Sự thật về "người Mông xanh ăn thịt người"
Thứ Sáu, 25/06/2010 --- cập nhật 11:20 GMT+7


Bị ám ảnh truyền đời vì lời đồn ác nghiệt là tộc người ăn thịt đồng loại khiến cho đồng bào Mông xanh (Nậm Xé, Lào Cai) ngày càng bị xa lánh dẫn đến một thời người dân nơi đây phải kết hôn cận huyết, dẫn đến suy kiệt giống nòi. Hủ tục này đang được chính đồng bào và cán bộ địa phương nỗ lực xóa bỏ.

Bị xa lánh, những người cận huyết lấy nhau

Người Mông xanh hiện có còn 60 hộ dân với khoảng 400 người sống tập chung ở 2 thôn Tu Hạ và Tu Thượng, xã Nậm Xé (Văn Bàn - Lào Cai). Từ lâu, đồng bào Mông xanh được biết đến với nguồn gốc từ Nhật Bản. Xét về trang phục, giọng nói, nếp sinh hoạt… thì người Mông xanh có nhiều đặc điểm riêng biệt nhất là về trang phục: đàn ông đều mặc áo dài 3 tấm, phụ nữ thì mặc váy ống và áo dài quấn thắt lưng… Về tín ngưỡng, họ tin và thờ cúng những vị thần: thần biển, thần núi, thần lửa.

Theo nhiều nghiêu cứu thì cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra nơi nào khác ngoài xã Nậm Xé, huyệnVăn Bàn là có người Mông xanh. Theo tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, người đã nhiều năm tìm hiểu về người Mông xanh, cho biết, người Mông xanh di cư đến Nậm Xé vào khoảng từ những năm 1.840, thời Thái Bình Thiên Quốc.

Ông Vàng A Dính, Chủ tịch Hội nông dân xã lại cho rằng, tổ tiên của họ ở một nơi rất xa xôi. Ngày xưa cuộc sống vô cùng khó khăn, đất đai thì khô cằn, quả bí trồng mãi cũng chỉ bằng nắm tay, bắp ngô to nhất cũng chỉ bằng năm ngón tay. Chiến tranh loạn lạc liên miên. Một hôm có người khách xa nói có nơi mà bắp ngô hai con gà ăn không hết hạt nên người Mông xanh tìm đến lập bản và an cư từ đó cho tới nay.


Hậu quả của việc kết hôn cận huyết là đàn ông người Mông xanh chỉ cao trên dưới 1,5 m.
(Ảnh minh họa)
Chuyện người Mông xanh ăn thịt người từ lâu đã trở thành truyền thuyết. Cụ Vàng Thị Ly, một già làng 96 tuổi, kể lại một câu chuyện cách đây đã hơn 60 mùa rẫy (60 năm). Ngày đó các cụ hay bắn được con căng, theo lệ là phải cống nạp cho Pháp nhưng vì đói quá nên đem thịt ăn. Khi Pháp đến khám xét, mọi người đành nói dối là đang luộc thịt đứa trẻ. Bọn Pháp không tin, xông vào bếp, mở nồi ra thấy hay bàn tay nhỏ nhắn, trắng trẻo từ mặt nước nhô lên. Tưởng là trẻ nhỏ thật, chúng khiếp sợ bỏ chạy. Từ đó, lời đồn người Mông xanh "ăn thịt người" cứ cứ lan đi khắp nơi. Thậm chí các dân tộc khác vì thế mà sợ hãi, tránh xa dân tộc Mông xanh.

Từ đó, người Mông xanh phải sống co cụm, rồi trai gái Mông xanh phải lấy lẫn nhau là hậu quả của lời đồn ác nghiệt đó. Ngoài ra, người Mông xanh có tục thách cưới rất cao nếu lấy người ngoài họ nên cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hôn nhân cận huyết.

Người Mông xanh trước kia có 4 dòng họ là Giàng, Vàng, Lý, Thàng. 60 năm trước, dịch thủy đậu đã xóa sổ dòng họ Thàng. Con em của 3 dòng họ còn lại cứ quanh quẩn lấy nhau, cho nên việc vợ chồng cùng hay cận huyết thống là rất phổ biến.

Chị Vàng Thị Trái hiện 35 tuổi, bị bại liệt, thiểu năng trí tuệ từ nhỏ, cuộc sống cứ bó hẹp trong căn bếp lụp xụp. Chị là hậu quả của cuộc hôn nhân của hai người có quan hệ cậu cháu là ông Vàng A Ly và bà Lý Thị Mão.

Nằm nép mình bên bờ suối trong căn nhà lụp xụp là cuộc sống của gia đình anh Lý A Ý, về quan hệ họ là anh em con chú con cô nhưng tục của người Mông xanh lại cho phép họ lấy nhau. Tới nay, họ đã có với nhau bốn đứa con đều có những biểu hiện phát triển không bình thường như thiểu năng trí tuệ, dị tật bẩm sinh…

Hôn nhân cận huyết thống đang lưu lại những câu chuyện buồn và những nỗi niềm uẩn ức chưa có lời giải đáp. Ngoài những đứa trẻ yếu ớt, bệnh tật, người Mông xanh cũng rất thấp bé, chiều cao trung bình của đàn ông chỉ trên dưới 1,5 m; trẻ em lớn lên kém phát triển về trí tuệ...

Nỗ lực từ chính quyền

Mọi chuyện dần được thay đổi kể từ mấy năm gần đây khi các cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới từng người dân. Trưởng họ là người quan trọng nhất trong dòng họ, quyết định các việc về giáo dục, văn hóa… và là người sẽ giải quyết các trường hợp vi phạm hôn nhân cận huyết bằng biện pháp can ngăn, khuyên giải. Nếu không có kết quả thì thôn bản sẽ xử phạt bằng các chế tài đã quy định trong hương ước. Trường hợp khó quá sẽ phải nhờ vào sự can thiệp của chính quyền xã.


Thiếu nữ Mông xanh. (Ảnh:tusachcongdong)
Ngoài ra, việc đăng ký kết hôn cũng được cán bộ tư pháp xã làm rất tỉ mỉ ở khâu thẩm định, xác minh xem các cặp đăng ký có vi phạm trong phạm vi 3 đời không thì mới cho đăng ký. Mặt khác công tác tuyên truyền để người dân giảm nhẹ tục thách cưới cũng được xã quan tâm. Nhờ phối hợp tốt giữa thôn với xã nên từ 2008 đến nay, trong tộc người Mông xanh hầu như không còn xảy ra trường hợp nào vi phạm.

Ông Vàng A Lơ, Chủ tịch xã Nậm Xé, tâm sự: "Căn nguyên là sự nhận thức của người dân còn hạn chế, vì vậy trong những năm qua, chúng tôi đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể trong xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục cùng những giàng buộc về pháp lý tới từng hộ dân trong bản".

Anh Lý A Tim, 29 tuổi, cán bộ tư pháp xã đã quyết định làm khác ông cha mình bằng cách, trong quá trình đi học, đi giao lưu bạn bè, anh đã tìm hiểu và xây dựng mái ấm với cô gái Tày xinh đẹp. Giờ đây, trong những mái nhà của người Mông đã dần xuất hiện ngày càng nhiều những cô gái thuộc các tộc người khác về Nậm Xé làm dâu, rồi lần lượt những đứa trẻ mang trong mình 2 dòng máu cũng ra đời, lớn lên và phát triển bình thường. Đó chính là sản phẩm của một cuộc "cách mạng" nhằm phá bỏ những hủ tục mà từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của người Mông xanh.


Theo Đất Việt