Một lần nọ có một Phật tử đến chùa của Ajahn Chah và hỏi nhà sư ai là Ajahn Chah. Sư Ajahn Chah thấy người này căn cơ còn chưa được phát triển nhiều nên tự chỉ vào mình nói: “Đây, tôi là Ajahn Chah đây.” Một lần khác, có một người khác cũng đến chùa hỏi Ajahn Chah câu hỏi như vậy. Lần này, thấy người ấy có vẻ có trình độ Phật pháp cao hơn, Ajahn Chah trả lời bằng câu: “Ajahn Chah hả? Không có ai là Ajahn Chah hết.”

Sau đây là một số những lời giảng nổi tiếng của đại sư Ajahn Chah được trích lại từ những sách đã xuất bản cũng như từ những ghi chú cá nhân của đệ tử của ngài.


SANH VÀ TỬ

Một cách thực tập tốt là tự hỏi mình thật chân thành, “Tại sao tôi lại sinh ra đời?” Hãy tự hỏi mình buổi sáng, buổi chiều, và buổi tối… mỗi ngày như vậy.

Sự sanh và sự chết của ta chỉ là một. Không thể có cái này mà không có cái kia được. Kể cũng hơi khôi hài khi thấy con người ta lúc có người thân mất đi thì khóc lóc thật là sầu thảm, trong khi có ai sinh ra đời thì vui mừng phấn khởi. Đó là si mê. Tôi nghĩ rằng nếu thực sự muốn khóc, thì có lẽ nên khóc ngay khi có người sinh ra đời. Khóc ngay tại gốc rễ, bởi vì nếu không có sinh, thì sẽ không có tử. Bạn có hiểu được điều này không?

Tại sao chúng ta sinh ra đời? Chúng ta sinh ra để sẽ không còn phải sinh ra nữa.

Khi không hiểu về sự chết, người ta dễ bị lầm lẫn về sự sống.

Đức Phật bảo đệ tử của ngài là A Nan hãy thấy sự vô thường, thấy cái chết ở trong từng hơi thở. Chúng ta phải biết đến sự chết, chúng ta phải chết để mà được sống. Điều đó có nghĩa gì? Chết là chấm dứt hết mọi nghi vấn, mọi thắc mắc, và chỉ ở trong hiện tại, ngay bây giờ và ở đây. Bạn không bao giờ có thể đợi đến ngày mai để chết, mà chết ngay bây giờ. Bạn có làm được điều đó không? Nếu bạn làm được, có nghĩa là bạn đã biết sự yên bình khi chấm dứt mọi nghi vấn.

Cái chết gần gũi như hơi thở của chúng ta vậy.

Nếu tu tập đúng cách, bạn sẽ không sợ hãi bệnh tật, cũng không nao núng khi có người chết đi. Khi bạn đến nhà thương chữa bệnh, hãy quyết trong tâm rằng nếu bệnh tình của bạn đỡ hơn thì cũng tốt, mà nếu bạn chết, thì cũng không sao. Tôi bảo đảm với bạn rằng nếu bác sĩ có nói tôi bị ung thư và có thể chết trong vòng vài tháng nữa, tôi cũng sẽ nhắc nhở bác sĩ rằng, “Hãy cẩn thận, vì cái chết cũng có thể đến với bác sĩ nữa. Vấn đề chỉ là người nào đi trước và người nào đi sau thôi.” Bác sĩ chữa bệnh nhưng không phải là chữa được cái chết hay ngăn cản cái chết được. Chỉ có Đức Phật mới là bậc lương y chữa được điều đó, vậy tại sao chúng ta không đi theo Phật mà dùng vị thuốc của Phật?

Nếu bạn sợ hãi bệnh tật, nếu bạn sợ hãi cái chết, bạn phải quán tưởng về chúng xem chúng đến từ đâu. Vậy chúng đến từ đâu? Từ sự sinh. Vậy đừng buồn rầu khi có người chết – đó chỉ là điều tự nhiên, và người đó đã chấm dứt sự đau khổ trong kiếp sống này. Nếu bạn muốn buồn, hãy buồn khi có người sinh ra: “Ôi chao ơi! Họ lại ra nữa rồi. Rồi đây họ sẽ lại bị đau khổ, lại phải chết nữa rồi!”

“Bậc Toàn Giác” biết rõ tất cả những hiện tượng do nhân duyên khởi đều không có thực chất, vì vậy “bậc Toàn Giác” không phan duyên theo những biến chuyển đến và đi mà vui hay buồn. Mỗi lúc vui tức là sinh ra, và mỗi lúc buồn tức là chết đi. Chết đi rồi, chúng ta lại sinh ra, và sinh ra rồi, chúng ta lại chết đi. Sự sinh ra và chết đi từ giây phút này qua giây phút khác đó là vòng quay vô tận của luân hồi vậy.


THÂN

Nếu thân này biết nói, nó sẽ nói với chúng ta suốt ngày là, “Bạn không phải là người sở hữu tôi đâu.” Thật ra, trong tất cả mọi thời, nó đều nói với chúng ta như vậy, nhưng đó là ngôn ngữ của Pháp, nên chúng ta không thể hiểu được thôi.

Các duyên đều không thuộc về ta. Chúng đi theo một tiến trình tự nhiên riêng biệt. Ta không thể làm được gì để thay đổi tiến trình của thân được. Ta có thể làm đẹp nó một chút, cho nó trông hấp dẫn hơn, gọn ghẽ sạch sẽ hơn trong một thời gian, tựa như những cô gái trẻ dồi phấn thoa son và trau chuốt móng tay vậy, nhưng khi tuổi già đến, mọi người đều đồng thuyền như nhau. Đó là tiến trình của thân. Chúng ta không thể tạo cho nó một tiến trình khác được. Nhưng, cái mà chúng ta có thể cải thiện và làm đẹp được là tâm ta.

Nếu thân ta thực sự thuộc về ta, nó sẽ phải nghe theo mệnh lệnh của ta. Nếu ta nói, “Đừng già đi,” hay “Ta cấm thân không được mang bệnh”, liệu nó có nghe lời ta không? Không! Nó chẳng để ý gì đến lời ta nói cả. Chúng ta ở trong thân này chỉ như thuê một cái “nhà”, không sở hữu nó được. Nếu ta nghĩ là nó thuộc về ta, ta sẽ đau khổ khi phải xa rời nó. Nhưng thực tế là, không có gì là một cái ngã thường hằng, không có gì là không thay đổi và vững chắc để chúng ta bám víu vào được