thế hệ trẻ tiếp nối đạo sự là một trọng điểm thiết yếu mà mỗi Hội Thánh cần phải luôn đề cao.
Việc hoằng khai Đại Đạo là việc trường kỳ lâu dài. Các thế hệ cứ tiếp nối nhau mà thực hiện sứ mạng. Do đó người đi trước phải ý thức không được quên việc hướng dẫn các thế hệ theo sau nhất là trên phương diện định hướng và khai phóng hoài bão cứu thế độ đời.
Trở về dự lễ kỷ niệm ngày Khai Tịch Đạo tại Nam Thành Thánh thất, Đức Cao Triều Phát đã lưu ý nhắc nhở:
“Với đàn anh lãnh đạo thanh niên. Hãy mở rộng lòng hoài bão Đại Đạo và nhân sinh khi tổ chức và đào luyện thanh niên. Có vậy mới thực sự là trang hướng đạo.
Vì Thượng Đế, vì nhân sinh, hãy khai phóng cho chúng một hoài bão cứu thế độ đời, hãy đặt vào bộ óc tinh anh của chúng một trách nhiệm hoằng hóa đạo pháp để cứu thế độ đời. Có như vậy mới thực sự góp tay vào công cuộc Đại Đạo của sứ mạng Thiên ân.”
6. Trên đường Hoằng Khai Đại Đạo, chúng ta phải học và noi theo hành động của Trời (Đạo) mà làm. Muốn như vậy tín hữu Cao Đài chúng ta phải cố gắng thực hành những điểm căn bản sau đây để đức hạnh luôn tõa sáng:
“- Đối với mình, không hủy hoại tinh thần hay thể xác bằng những vật dục sở tế cũng là đúng theo Đạo.
- Đối với gia đình, xử cho ra vẻ vai trò của mình trong địa vị cũng là đúng theo Đạo.
- Đối với Xã Hội Nhân Quần, đều lấy lòng Nhân Trung Nghĩa mà xử thế tiếp vật, không gây thù chác oán, chỉ đem tình thương của con người chính danh ban ra cho con người. Đó cũng là tuân theo Đạo.
- Và hơn nữa là đem Chơn Truyền Pháp Nhiệm của Đấng Cha Lành gieo rãi cho toàn cả sanh linh tiếp nhận hầu trở về lẽ sống tự nhiên của Nhân Bản, của Chơn Như Phật Thể. Ấy cũng là Đạo…
Đấng Tạo Hóa sanh thành vạn vật bởi cái Đạo bao trùm, nên Ngài dưỡng dục quần sinh rất đầy đủ mà rất tự nhiên, không ai hay biết để tán thưởng ca tụng Ngài. Như mặt trời mặt trăng giúp vạn vật sống còn theo định luật tự nhiên, mà mặt trời có bao giờ nói mình đã làm gì đâu? Có bảo thiên hạ vạn vật khen ngợi mình đâu? Giòng nước biển cả cứ chảy luân lưu vào những sông ngòi suối lạch, chỗ nào trủng thấp không có nước, tức thì nước cứ êm đềm chảy đến đó cho đầy đủ mới thôi. Có bao giờ nước lại ham chảy lên chỗ cao tốt đâu? Tất cả những tác vi điển hình trên đều là hành động của Đạo. Là người tín đồ Đại Đạo của Trời, phải noi theo hành động của Trời mà làm theo. Khi làm được tức thị đã thể hiện, đã Hoằng Khai được Đạo vậy. Và khi đã thực hiện được lẽ Đạo ấy rồi, sự Phổ Độ Chúng Sanh ở câu thứ hai rất dễ dàng.”
Chúng ta hãy đọc lại những lời nhắn nhủ của chư vị Tiền Khai Đại Đạo:
“... Nầy chư Thiên ân hướng đạo! Nầy các em! Thượng Đế đến Khai Minh Đại Đạo đã là một hi hữu, mà vấn đề Hoát Khai Đại Đạo để cứu độ vạn linh là một hi hữu khác. Đành rằng Thiên cơ dĩ định, nhưng hỏi vậy mấy ai ở cõi thế mà nắm đặng Thiên cơ. Bánh xe vẫn quay, con tàu vẫn tiến. Điều cần ở mỗi người là có nên góp mặt chung tay để đều nhịp tiến quay hay dừng lại. Dừng lại tức là thoái hóa giữa cuộc xây vần.
Thiên ân chức sắc là những tâm hồn chung quyết xây dựng tương lai cho Đại Đạo. Là người có ý thức chân lý Đại Đạo, có óc cầu tiến cho tiền đồ Đại Đạo, có ước vọng cải thiện nhân sanh, đó chính là những phần việc của chức sắc hướng đạo lãnh đạo đang theo đuổi. Thế chư hiền đang làm những gì, đang khơi dậy những gì để đáp ứng nguyện vọng nhân sanh. Thời gian nào cũng trôi qua, việc làm nào cũng đánh dấu được hiện tại. Chư hiền hãy góp mặt chung tay để làm, để sửa đổi, hoàn thiện những gì đã tự ý thức trước sứ mạng trong Đại Đạo.Chư hiền hãy đồng lòng giải thoát sự đình trệ thoái hóa và hãy khởi sự bằng những việc làm kiến hiệu hơn trong căn phòng cũ. Có những vấn đề thật sự mới, thật sự tốt, khi mà chính nó đã được nêu lên trong quá khứ mà chưa được thực hành trong hiện tại. Ngọn lửa nào cháy cũng bốc lên cao. Sự hiến dâng nào cũng đưa con người lên trên cấp bậc tâm linh hiện hữu. Chỉ có những người hướng đạo chí thành ngồi lại với nhau mới có một cộng đồng thuần nhứt trong tinh thần tân tạo mạch sống uy hùng và vĩ đại cho Đại Đạo.
Thượng Đế không kêu gọi con người phụng sự cho Thượng Đế, mà con người hãy cải tạo để xây dựng Thiên đàng cho con người và thế giới ở trên đời. Có kiến thức mà thiếu ý thức, con người sẻ tự chôn vùi mình trong hố sâu, làm nô dịch cho kiến thức. Là người Thiên ân hướng đạo, hãy dụng tri năng làm ngọn đèn soi rọi cho con tàu kiến thức xuôi về đúng hướng. Mỗi cá nhân chức sắc tín đồ sẻ thể hiện thật sự chân lý của Đại Đạo.
Thế nên phải ý thức cho tận cùng nội tâm sứ mạng của mình và mục tiêu mà mình phải giữ lấy để đạt đến.”

III. KẾT LUẬN
“Thầy sắp cuộc dinh hoàn tái tạo,
Dụng huyền linh Đại Đạo vận hành;
Quyền Thầy hiệp cả vạn linh,
Đông tay kim cổ lập thành tương lai,
Trước xây đắp Cao Đài Thánh đức,
Dụng Nam bang làm mức phóng khai;
Dân Nam sứ mạng Cao Đài,
Năm châu bốn bể hòa hài từ đây.”
Vì thế, Đức Gia Tô Giáo Chủ đã từng nhắc nhở:
“Đạo Trời lần ba hoằng khai để cứu vãng tình trạng nguy vong của nhơn loạ, mà tái lập cuộc thế giới an bình. Thượng Đế chọn đất Việt làm Thánh địa, chọn dân Việt làm tiền phong khai đạo, nói lên những lời thiết tha bằng tình thương lẽ thật và sự sống đời đời. ”
Gắn bó với Mục Đích của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ:
- Về mặt Thế Đạo, để góp sức Hoằng Khai Đại Đạo, người tín hữu Cao Đài phải luôn ý thức nắm vững Quyền Pháp: “tình thương và sự sống” thể hiện qua Tôn Chỉ Đại Đạo: “Công bình - Bác ái - Từ bi.” như lời Thầy nhắn nhủ trong ngày kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo năm Quý Sửu.
“Tâm con vốn bửu tòa Thầy ngự,
Hãy giúp người gìn giữ Thiên Cơ;
Hoằng Khai Đại Đạo Tam Kỳ,
Công bình, bác ái, từ bi đứng đầu.
Cuộc tiến hóa cơ mầu chuyển đạt,
Từ nhơn tâm quảng pháp đạo tâm;
Nhờ con sứ mạng vững cầm,
Vững cầm quyền pháp cao thâm độ đời.”
▪ “Đại Đạo hoằng khai không riêng cho một quốc gia dân tộc nào, mà hãy nói đến sự may mắn của dân tộc Việt Nam trước nhứt. Như vậy, nếu còn một người chưa biết chân lý Đại Đạo là nước Việt Nam chưa được thái bình, còn một người chưa tìm hiểu chơn lý Đại Đạo là dân tộc Việt Nam còn vong bản, làm sao sớm được an lạc để tiến bộ cho kịp lúc với Long Hoa Đại Hội kết chung.
Vì thế nên (…) tất cả các Thánh thất Thánh tịnh nói chung, đều có một trách nhiệm lớn lao đối với nhân sanh sở tại địa phương. Cái công quả to lớn ấy muốn đạt được cũng không phải khó, chỉ có một điều để chư hiền đệ hiền muội làm căn bản hoàn thành trách nhiệm đó là trì thủ, kiên nhẫn và hy sinh.”
- Về Thiên Đạo, khi người tín hữu ý thức thực hành xây đắp Cao Đài nội tại, phát huy rộng lớn cái Đạo tự hữu của chính mình là đang tích cực góp phần hoằng khai Đại Đạo:
“Muốn Hoằng khai Đại Đạo phổ độ nhơn sanh, mỗi người phải phát huy rộng lớn cái Đạo to tát ở nơi mình.
Chính lúc chư đệ muội khởi công đắp xây Cao Đài, cũng là lúc tự phát huy lần lần cái Đạo tự hữu để minh định mọi việc khó khăn hầu phổ thông giáo lý trên đường sứ mạng được ban trao.”
  

NHÌ NGUYỆN: PHỔ ĐỘ CHÚNG SANH  

I. Ý NGHĨA VIỆC PHỔ ĐỘ CHÚNG SANH
1. Phổ độ là gì?
2. Phổ độ chúng sanh là thực hiện sứ mạng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
II. PHỔ ĐỘ CHÚNG SANH NHƯ THẾ NÀO?
1. ĐỐI TƯỢNG PHỔ ĐỘ
A. Độ Con Người
a. Độ sanh
b. Độ tử
B. Độ chúng sanh
2. PHƯƠNG DIỆN PHỔ ĐỘ: Nhân sinh và Tâm linh
3. PHƯƠNG CÁCH PHỔ ĐỘ
A. Qua các Công quả
B. Qua Công trình rèn luyện
C. Qua hồi hướng Công phu
D. Phổ Độ trong thời đại văn minh diệu ảo
II. KẾT LUẬN



Từ khi mới lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn đã dạy:
“Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, chiếu theo luật Thiên Đình hội Tam Giáo mở rộng mối Đạo Trời, ấy cốt để dìu dắt nhân sanh bước lên con đường cực lạc, tránh khỏi đọa luân hồi.”
Đức Diêu Trì Kim Mẫu cũng có dạy:
“Con nhớ chăng con chốn thượng đình,
Mỗi con mang lấy mảnh hồn linh;
Vào đời tu học bồi âm chất,
Hành đạo độ đời, giúp chúng sanh.”
Vậy thế nào là “hành đạo độ đời giúp chúng sanh” và “dìu dắt nhân sanh bước lên con đường cực lạc” như lời Thầy Mẹ đã dạy? Đó phải chăng là Phổ Độ Chúng Sanh.

I. Ý NGHĨA VIỆC PHỔ ĐỘ CHÚNG SANH

Trước tiên chúng ta tìm hiểu Phổ độ là gì?
Đức Quan Thế Âm có dạy:
“Phổ độ có nghĩa là mở rộng cùng khắp, độ rỗi chúng sanh tu thành chánh quả không phân biệt màu da chủng tộc và tông phái. Chớ không có nghĩa là nói đi nói lại bao nhiêu đó cho người tín hữu Cao Đài mà thôi.”
Phổ độ chúng sanh là thực hiện sứ mạng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ:
“Các em hằng nhớ câu: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tam Giáo quy nguyên - Ngũ Chi phục nhứt và những câu nguyện: Đại Đạo hoằng khai, Phổ độ chúng sanh, Thiên hạ thái bình… mà các em hằng nói và nguyện hằng ngày. Đó là cả một đường lối, một mục đích, một triết lý, một cứu cánh cho Đạo Cao Đài.”
Vậy phổ độ để nhân sanh hồi đầu hướng thiện tạo cảnh Thiên hạ thái bình và lo tu hành giải thoát linh hồn khỏi cảnh luân hồi.
Phổ độ chúng sanh là công quả chánh yếu là con đường ngắn nhất để phục hồi cựu vị như lời Thầy dạy: “Muốn đắc quả thì chỉ có một điều là phổ độ chúng sanh mà thôi.”
Vì thế, chúng ta phải ý thức lời dạy của một đấng Tiền Khai Đại Đạo:
“Chữ quả công phải nhớ nằm lòng,
Đường phổ độ gia công mà tiến tới.”

II. PHỔ ĐỘ CHÚNG SANH NHƯ THẾ NÀO?

1. PHỔ ĐỘ NHỮNG AI?
A. Độ Con Người:
a. Độ sanh:
- “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Do đó, muốn “giác tha” trước phải “tự giác”. Vì thế phải độ bản thân trước nhất. Ơn Trên thường dạy:
“Muốn cứu thế cứu thân trước đã,
Muốn độ người, độ ngã cho xong;
Những gì đời đã mắc vòng,
Chính mình thoát khỏi mới hòng độ tha.”
▪ “Muốn độ chúng sanh trước tiên người đạo phải độ mình trước như lời Phật dạy: tự giác, giác tha. Như vậy sự tu thân là chuẩn đích nồng cốt căn bản của người đạo để dọn mình đứng đắn mới độ chúng sanh.”
- Rồi tới độ gia đình, thân tộc như lời dạy:
“Trước khi muốn đem đạo lý truyền bá tha nhân đây đó, cũng đừng quên những linh hồn đang ở chung quanh sát bên mình, đó là vợ con, anh em cùng thân bằng cố hữu.”
Đức Lý Giáo Tông có dạy:
“Như ban sơ Thầy dạy mỗi vị phải ráng độ 12 người như Thầy độ trong thập nhị môn đồ trước đó. Nếu số 12 nầy, cứ nhơn mãi ra lần, thì nhân loại sẻ hóa thành hoàn toàn đạo đức... ...
Như chư đệ muội đây, khi nhập đạo đến giờ, từ người chức sắc đến tín đồ kẽ thì độ được năm bảy vị, người cũng độ được một đôi chục vị, có vị cũng chẳng độ được một ai. Chớ lúc còn cơ phổ độ thì những anh lớn của chư đệ muội trước kia, người độ cả số ngàn số muôn cũng có. Vì lẽ ấy, mà những bậc tiền bối quá vãng, ngày nay cũng đều được đắc quả Thánh Tiên cả thảy.
Lão nhắc đây để cho chư chức sắc cùng đạo tâm hiểu lẽ trọng yếu ấy mà lo độ nhơn sanh sống trong chung quanh mình. Nghĩa là trong gia đình thân tộc cũng chưa phải là hoàn toàn nhập vào đạo Thầy hết, nên phải ráng lập công phổ độ.”
Một thí dụ để chúng ta tham khảo:
“Vậy giờ nay Thầy cho chơn linh Phan văn Sử tá cơ để nhắn nhủ gia đình. Vì Sử ở thế có lòng tu chơn hành đạo, trọn đức tin với Thầy nhưng không độ được trong gia đình. Đó là thiếu bổn phận. Nên Thầy sắc lịnh cho chơn linh Sử phải lập công bồi đức thêm.”
- Kế đến, độ tha nhân (và cho):
“Dầu cho trẻ con trong bụng cũng phải độ.”
b. Độ tử:
Song song với những đối tượng con người đang sống được nhắm vào để độ dẫn thì đồng thời chúng ta cũng tham gia các buổi lễ cầu siêu độ tử cho các vong linh chưa siêu thoát đặng hồi tâm giác ngộ, ăn năn sám hối hầu được siêu rỗi và siêu thăng. Làm được những công quả nầy là chúng ta cũng đang cứu độ Cửu Huyền Thất Tổ của chính mình. Kinh Tu Chơn Thiệp Quyết có câu:
“Tu là cứu Cửu Huyền Thất Tổ,
Tu là cần phổ độ chúng sanh.”
B. Độ chúng sanh:
Tam Kỳ Phổ Độ, cơ đại ân xá của Đức Chí Tôn nhắc nhở người tín hữu Cao Đài chúng ta trên đường phổ độ đừng quên đến việc phổ độ chúng sanh tế vi từ trong cơ thể của mình đến chúng sanh trong môi trường sống chung quanh ta như lời dạy sau:
“Chúng sinh nói chung, từ loài khoáng vật tế vi đến loài vĩ đại con người. Về chúng sanh rất nhỏ, ngay ở nội thân mình đã có. Muốn phổ độ chúng, thì mình không nên lạm dụng lãng phí những tế vi tế bào trong thân người. Vì nhờ nó mà thể xác được tồn tại, được sống còn để lo chuyện cao xa. Về chúng sanh vĩ đại, từ động vật con người. Muốn phổ độ thì phải tận dụng quyền năng nhân bản của mình đối với mọi vật, mọi người. Không đánh đập sát hại gây gổ bất cứ vật gì người nào. Trái lại, còn phải ban bố cho họ những tình thương Thượng Đế vốn sẳn bao giờ mà trên kia mình đã có.”
2. PHỔ ĐỘ TRÊN NHỮNG PHƯƠNG DIỆN NÀO?
A. “Làm Âm Chất, Phổ Độ Chúng Sanh” trên cả hai mặt độ sanh và độ tử, lại càng phải ý thức và cố gắng làm theo lời khuyên:
“Bổn nguyên Bảo Sanh là bổn nguyên Thánh Chất Thầy. Thầy khuyên con để dạ lo cho nhơn sanh mà thôi ... lo lập: - một sở trường học - một sở dưỡng lão, ấu - và một nơi Tịnh Thất.”
a. Sở trường học tượng trưng cho Dân Trí: thực tế là Thiên Phong Đường của mỗi Thánh Thất, Thánh Tịnh dùng làm nơi thuyết đạo và huấn luyện Đồng Nhi Lễ Sĩ. Đây là phần Công Trình.
b. Sở dưỡng lão, ấu tượng trưng hoạt động Dân Sanh: ngày nay đó là các Công Quả Phước Thiện, kinh tế tự túc.
c. Tịnh Thất tượng trưng cho Công Phu hay Dân Đức: đó là Tịnh Đường.
Học Đường và Phước Thiện thuộc mục tiêu Thế Đạo, còn Tịnh Đường thuộc về Thiên Đạo. Đây là một bài học rất quan trọng:
Lập Họ Đạo mà không thực hiện đồng bộ ba chương trình nêu trên thì hoạt động của Thánh Thất chưa đáp ứng tốt cho mục đích của Đại Đạo. Với mỗi tín đồ, bài học nầy hướng dẫn ba trọng điểm tu học và hành: phải quan tâm đến việc giáo dục học đạo cho bản thân và con em, làm phước thiện, học và hành đạo pháp. Thực hành Tam Công phổ độ nhân sanh phải nhắm vào ba trọng điểm vừa nêu.
B. Đường Phổ Độ phải đồng thời nhắm vào cả hai mặt nhân sinh và tâm linh, trong đó phần tâm linh là quan trọng hơn, như lời đã dạy:
“Việc đem đạo giúp đời hay cứu đời không… chỉ có một phiến diện vật chất hoặc sức lực, mà phải cần đến phần giáo dục tinh thần ở nội tâm lại càng quí giá vô cùng.”
C. Đỉnh cao của việc phổ độ đó là nâng đỡ đức tin
Đối với những người bạn đạo, là người đã phần nào hiểu lý đạo thì lại cần phải nuôi dưỡng đức tin đồng đạo:
▪ “Các con liệu phương thế mà nâng đở đức tin của môn đệ cao lên hằng ngày, ấy là công quả đầu hết.”
▪ “Lòng mong độ thêm một người chưa biết đạo phải song song với sự nuôi dưỡng đức tin đối với người bạn đạo. Nếu vô tình hoặc cố ý để mất đức tin một người bạn đạo lâu năm còn quan trọng hơn độ thêm năm, mười người khác nữa.”
3. PHỔ ĐỘ BẰNG CÁCH NÀO?
Để phổ độ chúng sanh, mỗi người tín đồ Cao Đài chúng ta trên đường “tu thân-hành đạo” phải thực hành pháp môn Tam Công với tấm lòng luôn hướng về chúng sanh.
A. QUA CÁC HÌNH THỨC CÔNG QUẢ
a. Về mặt nhân sinh: Dùng phương tiện sức lực hay vật chất giúp ích người khác.
“Đừng nghĩ rằng phải có tiền ngàn, bạc muôn đem bố thí hoặc xây thất cất chùa lên cốt phật hoặc in kinh mới gọi là công quả. Khi thấy một thế nhân bị cảm gió nhức đầu, chịu khó bỏ ra mười phút cạo gió bóp gừng không gọi là công quả hay sao? Thấy người bất hạnh đói rách khổ đau, bỏ ra một viên thuốc, một chiếc áo thừa, miếng bánh mì nguội dư không thể gọi là công quả hay sao?Tùy khả năng sở hữu tới đâu làm tới đó, nhưng phải làm với tất cả tấm lòng bác ái không gọi công không gọi danh.”
b. Về mặt tâm linh (quan trọng):
Tham gia các buổi cúng quan hôn tang tế, tổ chức nhập môn vô vi, cầu siêu để cầu nguyện cho các vong hồn sớm được siêu thoát,...
Đem đạo lý hướng dẫn, hoán cải lòng người:
Góp phần in ấn, biếu tặng kinh sách cho người tìm hiểu Đạo. Nếu có năng lực thì tham gia hướng dẫn về “lễ nghi-đạo đức“ cho các em thiếu nhi, thiếu niên con em nhà đạo; bình giảng Thánh giáo như lời dạy của Đức Quan Thánh:
“Nếu mỗi một tín hữu làm sao độ được 12 bạn khác hiểu đạo, hành đạo thì Bần Đạo tin rằng một thời gian không lâu, Thánh Đường mọc lên như nấm, khám đường dẹp bỏ lần lần để làm kho dự trữ.”
Vậy độ dẫn được người nhập môn vào đạo là một việc tốt, nhưng nếu dừng lại ở đây mà chưa giúp đở cho họ hiểu và hành được đạo lý trong đời sống hàng ngày thì chưa đủ. Tân Luật cũng có qui định về điều nầy. Tuy nhiên, trong thực tế bấy lâu nay hầu như chúng ta ít quan tâm đến việc phải thi hành điều luật này! Người tiến dẫn người nhập môn phải có trách nhiệm y như luật định:
“Hai người tiến dẫn phải lo lắng chỉ biểu và dìu dắt người mới cho hiểu biết đạo lý. ”
Một khía cạnh khác của công quả phổ độ tâm linh là giúp cho người khác được thuận lợi trên đường giải thoát.
“Tạo điều kiện và truyền bá pháp môn giúp người tu siêu phàm nhập thánh, thoát kiếp luân hồi. Đó là một nghĩa cử, một hạnh lại càng quí nhất.”
B. QUA CÔNG TRÌNH: rèn luyện Đức Hạnh
a. Hoàn thiện hóa bản thân trước để là tấm gương sống động dễ cảm hóa lòng người. Các Đấng Thiêng Liêng thường dạy:
“Tu là để trau tài luyện đức,
Tu là mong bỏ dứt nghiệp trần;
Trau tria phẩm hạnh chí nhân,
Độ mình rồi mới độ lần người tu.”
▪ “Vào đạo… là để tìm thấy học hỏi những gì cao quý trong cửa đạo mà thế gian thường tình không có… Vào đạo để tìm cái chơn, cái thiện, cái mỹ. Các em vào đạo lâu năm cần phải thể hiện điều chơn thiện mỹ ấy cho đời noi theo. Đó là các em làm sáng danh Đạo danh Thầy, và đó cũng là phương tiện phổ độ nhơn sanh theo đường chánh giáo.
Thế nên, dầu gặp cảnh ngộ nào trái tai gai mắt nghịch ý, đừng vội vàng bực bội để tánh nóng nỗi lên rồi phát ngôn thiếu cẩn thận, hành động thiếu cẩn thận, để hóa ra thua kẻ tầm thường ngoài thế gian chưa biết đạo đức là gì. Tác phong đạo hạnh của người tu không cho phép hành động hoặc phát ngôn thất đức, bất nhơn hoặc trái lẽ phải. Dầu cảnh ngộ nào cũng có phương cách xử theo hạnh của người tu.”
b. Rèn luyện Đức Tin vững chắc: Bởi vì bản thân ta nếu không khẳng định được đức tin của mình qua những chương trình hành động cụ thể trên đường tu học hành đạo thì làm sao có thể nâng cao đức tin cho người khác!
“Nên nhớ rằng Thiêng Liêng lúc nào cũng âm phò mặc trợ tùy theo lòng chí thành của chư hiền đệ muội. Trình độ nào cũng được dìu dẫn, chẳng lựa quý tiện phú bần, không đợi tài hay sức mạnh.
Lòng chí thành sẻ đem đến cho chư đệ muội toàn năng toàn giác. Nếu chư đệ muội sụt sè hay có những ý tưởng mơ hồ, nhẹ đức tin thì dầu việc nhỏ như việc hàng ngày cũng không làm nỗi, lựa là phổ độ nhơn sanh.”
c. Phổ độ chúng sanh, cứu giúp người khác là thể hiện lẽ sống đạo, thể hiện tình thương. Chúng ta cần phải trau giồi bài học Thương Yêu cho nằm lòng, xem đó là điều kiện để làm tốt việc phổ độ chúng sanh như lời Thầy và các đấng Thiêng Liêng dạy dỗ:
“Thầy chỉ có một lòng mơ ước cho các con biết yêu thương, trọng Thánh đức của Thầy... Chỉ cậy các con là một lòng yêu thương sanh chúng, gắng công phổ độ.”
Khi gắng công phổ độ, lời dạy sau đây là kim chỉ nam:
“Vì người đời đã quá đau khổ về tinh thần, bị đời xảo trá lừa bịp dối gạt, muốn cần có người an ủi xoa dịu tâm hồn. Đoàn người phổ độ có nhiệm vụ đặt trọng tâm vào công quả phổ biến Đạo Trời, truyền bá giáo lý; đem tình thương thể hiện sự chân thật, sự giúp đở, sự tương thân hòa ái, san bằng những hố sâu chia rẽ giữa cá nhân và cá nhân, giữa đoàn thể và đoàn thể, giữa tôn giáo và tôn giáo. Chớ không phải phổ độ là giành giựt nhơn sanh, kêu gọi nhóm nọ nhóm kia về với mình. Hỏi để mà chi? Ở đâu cũng được, miễn là mỗi người biết tu thân, biết đem tình thương lẽ thật đối xử với mọi người, biết đem lòng vong kỷ vị tha giúp đở người đời là được rồi.”
d. Để phổ độ có hiệu quả, mọi tín đồ phải ra sức học hành giáo lý để nắm vững đường lối chân truyền Tân Pháp.
“Chư đệ muội đây, khác nào hột giống quí trước nhất, rồi một ngày gần đây, nhơn loại sẻ hồi tâm hướng thiện, đến khẩn cầu chư đệ muội mà học giáo lý Đạo Thầy."
Biết lẽ quí báu sắp đến thì người tu trong Tam Kỳ Phổ Độ, mỗi ai dù nam hay nữ cũng phải ráng học hiểu rõ thông giới luật, Tôn Chỉ Mục Đích rành mạch, với phương pháp tu thân hành đạo, giải khổ từ thể xác đến linh hồn để sau nầy truyền bá khắp năm châu.
Như vậy, mới đúng theo đường lối của Thầy là cơ Tuyệt Khổ Đại Đồng đó.”
e. Chúng sanh căn trí vô lượng, tùy vào trình độ cao thấp mà điều chỉnh cho thích hợp. Đức Cao Thượng Phẩm dạy:
“Phải dìu dắt chiều theo tâm phàm họ cao thấp mà sửa từ bước, độ từng chặng. Mà nếu rủi dìu họ không được thì phải tận tụy với trách nhiệm làm thế nào cho họ đừng sa đọa phong đô, để cầu với Tam Giáo Tòa cho tái kiếp mà chuộc căn quả.”
C. QUA HỒI HƯỚNG CÔNG PHU
Kết quả của Công phu được hồi hướng đến chúng sanh sẻ trở thành công quả phổ độ như lời dạy:
“Công quả hồi hướng của tịnh viên được tràn đầy cõi thượng giới chúng sanh cho mọi người thức tỉnh mộng trần quay chân về nẻo chánh. Tuy công đức xem như mây bay gió thổi nhưng kỳ thật không bao giờ dứt nhờ tâm thanh tịnh, càng thấy tiến đạo vô cùng.”
Đó là công phu nội. Còn phần công phu ngoại là việc cúng kính. Khi để hết tâm thành cầu nguyện trong buổi cúng: cầu an, giải bệnh, cầu siêu, v.v… hồi hướng đến đối tượng là chúng ta đang dùng điển lành của tập thể và điển lành của Thiêng Liêng trợ sức để cứu độ quần sanh.
Một thí dụ cho thấy sự cần thiết của việc hồi hướng công phu trong việc độ tử:
“GIÀ LAM ĐỊA THẦN Chánh Ý Trần Hữu Thinh,…
Thật là một cơn ác mộng đã trôi qua, nhưng lòng nhân thế cùng quý bạn hiền đã còn ghi lại nỗi niềm thương tiếc.
… Nơi vùng này là vùng còn đầy dẫy ác khí, nên chi, mặc dầu bao nhiêu điển lành cùng tâm đạo đem ký nhà tịnh nơi này, cũng khó nỗi đàn áp được luồng hắc khí xung thiên từ những oan hồn uổng tử, đã gây ra bao nhiêu sự rủi ro trong khi xây cất.
Lúc bấy giờ, Tệ Đệ xét thấy đời đạo đức của mình còn quá muộn màng trễ nãi hơn các hàng huynh tỷ đệ muội, rất đổi so sánh với hàng thê nhi mà Tệ Đệ vẫn còn thua kém. Nỗi lòng băn khoăn vì công quả không biết làm sao?
Một giấc chiêm bao một đêm nào cũng nơi này, vừa mơ màng nửa say nửa tỉnh, Tệ Đệ chợt thấy vô số oan hồn đang tranh đua ngăn cản những việc làm từ thiện cùng hoằng dương đạo pháp nơi vùng này. Tệ Đệ bèn vội vàng quỳ xin thọ khổ phần nhục thể hình hài để làm lắng dịu bao nỗi oan hồn và cũng để thay mạng sống cho những người quả công vì đại cuộc. Và Tệ Đệ có hứa sẻ nhân một dịp nào, đề nghị cùng Hội Thánh có nhiều buổi lễ cầu siêu bạt độ âm hồn trở lại đường chân thiện mỹ.
Do đó, mọi việc sắp xếp đã qua, rồi... sáng lại, chư huynh tỷ đệ muội vừa phát giác một việc đã rồi.
Hôm nay, Tệ Đệ xin Lão Tổ được phép trong hơn một khắc để trần tình mọi sự vừa qua, cùng để giúp cho người bạn xưa vẹn toàn lời hứa. Tệ Đệ ngưỡng mong ơn từ quí vị đại đức trong Hội Thánh Minh Lý tới các hàng sư huynh sư tỷ, mỗi ngày vào tịnh cũng như nhựt thời, nên nhớ cầu nguyện cho các oan hồn ấy được sớm cởi vòng oan nghiệt, hầu trở lại đường đạo đức tu hành, do lời khuyên giải của quí liệt vị.”
D. PHỔ ĐỘ TRONG THỜI ĐẠI VĂN MINH DIỆU ẢO
Trong bối cảnh thời đại hôm nay, niềm tin và trách nhiệm được đặt vào hàng ngũ Thanh Thiếu Niên. Bởi vì thanh niên là mùa xuân, là phát huy, là sáng tạo. Do đó sứ mạng của Thanh Thiếu Niên được nâng lên cho tương ứng với sự phát triển của thời đại. Vì vậy:
Đức Lý Giáo Tông dạy:
“Hãy làm thế nào cho giáo lý đạo có một căn bản lý luận vững chắc khoa học và khai triển sâu rộng mọi mặt, giải đáp các vấn đề then chốt của triết lý siêu hình hiện đại khoa học.
Các việc này có tầm mức vô cùng quan trọng. Vì muốn độ đời phải có tri thức siêu việt hơn đời. Phải ưu thế trên mặt trí năng tư tưởng.”
Đức Cao Triều Phát cũng dạy:
“.Phải làm thế nào cho giáo lý đạo luôn có tính cách thích ứng với thời đại.
.Các em phải nâng cao tầm mức giáo lý cho có triết học, khoa học, văn học để tăng thêm tính chất hấp dẫn và phổ biến.
.Đạo đức cao siêu cần thiết thì tâm đức trí năng sâu rộng quyết nhiên không thể nào lu mờ ở xã hội học vấn trí thức ngày nay. Không dùng tâm tư của người đời nay thì mong gì người đời hiểu được ta mà phổ độ.”
Người Thanh Thiếu Niên, phải trang bị tài năng và sử dụng đúng chỗ đúng mức. Do đó Tâm Hạnh Đức phải được rèn luyện đầy đủ sao cho xứng đáng là Thanh Thiếu Niên của Đại Đạo nhất là đối với Thanh Thiếu Niên Phổ Thông Giáo Lý thì lại càng phải nâng cao ý thức sứ mạng hòa nhập với lý tưởng Đại Đạo.
Và Ngài cũng dạy:
“Hỡi các em... phải nhận thức trách nhiệm của mình. Hãy nhìn thẳng vào hoàn cảnh để cương quyết bắt tay vào việc hoằng giáo độ đời...
Tu không phải chán đời ẩn dật, tu bắt buộc phải mạnh dạn đi vào đời.
Chỗ nào tối, người Thanh Thiếu Niên… thắp ngọn đuốc sáng. Chỗ nào hầm hố chông gai có người Thanh Thiếu Niên kiêu dũng đem đạo đức đến sang bằng. Chỗ nào lạnh lùng băng giá, người Thanh Thiếu Niên đem tình thương Thượng Đế đến sưởi hâm ấm áp. Chỗ nào nóng bức, người Thanh Thiếu Niên đem tình nhân loại đến dập tắt dịu dàng.
Cái bổn phận thiêng liêng ấy người Thanh Thiếu Niên… không thể từ chối được."

III. KẾT LUẬN

Đức Chí Tôn để lời tha thiết dạy dỗ:
“Con ôi! Thầy khai đạo nơi thế gian nầy là Thầy muốn ổn định lại càn khôn, an bài vũ trụ. Thầy đưa thuyền từ ra bể khổ để vớt vạn linh sanh chúng. Thời kỳ ân xá, Thầy đã mở rộng huyền năng cho những đứa thực tâm hành đạo, lập công quả.
Con ôi! Chính mình Thầy đã đến thế gian cùng với chư Tiên Phật, dụng điển quang để tả thiên kinh vạn điển, hầu cứu rỗi các con thì các con phải có bổn phận đối với chúng sanh cũng như Thầy và chư Tiên Phật vậy.
Các con rất diễm phúc mà được gặp đích thân Thầy đến mở Đạo tại góc đất Việt Nam nầy, đem chánh pháp phổ truyền, đem lòng từ bi ân xá, độ các con nào sớm giác ngộ cùng giác tha những kẻ còn đứng ngoài vòng Đạo Giáo trở về mái nhà lương thiện cùng nhau hấp thụ điển lành cùng Đạo Lý để làm động lực thúc đẩy bản thân thi hành công đức phổ độ chúng sanh được thuần lương thiện mỹ hầu tái lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức.”
Phổ độ chúng sanh, chúng ta độ cả trên hai mặt nhân sinh và tâm linh nhưng không quá đặt nặng về vật chất mà trái lại phải thấy tinh thần là trọng. Vì thế trên đường “Giáo Dân Vi Thiện”, chúng ta trước hết phải rèn luyện chính mình để tự độ sau mới có thể thực hành độ tha như những lời Đức Ngô Minh Chiêu nói: “Ngô thân bất độ hà thân độ”. Ơn trên cũng dạy:
▪ “Độ đời nơi đây không phải nhằm chỉ riêng về khía cạnh vật chất mà đặt nặng về tinh thần trong câu tự giác giác tha, tìm mọi cách, tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi cơ hội đem giáo lý đạo đức để bày giải thức tỉnh mọi người đời đi về đường đạo lý.
Sự độ đời nơi đây không phân biệt màu da chủng tộc gì hết. Cả nhân sinh hoặc chúng sinh đều do một nguồn gốc mà ra, do đức háo sanh của Thượng Đế mà có.”
“Con tu là để giúp đời,
Giúp đời chính thị giúp thời cho con.
Còn trời còn nước còn non,
Còn nhơn sanh khổ con còn gia công.”
Người tín hữu Cao Đài lập công bồi đức phụng sự cho sứ mạng kỳ ba “Phổ Độ Chúng Sanh” thì chính là để tự độ, xây nền đắp móng cho vững vàng hầu bước lên đường Thiên Đạo lo tu giải thoát.
“Vậy chư hiền nên biết đạo giải thoát ở đâu cũng có thể làm được. Giải thoát sự u trệ tâm hồn vị kỷ là tích cực phụng sự nhơn sanh độ dẫn người đời.
Giải thoát sự u ám tâm linh là quyết chí trau luyện cõi lòng theo chơn pháp cho thanh bạch. Khi mọi việc đã chu đáo đối với Đạo với Đời rồi, không còn phải lo ngại gì về sự khiếm khuyết ân hận nữa, thì ra đó là giải thoát trong những lối giải thoát.”
Hằng ngày, người tín hữu Cao Đài kết thúc việc đọc kinh tứ thời, miệng niệm Ngũ Nguyện có câu “Nhì nguyện Phổ Độ Chúng Sanh”. Khi lạy, tay bắt Ấn Tý ôm tròn trước ngực đưa lên trán, rồi cúi mình xuống lạy hai bàn tay bung xoè ra như hình ảnh tượng trưng nhắc nhở tín đồ: “thành tâm hiến dâng” kết quả tu học-hành đạo lên Thầy Mẹ và các Đấng Thiêng Liêng, “vâng theo lời dạy: phải có bổn phận đối với chúng sanh cũng như Thầy và chư Tiên Phật vậy,“đem kết quả tu học hành đạo gieo rải đến với nhân sanh”. Đó chính là bài học ngụ ý nhắc nhở chúng ta phải ý thức thực hiện việc “phổ độ”.
Ngày mà mọi tín hữu Cao Đài ý thức được việc tu học hành đạo với Tâm chuyên nhứt “Phổ Độ Chúng Sanh” trên cả hai mặt Thế Đạo và Thiên Đạo thì lo gì: Thiên hạ chẳng thái bình và cảnh Trời Nghiêu Đất Thuấn không là hiện thực.
PHỔ thông giáo lý thương yêu rộng,
ĐỘ kỷ, độ tha, độ chúng sanh.
(Thầy)
  



TAM NGUYỆN XÁ TỘI ĐỆ TỬ

I. Ý NGHĨA CỦA CÂU NGUYỆN
II. THỰC HÀNH
1. Hằng ngày kiểm điểm bản thân, dù là lỗi nhỏ cũng tự giác Sám Hối, Phục Thiện
2. Hãy cởi mở tấm lòng nhận phê, nhờ người chỉ lỗi
3. Siêng năng hành thiện, không gây tội nữa nhất là với người đã giác ngộ
4. Ý thức sửa mình và giúp mọi người cùng tiến bộ
5. Khoan Dung, tha thứ lỗi lầm từ những người khác
6. Khoan dung, bác ái với cả mọi người
7. Học và hành bài học thương yêu của Đại Từ Phụ để thực hành hạnh bao dung, phá chấp
8. Không Nên Cầu Ơn Trên Giảm Tội cho người đã phạm luật Thiên điều
III. KẾT LUẬN







Nhân vô thập toàn.
Đã mang kiếp nhân sinh thì rồi có lúc sẻ mắc phải sai lầm chi đó trong cuộc sống!
Là người tu học, hiểu được ý nghĩa bước đầu của chữ tu là “sửa” qua câu “Tu là sửa những gì đã trật”, người tín hữu Cao Đài cố gắng sửa chữa đồng thời cầu nguyện Ơn Trên từ bi tha thứ cho mình. Nhưng như thế đã đúng và đủ hay chưa?
Chúng ta hãy tìm hiểu thêm về vấn đề này qua những lời giáo huấn thiêng liêng.

I. Ý NGHĨA

1. Giải nghĩa từ:
- Xá tội: tha tội, không bắt tội.
- Đệ tử: bản thân và mọi người.
2. Ý nghĩa câu nguyện:
- Trong lòng hối lỗi, nguyện ăn năn sửa đổi.
- Cầu xin Ơn Trên tha tội cho mình và mọi người.
- Nguyện lòng cũng biết tha thứ cho người khác như Ơn Trên tha thứ cho mình.

II. THỰC HÀNH


Cầu xin Ơn Trên tha lỗi đồng thời tín hữu chúng ta cố gắng sửa mình, phục thiện:
1. Hằng ngày kiểm điểm bản thân, dù là lỗi nhỏ cũng tự giác SÁM HỐI, PHỤC THIỆN, cũng đồng nghĩa với câu:“Tu là sửa méo ra tròn”- Vì dù là lỗi nhỏ cũng không qua khỏi luật công bình thưởng phạt, Đức Chí Tôn đã dạy:
“Một trăm điều nhớ, một quyển sổ biên những sự gì, điều gì cũng chẳng bằng một điều là nhớ xét mình, xét mình có vương vấn tội lỗi cùng chăng? Nếu con biết luật Thiên Tào thưởng phạt, một điều lỗi mọn con cũng sám hối ăn năn.”
- Biết hối lỗi là quý giá, mới xứng đáng là con yêu Thượng Đế:
“Nơi trần khổ này dầu cho bậc chí Thánh cũng khó tránh sự lỗi lầm đặng, nhưng sự ăn năn tự hối là quý giá vô cùng.”
“Biết phục thiện sám hối lỗi lầm mới xứng danh người dân đạo. Biết được vậy, hàng ngày nên kiểm điểm bản thân đến việc làm những điều lành dữ, lợi hại, tội phước, hư nên. Có đạt được sự kiểm điểm sám hối tự giác thì mới đáng là con yêu quí của Đức Chí Tôn và Đức Mẹ.”
- Biết sám hối, Ơn Trên sẻ mở rộng từ bi tha thứ:
“ Con hồi tưởng tỉnh khuây cơn mộng,
Thầy sẳn sàng tha bổng tội xưa;
Miễn sao con trẻ đoạn chừa,
Xét mình cải hối sớm trưa thật lòng.”
2. Cởi mở tấm lòng nhận phê, nhờ người chỉ lỗi cho:
“Đời ta sao khỏi lạc lầm,
Muốn cầu tiến bộ phải chăm sửa mình;
Trước là tự xét lỗi mình,
Sau cầu viện bạn phê bình giúp cho.
Qua sông nhờ chiếc nhã đò,
Tu hành nhờ bạn dặn dò giới trai;
Tự mình xét lỗi là hay,
Được người chỉ lỗi càng hay bội phần.
Biết nghe dư luận nhân dân,
Để mà phục thiện thì thân vẹn toàn.”
Đức Pháp Lực Kim Tiên lấy kinh nghiệm sinh tiền của mình để thí dụ:
“Như Bần Đạo đây, khi sanh tiền còn xác phàm cũng thế, không ai là thập toàn được. Trên việc làm, có điều dở, điều hay, nếu mình tự xét không đặng, thì có bạn mình chỉ cho mình thấy.”
3. Siêng năng hành thiện, không gây tội nữa nhất là với người đã giác ngộ.
Ơn Trên dạy:
▪ “Trước khi vào đạo thì tránh sao khỏi điều tội lỗi gây ra. Nhưng sau khi vào đạo chưa biết khắc phục những lỗi lầm mà còn gây ra thêm nữa thử hỏi như vậy vào tu giữ đạo có ích gì cho mình?”
▪ “Con biết Đạo rồi, bao nhiêu dĩ vãng, Thầy đều ân xá cho con, nhưng hiện tại con gây tội lỗi, thì Thầy làm sao ân xá được.”
4. Ý thức sửa mình và giúp mọi người cùng tiến bộ:
“Chẳng có chi quý bằng làm lành, làm phải, lại còn khuyến khích nhắc nhở người xung quanh mình cũng phải làm lành. Như thế, thì hưởng phước đức biết bao đó.”
5. Khoan dung, tha thứ lỗi lầm từ những người khác:
- Theo luật nhân quả, có tha thứ cho người thì mình mới được tha thứ:
▪ “Trước Thiên Bàn sau mãn giờ cúng cầu xin Thượng Đế giải trừ tội lỗi nghiệp chướng tiền khiên và cũng dạy cho người tín hữu phải có đức độ khoan dung, tha thứ mọi lỗi lầm từ kẻ khác đối với mình để thể hiện lòng bác ái vô biên của Thượng Đế.
Mình có tha thứ kẻ khác lầm lỗi với mình để thân thiện, giác ngộ dìu dẫn họ lại đường chánh giáo thì Thượng Đế mới xá lỗi tiền khiên của mình.”
▪ “Tình Mẹ ban đồng đều cho mỗi con, dầu lớn hay bé, khôn hay dại, nên hay hư, giàu hoặc khó, các con hãy khoan dung tha thứ cho nhau những khi có đứa nào lầm lỗi. Các con tự xét lòng mình rồi đoán lòng người, ai ai cũng có lỗi hết. Phải xét lỗi mình để tha thứ lỗi kẻ khác, đó là con cưng yêu của Mẹ. Mẹ mong rằng một kỳ trung thu sang năm được thấy tình thương cả các con hoàn toàn thể hiện cùng chung nhau hành đạo.”
▪ “Các con phải tha thứ lỗi lầm cho nhau mới mong trọn vẹn hưởng hồng ân của Mẹ. Các con có khoan dung tha thứ cho nhau mới được hưởng những tha thứ khoan dung của Thượng Đế.”
- Khoan dung là đức tính tốt cho con người nói chung và con đường tu tiến nói riêng:
“Đức khoan dung là chìa khóa mở,
Cho tinh thần nẫy nở lên cao;
Đường Tiên lối Phật bước vào,
Giữa quần sanh ấy tiếp giao hải hà.
Người khoan dung đậm đà lẽ sống,
Không hẹp hòi chẳng động khẩu tâm;
Thấy ai khuyết điểm sai lầm,
Nhủ truyền tha thứ như châm chước mình.”

“Quân tử rộng lòng, độ lượng nhiều,
Khoan hồng tha thứ, một tình yêu;
Tiểu nhân thì vẫn tâm eo hẹp,
Thắc mắc mãi càng rắc rối nhiều.”
6. Khoan dung, bác ái với cả mọi người:
▪ “Các em hãy lấy tình thương của Thượng Đế mà xử sự trong mọi cảnh ngộ, thì những chướng ngại vật dầu khó khăn cách mấy cũng phải cuối đầu khuất phục cho những đức tánh khiêm tốn đại lương, khoan dung, từ bi, bác ái.”
▪ “Chư ái nữ ôi! Các trò còn mang thói nữ nhi thường tình, hay so đo tính toán. Tu phải sửa lòng, ăn ở cho khoan hòa. Chị em tin thân dìu dắt lẫn nhau, đừng khi người ỷ mình, đừng già lời lắm chước mà sai với đạo đức người tu.
Cái bệnh của các trò là bệnh hẹp hòi, chưa khoan dung đại độ mà người họ cho là “đàn bà khê hác chi tâm” (khê hác là khe núi).
… Ở đời phải mở lượng khoan dung, tha thứ lỗi người thì Thầy Mẹ tha thứ lỗi mình.
Mình vui vẻ trước sự đau khổ, lấy dạ thương yêu không bỏ một ai, dù là người kém. Nhỏ lớn cũng chị em đồng thể chịu ở mệnh Trời, đứa khôn phải dạy đứa dại, đứa mạnh phải giúp đứa yếu là bổn phận của kẻ làm công quả ít hay nhiều cũng làm vui, đừng so đo khinh trọng mà chia tình đồng đạo. Các trò thấy một miếng mảnh sành mà còn hữu dụng trong lúc chêm được cẳng ghế chưn bàn thì không có gì vô ích. Kẻ làm sai cũng bài học phòng ngừa, kẻ làm đúng cũng bài học tiến tới.”
▪ “Hãy chân thành với lòng mình mà đi trên đường đạo. Tất cả mọi hoạt động của mình phải nhắm vào mục đích tối thượng của đạo lý từ tư tưởng, ý nghĩ, lời nói, cử chỉ đến việc làm phải được sự chân thành, tỏ nỗi cảm tình và thố lộ tình thương với tất cả mọi người mọi trường hợp.
Việc gì trước khi muốn nói hoặc làm cho ai, nên đặt mình trong hoàn cảnh người ấy để xem mình có chịu được những đối xử như vậy hay không. Nếu được thì làm, không được thì đừng. Đó là tự mình kiểm soát hành động của mình đó, cũng là khuôn mẫu đạo lý Nho Giáo hun đúc cho mình đó.
Hằng ngày mình thường ước mong kẻ khác giúp đỡ phương tiện sinh kế, nâng đỡ con cái học hành, để lời dịu ngọt đối xử với mình, cùng mong Thượng Đế tha thứ tội lỗi và ban ơn cho mình.
Hãy lấy tất cả sự ấy ban bố và đối xử với kẻ khác. Đó là vốn luyến để dành trong kho vô tận và chắc chắn trộm cướp không lấy được, chiến tranh không tàn phá được, đó là đạo lý thông thường bậc trung cấp. Hễ có chí, ai cũng làm được hết. Làm được bực trung cấp là đã được 2/3 đoạn đường tu hành tạo Tiên tác Phật rồi đó.”

7. Học và hành bài học thương yêu của Đại Từ Phụ để thực hành hạnh bao dung, phá chấp:
Đức A,Ă, buổi đầu độ dẫn chư Tiền Khai đã dạy:
“Mừng thay gặp gỡ Đạo Cao Đài,
Bởi đức ngày xưa có bữa nay;
Rộng mở cửa răn, năng cứu chuộc,
Gìn lòng tu tánh chớ đơn sai.”
Còn Đức Mẹ nhủ khuyên:
“Thương trước phải kết liên em chị,
Thương cần nên hiệp ý đồng tâm;
Thương nhau xóa hết lỗi lầm,
Tình thương chơn thật, chớ thầm oán nhau.”
Con người thật sự đạt Đạo nơi Đấng Chí Tôn là con người rất bao dung rộng rãi vô cùng, mặc dù con người ấy trong lùm vách lá, và sớm muộn cũng cảm hóa được đời noi theo hạnh đạo, vì chỉ có trình độ ấy mới hoàn toàn đi đúng theo chủ đích của Thầy.
Nói như vậy vì căn bản giáo lý Đại Đạo là như vậy.
Chớ hiện hữu giả sử trước mặt chư hiền đệ hiền muội là một người không tin theo đạo lý, đối kháng với mình bằng những luận điệu cố tình xuyên tạc, thì thử hỏi trong lòng mình, ngoài sắc diện mình có thay đổi bằng trạng thái bất bình chăng. Đó là chuyện cố nhiên rồi.
Nhưng luyện tập làm sao không còn như vậy mà là vượt lên cái cá tính thường tình của luận điệu này, luận điệu nọ, giáo thuyết này, giáo thuyết kia.
Bởi vì Đạo, nếu cảm hóa được người, được hay không thì thôi, chớ không bao giờ tỏ vẽ đối nghịch với ai.”
8. Không Nên Cầu Ơn Trên Giảm Tội cho người đã phạm luật Thiên điều:
Có điểm cần lưu ý: Thiêng Liêng thường khuyên chúng ta mở lòng khoan dung tha lỗi cho người khác nhưng lại không nên cầu xin Bề Trên chế giảm tội của người đã bị ghi lỗi ở Thiên điều nếu phần âm chất của bản thân chưa được sâu dầy.
Thí dụ:
8.1. Đức Bát Nương khuyên:
“Vậy thì các em phải giữ lấy phận mình. Chị nghĩ cũng chưa kham, đừng thày lay cầu tội giùm cho kẻ khác. Chị rất cám cảnh, nhưng Thiên điều định vậy, biết liệu làm sao? Tự nơi chị Ứng Quân tự mình giải thoát.”
8.2. Trường hợp cầu nguyện cho thân nhân quá vãng. Kiên trì đọc kinh là việc cần làm để vong linh được giảm bớt phần nghiệt chướng nhưng cũng cần nhớ là dù sao mình đã chia sớt âm chất cho thân nhân vì thế cần phải cố gắng làm thêm nhiều âm chất hơn nữa!
“Bần Nữ vì cảm thương lòng thành của thiện tín mà chỉ dẫn cho đôi điều. Từ đây, thiện tín khá luôn luôn tụng Di Lạc Chơn Kinh cho người. Phải luôn tụng Cầu Siêu và Cầu Hồn đặng rửa bớt sự nặng nề cho vong linh. Còn âm chất thì càng nhiều lại càng hay. Phương độ rỗi ấy là nhờ nơi lòng hiếu nghĩa của thiện tín mà làm giảm bớt phần nghiệt chướng nơi cõi thiêng liêng cho nhũ mẫu thiện tín. Nhưng thiện tín cũng nên biết rằng, khi đã độ rỗi được vong linh kẻ tội lỗi thì âm chất của thiện tín cũng đã sang bớt cho vong linh ấy chút ít rồi. Như vậy, thiện tín cần phải lập công đức thêm đặng bù vào chỗ đã mất. Đó là chỉ nói về sự độ rỗi vong linh của kẻ thân thuộc mà thôi.”

III. KẾT LUẬN

- Đức Quan Thánh có dạy:
“Có nhiều bậc Phật, Tiên, Thánh, Thần trước kia cũng mang thể xác làm người, cũng lâm vấp những thói hư tật xấu như ai, nhờ biết khiêm tốn học hỏi, biết phục thiện để chừa lỗi, chấp nhận lời lành, ý hay, lẽ tốt, để trau sửa bản tâm, rèn luyện bản tánh mới có thể tiến hóa lần từ kiếp người đến Thần Thánh Tiên Phật.”
- Vậy đã là con người tránh sao lỗi lầm cho đặng. Quan trọng là biết nhận lỗi, phục thiện thì đó là tu vậy. Hơn thế nữa, biết quan tâm, thương yêu để sẳn sàng rộng lượng bao dung, giúp người khác cùng nhau tiến bộ, cùng xây dựng một thế giới đại đồng là một trong những điểm chúng ta phải nắm vững và thực hành. Đó cũng là ý nghĩa lời dạy của Ơn Trên xuyên suốt qua Ngũ Nguyện nói chung và lời nguyện thứ ba nói riêng. Tín hữu Cao Đài chúng ta dầu thuộc chi phái nào đi nữa, để được Thầy Mẹ và các đấng Thiêng Liêng xá tội hãy cố gắng tu học và hành đạo theo lời dạy sau:
▪ “Các em ôi! đã biết Đạo bao trùm từ kẻ thiện người ác, từ kẻ gọi là văn minh xán lạng cho tới kẻ bán khai đần độn thì còn câu nệ chi ở danh tướng trần gian. Hãy trả lại cho lòng mình sự yên tỉnh vô tư và trả lại cho lòng nhân thế sự thuần nhiên tin tưởng trên công cuộc phổ độ và tu hành. Những gì xấu xa tội lỗi, các em hãy chừa bỏ với tấm lòng dứt khoát sự tu phục thiện, dù cho đối với sự lầm lẫn tội lỗi của người cũng vậy. Các em đã nguyện với Thầy là "xá tội đệ tử" ở câu nguyện thứ ba. Ý rằng nhắc nhỡ các con tha thứ lỗi cho kẻ khác, cho đồng đạo trước khi Thầy tha lỗi cho mình.”
▪ “Đối với tất cả mọi người chung quanh mình, từ trên tới dưới, từ lớn tới nhỏ, đều sẵn sàng khoan dung, tha thứ dù ai gây lỗi với mình cũng vậy. Một khi biết cầu khẩn Đấng Chí Tôn tha thứ lỗi lầm của mình, thì mình hãy thể theo lòng từ ái của Ngài để tha thứ anh chị em của mình tại thế gian. Vì thế gian không phải là cõi hoàn toàn thánh thiện nên lắm điều còn ô trược tránh sao không vấp phải lỗi lầm hoặc nhiều hay ít cũng vậy.
Sự tha thứ, lòng từ bi bác ái không giới hạn ở đâu, nghĩa là vô biên. Chớ chẳng phải chỉ tha thứ, chỉ bao dung rộng lượng đối với hạng dưới tay thân thuộc của mình mà không tha thứ bao dung đối với kẻ thù nghịch, vì là con chung của Đấng Cha lành, với người bất nhơn thất đức. Có được hạnh như vậy thì mới tiến được giai đoạn nữa là câu thứ tư Thiên Hạ Thái Bình.”
“Hễ hướng đạo trọng về đức độ,
Là đàn anh mọi chỗ dung hòa;
Vì người chớ nệ thân ta,
Vì Thầy, vì đạo có ta có người.
Con tội lỗi đành đời con chịu,
Vết thương lòng con hiểu Mẹ chăng?
Thế nên đồng đạo hữu bằng,
Thấy người tội lỗi lòng hằng thiết tha.
Cử chỉ ấy mới là bác ái,
Cảm tình kia đem lại thương yêu;”









TỨ NGUYỆN THIÊN HẠ THÁI BÌNH

I. Ý NGHĨA
II. THỰC HÀNH
1. Thái bình thiên hạ không thể tự nhiên có được mà phải do con người phải tạo ra.
2. Mỗi người phải bắt đầu từ chính mình: Phá Chấp để xây dựng thái bình nội tại.
3. Thái bình chỉ có khi mọi người đều lương thiện
4. Đường Đạo Đức Chính Nghĩa: Đạo Đời phối hợp thực thi để gieo giống lành, diệt mầm háo sát.
5. Cùng chung lối tiến, đoàn kết quy nhứt
6. Người lớn phải làm gương
7. Thái bình chỉ có được khi con người vượt ra được khỏi tình dân tộc để hướng về Đại Đồng Nhân Lọai
III. KẾT LUẬN







Thái bình là ước mơ muôn thuở của nhân loại. Nhưng ở thời kỳ Hạ Nguơn Mạt kiếp này, hầu như chẳng có nơi nào có được cảnh thái bình mặc dầu nơi đó không có chiến tranh và đang ở vào giai đoạn kinh tế sung túc nữa. Vậy thì cái gốc, cơ sở nền tảng để thiên hạ có được thái bình là gì?

I. Ý NGHĨA

1. Từ ngữ
- Thiên hạ: nhơn sanh trên toàn thế giới.
- Thái bình: hết sức bình yên, an vui.
2. Ý nghĩa
Nguyện làm cho nhân loại được hưởng an bình tuyệt đối.

II. THỰC HÀNH

1. Thái bình thiên hạ không thể tự nhiên có được mà phải do con người phải tạo ra.
Đức Quan Thế Âm có dạy:
“Có phải là lòng thương người thương vật của người tín hữu Cao Đài muốn cho nhơn loại được an hưởng trong cảnh thái bình, an cư lạc nghiệp.
Và cũng gợi cho người tín hữu hiểu rằng không phải cảnh thái bình tự nhiên ai đem đến bố thí cho nhân loài mà nhân loại phải tự tạo lấy cho mình.”
2. Mỗi người phải bắt đầu từ chính mình. PHÁ CHẤP để xây dựng THÁI BÌNH NỘI TẠI.
Mỗi người hãy tự cứu và gầy sự cứu cánh ra ngoài xã hội đến khắp hoàn cầu.
“Mỗi khi cõi lòng của con người - thiên hạ không còn chút vương vấn những thiên vị, những cố chấp bởi hoàn cảnh, bởi nhơn tâm chung quanh thì tự nhiên sự bình tĩnh được phục hồi, không bận không lo điều sái lẽ phải, điều thiệt lẽ hơn, cái thua cái được, niềm thương nỗi ghét. Thái Bình lúc ấy được lập lại nơi nội tâm con người vậy. Rồi con người cộng với hằng hà sa số con người thì ra thiên hạ. Khi mỗi thiên hạ được thái bình trong lòng rồi thì thế giới thiên hạ đang ở sẻ không còn hỗn loạn phân ly xung đột với nhau nữa.
Sở dĩ con người không được thái bình nội tại vì có tâm chấp trước.
Một đàng thì muốn về Niết Bàn Cực Lạc hay Bạch Ngọc Kinh hưởng phước đời đời, một đàng thì muốn công danh chức tước vinh thân phì da, và đàng khác lại sợ sa vào địa ngục chịu đọa đày đời đời. Hỏi vậy con người nhiều dục vọng tham lam như thế, nội tâm có được thái bình chăng? Dĩ nhiên là không vậy!”
Như thế
3. Thái bình chỉ có khi mọi người đều lương thiện:
Vậy con người
. Phải dẹp trừ DỤC VỌNG THAM LAM.
. Rèn luyện các đức tính: Công Bình - Bác Ái - Từ Bi.
“Muốn được thái bình trước nhất mọi người phải lương thiện. Có đức tánh công bằng của Nho Giáo, những gì mình không muốn thì không làm việc ấy cho người khác. Có đức tánh bác ái của đạo Lão là lòng thương đời vô biên, không điều kiện, mong dìu dẫn họ lại đường chánh lẽ chơn. Thương mọi người như thương gia đình quyến thuộc mình, dù kẻ ấy là thù địch với mình. Phải có đức từ bi của đạo Phật, luôn luôn khởi lòng trắc ẩn trước nỗi đau khổ của người khác mà tìm phương ban vui cứu khổ cho họ.
Nếu muốn cho mọi người đều có đức tánh ấy, phi trừ giáo lý đạo Cao Đài không có giáo thuyết thứ hai.
Những giáo lý do Chí Tôn đã vạch sẳn mà người đạo Cao Đài không đem phổ truyền cùng khắp, tìm cách cảm hóa phổ độ người đời biết được. Đừng ỷ câu "hữu xạ tự nhiên hương". Đó là điều kiện đem lại thiên hạ thái bình.
Chớ trong lúc nhân sanh chưa hiểu đạo, chưa có công bằng, chưa có lòng thương kẻ khác, một xã hội toàn đa số là người bất lương, giàu hiếp nghèo, mạnh lấn yếu, ỷ chúng hiếp cô, khôn hiếp dại, điêu ngoa xảo trá, xây dựng vinh hoa phú quí trên cảnh đau khổ cùng đinh và xương máu của kẻ khác. Thử hỏi xã hội như vậy có đem lại được cảnh thái bình cho thiên hạ không? Đó là nhiệm vụ nặng nề căn bản của người tín hữu Cao Đài.”
4. Như vậy con người phải đi đúng con đường Đạo Đức Chính Nghĩa: Đạo Đời phối hợp thực thi để gieo giống lành, diệt mầm háo sát.
Muốn được vậy phải đem Chơn Lý Đại Đồng, phổ truyền đạo đức làm cho mọi người thấm nhuần. Nhiệm vụ căn bản là phổ truyền giáo lý "giáo dân vi thiện". Nhưng không phải đạo đức cứu cánh suông. Đức Giáo Tông dạy:
“Chư hiền phải quan niệm thế nào để thái bình thiên hạ? Chỉ đem chơn lý Đại Đồng phổ truyền đạo đức làm cho mọi người đều thấm nhuần hai tiếng thái bình mà Đạo Đời phối hợp thực thi để gieo giống lành diệt mầm háo sát.
Muốn được thiên hạ thái bình, chư hiền đã là người đạo thì phải tự cứu trước đi. Khi tự cứu được mới gầy ra sự cứu cánh ấy từ gia đình lẫn xã hội, quốc gia đến hoàn cầu nhơn loại. Điều quan trọng là không lấy đạo đức cứu cánh suông. Để đem lại thái bình thiên hạ phải biết đi đúng tầm hoạt động ĐẠO ĐỨC CHÁNH NGHĨA ĐẠI ĐỒNG. Có như vậy tình thương nhân loại được sâu rộng khắp trần gian. Được như vậy nhơn loại mới thoát khỏi chinh chiến là họa tận diệt thế gian. Biết khai thác Chơn Tâm, Chơn Ý, Chơn Tánh thì việc cầu nguyện thiên hạ thái bình rất hữu hiệu.”
Con đường đạo đức chánh nghĩa phải có tính đại đồng thực tiễn chứ không chỉ là “đạo đức cứu cánh suông”. Nói một cách khác, phải có những hoạt động phối hợp thực tế giữa tôn giáo và xã hội hầu mang lại những lợi ích cụ thể cho đời sống nhân sinh song hành cùng nền tảng văn minh đạo đức tinh thần.
5. Cùng chung lối tiến, đoàn kết quy nhứt
▪ “Biết chọn đường đi lối tiến nhưng lối tiến ấy phải là lối tiến cùng chung chớ không phải là lối tiến rẽ bước chia đàng. Có cùng chung để anh ngã em nâng, chị dìu em bước. Con hằng nguyện Đại Đạo hoằng khai, phổ độ chúng sanh cho thiên hạ thái bình. Nhưng muốn được thái bình phải trong đường lối quy nhứt đoàn kết thương yêu.”
6. Người lớn phải làm gương
▪ “Người đời thường ao ước đến bao giờ hưởng được cảnh thái hòa an lạc như cha lành, con thảo, vợ hiền, tôi ngay, nhà không đóng cửa tài sản vẫn còn nguyên, ngoài đường của rơi không người lượm lấy. Nếu ước suông như vậy chẳng khác nào người chủ vườn muốn được một huê viên toàn là hoa huệ, hoa cúc, nhưng chính mình chỉ ước suông mà không lo tìm hột cúc, hột huệ đem gieo… Nếu người cha trong một đơn vị gia đình biết lo bổn phận làm chồng làm cha cho phải đạo, nếu người vợ trong gia đình biết lo hoàn thành bổn phận tề gia nội trợ giúp chồng nuôi con, nếu trong anh chị em cùng gia đình được thuận hòa hiếu thảo, nếu giữa con người và con người cùng quí mến thương yêu tôn trọng danh dự tài sản cho nhau, cảnh thái bình an lạc tự nhiên đã sẵn có rồi, không cần phải đi tìm kiếm vận động từ Đông sang Tây, Từ Nam sang Bắc. Mỗi người có được ý thức như vậy, không phải tự dưng mà có. Một quốc gia muốn được vậy, người cầm đầu phải làm gương trước nhứt. Một gia đình muốn được vậy, người cha là chủ gia đình phải làm gương trước nhứt. Chủ một quốc gia hay chủ một gia đình cũng thế. Muốn cho nhân dân hưởng ứng, muốn cho con cháu noi theo ý chí của mình thì chủ nhân ông ấy phải tạo điều kiện cho thiên hạ làm theo. Trong lãnh vực Đạo Giáo cũng thế. Người lãnh đạo tinh thần nên làm gương trước để nhân sanh tín hữu nhìn đó làm theo.”
Mọi người phải giữ được sự Thanh Tịnh. Diệt trừ được lục dục thất tình, tham-sân-si.
7. Thái bình thiên hạ chỉ có được khi con người vượt ra được khỏi tình dân tộc để hướng về Đại Đồng Nhân Lọai
“Lòng Từ Mẫu vô cùng vô tận,
Đức Từ Tôn khó nhận khôn lường;
Không lãnh vực, không biên cương,
Bao trùm vũ trụ tình thương vạn loài.
Ôi! thế sự ngày nay không thế,
Lòng chúng sanh càng kể càng đau;
Tình thương biết nghĩ làm sao?
Hố thù vực hận không đào mà sâu.
Cùng một nhà thương nhau đùm bọc,
Cùng một đoàn chí dốc đỡ nâng;
Binh nhau vì một giống dân,
Giúp nhau vì một tình thân đạo đồng.
Ngoài gia đình thì lòng không nghĩ,
Ngoài tập đoàn không ý giúp vùa;
Không tình dân tộc không ưa,
Không đồng tôn giáo, không vừa tình thương;
Lý do đó tạo đường nghiệp quả,
Thế nhân rồi mất cả từ tâm.
Dàm danh khóa lợi giam cầm,
Làm sau nhơn loại muôn năm thái bình.”

III. KẾT LUẬN

▪ “Muốn thế giới được hòa bình, càn khôn được an định thì mỗi người phải hoàn toàn hướng về đạo đức, phải tìm suốt lý uyên thâm của đạo để an định nội tâm. Khi nội tâm an định thì ngoại cảnh dù có xao động cách nào cũng không làm cho con người phải đảo điên trong kiếp nạn... ...
Vì thế nên chư đạo hữu hãy nhắm vào nhân bản để tiến bước trên đường tu học cũng như quảng truyền giáo lý đạo đức mà từ bấy lâu chư đạo hữu hằng theo dõi. Muốn đặt tương lai cho vạn dân được ổn định, cho quốc thới dân an thì mỗi người phải tập trung ý chí đồng nhứt trên tinh thần truyền bá đạo đức, mỗi người mỗi trách nhiệm nhưng chung qui muôn dòng cũng trở về bể cả.”
▪ “Cũng nên lập lại rằng: Muốn cho quốc gia thạnh trị, nhân dân cộng hưởng an lạc thái hòa, thì phải tạo điều kiện thánh thiện trong lòng mọi người. Nếu cấp lãnh đạo một quốc gia tự đảm nhận lấy trách nhiệm xem mình như ông cha trong một nước, biết lo chăm sóc đến no ấm học hành, sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân như chính con cháu của mình trong gia đình…
Trong lãnh vực Đạo Giáo cũng thế. Người lãnh đạo tinh thần nên làm gương trước để nhân sanh tín hữu nhìn đó làm theo.”













NGŨ NGUYỆN THÁNH THẤT AN NINH

I. Ý NGHĨA
1. Từ ngữ
2. Ý nghĩa câu kinh:
II. THỰC HÀNH
1. Hành Thánh Sự theo Thánh Ý với Thánh Tâm đúng theo Tôn Chỉ, Lập Trường của Đại Đạo
2. Phải lo tu tâm sửa tánh
3. Phải Tu thiệt, hành đạo chơn chánh, lấy chữ HÒA làm trọng
4. Gìn giữ cho được những bửu vật cố hữu của con người
5. Ý thức và thực hiện sự cân đối giữa nhu cầu phát triển và cân bằng của môi sinh
6. Phần hành tổ chức đúng theo quyền pháp
7. Tăng cường việc giáo dân vi thiện
III. KẾT LUẬN






Lâu nay phần đông tín hữu Cao Đài chúng ta khi đọc câu “Ngũ nguyện Thánh thất an ninh”, thường chỉ suy nghĩ đơn giản là cầu nguyện cho Thánh sở của mình được an ninh trật tự nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh, loạn lạc, v.v… Hiểu như thế chỉ đúng được một phần nhưng tất nhiên vẫn chưa đủ!
Trong thật tế từ khi có việc phân chia chi phái, câu kinh này đã nhiều lần được thay đỗi. Thí dụ:
- Kinh LỄ GIÁO THƯỜNG HÀNH (Đạo Lễ và Gia Lễ) của Thánh thất Cầu Kho và Thánh thất Tam Quan – Bình Định phát hành năm 1939, nơi trang 14 ghi là: “Ngũ nguyện: siêu độ huyền linh”.
- Với Hội thánh Tiên Thiên:
. Khởi đầu trong quyển Nhựt Thời Kinh (1948) ghi là: “Ngũ nguyện Thánh đức an ninh”.
. Về sau đổi lại: “Ngũ nguyện Tịnh thất an ninh”.
- Giữa thập niên 60, Giáo Hội Cao Đài Thống Nhất chỉnh lại thành: “Ngũ nguyện Đại Đạo Quy Nguyên”.
- Có dịp tham dự cúng ở một số nơi khác, chúng ta lại nghe đạo hữu nơi địa phương đó đọc nào là “Ngũ nguyện Thánh tịnh” hay “Ngũ nguyện Thánh Tòa”, v.v…
Có lẽ thấy chúng sanh tín hữu Cao Đài chúng ta đã biến cải câu kinh cuối của bài Ngũ Nguyện khá đa dạng vì chưa hiểu được Lý Đạo sâu sắc của câu kinh gốc nguyên thủy, cho nên trong ý nghĩa gầy dựng sự thống nhất tinh thần cho toàn đạo, đã có nhiều đấng Thiêng Liêng giáng cơ giải thích.
Chúng ta hãy tìm đọc những lời dạy của các Đấng Thiêng Liêng về ý nghĩa của câu nguyện thứ năm nầy để rộng đường học hiểu và hành. Đức Quan Âm có dạy:
"Thông thường chư đệ muội hiểu nghĩa rất hẹp là cầu nguyện cho Thánh Thất là chỗ thờ phượng được an ninh. Nếu hiểu như vậy thôi thì Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không cần phải nêu câu ấy lên làm chi. Vậy chớ người đời mỗi lần đến lễ Phật dâng hương đăng hoa quả kèm theo đó xin Phật phù hộ đủ điều có khác chi đâu?”

I. Ý NGHĨA

1. Từ ngữ:
Trước hết chúng ta tìm hiểu nghĩa của từ Thánh Thất
Chúng ta hãy đọc tiếp các đoạn Thánh giáo sau:
▪ “Chư hiền đệ muội phải hiểu như thế nầy: Thánh Thất gồm có Bát Quái, Cửu Trùng và Hiệp Thiên Đài. Thánh Thất cũng là tượng trưng cho hình thể Chí Tôn Đại Từ Phụ trong có cả Thượng Đế đến vạn linh (...). Thánh Thất cũng tượng trưng cho lớn nhất là vũ trụ, nhỏ nhất là bản thân cá thể của con người cho đến từ cá thể côn trùng thảo mộc bò bay máy cựa nữa. Nếu vũ trụ chẳng an ninh, cơ sanh hoá không thể trưởng thành; guồng máy cai trị nhà nước nếu chẳng an ninh thì xáo trộn từ đầu não chỉ huy đến hạ tầng quần chúng; gia đình nếu chẳng an ninh thì làm sao an cư lạc nghiệp hạnh phúc được; bản thân nếu chẳng an ninh thì đời người như mất hết chín phần mười. Như vậy an ninh là nhu cầu cần thiết cho tất cả mọi giới mọi lãnh vực.” .
Một lần khác, đức Quan Âm dạy tiếp:
▪ "Thánh Thất nơi đây không có nghĩa nhỏ hẹp riêng của ngôi Thánh Thể thờ Đức Chí Tôn, gồm Bát Quái, Cửu Trùng và Hiệp Thiên. Ngoài cái nghĩa nhỏ hẹp ấy còn có nghĩa rộng hơn nữa. Thánh Thất là nhà Thánh. Hễ nhà Thánh là nhà của các chư Thánh hội họp thảo luận mọi việc theo Thánh Ý để hành Thánh Sự theo tôn chỉ Đại Đạo”
Vậy:
- Thánh Thất: Là Thánh Thể của Chí Tôn (Tam Đài): tượng trưng cho (vũ trụ, chúng sinh, con người). Là Nhà của các Thánh.
- An ninh: là trật tự, yên ổn, không nguy hiểm.
Để có được an ninh, Thánh thất phải thực hiện chức năng của mình là một “Trường Đạo giáo dân vi thiện”. Đức Phan Thanh Giản có dạy:
“Thánh thất là một chỗ ngự trụ to lớn của các bậc Thiêng Liêng và cũng là một nơi học hỏi của tín đồ tất cả. Nó là một nơi của tín đồ giao cảm cùng Thần Tiên mà cũng là nơi Thần Tiên dạy Đạo cho tín đồ.”
2. Ý nghĩa câu kinh:
Nguyện làm cho:
. Toàn thể Hội Thánh, Thánh Sở được thuận hòa.
. Toàn thể tín hữu được tráng kiện (xác, hồn).
. Càn Khôn an tịnh.

II. THỰC HÀNH

1. Hành Thánh Sự theo Thánh Ý với Thánh Tâm đúng theo Tôn Chỉ (Công bình, Bác ái, Từ bi), Lập Trường của Đại Đạo (Đạo Đức chánh nghĩa thuần túy) .
Đức Lý Giáo Tông dạy:
“Muốn được Thánh Thất an ninh chư hiền phải đi đúng theo đường lối Chánh Nghĩa Đạo Đức thuần túy. Muốn được an ninh thêm phần bảo vệ tự do tín ngưỡng, nếu Thánh Thất mất an ninh thử hỏi tín ngưỡng có được tự do hay còn giữ được nơi sùng bái chăng vậy?"
Còn Đức Quan Âm dạy:
“Như vậy an ninh là nhu cầu cần thiết cho tất cả mọi giới mọi lãnh vực. Chư hiền đệ muội là người tầm đạo tu thân, cũng hoài vọng an ninh. Nếu thậm đa tửu nhục thì ngũ tạng lục phủ mất an ninh. Nếu thậm đa sắc dục thì bản thân cũng mất an ninh. Nói rộng ra một chút, như người sử dụng các loại xe không thi hành đúng luật đi đường, đó là tự mình làm mất an ninh cho mình.
Trên đường đạo hoặc đường đời cũng thế, nào khác chi đâu mọi sự kiện xảy đến cho mình, đa số là tự mình gây nên, chỉ thiểu số từ ngoại cảnh đưa đến mà thôi. Cái ngoại cảnh ấy cũng do ảnh hưởng phần nội tâm mà ra, chứ không hoàn toàn là rủi ro từ đâu đưa đến. Nếu thiếu đức, ngoại cảnh mới xâm vào. Chư hiền đệ muội thử nghĩ: có bao giờ những người chân tu đạo đức mà lại gặp những bạn tửu nhục đạo tặc đến rủ ren hay trái lại, có bao giờ những người đổ bác đạo tặc mà có người bạn văn nhân, sĩ khí đến bao giờ."
2. Vậy Phải lo tu tâm sửa tánh:
Không như phàm phu tục tử hờn giận, ghen ghét, đố kỵ, không tranh chấp hơn thua, tranh giành quyền lợi, không làm điều phi pháp.
Đức Quan Âm dạy tiếp:
“Thánh Thất là nhà Thánh. Hễ nhà Thánh là nhà của các chư Thánh hội họp thảo luận mọi việc theo Thánh Ý để hành Thánh Sự theo Tôn Chỉ Đại Đạo. Đừng tưởng rằng mình còn phàm trần nhục thể không khi nào dám nghĩ đến nghĩa ấy. Vì người tín hữu mà hằng ngày thảo luận âu lo việc làm theo Thánh Ý, mở mang được Thánh Tâm để thực hành được Thánh Sự đó là Thánh tại phàm rồi còn gì nữa? (...) Chỉ e rằng mình ở trong nhà Thánh nhưng ý còn phàm phu tục tử, hờn giận, ghen ghét đố kỵ, ố nhơn thắng kỷ, nói việc chẳng lành, làm việc chẳng lành. Như vậy mới không xứng đáng là chớ."
3. Phải TU THIỆT, hành đạo chơn chánh, lấy chữ HÒA làm trọng.
Cách hành xử đúng đắn hợp qui tắc của cộng đồng.
4. Mỗi người phải ý thức và hành động hầu tạo cân bằng cho mỗi cá nhân ở các mặt như:. Vật chất và tinh thần.
. Nhu cầu cá nhân với lợi ích xã hội.
. Âm dương trong cơ thể. “Gìn giữ những bửu vật cố hữu của con người.”
"Ngày vui nhận điều lành trước mắt,
Giờ công phu ngưỡng đặc ân linh;
Đoạn trừ nhãn dục thường tình,
Trưởng thành nhãn huệ an ninh đắc truyền.”
▪ “Mới nghe qua những ai tò mò đều lấy làm ngạc nhiên tại sao Đại Đạo Cao Đài chủ trương: Vạn Giáo Nhứt Lý, Đại Đồng Nhơn Loại mà chỉ cầu nguyện cho Thánh Thất, Thánh Tịnh, Hội Thánh mình an ninh yên lành thôi! Không phải như vậy đâu chư hiền đệ muội. Như chư hiền đệ muội đã hiểu Thánh Thể của Đức Chí Tôn gồm ba phần: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài. Ba đài hiệp lại thành một Thánh Thể chung, Thánh Thể hữu hình tượng trưng cho guồng máy Đại Đạo xoay vần trong Càn Khôn Thế Giới. Vì nếu hầu hết con người trên thế gian đều chấp nhận cái hình thức Thánh Thể ấy để đạt được cái Lý Siêu Nhiên của Trời của Đạo, gìn giữ được những bửu vật cố hữu của con người muôn thuở thì Càn Khôn sẻ được an tịnh Thế Giới sẻ được an ninh, phong hòa vỏ thuận, thế giới an khương.”
5. Mọi người phải ý thức và thực hiện sự cân đối giữa nhu cầu phát triển và cân bằng của môi sinh. (bảo vệ môi trường sinh thái).
6. Phần hành tổ chức đúng theo quyền pháp.

An ninh chỉ có thể có khi phần lớn mọi việc đang diễn ra đúng theo khuôn khổ của tổ chức quyền pháp. Còn ngược lại, thì sự rối loạn sớm muộn gì cũng sẻ đến.
“Một tổ chức từ nhỏ đến lớn cũng phải có Quyền Pháp. Nếu không quyền pháp điều hành vận chuyển thì các khối tinh cầu trong vòng luân chuyển sẻ đụng nhau thì vũ trụ nầy mất an ninh. Còn các phần hành của mỗi tổ chức không theo quyền pháp thì tổ chức đó bị loạn”
7. Để có được những điều căn bản vừa nêu trên, vấn đề giáo dục và truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng.
Vì thế chúng ta phải tăng cường việc giáo dân vi thiện qua các hình thức thuyết minh, các chương trình sinh hoạt giáo lý hay phổ biến rộng rải tài liệu kinh sách đến với mọi người. Mỗi Thánh thất phải thật sự là trường Đạo giáo dân vi thiện. Đức Đông Phương dạy:
“…… Giáo dân vi thiện, cải tạo tư tưởng con người để trở nên hàng hiền nhân quân tử và thánh thiện ở cõi đời này, thiết lập một xã hội nhân loại an bình, trong đó lấy đạo đức nghĩa nhân từ bi bác ái vị tha công bình làm căn bản để giúp cho đời sống nhân sinh biết tinh thần tương thân tương ái đồng tiến đồng hưởng với nhau trong cõi đời thanh bình an lạc. Đời chỉ được hưởng thái bình an lạc chỉ khi nào các phần tử trong đại toàn thể xã hội loài người có lương thiện và toàn thiện. Cõi đời phần nhục thể đời sống xã hội loài người có bảo đảm được an ninh trong công bằng bác ái từ bi thì con người mới mong tiến triển về mặt đạo đức.”

III. KẾT LUẬN

Đức Quán Thế Âm dạy:
“Như vậy an ninh là nhu cầu cần thiết cho tất cả mọi giới mọi lãnh vực.(…)
Như vậy là nội tâm mỗi người được thuần chơn đúng đắn sẻ có ngoại cảnh an lành tốt đẹp trợ duyên. Nội tâm sẵn dành chỗ phụng thờ Thượng Đế hoài bảo những việc làm của Thượng Đế, thì không còn chỗ nào trống đề tà mị lấn chen (...) Hễ tu thì phải làm cho đúng nghĩa người tu. Nếu làm sai Tôn Chỉ Mục Đích của nó, đó là tự mình làm mất an ninh cho mình cũng như cho tập thể. Dầu có nguyện năm bảy trăm câu cũng chẳng ích gì, lựa là một câu."
- Điển quang của thiền định tập thể góp phần an định Càn Khôn, giúp giảm thiên tai. Đức Đông Phương dạy:
“Muốn chống thiên tai sát kiếp thì phải phát tâm công phu thiền định. Tọa công ngồi tại đạo tràng mà phóng tinh thần gieo rải thiện duyên kết hợp với huyền linh ân điển xua đẩy sát khí. Tư tưởng càng mãnh liệt, hung sát tự khắc thối lui. Thiền định càng thâm, càng giải phóng cứu người càng dễ.”
Và Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn có tóm lược Ngũ Nguyện tại Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc) như sau:
[CENTER]“Nam mô nhứt nguyện Đại Đạo Hoằng Khai,
Vì đời nào ngại chông gai dữ lành.
Nhì nguyện phổ độ chúng sanh,
Quyết đem hoằng hóa đạo lành giáo dân.
Tam nguyện xá tội bản thân,
Khoan dung, phá chấp cõi trần vô minh.
Tứ nguyện thiên hạ thái bình,
Tịnh tâm chế động muôn nghìn trái oan.
Ngũ nguyện Thánh Thất bằng an,
Hai ngày sóc vọng đăng đàn thuyết minh.
Trấn an tâm đạo nhân sinh,
Vai trò hun đúc đức tin đạo đồng.”
 

TỔNG KẾT PHƯƠNG TU KỲ BA
NGŨ NGUYỆN và TAM CÔNG

Tam Công là Tân Pháp mà bất cứ người tín hữu Cao Đài nào cũng đều phải thực hành với phạm vi và mức độ tùy theo căn trí của mỗi người.
1. Khi chúng ta góp phần Hoằng Khai Đại Đạo, làm cho nhơn sanh “biết Thầy, hiểu Đạo” rồi thực hành “sống Đạo” yêu thương nhau và thương yêu sanh chúng là chúng ta đang góp phần làm cho thế gian này dần dần trở thành khu vườn địa đàng.
Hiểu Đạo rồi chúng ta sẻ tích cực tu thân và Công quả, độ dẫn nhơn sanh trên cả 2 mặt nhân sinh và tâm linh.
Như vậy khi thực hiện theo ý nghĩa của 2 câu nguyện số một và số hai, chúng ta đang đắp nền Công quả - Công đức trên đường thực thi sứ mạng Kỳ Ba.
2. Bài học yêu thương Thầy đã ban trao và Mẹ Vô Cực Từ Tôn hằng khuyên nhủ, dặn dò ghi nhớ thực hành.
Thế gian này thời Hạ Ngươn dẫy đầy nghiệp chướng, là chốn gian nan nguy khốn với nhiều hình thức cám dỗ chúng ta. Không ai ở cõi trần gian này dám nói mình không tội lỗi! Đã từng mắc lỗi nhưng khi tỉnh thức, lương tâm ý thức thôi thúc chúng ta phải cố gắng vươn lên để không bị trễ chuyến đò chiều.
Vì thế ai trong chúng ta lại chưa từng cầu nguyện mong sao Thầy Mẹ tha thứ cho những lầm lỗi đã gây nên bởi danh quyền trong cửa đạo mà gây lỗi với anh chị em đồng đạo, mắc lỗi với Ơn Trên!
“Tu là sửa những gì đã trật,
Tu là bồi cái mất thân tâm”
Với những kinh nghiệm đau thương của bản thân, việc ăn năn sám hối tốt nhứt là mở lòng bác ái, thực hành việc khoan dung tha thứ cho người khác với ý thức “những gì mình muốn người khác làm cho mình thời hãy cố gắng làm cho họ”.
Và bao giờ chúng ta cũng cố gắng áp dụng câu “tiên trách kỷ, hậu trách bỉ” – hãy tự trách mình trước khi trách người. Để có thể làm được như thế đòi hỏi chúng ta phải có Công trình tu tập, học hỏi và rèn luyện đức hạnh luôn luôn!
3. Thái bình thiên hạ không thể tự nhiên mà có! Đức Vạn Hạnh Thiền Sư chỉ cho chúng ta đường lối và phương cách thực hành:
“… hãy nhắm vào nhân bản để tiến bước trên đường tu học cũng như quảng truyền giáo lý đạo đức.”
Cụ thể hơn, Đức Lê Đại Tiên đã dạy: phải xây dựng tinh thần Đại Đồng nhân loại:
“Tình dân tộc đổi tình nhân loại,
Nghĩa nước non ra nghĩa đại đồng.”
Đường hướng giáo dục và rèn luyện đó cũng là yếu tố Công trình phải tu tập.
Bên cạnh đó, sự an định nội tâm của mỗi người cũng cần được gầy dựng. Như vậy Công phu tịnh định cũng là điều tất yếu phải học hỏi.
4. Muốn làm cho Thánh thất an ninh, từ cái to lớn như vũ trụ đến cái nhỏ hơn là xã hội địa cầu 68 này và những cái nhỏ hơn hơn nữa là mỗi cá thể chúng sanh, chúng ta phải thực hành việc “dung hòa Tam Công”.
. Công quả: Hành Thánh sự theo Thánh ý với Thánh tâm đúng theo tôn chỉ, lập trường của Đại Đạo.
. Công trình: Phải tu cho thiệt, hành đạo chơn chánh, lấy chữ Hòa làm trọng. Để nhân sanh hiểu Đạo thì các Thánh thất phải thực hiện chức năng “nhà Thánh” của mình là “Trường Đạo Giáo Dân”.
. Công phu: Việc “tịnh tâm chế động” đón nhận Thần của Đức Chí Tôn qua Thiên Nhãn rồi công phu tu luyện cân bằng âm dương trong cơ thể để có thể điều hòa tăng cường sức khỏe của bản thân. Sau cùng hồi hướng ban rải điển lành khắp nơi nơi để góp phần điều hòa phong vũ, góp điển lực giúp càn khôn an tịnh.
“Trong lúc tai biến loạn động xáo trộn trên hoàn cầu là một cơ hội cho đạo hữu phát tâm gieo tư tưởng sự sống tình thương đến những nơi có tai biến.
Kết quả rất lớn mà tiến Đạo rất mau. Tu một lúc cũng bằng tu trọn đời. Dầu tu trọn đời mà không gặp cơ duyên cũng không bằng tu một ngày có cơ hội.”
(Đông Phương Lão Tổ)
Muốn đạt kết quả đúng mức như thế người tu Công phu phải thực hiện đúng với ý nghĩa “Trường trai tuyệt dục”. Nghĩa là phải cắt đứt mọi vọng tâm ham muốn từ: sự luyến ái tình cảm cá nhân đến danh lợi quyền trong đời sống nhứt là trong cửa Đạo và chuyển đổi những gì thuộc tư hữu sang sở hữu cộng đồng! Tam Công là phương tu căn bản của Tân pháp Cao Đài, người tín hữu nương theo đó mà lập công bồi đức. Cụ thể hơn, Thiêng Liêng gút lại 5 điểm chánh yếu qua lời Ngũ Nguyện để toàn thể tín hữu có thể dựa vào đó hầu kiểm điểm bản thân hay đạo sự của tập thể. Mỗi ngày, chúng ta cúng Tứ thời, bao giờ kết thúc thời trì tụng cũng bằng bài Ngũ nguyện. Theo việc “Đọc kinh cầu Lý” nơi đây, người tín hữu dựa vào lời kinh và ý nghĩa mỗi câu của bài Ngũ nguyện để xét lại lòng mình đã thành tâm được đến mức độ nào, rồi cố gắng thực hiện.
Hoằng dương chánh pháp Cao Đài,
Cắm cờ Đại Đạo công dầy nên công
.
Sự kết hợp nhuần nhuyễn ý nghĩa của câu kinh “Đạo gốc bởi lòng thành, tín, hiệp”, chiếc chìa khóa vạn năng, để lòng chúng ta luôn hướng đến việc thực hiện Sứ Mạng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ qua năm trọng điểm của bài Kinh Ngũ nguyện.
Con quên chữ Tam Kỳ độ tận?
Mấy mươi năm chưa nhận được sao?
Trong năm câu nguyện làu làu,
Nhì nguyện phổ độ thế nào đó con?
Ba, câu sau chưa tròn sứ mạng,
Câu thứ tư sao đặng thái bình?
Lời Thầy nay đã phân minh,
Nhớ câu "Đạo gốc lòng thành tín"chi?”
Nội dung Ngũ nguyện là sự cô đọng của Tân pháp Cao Đài - Tam Công, cũng chính là phương tu hết sức hữu hiệu trên đường bồi công lập đức của tín hữu Cao Đài, góp phần thiết thực vào việc thực hiện cơ cứu độ Kỳ Ba của Chí Tôn Thượng Phụ.
“Trong Tam giáo có lời khuyên dạy, gốc bởi lòng…”
Người tín hữu Cao Đài khi hiểu và ý thức để tâm mình luôn hướng về chúng sanh và làm theo định hướng như thế, tức là thực hiện nhiệm vụ “Phổ độ Kỳ Ba”, cho dầu việc chưa thành nhưng chí đã thành thì con đường tiến hóa ở tương lai cũng sẻ rạng rở như lời của Đức Mẹ:
“Một chữ Thành cũng được hồi Nguyên.”
Ước mong qua tập sách này, trước tiên góp phần giúp cho mọi tín hữu đều nắm được yếu lý pháp môn Cao Đài và thực hành hữu hiệu mang lại lợi ích tiến hóa cho mình. Đồng thời cũng góp phần tạo dựng lòng tin, Thánh giáo Cao Đài cho dù thuộc Hội Thánh nào đi nữa cũng “đồng nhứt Lý”, bắt nhịp cầu giáo lý cho sự thống nhứt tư tưởng.
 
KINH SÁCH THAM KHẢO

1. Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1 và 2
Thánh Ngôn Sưu Tập 1 và 2
2. Tiên Thiên Thánh Huấn quyển XI, XI
Thánh Huấn Hiệp Tuyển 1 và 2
3. Thánh Truyền Trung Hưng 1, 3, 4
4. Kinh Tam Thừa Chơn Giáo
Phẩm Tiểu thừa và Trung thừa
5. Đạo Lý,
Thánh Giáo Dạy Đạo,
Kinh Bình Minh 3 (Cao Đài Thống Nhất)
6. Đại Thừa Chơn Giáo
7. Tạp chí Đại Đồng
8. Thánh giáo Minh Lý Thánh Hội
Đạo Học Chỉ Nam
9. Thánh giáo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý

 