Lược Giảng
kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo,
phần 3

7. Tướng trạng bất đồng giữa huệ hạnh Bồ Tát và sơ nghiệp Bồ Tát

Đoạn dưới đây thuyết minh Pháp Thân đại sĩ và sơ học Bồ Tát chẳng giống nhau.

Chánh kinh:

Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn:

- Thế Tôn! Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, nhược chư Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung.

(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa đức Phật đã nói, nếu các Bồ Tát vào đời mạt sau, trong năm trăm năm)



Đây là nói về những người học Phật chúng ta trong hiện tại, chẳng luận là xuất gia hay tại gia.



Chánh kinh:

Nhạo dục ly chư nghiệp chướng triền phược.

(Thích được lìa các nghiệp chướng trói buộc)



Tiếp theo đây nói đến năm sự việc, điều thứ nhất là “hy vọng”. Chữ “nhạo” là yêu thích, là hy vọng. Chúng ta hy vọng thoát khỏi nghiệp chướng ràng buộc.



Chánh kinh:

Tự vô tổn hại, nhi đắc giải thoát.

(tự chẳng tổn hại mà được giải thoát)



Có thể trong quá trình tu học của một đời này, chẳng bị tổn hại mà giải trừ được phiền não, thoát ly sanh tử luân hồi.



Chánh kinh:

Thị nhân đương ư Bồ Tát hạnh trung thâm sanh tín giải.

(người ấy nên sanh tâm tin hiểu sâu xa đối với hạnh Bồ Tát)



Nếu như trong một đời này, quý vị mong đạt được hai mục tiêu; hai mục tiêu ấy thuần chánh phi thường. Nói theo cách bây giờ, mục tiêu thứ nhất là tiêu nghiệp chướng. Tôi nói “tiêu nghiệp chướng”, ai nấy đều hiểu, còn kinh nói là “thích được lìa các nghiệp chướng trói buộc”. Mục tiêu thứ hai là liễu thoát sanh tử luân hồi. Nếu như quý vị học Phật, lấy điều này làm mục tiêu thì trong phần sau, Bồ Tát sẽ giảng phải dùng tâm tư, thái độ như thế nào để tu hành. “Người ấy nên sanh tâm tin hiểu sâu xa đối với hạnh Bồ Tát”: kinh này giảng về hạnh Bồ Tát. Đối với những điều được giảng trong kinh này, quý vị phải sanh tâm tin hiểu sâu xa, phải tin tưởng, phải hiểu rõ nhé! Điều thứ nhất Phật dạy chúng ta trong kinh này là “chẳng tìm lỗi người khác, chẳng nêu lỗi người khác”; ở đây, Di Lặc Bồ Tát cũng nhắc lại:



Chánh kinh:

Ư tha quá thất, bất sanh phân biệt.

(Đối với lầm lỗi của người khác, chẳng sanh phân biệt)



Quý vị nói học Phật phải bắt đầu từ đâu?

Phải bắt đầu từ chỗ này. Chẳng vạch tìm lỗi người khác, chẳng muốn thấy lỗi người khác, chẳng muốn kể lỗi người khác, cứ bắt đầu từ đây! Ý nghĩa câu nói này nghĩ ra rất sâu xa. Là vì căn bệnh lớn nhất của con người hiện thời là nói đến lầm lỗi của người khác: nhà họ Trương giỏi, nhà họ Lý dở. Chẳng chạm mặt nhau thì thôi, hễ chạm mặt nhau toàn là kể xấu người khác, chớ hề kể tội chính mình. Quý vị thấy đó: Phật đem việc này đặt làm điều đầu tiên nhằm để trị căn bệnh nặng của quý vị đấy. Nếu chẳng áp dụng cho khéo cách trị bệnh này, bệnh ấy hết cách cứu!

Vì thế bây giờ quý vị phải hiểu cho rõ: học Phật phải bắt đầu từ đâu? Chẳng nói đến lỗi người khác, phải bắt đầu từ đó. Căn bệnh tập khí này rất nặng, ngày ngày chú ý dò lỗi người khác, đó là tâm gì vậy? Tâm quý vị làm sao thanh tịnh cho được? Tâm chẳng thanh tịnh, niệm Phật chẳng thể vãng sanh. Bởi vậy, điều đó chính là căn bệnh lớn đấy! Chúng ta đều coi thường, đều chẳng chú ý đến sự việc này. Hôm nay đọc đến bộ kinh này, suy nghĩ kỹ mới thấy có lý lắm chứ! Lại nhớ Lục Tổ từng nói: “Nếu ai chân thật tu đạo, chẳng thấy lỗi thế gian” mới thấy câu ấy hoàn toàn tương ứng với điều Phật giảng ở đây.



Chánh kinh:

Chí cầu Như Lai chân thật công đức.

(Chí cầu công đức chân thật của Như Lai)



Mục tiêu của bản thân chúng ta là gì? Là cầu công đức chân thật của Như Lai. Như Lai là ai? Là Chân Như bản tánh. Kinh Kim Cang giảng rất rõ ràng: Phàm nói đến “Như Lai” là từ tự tánh mà nói, còn nói “chư Phật” là từ hình tướng mà nói. Bởi vậy, chẳng nói là chí cầu công đức chân thật của chư Phật! Nếu nói “chư Phật” là nói đến bề ngoài, nói từ mặt Tướng; nói “Như Lai” là nói từ mặt Tánh; từ công đức chân thật của tâm tánh, tự tánh. Điều khai thị này rất trọng yếu vậy!



Chánh kinh:

Phật ngôn: “Như thị, như thị”.

(Phật nói: “Đúng như vậy, đúng như vậy”)



Di Lặc Bồ Tát thuyết pháp như thế, đức Thế Tôn ấn chứng cho Ngài, ấn chứng [điều Bồ Tát nói giống như] là Phật nói. Phật bảo những điều Bồ Tát Di Lặc nói hoàn toàn chính xác.



Chánh kinh:

Di Lặc! Thị cố đương ư chư Bồ Tát đẳng phương tiện hạnh trung, thâm sanh tín giải.

(Này Di Lặc! Vì thế phải nên sanh lòng tin hiểu sâu xa đối với các hạnh phương tiện của hàng Bồ Tát).



Phật ấn chứng cho Bồ Tát rồi, lại đặc biệt nhấn mạnh một điều: phải sanh lòng tin hiểu sâu xa đối với hạnh Bồ Tát. Phần trên, Di Lặc Bồ Tát đã nói [điều này rồi], ở đây, đức Thế Tôn lại nhắc lại để chúng ta đoạn nghi sanh tín.



Chánh kinh:

Hà dĩ cố? Huệ hạnh Bồ Tát phương tiện chi hạnh, nan tín giải cố.

(Vì sao vậy? Vì khó tin hiểu nổi hạnh phương tiện của huệ hạnh Bồ Tát)



“Huệ hạnh” là Pháp Thân đại sĩ. Đối với họ, đức Phật nói “phiền não tức Bồ Đề, sanh tử tức Niết Bàn”, chứ chẳng nói với ai khác. Hạnh phương tiện của họ rất sâu, ý nghĩa rất sâu, Thanh Văn, Duyên Giác, phàm phu đều chẳng thể lý giải được nổi. Chúng ta thấy đó: kinh này thường giảng những điều chẳng thể nghĩ bàn, hạnh của bọn họ thật chẳng thể nghĩ bàn.



Chánh kinh:

Di Lặc! Thí như Tu Đà Hoàn nhân thị phàm phu hạnh.

(Này Di Lặc! Ví như bậc Tu Đà Hoàn thị hiện hạnh phàm phu)



Phật nêu một thí dụ: lấy địa vị tu hành chứng quả thấp nhất (Tu Đà Hoàn) để minh thị họ chẳng giống với chúng ta. Tu Đà Hoàn thị hiện làm phàm phu, giả vờ làm phàm phu, chứ họ chẳng phải thật sự là phàm phu đâu!



Chánh kinh:

Như thị phàm phu dữ Tu Đà Hoàn vị các sai biệt.

(Phàm phu như thế so với Tu Đà Hoàn địa vị sai biệt).



Nếu thật sự đem phàm phu đọ với Tu Đà Hoàn thì sai biệt rất lớn.



Chánh kinh:

Phàm phu ngu nhân dĩ tham, sân, si chi sở triền cố, đọa chư ác đạo.

(Kẻ phàm phu ngu muội bị tham, sân, si trói buộc nên đọa vào các ác đạo)



Kẻ phàm phu ấy cả ngày từ sáng đến tối khởi tâm động niệm: tham, sân, si, mạn; học Phật cũng là tham, sân, si, mạn; thậm chí xuất gia vẫn cứ tham, sân, si, mạn; giảng kinh thuyết pháp cũng là tham, sân, si, mạn. Phần trước chẳng đã nói qua rồi đó sao? Cúng dường, cung kính nhiều thì tiếng giảng sang sảng; cúng dường ít thì chẳng muốn giảng nữa, chỉ gấp rút muốn đi. Toàn là gây tạo tham, sân, si, mạn thôi! Tương lai sẽ đi về đâu? Đọa trong các ác đạo! Đó là phàm phu đấy!