Hỏi: Trong khi hành thiền chúng ta có thể thấy được mọi thứ một cách rất rõ ràng, sáng suốt và không tham cầu, mong muốn, nhưng trong cuộc sống đời thường thì rất khó để không phản ứng.

Đáp: Đúng vậy, trong cuộc sống hàng ngày thì khó mà không phản ứng, không tham cầu mong muốn điều gì. Điều quan trọng trong quá trình thực hành của chúng ta là phải thấy chúng thật rõ chỉ như là những hiện tượng tự nhiên mà thôi, để thấy được tham muốn đó không phải là một người nào. Tham muốn sanh khởi bởi vì có cảm thọ, bởi vì có xúc cảm, bởi vì có sự tiếp xúc với những ấn tượng giác quan. Trong quá trình thiền tập, bạn có thể thấy được cả toàn bộ tiến trình một cách rất rõ ràng. Bạn thấy rằng căn trần xúc chạm là một hiện tượng tự nhiên, cảm nhận được những ấn tượng kích thích của giác quan cũng là một hiện tượng tự nhiên, tham muốn cũng là một hiện tượng tự nhiên. Không có người nào, không có chúng sanh nào ở đó cả.
Khi bạn nhận chân rõ ràng điều này, tuệ giác này có một sức mạnh vô cùng lớn. Ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, có những lúc bạn thất niệm và bị lôi đi theo đối tượng bên ngoài, bạn bị cuốn theo chúng, tham cầu mong muốn điều này điều kia, bạn phản ứng lại với chúng. Song ngay thời điểm bạn chánh niệm về chúng, mức độ tác động của phản ứng và tham muốn đó sẽ nhanh chóng tan biến và bạn cảm thấy được giải thoát ở một mức độ nào đó.

Trong quá trình thực hành, điều quan trọng hàng đầu là không được cố vượt qua tham ái một cách hoàn toàn ngay lập tức, mà phải “tiến dần từng bước một”. Việc đầu tiên là phải thấy tất cả chúng chỉ như là những hiện tượng tự nhiên mà thôi. Ở đó không có chúng sanh nào, không có người nào cả.

Ngay cả tầng đạo quả đầu tiên cũng chưa tận diệt được tham và sân. Tầng đạo quả đầu chỉ đoạn tận được tà kiến chấp rằng có một linh hồn, một thực thể trường cửu mà thôi.

Nếu chúng ta có thể thấy không có gì là một thực thể vĩnh cửu, không có gì là một linh hồn cả, mà tất cả chỉ là những tiến trình tự nhiên, chỉ đến và đi, sanh và diệt. Nếu thấy được điều này một cách thật rõ ràng và mạnh mẽ, thì mặc dù đôi lúc bạn vẫn bị cuốn theo và đắm chìm với những đối tượng bên ngoài do thiếu chánh niệm, song ngay cả trong khi bị cuốn trôi và phản ứng như thế, nếu lấy lại sự chú tâm, bạn vẫn có thể tự giải thoát cho mình. Đây chính là lợi ích của sự thấy biết rõ ràng.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không thể thấy biết mọi thứ một cách sáng suốt rõ ràng trong mọi lúc được, nhất là khi chúng ta sống như một con người bình thường chứ không phải là một thiền sinh, chúng ta phải giao tiếp với mọi người, tự thể hiện mình, thể hiện tình thương và lòng nhân hậu của mình. Khi nghĩ đến nhân hậu và tình thương là chúng ta suy nghĩ đến một người nào đó, chúng ta nghĩ đến thái độ và tình cảm của người khác.

Trong cuộc sống đời thường, ngay cả khi cảm nhận tất cả những cảm xúc này, chúng ta cũng không coi chúng như một cái gì đó thuộc cá nhân mình. Chúng ta có thể hành động theo hai mẫu thức khác nhau, chúng ta phải hành động, phải sống theo hai mẫu thức như thế. Bởi vì, giả dụ chúng ta nhìn con mình mà nói rằng: “Không có đứa con nào ở đó cả, nó không phải là con tôi, đó chỉ là danh và sắc thôi”, thì không lẽ khi nó nghịch lửa đến bỏng và la khóc, chúng ta cũng nói rằng “Không có đứa con nào, không có ai cả, đó chỉ là cảm giác thôi” ư? Điều đó thật phi lý và nhẫn tâm. Chúng ta không thể hành động như thế!

Chúng ta phải hiểu rằng có hai cách nhận thức và thấy biết thực tại, và phải hành động theo cả hai cách đó. Một cách là thấy biết thực tại này như thực sự nó đang là và chính điều này sẽ đem đến giải thoát cho chúng ta.

Điều quan trọng ở đây là ngay cả khi chúng ta tham muốn một cái gì đó, khi thấy tham muốn đó chỉ như là những hiện tượng tự nhiên, chúng ta vẫn có thể cố gắng phấn đấu để đạt được nó nếu thấy nó là cần thiết, song chúng ta sẽ làm việc đó một cách thích hợp và thấu tình, đạt lý. Chúng ta sẽ không bao giờ hành động một cách vụng về, ngu xuẩn để có bằng được nó. Bởi vì chúng ta biết rằng không đáng làm những việc bất thiện chỉ để có cho bằng được điều mình mong muốn.

Một người đã đạt tới tầng đạo quả đầu tiên sẽ vẫn còn tham muốn và thích thú những cái hay, cái đẹp, nhưng họ sẽ không bao giờ ăn cắp, sát sanh hay làm bất cứ việc bất thiện nào khác để có được cái mình muốn. Đó chính là một sự khác biệt lớn giữa họ với những người bình thường khác.

Hỏi: Chúng ta không nhất thiết phải cố ý chuyển sang một mẫu thức hành động khác, đúng không? Có phải việc đó sẽ tự nó xảy đến?

Đáp: Việc đó xảy đến một cách tự nhiên một khi bạn đã có được một mức chánh niệm vững mạnh, những thoáng chánh niệm đó sẽ thường xuyên đến đều đặn, nhất là mỗi khi bạn xúc động thì chánh niệm thường quay trở lại. Thông thường khi bị xúc động mạnh thì con người ta hay thất niệm, không ý thức được mình nữa, nhưng đối với một thiền sinh thì trong những tình huống khẩn cấp đó, chánh niệm thường quay trở lại với họ. Mặc dù bạn cảm thấy xúc động mạnh, nhưng bạn vẫn ý thức được về nó. Nó có thể còn tiếp tục cả một thời gian dài, nhưng bạn vẫn chánh niệm hay biết nó. Do đó, một thiền sinh giỏi sẽ không còn bị mắc kẹt trong bất cứ trạng thái tình cảm hay cảm xúc nào nữa.

Một thiền sinh giỏi vẫn có thể rất dễ xúc động, vẫn có thể rất tình cảm bởi vì anh ta không cố đè nén và ức chế tình cảm của mình. Đây là một sự khác biệt lớn. Để trở thành một thiền sinh giỏi, nhất định bạn phải giữ cho tâm mình hoàn toàn rộng mở, không ức chế, đè nén hay chối bỏ bất cứ điều gì, không kháng cự hay xua đuổi bất cứ điều gì. Ức chế, đè nén, phủ nhận hay chối bỏ không mang đến hiểu biết và giải thoát và dĩ nhiên là cũng không đem đến trí tuệ.

Một thiền sinh giỏi đích thực, một người hiểu được ý nghĩa của chánh niệm, sẽ giữ tâm mình luôn luôn rộng mở, không kháng cự, không chối bỏ, không phủ nhận, không đè nén, ức chế bất cứ điều gì.

Vì thế một thiền sinh giỏi có thể cảm nhận được thậm chí nhiều hơn người bình thường, họ dễ cảm nhận hơn và cũng rất dễ bị tổn thương bởi vì họ không tự bảo vệ, không tự che chắn cho mình. Một người chánh niệm sẽ rất dễ bị tổn thương, song bởi vì có chánh niệm và sự sáng suốt nên anh ta có thể vượt qua được tất cả mọi chuyện mà không bị dính kẹt vào chúng. Chính điều này sẽ đem lại những hiểu biết thâm sâu uyên áo, đem lại giải thoát và về một khía cạnh nào đó cũng đem lại cả sức khỏe cho bạn nữa. Bất cứ một hình thức đè nén, ức chế nào cũng đều không lành mạnh, không có lợi cho sức khỏe, nhưng bất cứ một hình thức phản ứng hay hành động bất thiện nào thì cũng không lành mạnh chẳng kém. Không phản ứng lại một cách bất thiện, hành giả sẽ kinh nghiệm, cảm nhận và vượt qua được toàn bộ tiến trình đó và thoát ra khỏi nó một cách an toàn, khỏe mạnh hơn xưa. Bạn có thể vẫn tức giận hay tham lam, nhưng bạn có thể thấy rõ điều đó, thấu hiểu nó và vượt qua nó, thoát ra khỏi nó. Một số người bị mắc kẹt lại tại đó và không thể thoát ra được, họ bị kẹt lại trong một số loại tình cảm hay cảm xúc nào đó và trở nên rất ốm yếu, không lành mạnh.

Bẻ Gãy Xiềng Gông, Sayadaw U Jotika - Diễn Đàn Trung Tâm Từ Thiện Online