PHẬT HỌC VẤN ĐÁP
Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG - Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: PT. Giác Minh Duyên - Giảng tại Cư sĩ Lâm Phật giáo Singapore

[SIZE="3"]Câu hỏi 1: Ma ở trong tâm, làm thế nào để tâm Phật thắng được tâm ma? Phật thường ở trong tâm thiện. Nếu có người làm ác, phải làm gì để họ theo thiện bỏ ác?[/SIZE]


Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo đã giải thích cho chúng ta vấn đề này. Phật cùng ma là một, không phải hai. Giác ngộ rồi ma liền thành Phật; mê hoặc rồi, Phật biến thành ma. Cho nên, một niệm giác ngộ thì Phật ở tại tâm, một niệm vừa mê, thì ma ở tại tâm. Phật dạy bảo chúng ta phải thường giác ngộ. Một niệm vì chính mình, tự tư tự lợi, chính là ma, tâm này chính là tâm ma. Thay đổi lại ý niệm, vì xã hội, vì chúng sinh, tâm này chính là tâm Phật. Do đó làm thế nào đem cái ý niệm tự tư tự lợi chuyển đổi thành lợi ích xã hội, lợi ích chúng sinh. Đây là mấu chốt vô cùng quan trọng. Người có thể thay đổi được ý niệm, đương nhiên họ có thể đoạn ác hướng thiện.

Câu hỏi 2: Trong nhà có kiến, nếu không phun thuốc thì không cách gì ở được, còn nếu phun thuốc thì mắc tội sát sinh, không biết phải xử lý thế nào? Vấn đề này rất nhiều người đang gặp phải. Kiến cũng là động vật, là chúng sinh hữu tình, chúng ta phải dùng thiện hạnh mà đối đãi. Thánh nhân thế xuất thế gian đều khuyên bảo “chân thành có thể cảm thông”. Chúng ta không thể tương thông được với những chúng sinh nhỏ bé này vì thành ý của chúng ta chưa đủ. Thành ý là gì? Tâm thanh tịnh chính là thành ý. Người xưa gọi “một niệm không sinh là thành”, tâm chúng ta có tạp niệm thì không thành, cho nên không thể tương thông được với loài kiến. Nếu như tâm chân thành thanh tịnh mới có thể tương thông, có thể mời kiến dọn nhà. Do đó chính mình phải đoạn ác tu thiện để cảm động được những chúng sinh nhỏ bé này. Xem trong Ấn Quang Đại Sư truyện ký, gian phòng của Ấn tổ những năm đầu cũng có muỗi, bọ chét quấy nhiễu. Thị giả của ngài giúp ngài thanh trừ, lão hòa thượng liền ngăn cản: “không nên, không cần phải thanh trừ”. Thị giả không hiểu liền thắc mắc. Ngài nói: “đức hạnh của chính ta chưa đủ, có chúng ở đây là sự nhắc nhở đối với ta”. Về sau khi lão hòa thượng 70 tuổi, gian phòng của ngài không tìm thấy con muỗi, con bọ nào.

Những động vật nhỏ khi đứng trước người chân chính tu hành, có đức hạnh, có thiện tâm, chúng cũng khởi lòng cung kính và không đến quấy nhiễu. Do đó, tu đức là phương pháp tốt nhất để hóa giải phiền não. Ở Singapore, Mỹ có một số vị đồng tu rất chăm chỉ thử nghiệm, nói với chúng tôi, có hiệu quả rất tốt, cho dù không hoàn toàn hết hẳn nhưng cũng giảm đi được rất nhiều. Điều đó chứng tỏ công phu tu hành của họ có tiến bộ.

Câu hỏi 3: Khi ngồi tĩnh tọa niệm Phật, tay bắt ấn như thế nào mới đúng? Vấn đề bắt ấn không quan trọng. Bắt ấn là gì? Nhà Phật gọi thủ ấn chính là thủ ngữ, mọi người tâm tâm họp nhau. Xem tượng bàn tay đức Phật A Di Đà, đó gọi ấn Di Đà. Đặt hai tay ngang bằng, hai ngón cái đối nhau, quan trọng là thân tâm an ổn, tĩnh tọa nhiếp tâm Phật hiệu.

Câu hỏi 4: Tu pháp môn tịnh độ có phải là niệm Phật hiệu đến sau cùng, hay nghe toàn bộ kinh giảng? Hoàn toàn lệ thuộc ở bản thân mỗi người. Mục đích của việc giảng kinh là giúp đoạn nghi sinh tín. Đối với tịnh độ, nếu không chút hoài nghi, đã có tín tâm vững chắc, thì kinh tụng hay không tụng, nghe hay không nghe cũng không quan hệ gì. Chỉ cần một câu Phật hiệu cũng thành công. Do đó, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, nếu có hoài nghi, tín tâm nguyện lực không kiên cố, cần thiết phải nghe, đọc nhiều kinh thì vấn đề liền được giải quyết.

Câu hỏi 5: Muốn cả đời theo lão hòa thượng để tu hành thì cần phải hội đủ điều kiện gì?
Đi theo không có nghĩa phải ở bên cạnh. Tất cả chúng ta đều đi theo Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, đi theo Bổn Sư A Di Đà Phật. Chỉ cần chúng ta không rời khỏi kinh điển, mỗi ngày đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ, chính là nghe Thế Tôn A Di Đà Phật khai thị. Chúng ta dùng tâm chân thành để nghe, dùng tâm thanh tịnh để đọc tụng, sẽ liền được khai ngộ. Đọc tụng nghe giảng mà không khai ngộ có nghĩa là lòng chân thành của chúng ta chưa đủ. Những bậc thánh hiền thế xuất thế gian đều nói “thành tắc linh”. Đạo giáo vẽ bùa, Phật giáo trì chú, phù chú rốt cuộc linh hay không? Điều đó hoàn toàn ở tâm người vẽ bùa trì chú. Nếu tâm họ thành, phù chú này liền linh, tâm không thành thì không linh. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn, phần chú giải của người xưa đã ghi rất rõ qua một ví dụ vẽ bùa. Từ một nét bút đầu vẽ đến cả đạo phù thành công, trong khoảng thời gian đó không chút vọng niệm, kết quả đạo bùa này linh. Niệm chú cũng vậy, chú ngữ từ đầu đến cuối không khởi một vọng niệm thì chú này liền linh. Niệm chú trong khi khởi vọng tưởng, thì chú này không thể linh. Do đó chú càng dài càng khó niệm. Thời khóa sớm của các tự viện đọc chú Lăng Nghiêm rất dài, trong thời gian đó mà không khởi vọng tưởng là điều vô cùng khó. Chúng ta đọc kinh, kinh dài hơn chú, nên người xưa mới nói: “Tụng kinh không bằng trì chú, trì chú không bằng niệm Phật”. Phật chỉ có sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”. Niệm liên tục sáu chữ này, không lọt vào một vọng niệm là điều dễ làm, cộng với tâm chân thành có thể cảm ứng.