Theo Đạo Giáo và tín ngưỡng Trung Quốc, Ngọc Hoàng Thượng Đế có danh hiệu đầy đủ là: Cao thiên Thượng thánh Đại từ Nhân giả Ngọc Hoàng Đại Thiên tôn Huyền khung Cao Thượng đế. 高天上聖大慈仁者玉皇大天尊玄穹高 帝 (Nghĩa là Vị thánh tối cao trên đỉnh trời, vô cùng nhân từ, là Vua Ngọc, bậc Thiên tôn vĩ đại, Huyền diệu lớn lao làm chủ trên cao)

(tranh thờ Ngọc Hoàng Thượng đế)

Theo truyền thuyết, Ngọc Hoàng Thượng Đế vốn người trần, tên là Trương Hữu Nhân, là trang chủ thôn Trương Gia Loan. Vì tính hay nhường nhịn, ông được gọi là Trương Bách Nhẫn; do hay giúp đỡ, ông được gọi là Đại Quý Nhân.

Trương Hữu Nhân có một vợ họ Vương, và bảy cô con gái: Đại Thư, Nhị Thư, Tam Thư, Tứ Thư, Ngũ Thư, Lục Thư và Trương Thất Nữ. Sau đắc đạo thành tiên.

Trong dân gian, vị Ngọc Đế này được thờ độc lập trên một ban thờ ngoài trời, do là bàn thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế nên dân gian quen gọi là bàn thiên. Bàn thờ Ngọc Đế không có tượng hay tranh, chỉ có lư nhang, bình hoa. Một số nơi thì thờ bài vị, trên ghi “Thiên Quan Tứ Phúc” 天官賜福. Tuy nhiên, vị Thiên Quan này chỉ có thể xem là người đại diện của nhà trời mà thôi. Liên quan đến vị Thiên Quan này có tích như sau:

Ở đảo Nguyên Châu, Bắc Hải có một động tiên, trong đó có bộ hài cốt của Nguyên thỉ Thiên tôn 元始天尊, bộ hài cốt này do được hấp thụ thiên khí mà thành người, sau được một ngư ông đưa về nuôi, đặt tên là Trần Xuân. Công chúa của Long Vương lén kết hôn cùng Trần Xuân, sinh được một bọc ba người con. Điều kỳ lạ là 3 người con này sinh ra trong 3 thời gian khác nhau: 15 tháng giêng, 15 tháng 7, 15 tháng 10. Sau khi sinh xong thì Long Vương hạ lệnh bắt giam cả 2 vợ chồng Trần Xuân dưới núi Định Hải Thạch. Ba đứa bé sống cùng ông ngoại mà không biết gì về thân thế của mình. Càng lớn, pháp thuật của cả 3 càng quảng đại, vượt cả Long Vương. Trong một lần trái lời Long Vương, tự ý làm mưa, cả ba bị nhốt ở Định Hải Thạch và nhờ đó cả ba mới biết được thân thế của mình. Sau cả ba hiệp lực lật đổ Định Hải Thạch cứu cha mẹ và đánh cùng Long Vương một trận long trời lở đất. Long Vương phải cầu cứu Ngọc đế. Ngọc đế vị nể Nguyên thỉ Thiên tôn nên không trách phạt cả ba mà còn phong làm Thần quan chuyên giáng phúc giải ách cho nhân gian.

(Tranh vẽ Thiên Quan Tứ Phúc)

Người anh cả được sắc phong làm Tử Vi Đế Quân đảm nhiệm chức Thiên Quan tứ phúc, người thứ hai là Thanh Linh Đế Quân đảm nhiệm Địa Quan xá tội, còn người em út được phong làm Dương Cốc Đế Quân đảm nhiệm Thủy Quan giải ách. Song cả ba chỉ được đảm nhận chức vụ vào ngày sinh của chính mình (tết thượng nguyên 15 tháng giêng, tết trung nguyên rằm tháng 7, tết hạ nguyên 15 tháng 10). Dân gian từ đấy theo đó mà thờ phụng thỉnh cầu. Trong đó việc mong cầu thiên quan tứ phúc là mãnh liệt nhất.

Trong dân gian, lễ vía Ngọc Hoàng Thượng đế vào ngày mùng chín tháng giêng. Trước đó, vào đêm nùng 8 dân gian lại cúng Sao hội, tương truyền các vì sao là một vị thần tiên, vào ngày này hội tụ lại khánh đản Ngọc đế. Đến rạng sáng mùng 9 thì bắt đầu cúng vía Trời, thời gian cúng tốt nhất là lúc mặt trời chưa mọc. Lễ vật cúng ngoài lục lễ : hương, đăng, hoa, trà, quả, phẩm ; nhất thiết phải có vàng thọ 壽金, vàng ông trời 天公金, một cặp thùng giấy (làm như thùng xách nước, một màu vàng kim, một màu bạc), đường tháp, một cặp mía vàng còn nguyên ngọn. Trà cúng là loại trà khô, được để ra 9 chung (hoặc chén nhỏ). Phẩm là các loại đồ khô (bột khoai, bột bán kim, nấm mèo, đông cô, táo tàu, bùn tàu, tàu hủ ki, phổ tai….), số lượng là 5, 7 hay 9 loại. Đường tháp là loại đường mía, được thêm màu đỏ, hồng hay vàng, sau đó nấu đổ vào khuôn thành hình cái tháp lục giác hay kỳ lân…

Ở thành phố Hồ Chí Minh, Chùa Ngọc Hoàng – tên chữ là Phước Hải Tự - là điểm đến được lựa chọn nhiều nhất trong ngày vía Trời mùng 9 tháng giêng. Ngoài ra, còn có thể cúng Ngọc Hoàng tại các chùa (hội quán) Hoa như Nhị phủ miếu, Ôn lăng,…