lời thưa: Trong chương trình Phật pháp của Đoàn sinh cũng như Huynh trưởng có nhiều đề tài mà ai nấy đều cho là “khó” giảng dạy, xin đưa ra vài ví dụ cụ thể như sau:

Trong lịch sử đức Phật Thích Ca, chuyện hoàng hậu Ma-gia sinh thái tử Tất-đạt-đa ở nơi hông phải, không phải như những bà mẹ bình thường ở thế gian này.

Cõi nước của đức Phật A Di Đà ở phương Tây, ở đó có không khí, cảnh vật rất thanh tịnh, đẹp đẽ, có chim nói Pháp rất hay, ai sinh qua đó sẽ tu thành đạo quả. Muốn được sinh qua đó phải nhất tâm niệm Phật A Di Đà; người được đến cõi này sẽ sinh ra trong một hoa sen chứ không phải sinh trong bào thai mẹ như bình thường chúng ta thấy ở cõi Ta bà.

Niệm Phật, trì Chú, tụng Kinh cầu ở tha lực của chư Phật, chư Bồ-tát. Những mẫu chuyện tiền thân v.v…

Những đề tài trên đây được gọi khó giảng dạy không phải vì người Huynh trưởng chúng ta thiếu niềm tin, mà vì thế hệ trẻ hôm nay cái gì cũng đòi “mắt thấy tai nghe” mới cho là có lý mặc dù họ vẫn hiểu rằng mắt tai của con ngưòi có khả năng rất hạn hẹp. Những màu sắc mà mắt ghi nhận được không ngoài dải 7 màu: Đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím (lam = màu xanh nước biển). Ngoài 2 giới hạn màu đỏ và màu tím thì mắt ta không thấy được nữa! Tai cũng vậy, những âm thanh quá nhỏ, ví dụ nhỏ hơn cả tiếng lá rơi, lỗ tai người sẽ chịu thua ngay (nhưng con chó có thể nghe được) hay những âm thanh quá lớn cũng làm tai ta đau nhức.

Ngoài ra, đôi khi còn có hiện tượng chính bản thân một số Huynh trưởng cũng không đồng ý về cầu nguyện ở tha lực, về những chuyện thần thoại trong lịch sử đức Phật. Đã nói về tôn giáo tất nhiên phải nói đến đức tin; mặc dù đức tin ở mọi người có nhiều sắc thái khác nhau, nên khi diễn đạt cũng sai khác. Ở đây, chúng ta không bàn đến cách hiểu, cách nhìn Kinh, Chú… từ góc cạnh nào để đưa đến kết luận nào… mà chúng ta chỉ muốn giới thiệu với anh chị em Huynh trưởng một cách nhìn, một lối suy nghĩ về những vấn đề trên đây của một số Huynh trưởng trẻ; họ đã tìm cách áp dụng vào cuộc sống như thế nào và thông qua thực hành họ đã “thấy” được diệu dụng của Phật pháp, như đức Thế Tôn đã dạy: “… cũng giống như uống nước, ai uống thì tự biết nóng lạnh ngọt lạt như thế nào...”, còn chỉ nói suông thì không ai có thể hiểu ai, không ai tin ai được cả!! ☺☺!! Xin mời các bạn tham dự buổi pháp đàm của ba Huynh trưởng trẻ A,B,C - trao đổi với nhau kinh nghiệm thực tập - về đề tài:

Tụng Kinh, Trì Chú, Niệm Phật

A: Kinh thực sự có nghĩa là gì hở các bạn? Và tụng Kinh để làm gì?

B: Kinh là những lời dạy của đức Phật. Phương pháp chủ yếu của Kinh là khiến ta thay đổi cách nhìn, từ đó dẫn ta tới sự thay đổi về nhân sinh quan và vũ trụ quan. Tụng Kinh là đọc thành tiếng, một mình hay tập thể, để được nghe, được nhắc nhở về những lời dạy đó, để thân tâm được trong sạch, sáng suốt.

C: Tại sao tụng Kinh thì tâm được trong sạch sáng suốt?

B: Tại vì Kinh dạy ta nhìn từ chân lý bất biến, nhìn theo cái nhìn của Phật. Xin lấy một ví dụ: Từ lâu chúng ta quen nhìn mọi sự vật, hiện tượng theo cái ưa ghét, lấy bỏ của mình, như: Chim bồ câu đẹp, cú mèo xấu, mùa Xuân ấm tốt, mùa Đông lạnh xấu, thích vui ghét buồn v.v… Phật dạy (Kinh dạy) chúng ta phải nhìn mọi sự vật hiện tượng “như nó đang là” (as-it-is) với tâm bình đẳng; không thêm thắt, không khởi tâm ưa ghét hay mong cầu. Như vậy thì tâm mình thanh tịnh, sáng suốt, không bị ô nhiễm vì tham muốn hay ghét bỏ. Mà thay đổi cái nhìn tức là thay đổi cách sống, cách suy nghĩ v.v… một sự thay đổi rất cơ bản đối với người mới tu như chúng ta. Do đó, tụng Kinh cũng là một cách học Phật pháp thực hành, cũng thuộc về một nghệ thuật sống sao cho tâm được thanh tịnh.

A: Thật là hay đó! Nhưng mà nhân sinh quan là gì? Vũ trụ quan là gì?

B: À, xin lỗi, nếu dịch ra tiếng Anh là bạn hiểu ngay. Nhân sinh quan Phật giáo chẳng hạn, là quan điểm của Phật giáo về con người, về đời sống con người v.v…; còn vũ trụ quan là quan điểm về thế giới, về vũ trụ, về sự hình thành và tan rã của nó. (Nhân sinh quan của PG = Opinion of Buddhism about human life; vũ trụ quan của PG = Opinion of Buddhism about the Universe )

C: Và đức Phật dạy ta những gì về nhân sinh quan và vũ trụ quan? Nghĩa là Kinh đã dạy những gì?

B: Kinh dạy con người là một tập hợp của 5 uẩn: Sắc uẩn (body), Thọ uẩn (feelings), Tưởng uẩn (perception), Hành uẩn (mental formation) và Thức uẩn (consciousnous). Như vậy, Sắc uẩn là thân và bốn uẩn còn lại là tâm. Vì vậy, thân này không chắc thật, sống chết vô thường. Tâm cũng vậy, luôn luôn biến đổi, dao động, khi Ma khi Phật, không đáng tin cậy.

A: Hay ghê! Hèn gì hôm bữa đọc bài Kinh gì mà có câu “thân như bọt nước, do gió thổi mà thành; niềm vui nỗi khổ của chúng sanh cũng thế, có rồi không. Tưởng thì như ánh nắng nơi cánh đồng xa kia, nhìn thì đẹp nhưng đến nơi có khi nắng đã tắt” v.v... mình không hiểu gì cả, nay nghe B nhắc lại lời dạy của đức Phật về 5 uẩn một cách rõ ràng ngắn gọn, thật là dễ hiểu.

B: Cảm ơn! Vậy là chúng ta đã nắm được ý nghĩa Kinh là gì và đọc tụng Kinh được lợi ích gì rồi phải không?

C: Phải rồi, nãy giờ chúng ta chưa tụng Kinh mà vẫn thấy rất rõ diệu dụng của Kinh rồi đó, phải không các bạn?

A: Đồng ý, chúng ta có thể đi qua phần thứ hai là Chú rồi. Chú là gì? Trì Chú là gì? Và tại sao ta cần phải trì Chú?

B: Chú, tiếng Sanskrit là Dharani, chúng ta thường gọi theo tiếng Tàu là Đà-la-ni, hay chân ngôn (Mantra).

C: Chú, nói đầy đủ là thần chú, là một câu hay một nhóm âm... có sức mạnh thần bí (theo Phật giáo Mật tông).

B: Đúng, thần Chú chứa đựng sức mạnh đặc biệt của vũ trụ hoặc biểu hiện của một khía cạnh nào đó của Phật tánh; đây cũng là một phương tiện trợ giúp tâm thức của hành giả.

A: Nghe nói đọc thần Chú là gây được rung động cùng tần số (frequency) với thần linh phải không?

B: Phải rồi! Vì Đà-la-ni còn được coi là “tổng trì” nghĩa là thâu nhiếp tất cả - trong một câu kinh ngắn mang sức mạnh siêu nhiên. Ngoài ra, trong ba cửa: Thân, miệng, ý thì Mantra thuộc về miệng và tác động thông qua luồng âm thanh rung động do sự tụng niệm Mantra phát sinh. Hành giả luôn luôn vừa đọc Mantra vừa quán tưởng một đối tượng và tay giữ một “ấn”. Theo Mật tông Tây Tạng, chức năng của các Mantra tùy theo thứ bậc (cao thấp khác nhau); người trì Chú có thể thấy các linh ảnh, có thể tránh những tai họa sắp xảy ra v.v... Người ta thường dùng chữ “không thể nghĩ bàn” để chỉ về những diệu dụng của sự trì tụng thần Chú.

A: Các bạn chưa định nghĩa “Trì Chú” là gì?

B: Trì là nắm giữ một cách chắc chắn; trì Chú là niệm Chú một cách tinh tấn, và đúng cách như sau:

Lúc đọc Mantra,

Đừng quá gấp rút,

Đừng quá chậm rãi.

Đọc đừng quá to tiếng

Đừng quá thì thầm.

Không phải lúc nói năng

Không để bị loạn động.

C: Đúng rồi đó, mà bạn B này, bạn hay dùng chữ “hành giả”, hành giả là ai vậy?

A: Là người thực hành thiền định, thực hành Phật pháp, người tu tập như chúng ta đây, phải không?

B: Phải rồi, đạo Phật là đạo để thực hành, không phải để thảo luận suông, nên Phật tử chân chính là người biết đem những giáo lý của đức Phật dạy ra thực hành. Ta có thể thực hành bất cứ pháp môn nào (Phật có tới tám vạn bốn ngàn pháp môn!) cũng đều được gọi là “hành giả” để phân biệt với “học giả” - là những người chỉ nghiên cứu đạo Phật, viết về đạo Phật nhưng có thể không phải là Phật tử và không thực hành giáo lý Phật đà.

C: Cảm ơn bạn, vậy bây giờ ta trở lại vấn đề đi, sau khi biết Chú là gì, trì Chú là gì rồi, ta hãy trả lời câu hỏi “vì sao phải trì Chú?” đi!

B: Chú có công năng phi thường như vậy, nên nếu hành giả thành tâm trì Chú thì sẽ thấy được hiệu lực ngay và nhiều lợi lạc không thể tưởng tượng được (nói cách khác là “không thể nghĩ bàn”); các bạn có biết không? Người Phật tử Ấn và Tây Tạng còn khắc những câu thần Chú lên các núi đá nữa đó, ví dụ như câu “Om Mani Padme Hum”. Những nhà du lịch (biết về Chú, có thể họ cũng là Phật tử) cho biết khi nhìn thấy câu thần chú này, họ chỉ đọc thầm và quán tưởng ý nghĩa của câu này thôi mà nghe như cả núi rừng đều có tiếng vang dội lại!

C : Trình độ về định của các vị này thật là mạnh quá hở các bạn?

A: Phải rồi! Thật là thú vị! Bây giờ các bạn có thể nói sơ ý nghĩa của các Chú mà anh chị em mình thường đọc tụng như chú Đại Bi, chú Vãng Sanh, chú Lăng Nghiêm, chú Chuẩn Đề, chú Cát Tường, chú Thất Phật Diệt Tội v.v... hay không?

C: Mình chỉ biết sơ ý nghĩa chú Đại Bi là do mình được đọc “Đà-la-ni xuất tượng”, trong đó giải thích rằng cứ mỗi âm hoặc mỗi nhóm âm đều là một danh hiệu Phật, Bồ-tát, chư Long Thần Hộ Pháp, Quỷ Thần, hay Càn-thát-bà v.v... đại ý là tất cả những vị đó đều hứa bảo hộ, che chở, giúp đỡ cho hành giả được thân tâm an lạc, tai nạn tiêu trừ để có thể tinh tấn tu hành đạo giải thoát. Nhưng mà nhớ là họ chỉ bảo hộ mình làm việc Đạo, lợi ích cho mình và cho mọi người chứ còn nếu làm việc hại người thì họ không giúp đâu đó nha! Bạn B chắc còn biết ý nghĩa các Chú khác, nói cho chúng mình nghe đi!

B: Chú Vãng Sanh có hiệu lực giúp hành giả sám hối chân thật, để tội chướng, nghiệp chướng được tiêu trừ tận gốc rễ, sớm ngày vãng sanh về cõi Tây phương Cực Lạc. Chú Lăng Nghiêm thì giúp hành giả trí tuệ tăng trưởng, vượt thắng những chướng ma bên ngoài và cả bên trong lòng mình để thân tâm an lạc, không bị ràng buộc vướng bận vào ái dục. Tôi nhớ trong kinh Lăng Nghiêm, lúc ngài A-nan gặp nạn Ma-đăng-già, đức Thế Tôn sai ngài Văn Thù đem thần Chú đi cứu A-nan, không biết có phải là thần Chú này không. Chú Chuẩn Đề được xem là thần Chú diệt trừ tà ma, quỷ quái v.v... không chỉ bên ngoài mà còn những thứ ma dễ sợ nhất, khó trừ nhất vẫn là năm mươi mấy thứ ma ở ngay trong tâm mình: Ma lười biếng, ma ngã mạn, ma đố kỵ, ma sân hận, ma si mê v.v... (đức Phật đã giảng rõ ràng trong kinh Lăng Nghiêm). Chú Cát Tường có hiệu lực giúp thân tâm an lạc, tai nạn tiêu trừ hay tránh xa, ngày đêm an lành gặp mọi điều may mắn.

A: Còn “Thất Phật diệt tội chân ngôn” là sao? Có ý nghĩa gì?

B: Đó là thần chú gồm tên bảy vị Pháp vương có công năng giúp hành giả trong việc chuyển hóa tâm thức, chân thành sám hối những tội nghiệp lớn nhỏ trong nhiều đời nhiều kiếp để có thể diệt trừ những tội lỗi đã tích tụ từ ngàn xưa do vô minh gây ra. Ngoài ra, có nhiều chân ngôn như chân ngôn của Bồ-tát Quán Thế Âm “Om Mani Padme Hum” (chúng ta thường nghe Tàu phiên âm “Án Ma Ni Bát Di Hồng” đó). Thần chú này chỉ có sáu âm nhưng có công năng diệt trừ sáu cảm giác độc hại, đã kéo chúng sanh vào sáu nẻo luân hồi; làm trong sạch hóa (purify) tâm ta. Sáu độc đó là: tham, sân, si, ngã mạn, đố kỵ, ái dục - thần chú có năng lực chuyển hóa chúng trở về trạng thái thanh tịnh ban đầu của chúng. Đó là lý do tại sao có người cảm nhận được một cách sâu sắc năng lực siêu phàm đến nỗi họ phải khắc lên núi đá như đã kể hồi nãy cho các bạn nghe.

A: Thiệt là hay quá! Thế các bạn có kinh nghiệm gì trong việc trì Chú không? Kể cho mình cùng nghe đi!

C: Mình thấy trì Chú giúp mình có định lực mạnh hơn rất rõ. Nhờ chú tâm cao độ để đừng “ăn” mất chữ, đừng nhầm lẫn đoạn trên với đoạn dưới v.v... mình dần dần luyện được sự nhất tâm; khi trì Chú, mình không nhớ nghĩ những chuyện đời thường. Nói cách khác, tâm mình không “bay nhảy” như khỉ, như vượn được nữa.

B: Ngoài ra, nhiều khi trì Chú sẽ giúp mình vượt qua những trở ngại (về tâm) một cách đáng ngạc nhiên. Hồi đó, mình bắt chước đức Thế Tôn rải tâm từ ra cho mọi loài chúng sanh; bắt đầu bằng cách rải tâm từ đến những người thân, bà con, bạn bè... nhưng mình gặp chướng ngại khi nghĩ đến những người “dễ ghét”!

Mình cảm thấy rất xấu hổ khi biết nguyên nhân của chướng ngại này; nhưng mình vẫn thực tập. Cho đến một hôm, mình thấy “đối tượng” đó không còn “dễ ghét” nữa và tâm mình bằng lòng rải tâm từ đến đối tượng ấy. Từ đó, mình cảm thấy rất rõ diệu dụng của Kinh, Chú, cũng như diệu dụng của sự thực hành tụng Kinh, niệm Phật, trì Chú đó các bạn ạ! Đến nay mình cảm thấy rất hạnh phúc là mình đã tiến bộ, mình không còn thấy ai “dễ ghét” hết, hay nói cách khác mình có thể “yêu thương tất cả” - tất nhiên là ở mức độ thấp nhất, cho nên mình còn phải tu tập nhiều nhiều.

A: Chết, chúng mình còn một phần nữa, đó là “niệm Phật”. Pháp môn này thì mình cũng hiểu và thực hành hằng ngày; mình nói các bạn nghe thử có phải không nha! Niệm Phật là tưởng nhớ đến Phật, hình dung tướng mạo trang nghiêm của Phật, các đức hạnh của Ngài (từ bi, trí tuệ, tinh tấn, thanh tịnh, hỷ xả) để noi theo gương sáng của Ngài và làm hiển hiện vị Phật ở trong tâm ta (Phật tánh) một ngày gần đây.

C: Đúng rồi đó, niệm Phật cũng giúp ta thanh lọc tư tưởng. Trong khi niệm Phật, nhớ nghĩ đến danh hiệu của Ngài, ta không còn để tâm “niệm ma” nữa (ma là ma trong chính nội tâm mình, ma tham sân, ma si mê, ma ngã mạn, ma đố kỵ, ma ích kỷ v.v... là những “con ma” đáng ghê sợ nhất). Các bạn thường niệm danh hiệu các đức Phật hay các vị Bồ-tát nào?

B: Niệm danh hiệu đức Phật hay Bồ-tát nào cũng được, điều cần thiết là phải thành tâm, chú tâm theo dõi từng chữ, từng âm trong câu niệm, ví dụ “Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” hay “Nam mô Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát” v.v... Lúc niệm danh hiệu đức Bổn sư, hành giả quán hạnh tinh tấn của Ngài; lúc niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, ta chiêm ngưỡng hạnh từ bi của Ngài và cố gắng noi theo. Người tu pháp môn Tịnh Độ thì niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà cầu vãng sanh; người muốn mong cầu thoát khỏi một căn bệnh hiểm nghèo thì cầu đức Dược Sư; cũng có người muốn niệm danh hiệu đức Phật Di Lặc v.v... Một cách tổng quát, chúng ta có thể niệm hồng danh của bất cứ vị Phật hay vị Bồ-tát nào, chỉ cần phải nhất tâm niệm Phật, đừng để cho tâm khởi lên một ý niệm gì ngoài câu niệm Phật.

A: Điều này mới thật là khó đó!

C: Tất nhiên rồi! Có như vậy thì ba nghiệp (thân, miệng, ý) mới không còn tác hại người khác, nghĩa là ba nghiệp được thuần thiện, thuần lành.

B: Nhưng thật không phải dễ đâu nha! Sử dụng ba nghiệp sao cho đạt đến chỗ “bất hại” (không có khả năng làm hại ai cả) thì đó đúng là một nghệ thuật sống cao thượng đáng khâm phục.

A: Bạn có thể nhắc lại cho mình biết tại sao cần phải niệm Phật không?

B: Niệm Phật là nhớ nghĩ đến hạnh lành của chư Phật và chư Bồ-tát, là “cột” cái tâm lại nơi tiếng niệm Phật, không để nó chạy lang thang như con trâu chạy lung tung đạp nhằm lúa mạ của người ta, đem đến khổ đau phiền não cho mình và cho người. Như vậy mình luôn sống trong chân lý, tâm mình an trú trong chân lý, nghĩa là mình có an lạc và làm cho mọi người chung quanh đều an lạc.

C: Vậy là cả ba thứ tụng Kinh, trì Chú và niệm Phật đều giúp hành giả phát triển định lực cả phải không?

B: Đúng thế, ngoài ra tụng Kinh, trì Chú và niệm Phật còn giúp ta thanh tịnh tâm ý, cho ta những kinh nghiệm quí báu về nội tâm của mình. Chúng ta không thể nào hiểu được những điều này nếu chúng ta không thực hành.

C: Phải rồi, không những thực hành các pháp môn này, ta còn phải thực hành những lời Phật dạy trong Kinh nữa nha! Nếu không, chúng ta sẽ biến thành những con vẹt đó.

A: Chí lý, chí lý! Chúc các bạn thực tập tốt bài học này, còn bây giờ phải chấm dứt ngang đây vì đã hết giờ rồi!! Xin chào tạm biệt nha!

B và C: Tạm biệt! Tạm biệt!

(ST)
http://www.hoangthantai.com