Võ Miếu Thăng Long, Võ Miếu Việt, tại sao không?


TP - Trong dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, có một Võ Miếu Thăng Long và có thể sẽ là một Võ Miếu Việt nối liền lẫn nối dài chứng tích địa danh của trận Đống Đa lịch sử lẫn Đàn Xã tắc vừa được phát lộ cùng trên một trục đường Nguyễn Lương Bằng?

Trên đỉnh gò hoang này mai kia sẽ là Võ Miếu Thăng Long?
Ngó những dãy ô tô thuê chỗ đỗ ở khoảng sân trước Đền thiêng Trung Liệt cùng với hệ thống trò chơi những là đu quay và tàu hỏa chạy điện nhuôm nham chằng chịt làm nát vụn làm u tối khoảng không gian trước gò, tôi thầm nghĩ sẽ đến một ngày không xa, có thể vào dịp lễ hội ngàn năm Thăng Long chả hạn, Hà Nội sẽ phải gồng mình lên mà dọn dẹp nhiều thứ vớ vẩn! Và cả cái nền hoang phế miếu thiêng kia nữa chứ?

Gò Đống Đa lẫy lừng với trận công phá ngoạn mục đuổi Tàu Mãn Thanh chạy có cờ của Nguyễn Huệ Quang Trung là di tích thì đã hẳn! Nhưng không rõ Trung Liệt miếu đã được xếp hạng Di tích quốc gia hay chưa? Nếu chưa thì là chậm. Nhưng sự đáng làm ấy, muộn còn hơn không!

Phục dựng miếu Trung Liệt ở di tích Gò Đống Đa để nối tiếp nén hương xưa, để tiếp tục trở thành nơi thờ phụng và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì Thăng Long Hà Nội. Nên quá đi chứ? Thuận nhất của việc tôn tạo là cái nền cũ của Trung Liệt miếu hiện còn sờ sờ trơ trơ trên đỉnh gò. Muốn bày đặt hình dáng chi lên đó thì tùy.

Ấy là tôi đang trao đi đổi lại với TS Nguyễn Công Việt sự hăng hái nhiệt tâm của nhà sử học kiêm Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trong lần chuyện mới đây. Cứ như Dương tiên sinh, nếu Hà Nội mà phục dựng được một Trung Liệt miếu thì là một nghĩa cử hết sức tốt đẹp trong dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long!

Tôi lẩn mẩn hỏi thêm TS, tiền Nhà nước chắc có lẽ sẽ chi dùng cho việc phục dựng, thế còn phần nội dung liệu có lo được không và ai lo? Hóa ra cũng không mấy gay go bởi cứ như TS cho hay, cơ sở tư liệu để làm nên phần ruột của Trung Liệt miếu hiện nay còn khá phong phú.

Đó là khối tư liệu hiện vật văn khắc Hán Nôm như bia chuông hoành phi câu đối... kết hợp thêm những tư liệu lịch sử địa chí, cổ chỉ, văn bản hành chính, thơ ca ghi chép về di tích gò Đống Đa và miếu Trung Liệt hiện còn lưu giữ ở Viện Hán Nôm và nhiều cơ quan bộ phận lưu trữ khác ở Hà Nội.

Những tư liệu ấy cho phép nghĩ đến tiêu chí lẫn tiêu chuẩn của tượng thờ, bài vị, hương án, ngai thờ, đỉnh đồng lư hương hoành phi câu đối, bia, chuông cùng vũ khí đồ thờ khác trong hậu cung lẫn tiền đường của Trung Liệt miếu.

Rồi không thể thiếu những văn bản Hán Nôm của các lần Trung Liệt miếu được các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam công nhận như sắc chiếu chỉ... Những thứ ấy có thể dùng phiên bản được đóng khung trong ảnh lớn. Rồi kết hợp cả việc trùng tu kiêm xây mới làm mới quần thể kiến trúc liên quan đến Trung Liệt miếu các hoành phi câu đối ở tam quan, thạch trụ đăng, ma nhai, bia đá, ghế đá bàn cờ bậc tường cho đến trồng cây...

Câu chuyện của chúng tôi vòng vo thể nào mà lại nhắc đến một Vũ Miếu ở những thời đã lăng lắc... Từ rất lâu, ta đã có Văn Miếu và Y Miếu. Một Chu Văn An tuy chỉ được phối thờ nhưng tài năng đức độ linh thiêng không kém chi Khổng phu tử, Nhan Hồi trong Văn Miếu.

Hoa Đà, Biển Thước dẫu tài danh lẫy lừng nhưng với tộc Việt, hai ông thày thuốc Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được thờ trong Y Miếu nhiều thế kỷ nay luôn ngời sáng và linh thiêng bởi ý chí tự chủ lòng tự tôn dân tộc.

Thăng Long phi chiến địa có thể chỉ là một cái bùa trấn yểm của một đô thành linh thiêng? Một cách một kiểu nói của việc yêu chuộng hòa bình lẫn tôn vinh... Lịch sử phát triển của Thăng Long - Hà Nội không chỉ là những dấu son không thể mờ phai về văn hóa, kinh tế, xã hội mà còn là những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm.

Sự hiện diện của Văn miếu cùng Y miếu nhiều thế kỷ đã tạo nên diện mạo đặc biệt của kinh thành Thăng Long xưa. Thế còn Võ Miếu? Một đất nước liên miên trận mạc cùng với tinh thần thượng võ quật cường ngay từ năm 1010, khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long khi xây kinh thành đã chú trọng việc binh.

Kinh thành đại thể được giới hạn bằng ba con sông: Phía đông là sông Hồng, phía bắc và phía tây là sông Tô, phía nam là sông Kim Ngưu và chia làm hai phần: Hoàng thành và kinh thành.

Hoàng thành nằm trong lòng kinh thành, vị trí gần hồ Tây, nơi có các cung điện hoàng gia, đồng thời là nơi thiết triều. Trong Hoàng thành còn ngăn ra một khu vực nữa gọi là Cấm thành. Đây là nơi ở của hoàng gia, gọi là Long thành. Những cung điện chính còn ghi chép trong sử sách như: Điện Càn Nguyên là điện chính, nơi vua làm việc, hai bên tả hữu là điện Tập Hiền và Giảng Võ.

Như vậy, việc tập hợp hiền tài về văn và võ được tiến hành đồng thời, được coi trọng như nhau. Năm 1029, Vua Lý Thái Tông cho xây dựng lại Cấm thành, điện Càn Nguyên đổi thành Thiên An, trước điện là thềm rồng Long Trì, phía đông thềm rồng đặt điện Văn Minh, phía tây đặt điện Quảng Võ.

Về sau, vua Lý Anh Tông (1138-1175) lập Giảng Võ trường, lấy đó làm nơi huấn luyện quân sự... Đến thời Trần, Thăng Long vẫn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa lớn nhất của Đại Việt bấy giờ.

Nhà Trần ngoài việc trùng tu các công trình cũ còn xây dựng một số công trình kiến trúc mới ở Thăng Long: Lập Viện quốc học, Giảng Võ đường... Đến thời vua Lê - chúa Trịnh, Trịnh Doanh cho lập Võ Miếu vào năm 1740.

Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi rõ: Vị chính giữa thờ Võ Thành vương Thái công Vọng, còn từ Tôn Võ Tử, Quản Tử trở xuống 18 người phân phối thờ ở hai bên đông vũ và tây vũ. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn được thờ theo vào Võ Miếu. Lập miếu riêng thờ Quan Công nhà Hán. Hàng năm, mùa xuân, mùa thu hai kỳ tế, đều dùng ngày Mậu vào thượng tuần. Cấp cho mỗi miếu một ấp dân hộ, để cung phụng việc thờ tự.

Để thống trị Bắc Kỳ, năm 1805 nhà Nguyễn cho xây lại thành Thăng Long nhỏ hẹp hơn rất nhiều so với Hoàng thành các thời trước. Thành hình vuông mỗi bề chừng một cây số, trong thành có nhà Kính Thiên, cột cờ. Trước cột cờ là hồ Voi, nơi đặt dinh tổng trấn và các tào thay mặt các bộ. Có kho, Võ Miếu, đàn Xã tắc để tế trời đất, nền Tịch điền để làm lễ động thổ hàng năm.

Địa điểm của Võ Miếu thời Nguyễn được xác định gần gò Khán Sơn, đâu như quãng tiếp giáp đường Hoàng Diệu với Điện Biên Phủ bây giờ. Cứ như ghi chép của Dumontier được dẫn trong Revue Indochinoise (1901) thì thế đắc địa lẫn phong thủy của Vũ Miếu có lẽ miễn bàn!

Bởi Võ Miếu gần một cây đa thân to lớn cành lá lạ lùng rễ mọc tự nhiên to như những chiếc thùng qua nhiều thế kỷ bị vặn theo những hướng định trước và được kiên nhẫn chờ đợi. Làm thành chỗ này là rồng cuộn chỗ kia là rắn quấn. Có những rễ thẳng như cột chống đỡ cho tán lá chằng chịt có chỗ dạng chiếc ngai chỗ dạng chiếc bàn thờ. Tất cả phủ kín một vùng rộng tới năm mươi bước về mọi phía.

Chao ôi người ngoại quốc đã được mục sở thị đã từng tấm tắc ngạc nhiên trong một ghi chép đâu đã phải xa ngái chi lắm. Những thứ biên chép đại loại như thế thường bặt vắng trong chính sử của nước nhà khiến hậu thế Việt chỉ còn biết bâng khuâng mà vọng ngoại để tìm hùng khí của tiên tổ trong những biên chép của họ may mà còn lưu trong Viễn Đông Bác Cổ!

Sử đã bặt mà thực địa qua bao tao loạn cùng với lú lẫn của người đời cũng bặt luôn và triệt tiêu cho đến tận giờ những cảnh ấy! Thẫn thờ trong âm thanh gầm gào của các loại động cơ từ dòng xe đang vun vút nườm nượp bên mình và trong bịt bùng kín mít của các kiểu xây cất, có một buổi tôi cố tìm và cố tưởng tượng ra nền Võ Miếu linh thiêng năm 1882 ấy, Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu trước khi treo mình lên một cành đa lạ lùng (mà cái ông người Pháp Dumontier nọ từng trông thấy) đã nghiêm trang cất mấy lạy kính cẩn về cửa khuyết tận kinh thành Huế vì tội làm mất thành Hà Nội!

Không biết đích xác nhưng có lẽ từ thời điểm mất thành ấy, Võ Miếu Thăng Long cũng mất dạng và bây giờ mất luôn dấu. Bây giờ xuôi Nam ngược Bắc dường như đã sạch bách các Võ Miếu? Khí muộn như Võ Miếu Huế xây năm 1835 dưới trào Minh Mạng ở phía Bắc sông Hương gần chùa Thiên Mụ sau nhiều năm là cơ sở của Hội phụ nữ địa phương giờ đã hư nát trầm trọng.

Thời thái bình, đã đành như lời người xưa là chuộng văn gác lại việc võ... Nhưng cứ như thế nào ấy, dẫu chứng tích của những thời giữ nước hào hùng còn lưu giữ rải rác đâu đây nhưng hình như đang thiêu thiếu biểu tượng lẫn biểu trưng truyền đời của một dân tộc thượng võ? Đã và đang hiện diện khang trang một Văn Miếu một Y Miếu mà lại bặt vắng và mất dấu một Võ Miếu?

Trở lại câu chuyện với ông Dương Trung Quốc bữa nọ. Ông cho rằng nếu khơi lại truyền thống của Giảng Võ Đường, nói như GS sử học Lê Văn Lan, một Võ Miếu ở đấy thì sẽ rất hợp! Nhưng chắc chắn sẽ rất khó khăn về địa điểm.

Cũng như vậy, khi khơi lại nền Võ Miếu nhà Nguyễn, nơi Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết chắc lại càng nan giải bội phần bởi chả thể nhích ra nới ra một vài xăng ti mét chỗ con đường Hoàng Diệu và Điện Biên Phủ giao nhau ấy!

Vậy nên chăng hoặc chi bằng, ta đã có một Trung Liệt miếu dẫu cho bây giờ hoang phế nhưng việc phục dựng lại sẽ nối dài việc thờ phụng những trung thần tiết liệt đời Lê rồi thờ những Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Cao, Nguyễn Huệ Quang Trung... Rồi phối thờ tiếp những tấm gương tiết liệt nào khác nữa thì cũng thuận tiện?

Trong dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, có một Võ Miếu Thăng Long và có thể sẽ là một Võ Miếu Việt nối liền lẫn nối dài chứng tích địa danh của trận Đống Đa lịch sử lẫn Đàn Xã tắc vừa được phát lộ cùng trên một trục đường Nguyễn Lương Bằng?

Cuộc sống sẽ mất hầu hết ý nghĩa nếu như tuổi trẻ không biết đến công việc của các thế hệ trước mình. Mạn phép cụ Pautovxki, hậu sinh xin đổi công việc bằng chiến công để vận câu ấy của cụ vào trường hợp ở nước Nam này vậy! Và cũng để thêm hào sảng khi nhẩm lại đôi câu đối phía sau cửa tam quan Trung Liệt miếu may mắn còn sót lại:

Bách niên thế bách niên nhân tiết liệt cao huyền tinh Đẩu bắc/ Thiên tải thượng , thiên tải hạ, tinh vân trường tại Nhị Nùng giang.

(Tạm hiểu: Cuộc thế dẫu vần xoay cứ tiết liệt ngất trời sao Đẩu Bắc/ Nghìn năm sau nghìn năm trước mãi lung linh cùng sông Nhị, núi Nùng)

Tiết đầu Đông Năm Hợi.

Xuân Ba