NIỆM PHẬT TÂM ĐỊA CÔNG PHU
Lão Hòa thượng Tịnh Không thuyết giảng
Dịch theo bản in của Xã Ðoàn Pháp Nhân Tịnh Tông Học Hội
Thị xã Ðài Nam, ấn bản tháng 12, 2003


Thay lời tựa


Phần đầu của quyển sách nhỏ này vốn là ‘Những bài nói chuyện trong Phật thất ở Dallas’, phần nhì là đáp lời thỉnh cầu của Ngộ Khải pháp sư, lão hòa thượng Tịnh Không từ Singapore trực tiếp dùng mạng internet khai thị cho đồng tu trong Phật thất Dallas. Hai phần này được cư sĩ Truyền Tịnh kết hợp lại, chỉnh lý, và thêm những tựa đề nhỏ cho từng đoạn. Vài hàng giải thích và cám ơn.

Phần thứ ba có tựa đề ‘Truyền Tâm Pháp Yếu’, ghi lại buổi nói chuyện của lão hòa thượng với lớp đào tạo nhân tài hoằng pháp kỳ 2, tháng 11, 1996 tại Cư Sĩ Lâm Tân Gia Ba, do cư sĩ Nhận Chân chỉnh lý.


A. XÂY DỰNG TÂM LÝ TRONG PHẬT THẤT

a. Sanh tâm ‘Vô trụ’

1. Mục đích của Phật thất

Phật thất là phương pháp tu hành [mà hành giả] đặt ra kỳ hạn để cầu chứng, nghĩa là đặt mục tiêu phải thành công, trong 7 ngày này phải đạt được ‘nhất tâm bất loạn’ nói trong kinh A Di Ðà. Công phu đến ‘nhất tâm bất loạn’ thường được chia ra ba hạng: thượng, trung, hạ. Công phu mức thượng gọi là ‘Lý nhất tâm bất loạn’ có cùng một cảnh giới với mức ‘Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật’ trong Tông Môn. Kế đó là ‘Sự nhất tâm bất loạn’: đoạn dứt kiến tư phiền não, công phu này tương đương với bậc Tiểu thừa A La Hán. Mức thấp nhất gọi là ‘Công phu thành phiến’ (thành khối). Rất ít người có thể đạt được công phu mức thượng và mức trung, nhưng ‘công phu thành phiến’ đích thật là ai cũng có thể đạt được.

Trong vòng 24 giờ đồng hồ trong tâm chỉ có A Di Ðà Phật, ngoài ra không khởi lên một vọng niệm gì khác, đây gọi là ‘công phu thành phiến’. Từ điểm này [chúng ta] có thể biết kết thất niệm Phật có mục đích thù thắng như vậy. Giảng khai thị trong Phật thất được gọi là ‘xen tạp, xía vô’, vì giảng khai thị làm cho tâm người ta loạn lên và không đạt được công phu thành phiến. Tại sao chúng ta không những giảng khai thị trong Phật thất mà còn giảng đến một giờ rưỡi? Nói chung cũng vì lúc dự Phật thất vọng tưởng, tạp niệm [của các bạn] quá nhiều, đạt không được công phu thành phiến, bất đắc dĩ phải làm vậy.

2. ‘Ðạo’ ở trong sanh hoạt hằng ngày.

Tại sao công phu niệm Phật của mọi người không được đắc lực? Nguyên nhân là vì không nhìn thấu, không buông xả, và cũng vì chưa hiểu rõ được chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Tất cả kinh điển Ðại thừa như Lăng Nghiêm, Lăng Già, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa đều đã thảo luận đến những vấn đề này. Tuy kinh Kim Cang không dài nhưng nội dung nhất định không kém những kinh luận Ðại thừa khác, mỗi chữ mỗi câu trong kinh đều hàm chứa vô lượng nghĩa cho nên kinh Kim Cang trong Phật giáo Trung Quốc đã vượt qua [ranh giới] giữa các tông phái, không kể tu học pháp môn nào hầu như không ai không đọc kinh Kim Cang.

Sự việc mà Phật pháp truy cầu là trí huệ rốt ráo, trí huệ cứu cánh viên mãn. Chỉ có trí huệ mới có khả năng giải quyết tất cả vấn đề, [vấn đề] lớn như sanh tử luân hồi, thành Phật làm Tổ, [vấn đề] nhỏ như thân tâm an lạc ngay trong hiện tại. Tâm thanh tịnh thì thân sẽ thanh tịnh, trăm bịnh không sanh; mỗi năm thân thể càng khỏe và dung mạo trẻ trung thêm.

Trong Phật pháp không kể Ðại Thừa, Tiểu Thừa, Hiển Giáo, Mật Giáo đều dạy chúng ta đạt được niềm vui ‘pháp hỷ sung mãn’ trong sanh hoạt thường ngày. [Vậy thì] tại sao đời sống của chúng ta hiện nay lại khổ não như vậy? Nguyên nhân là không có trí huệ. [Khi tôi] đọc Lục Tổ Ðàn Kinh rất ngưỡng mộ Huệ Năng đại sư, lúc gặp Ngũ Tổ Ngài nói: ‘Trong tâm đệ tử thường sanh trí huệ’, đủ thấy được Ngài luôn sanh hoạt trong trí huệ; [ngược lại] chúng ta thì ‘trong tâm đệ tử thường sanh phiền não’, chúng ta luôn sanh hoạt trong phiền não!

Làm thế nào để chuyển phiền não thành bồ đề?

Hình dáng của bồ đề tức là niềm vui ‘pháp hỷ sung mãn’, tức là trí huệ viên mãn. Kim Cang Bát Nhã là trí huệ viên mãn và rốt ráo nhất. Cho nên ngay đoạn đầu trong kinh Kim Cang đức Phật Thích Ca Mâu Ni liền biểu hiện sự đại tự tại, đại viên mãn trong đời sống, dạy cho chúng ta thể hội và học theo. Phần đông các kinh điển đều dùng việc [đức Phật] phóng hào quang, hiện tướng lành để mở đầu, nhưng [đoạn mở đầu] trong kinh Kim Cang đức Phật Thích Ca Mâu Ni ‘đắp y, cầm bình bát, đi vào thành Xá Vệ khất thực’. Ðây là để nói rõ trí huệ cứu cánh viên mãn vốn là ở trong sanh hoạt hằng ngày. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đắp y, cầm bình bát, ăn cơm đều là ‘kim cang bát nhã’; từ sáng đến tối, sanh hoạt, làm việc, tiếp xúc với người và việc, tất cả đều là trí huệ cứu cánh viên mãn. Trong kinh Hoa Nghiêm, những Pháp Thân Ðại Sĩ trong 53 lần tham vấn thị hiện làm nam, nữ, già, trẻ, các ngành nghề, tại gia, xuất gia, đời sống của họ đều giống sự thị hiện của đức Phật Thích Ca trong kinh Kim Cang, đều sanh hoạt trong trí huệ cứu cánh viên mãn. Ðây là sự thọ dụng chân thật mà Phật pháp đem lại cho mọi người, không có gì là mê tín.

Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn nói đến ba thứ chân thật:

1. ‘Chân thật chi tế’ tức là bản tánh chân như, tức là mục tiêu của sự học Phật

2. ‘Trụ chân thật huệ’ tức là Kim Cang Bát Nhã

3. ‘Huệ dĩ chúng sanh chân thật chi lợi’ (Ban cho chúng sanh lợi ích chân thật). Tự mình trụ trong trí huệ chân thật thì mới có khả năng dạy tất cả chúng sanh đạt được trí huệ chân thật. Chúng ta phải làm ra hình tướng tốt cho người ta thấy, làm cho người ta cảm động, muốn học và bắt chước, [làm cho họ] cũng có thể đạt được đời sống viên mãn trí huệ giống như chư Phật, Bồ Tát, đó tức là ‘huệ dĩ chân thật chi lợi’.

Chư Phật, Bồ Tát thị hiện ở thế gian làm gương tốt nhất cho chúng sanh, chúng ta noi theo các Ngài mà học tập, như vậy gọi là ‘học Phật’. Cùng một đạo lý này, làm một đệ tử của Phật, khi khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, hành vi trong đời sống chúng ta đều phải làm gương tốt cho tất cả mọi người. Phật pháp không phải dùng để đàm huyền thuyết diệu mà phải áp dụng vào sự sanh hoạt thường ngày. Nguyên nhân chúng ta học Phật mà không đạt được thọ dụng [lợi ích] của Phật pháp, khuyết điểm của chúng ta là ‘không buông xả’ và ‘không nhìn thấu’. Giống như lão hòa thượng Hư Vân trong Thiền Tông cận đại, đại sư Ấn Quang trong Tịnh Tông, những gì họ thị hiện hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc tu học dạy trong kinh Kim Cang. Sau khi nghe hai câu ‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’ (nên không trụ vào đâu để sanh cái tâm ấy) trong kinh Kim Cang, Lục Tổ Huệ Năng [liền] khai ngộ; thiệt ra mỗi chữ mỗi câu trong kinh đều quan trọng như hai câu này.

Chúng ta học Phật rốt cuộc là để làm gì?

Học cái gì?

Ðạt được cái gì?

Thường thường phản tỉnh như vậy thì mới có cơ hội giác ngộ, không những phải vượt hơn Lục Tổ, mà còn phải vượt ra khỏi thập pháp giới. Nếu không phản tỉnh thì cứ tiếp tục mê hoặc và kẹt mãi trong sáu nẻo luân hồi. Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy: ‘Tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng chấp trước nên không chứng được’, đây là một lời nói chỉ rõ nguồn gốc của thập pháp giới. Khởi vọng tưởng làm ‘Nhất Chân Pháp Giới’ biến thành thập pháp giới; có chấp trước thì tạo thành lục đạo luân hồi. Vì vậy phá chấp trước sẽ ra khỏi lục đạo; đoạn dứt vọng tưởng sẽ ra khỏi thập pháp giới.

‘Tam Quy Y’ là tổng cương lĩnh, mục tiêu chung của sự học Phật. ‘Quy’ nghĩa là quay lại, ‘y’ nghĩa là nương vào, ‘Phật’ nghĩa là ‘giác’. Từ trong mê hoặc điên đảo quay lại nương nhờ vào ‘giác’, từ đây về sau luôn ‘giác mà không mê’ tức là ‘quy y Phật’. Pháp nghĩa là chánh tri chánh kiến (sự hiểu biết, cái nhìn đúng đắn), từ tất cả tà tri tà kiến (sự hiểu biết, cái nhìn sai lầm) quay lại nương vào tri kiến Phật tức là ‘quy y Pháp’. Tăng có nghĩa là thanh tịnh, sáu căn thanh tịnh một mảy trần cũng không nhiễm. Hiện nay chúng ta thường nói đến tâm lý, tinh thần, tư tưởng, và kiến giải ô nhiễm, thậm chí đến sinh lý, hoàn cảnh ô nhiễm …., chúng ta từ trong tất cả nhiễm ô quay lại nương vào thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì thân thanh tịnh; thân tâm thanh tịnh thì hoàn cảnh sẽ thanh tịnh. Ðó mới là ‘quy y Tăng’.

Phật pháp [dạy chúng ta] tu cái gì?

Tu ‘giác, chánh, tịnh’.

Dùng phương pháp gì để tu?

Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn.

‘Pháp’ là phương pháp, môn là lối vào; vô lượng vô biên phương pháp đường lối đều tu ‘giác, chánh, tịnh’. Nếu phương pháp đường lối [nào đó] không có tu ‘giác, chánh, tịnh’ mà ngược lại là ‘mê, tà, nhiễm’ thì đó không phải là Phật pháp. Nếu mỗi ngày chúng ta sinh hoạt, làm việc, tiếp xúc với người và sự việc mà không tương ứng, phù hợp với giác, chánh, tịnh thì pháp chúng ta học không phải là chánh pháp.

Kinh Kim Cang nói: ‘[Chánh] pháp còn phải xả, huống hồ là phi pháp’. Pháp thế gian do nhân duyên sanh, duyên khởi tánh không; Phật pháp cũng do nhân duyên sanh, cũng là ‘đương thể giai không, liễu bất khả đắc’ (bản thể đều là không, không thể nào [nắm lấy] được). Ðây là điều mà đức Phật dạy chúng ta đừng nên chấp trước thế pháp và Phật pháp, ‘Ưng vô sở trụ’, ‘trụ’ tức là chấp trước. Nhưng không phải dạy người ta ‘không nên chấp trước thế pháp, rồi chấp trước Phật pháp’. Trong kinh nói rất rõ ràng, Phật pháp cũng không được chấp trước, cũng phải buông xả. Hôm nay tại sao chúng ta không thể buông xả? Vì không hiểu rõ chân tướng sự thật. Ðời sống của đức Phật Thích Ca Mâu Ni vô cùng tự tại siêu thoát, nguyên nhân là vì đối với tất cả các pháp Ngài có thể làm được ‘ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’ (nên không trụ vào đâu để sanh cái tâm ấy). Chúng ta học Phật, học Bồ Tát thì phải học cho tâm thanh tịnh, một tí bụi cũng không nhiễm; khi tiếp xúc với mọi cảnh giới đều phải có trí huệ viên mãn, sanh hoạt được tự tại là pháp hỷ sung mãn, có thể làm cho người khác hâm mộ. Mỗi ngày đức Thế Tôn đều biểu diễn như vậy, chưa từng gián đoạn, nhưng chưa có ai đề cập đến chuyện này.

Một hôm giữa đám đông, tôn giả Tu Bồ Ðề tán thán đức Phật Thích Ca Mâu Ni ‘Hiếm có, Thế Tôn’. Pháp giới cứu cánh viên mãn của Thế Tôn đã tu chứng được từ lũy kiếp (A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ Ðề) vốn là được dùng trong sanh hoạt thường ngày: mặc áo, ăn cơm; từng ly từng tí đều là ‘Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác’, và cũng là ‘Trí huệ vô thượng, rốt ráo, cứu cánh, viên mãn’. Ðiều này mới thật sự là hiếm có!

Ngài Tu Bồ Ðề nói tiếp: ‘Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ Tát, thiện phó chúc chư Bồ Tát’. Bồ Tát là học trò. Ðức Phật làm sao hộ niệm học trò? [Bằng cách] làm [gương mẫu] cho học trò thấy, để học trò thể nghiệm, học tập, thực hiện trong đời sống. Ðây là sự hộ niệm và phó chúc thật sự. Phó chúc có nghĩa là giao trọng trách, nhắn nhủ. Quý vị hiểu rõ, làm được rồi, lại phải dạy và làm gương tốt cho tất cả chúng sanh, hy vọng mọi người đều giác ngộ, ai cũng sống một cuộc đời chân thật, mỹ mãn, trí huệ; đây là bổn nguyện của đức Phật.

Chư Phật, Bồ Tát ở trong thế gian không nhất định phải thị hiện làm pháp sư hay cư sĩ trong Phật môn, mà cũng thường thị hiện làm người trong tôn giáo khác. Thắng Nhiệt Bà La Môn và Biến Hành Ngoại đạo trong kinh Hoa Nghiêm đều là các người lãnh đạo tôn giáo. Những nguyên lý và nguyên tắc dạy dỗ chúng sanh của họ không khác với những gì Phật dạy, nhưng phương pháp không giống nhau. Họ là chư Phật, Bồ Tát ứng hóa thị hiện, như trong kinh có nói: ‘Tuỳ tâm chúng sanh, mà ứng hoá theo tri lượng như vậy’. Thật là vĩ đại!

Ngày 1 tháng 2 năm nay, Cục trưởng Cục Sự Vụ Dân tộc Thiểu Số ở Queensland, Úc Châu, ông Uri Themal OAM tổ chức một buổi luận đàn ‘Ða Nguyên Văn Hóa’ ở Queensland và mời tôi đến nói chuyện. Mục đích của buổi luận đàn này vô cùng quý báu, theo cái nhìn của Phật pháp thì người này là Phật, Bồ Tát. Ông này là người Do Thái, nhập tịch Úc, theo đạo Do Thái. Mục đích của buổi họp ‘Ða nguyên văn hoá’ là hy vọng tập hợp tất cả tôn giáo trên thế giới lại với nhau và thảo luận làm thế nào để đoàn kết, làm thế nào để xoá bỏ sự cách biệt giữa mọi chủng tộc, bối cảnh văn hoá, và tôn giáo tín ngưỡng khác nhau. Vì ngày nay chính phủ Úc có chính sách mở rộng, mọi người từ khắp nơi trên thế giới di dân đến Úc càng ngày càng nhiều, làm sao có thể sanh hoạt hài hoà với nhau, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, để đạt đến mục đích xã hội phồn vinh, an định, hưng thạnh, phú cường. Ðiều này là quan niệm của Phật, Bồ Tát [trong việc] hoằng pháp lợi sanh.

Hôm đó tôi họp mặt cùng với người lãnh đạo của 14 đoàn thể tôn giáo, tôi khen ngợi họ là những Bồ Tát thật sự, hoàn toàn buông bỏ thành kiến cá nhân để mưu cầu cho xã hội an định, hạnh phúc thực sự cho mọi người. Tôi hy vọng cuộc đàm luận này có thể mở rộng đến mọi thành phố, và hy vọng có thể phát triển đến khắp mọi nơi trên thế giới. Mục tiêu của buổi họp là hoà bình thế giới. Tuy nhiên hòa bình không phải chỉ dùng miệng hô hào là được, nhất định phải tiêu trừ hết tất cả những mối hiềm khích lẫn nhau, ý kiến khác nhau; tìm ra điểm tương đồng giữa quan niệm của mọi người. Thí dụ trong các tôn giáo có nói đến ‘Chúa thương yêu người đời’, nói đến ‘bác ái’, trong Phật pháp nói đến ‘từ bi’, đây là điểm tương đồng.

Tất cả mọi tôn giáo đều có điểm tương đồng, chúng ta tạm thời gạt những điểm dị biệt qua một bên, phát huy những điểm tương đồng trước, từ điểm này xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau. Kinh Phật thường nói vạn pháp đều từ ‘Tự tánh biến hiện’ ra, không có đạo lý ‘không thể dung hoà lẫn nhau’. Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘lý sự vô ngại, sự sự vô ngại’, đây là chân lý. Nếu có trí huệ, tất cả những sự cách biệt, hiểu lầm đều có thể hoá giải, thế giới, nhân sanh đều biến thành tốt đẹp.



3. Làm thế nào ‘an tâm đoạn vọng’.

Tôn giả Tu Bồ Ðề trong hội giảng kinh Kim Cang Bát Nhã nhìn thấy sanh hoạt, việc làm, cách đối người, tiếp vật đều là ‘Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật’, nghĩa là ‘trí huệ cứu cánh viên mãn’, và cũng là ‘A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ Ðề’ (A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ Ðề nghĩa là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác). Vì thế Ngài hỏi đức Phật: ‘Thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ Ðề’. ‘Thiện nam tử, thiện nữ nhân’ ở đây chỉ các bạn đồng học. Ðiểm này vô cùng trân quý – các bạn đồng học phát tâm rồi, nhưng không thể làm được tự tại rốt ráo như đức Phật. Nguyên nhân ở tại chỗ nào?

Ngài Tu Bồ Ðề vô cùng khéo léo, thay mặt mọi người nêu ra hai câu hỏi, hỏi đúng ngay chỗ bí, chỗ gút mắc [của mọi người], câu hỏi thứ nhất là:

‘Ưng vân hà trụ’ (Nên trụ ở đâu), câu thứ nhì:

‘Vân hà hàng phục kỳ tâm’ (Làm sao để khuất phục tâm này?)

Câu thứ nhất, không biết phải an trụ tâm ở đâu?

Câu thứ hai, vọng niệm vọng tưởng quá nhiều, làm sao để đoạn dứt?

‘Hàng phục kỳ tâm’ tức là ‘khuất phục phiền não’. Từ điểm này có thể biết, không biết nên an trụ tâm ở đâu tức là vọng tưởng, ý niệm quá nhiều, tất cả đều là phiền não. Thị phi, nhân ngã, tham, sân, si, mạn (kiêu mạn, kiêu căng) là ‘vọng tưởng, chấp trước’ nói trong kinh Hoa Nghiêm. ‘Ưng vân hà trụ’ là dạy người ta giải quyết [dẹp trừ] vọng tưởng; ‘vân hà hàng phục kỳ tâm’ nghĩa là làm sao phá trừ chấp trước. Nếu hai vấn đề này được giải quyết thì có thể vượt ra khỏi mười pháp giới, như vậy mới biết ý nghĩa của của câu hỏi này vô cùng sâu rộng, nghệ thuật hỏi cũng rất cao minh.

Hai câu hỏi này thực ra là hai mặt của một vấn đề, đức Phật trả lời cụ thể rằng Bồ Tát làm thế nào để khuất phục tâm này. Phật dạy Bồ Tát, tức là dạy chúng ta. ‘Sở hữu nhất thiết chúng sanh chi loại…., ngã giai linh nhập Vô Dư Niết Bàn nhi diệt độ chi’ (Tất cả mọi loài chúng sanh…, ta đều khiến cho nhập vào Vô Dư Niết Bàn hòng diệt độ), nếu có thể sanh tâm như vậy tức là tâm Phật, tức là chân tâm. Chúng ta phải có tâm niệm giống như chư Phật, Bồ Tát; Phật dạy chúng ta dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm đại từ bi để đối xử với tất cả chúng sanh. Kinh nói: ‘Phật không độ người chẳng có duyên’, chịu tiếp nhận dạy dỗ tức là có duyên, không tiếp nhận tức là chẳng có duyên. Trong nhà Phật không bỏ một người nào cả, chư Phật, Bồ Tát chân thành từ bi, sẽ không buông bỏ một người nào cả; vấn đề là chúng ta có chịu y theo lời dạy mà thực hành hay không? Khi chúng ta giúp đỡ chúng sanh không chỉ giúp đỡ họ trong một thời gian ngắn mà phải giúp họ đạt đến cứu cánh rốt ráo, tức là ‘đều giúp cho nhập vào Niết Bàn Vô Dư rồi diệt độ’. Nói một cách khác phải luôn luôn giúp đỡ chúng sanh chứng được ‘Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác’, câu này là để dạy chúng ta ‘nhi sanh kỳ tâm’ (để sanh cái tâm ấy).

‘Sanh tâm’ phải ‘vô trụ’ mới được, nên đức Phật nói tiếp: ‘Như thị diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh, thực vô chúng sanh đắc diệt độ giả’ (Ðộ vô lượng vô số chúng sanh nhiều như vậy nhưng thực sự không có chúng sanh được diệt độ). Tâm của Phật, Bồ Tát thanh tịnh như thế! Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni mặc áo chỉnh tề, sạch sẽ, không trước tướng; trì bát [khất thực] mỗi ngày, ăn uống cũng không chấp tướng. Hết thảy lời nói, hành động, cử chỉ đều để làm gương cho tất cả chúng sanh, trong tâm trống rỗng, cho đến mảy trần chẳng nhiễm, nhất định không có tí phân biệt chấp trước gì cả. Phật, Bồ Tát giúp đỡ chúng sanh hoàn toàn không nghĩ rằng mình ban ân huệ cho họ, nên mới gọi là ‘vô duyên đại từ’. Vô duyên nghĩa là không đặt điều kiện. Như vậy mới biết được chỗ cao cả, vĩ đại của chư Phật, vì tâm lượng của các Ngài đã mở rộng, tận hư không khắp pháp giới đều là một thể cả. Vì tất cả chúng sanh và mình đều là một thể cho nên người thực sự giác ngộ nhất định sẽ từ bi, thương yêu chăm sóc vô điều kiện cho tất cả chúng sanh. Nhưng chúng sanh mê hoặc điên đảo không biết tận hư không, khắp pháp giới đều là một, cho rằng người khác không có liên can gì với mình, mình tốt đẹp là được rồi, lo cho người khác làm gì.

Thế Tôn đặc biệt nhắc nhở chúng ta: ‘Nếu Bồ Tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức không phải là Bồ Tát’. [Ngài] dùng câu này để dạy chúng ta lìa bốn tướng và cũng là lìa tất cả pháp tướng thế và xuất thế gian. ‘Ngã tướng’ là chấp trước ‘tôi’, cứ tưởng thân này là của mình, cứ tưởng [cái] có thể tư duy, tưởng tượng là tôi. Thiệt ra đó là ‘tứ kiến’ (ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến) và đem những thứ này xem là ‘tôi’, đây là nguyên nhân của tất cả sai lầm. Những gì đối lập với ‘tôi’ đều xưng là ‘người’ (nhân); tất cả chúng sanh hữu tình trong chín pháp giới đều ở trong phạm vi ‘người’ này. Thế mới biết phạm vi của ‘nhân tướng’ (tướng người) vô cùng rộng lớn, chư Phật, Bồ Tát cũng dùng ‘người’ làm đại biểu.

Ðức Phật nói với chúng ta tất cả hiện tượng thế gian và xuất thế gian, y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới (người thế gian dùng danh từ ‘vũ trụ vạn hữu’) từ đâu đến? Hình thành ra sao? Diễn biến như thế nào? Phật nói là do: ‘Chúng duyên hoà hợp nhi sanh’ (do các nhân duyên hoà hợp mà sanh ra), tức là ‘tướng chúng sanh’. Vì do các nhân duyên hòa hợp mà tạo thành, hàm ý thật sự trong đó là ‘không có tự thể’, ‘đương thể giai không, liễu bất khả đắc’ (bản thể của nó là không, trọn chẳng thể nắm lấy)--- tướng hữu, thể không, liễu bất khả đắc (Tướng thì có, nhưng bản thể là không, trọn chẳng thể đạt được). ‘Thế pháp’ (pháp thế gian) là do nhiều [nhân] duyên [hợp lại] mà sanh ra, kinh Bát Nhã nói ‘duyên khởi tánh không’; ‘Phật pháp’ cũng là ‘duyên khởi tánh không’, trong chân tâm bản tánh không có Phật pháp. Lục Tổ nói rất hay: ‘Bổn lai vô nhất vật’ (vốn chẳng có một vật), Phật pháp cũng là một vật, vốn cũng không có. Thế mới biết hàm ý của ‘chúng sanh tướng’ sâu xa vô cùng!

‘Thọ giả tướng’ chỉ thời gian tồn tại dài ngắn của các hiện tượng. Kệ cuối cùng trong kinh Kim Cang nói:

‘Nhất thiết hữu vi pháp (Tất cả pháp hữu vi

Như mộng huyễn bào ảnh, Như mộng huyễn, bọt, ảnh,

Như lộ diệc như điển Như sương cũng như chớp
Ưng tác như thị quán’ Nên quán sát như vậy)

‘Như mộng, huyễn, bọt, ảnh’ tức là chúng sanh tướng; ‘như sương cũng như chớp’ tức là thọ giả tướng, thời gian nó tồn tại [rất ngắn] như giọt sương, như ánh chớp. Sương thí dụ cho tướng tương tục (tướng tiếp nối), người ta trên thế gian có thể sống được mấy chục năm, thí dụ ‘như sương’. Ðiện chớp thí dụ cho ‘tướng chân thật’. Trong kinh ‘Nhân Vương Bát Nhã’ đức Phật nói ‘một cái khảy ngón tay có 60 sát na, một sát na có 900 lần sanh diệt’, tức là ‘như chớp’. Hiện tượng đích thật không tồn tại, từ ‘chúng sanh tướng’ và ‘thọ giả tướng’ liền hiểu rõ được chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh, mới hiểu được ‘đương thể tức không, liễu bất khả đắc’ (bản thể của nó đều là không, chẳng thể đạt được). Thế nên kết luận là ‘vạn pháp giai không, nhân quả bất không’ (vạn pháp đều là không, nhân quả chẳng không).



4. Vạn pháp là tướng tương tục (tiếp nối) của nhân quả

Nhân quả cũng ở trong vạn pháp, tại sao nói nhân quả chẳng không? Nhân quả là căn nguyên của hiện tượng năng biến; ‘nhân’ là năng biến (chủ thể thực hiện động tác biến hiện), ‘quả’ là sở biến (cái được biến hiện ra). Tại sao có mười pháp giới? Có ‘nhân’ của Phật, thì sẽ hiện pháp giới Phật; có ‘nhân’ Bồ Tát thì sẽ hiện pháp giới Bồ Tát. Cùng nghĩa lý này, có ‘nhân’ ngạ quỷ thì sẽ hiện ra pháp giới của quỷ; có ‘nhân’ địa ngục thì sẽ hiện pháp giới địa ngục. Những hiện tượng này đều là tự tâm biến hiện ra. Cũng như mỗi ngày nằm mộng, toàn là do ý niệm của mình biến hiện, cũng là tâm ý thức biến hiện ra. Tâm địa lương thiện, từ bi thì mỗi ngày đều nằm mộng tốt lành; mỗi ngày từ sáng đến tối đều tham, sân, si, mạn, đố kỵ chướng ngại thì mỗi ngày đều có ác mộng. Y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều là hiện tượng do tự tánh tuỳ theo duyên của nghiệp nhân biến thành. Từ điểm này có thể biết: ‘tất cả vũ trụ nhân sanh đều là tướng tiếp nối của nhân duyên quả báo biến thành’ mà thôi. Sau khi nhìn thấy và hiểu rõ như vậy thì tại sao không buông xả chứ? Ðối với tất cả người ác, nghịch cảnh, tự nhiên có thể nhìn thấu, tự nhiên có thể buông xả. Vì hiểu được [tất cả] hiện tượng đều là nghiệp nhân quả báo tiếp nối liên tục, bản thể của nó đều là không, không thể nắm giữ lấy được. Lúc đó trí huệ chân thật hiện ra, tâm đó nhất định phải chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, hết thảy đều biểu hiện trong sanh hoạt như lời của Lục Tổ: ‘Nếu là người tu đạo chân chánh, không nhìn thấy lỗi lầm của thế gian’, chỉ nhìn thấy sự sanh diệt từng sát na của tướng nhân quả tiếp nối.

Nhất Chân pháp giới (Thật Báo độ) là nơi chư Phật Như Lai trụ và cũng từ tự tánh biến hiện ra. Tâm thanh tịnh, tâm thuần tịnh biến ra cảnh giới ‘Thật Báo Ðộ’. Tâm thanh tịnh nhưng không thuần tịnh biến hiện ra ‘Tứ Thánh tịnh độ’. ‘Tứ thánh’ là pháp giới Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác trong mười pháp giới. Tâm không thanh tịnh thì biến thành báo độ của lục đạo, thế mới biết tâm chúng ta là nhiễm mà không tịnh [vì chúng ta đang ở trong lục đạo].

Phân biệt, chấp trước bốn tướng thì không phải là Bồ Tát. Tiêu chuẩn của Bồ Tát rất nhiều, nếu chúng ta đã thọ giới Bồ Tát, thì [hiểu mình] là Bồ Tát cũng không sai, nhưng [như vậy] chưa đúng với tiêu chuẩn Bồ Tát của kinh Kim Cang. Tiêu chuẩn Bồ Tát của kinh Kim Cang cũng tức là tiêu chuẩn của kinh Hoa Nghiêm, 41 vị Pháp Thân Ðại Sĩ đều là Bồ Tát đã vượt ra khỏi mười pháp giới. Thế nên [trong câu] ‘nếu Bồ Tát có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng’ thêm vào vài chữ liền rõ ràng, ‘tức không phải Bồ Tát (trong Nhất Chân pháp giới)’.

Trong mười pháp giới có Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Phật nói ở đây cũng không bằng Bồ Tát nói trong kinh Kim Cang (còn chưa vượt ra khỏi mười pháp giới). Tông Thiên Thai giảng tứ giáo: Tạng, Thông, Biệt, Viên. Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật đều ở trong mười pháp giới, chưa minh tâm kiến tánh, một phẩm vô minh cũng chưa phá trừ. Biệt Giáo Phật vượt khỏi mười pháp giới, bằng địa vị Nhị Hạnh Bồ Tát của Viên Giáo, đã phá trừ 12 phẩm trong 41 phẩm vô minh. (1)

Nếu hiểu rõ chân tướng sự thật thì có thể nhìn thấu; sau khi nhìn thấu rồi thì tự nhiên sẽ buông xả, không cần người khác khuyên. Nếu không nhìn thấu, khuyên cách nào cũng chẳng được. Trong tâm không có những nỗi niềm âu sầu, nhớ nhung, lo lắng, mới thật sự thong dong tự tại, mới đúng là đáng sống. Ðức Phật dạy chúng ta nguyên lý và nguyên tắc của đời sống: ‘Bồ Tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư bố thí’ (Bồ Tát đối với tất cả các pháp không nên chấp trước, [nên] làm việc bố thí). Phạm vi của bố thí rất rộng, tức là như người ta thường nói: ‘lấy được, buông được’. ‘Ư pháp ưng vô sở trụ’ là thế pháp, Phật pháp cũng ‘vô sở trụ’. ‘Vô trụ’ nghĩa là không chấp trước. Ðối với thế pháp, Phật pháp đều không phân biệt, không chấp trước, tức là ‘ưng vô sở trụ’. Ngày nay chúng ta không hiểu rõ chân tướng, chuyện gì cũng phân biệt, tính toán, đương nhiên sẽ phải chịu khổ nạn.

Trong kinh đức Phật nói rất rõ, kinh Kim Cang không phải nói cho người tầm thường, mà là để nói cho người căn tánh đại thừa, tối thượng thừa (‘vi phát đại thừa giả thuyết, vi phát tối thượng thừa giả thuyết’). Chỉ có người căn tánh đại thừa, tối thượng thừa, căn tánh viên đốn, ngay một đời này liền giải quyết rốt ráo vấn đề, không cần phải tu 3 a tăng kỳ kiếp.



5. Ðoạn ác tu thiện trong đời sống.

Người [tu theo] Ðại thừa phải giữ gìn nguyên tắc, đối với tất cả các pháp đều không phân biệt, chấp trước, nhưng phải thực hành ‘đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện’ và bắt đầu từ việc mặc áo, ăn cơm. Không giặt quần áo sạch sẽ là ‘ác’; tại sao không giặt sạch sẽ? Không xếp quần áo chỉnh tề là ‘ác’? Tại sao không xếp chỉnh tề? Không lau bàn sạch sẽ là ‘ác’; không bày chén đũa ngăn nắp lúc ăn cơm là ‘ác’.

Ngày nay chúng ta học Phật, đối với cha mẹ chưa làm hết bổn phận là ác; gia đình không thể làm gương tốt cho láng giềng cũng là ác. Làm gương tốt cho con cái là thiện; hình dáng không tốt tức là ác; Ðoạn ác tu thiện bắt đầu từ những việc này, đó mới là học Phật thực sự. Nếu tách rời việc đoạn ác tu thiện ra khỏi đời sống hằng ngày thì chẳng có ích lợi chi cả, người như vậy đúng là ‘không hiểu rõ chân thiệt nghĩa của Như Lai’.

Một người từ lúc sanh ra đến lúc lìa đời, từ sáng đến tối, từng ly từng tí, hai chữ ‘bố thí’ bao gồm hết thảy. Ý nghĩa của ‘hành ư bố thí (làm việc bố thí)’ rất sâu rộng, làm thế nào biến đời sống của mình thành kim cang bát nhã, đem công việc, giao tiếp với người và sự việc làm giống như Phật, Bồ Tát. Phật, Bồ Tát không phải để cúng ở Phật Ðường, Phật, Bồ Tát tức là bản thân mình, như vậy mới là học Phật, trong Phật pháp người này mới đạt được sự thọ dụng chân thật.



b. Ảo tướng của duyên sanh, đương thể tức không



1. Bố thí vô trụ.

‘Ưng vô sở trụ, hành ư bố thí’. Tuy ngôn ngữ ngắn gọn, nội dung lại vô cùng sâu xa. Hai câu này không những dạy chúng ta làm người, mà còn bao gồm đời sống mỹ mãn của chín pháp giới chúng sanh. Nếu có thể y giáo phụng hành, thật sự làm được thì người này là Bồ Tát, là học trò chân chánh của đức Phật, đệ tử của Như Lai.
Ý nghĩa của ‘bố thí’ là ‘xả’. Thí dụ người nội trợ từ sáng đến tối bận việc gia đình, nếu hiểu được Phật pháp thì là tu ‘Bố Thí Ba La Mật’.

Loại bố thí này vô cùng rộng lớn, đừng tưởng là mình chỉ phục vụ cho vài người trong nhà, tâm lượng như vậy quá hạn hẹp, nhãn quang quá nhỏ, chỉ nhìn thấy một chút này mà không biết ảnh hưởng của nó bao lớn. Làm những việc trong nhà này đòi hỏi thể lực; khi suy nghĩ nên làm thế nào thì phải dùng trí huệ, thân và tâm đều làm việc bố thí. Chăm sóc đời sống cho cả nhà được thoải mái, đó là hành Bồ Tát Ðạo. Gia đình như thế là một đạo tràng, người nhà là đối tượng để bạn độ hóa.

Kinh Hoa Nghiêm nói bố thí gồm có ‘ngoại tài’ và ‘nội tài’. Lao lực và trí huệ thuộc về nội tài; những vật ngoài thân thuộc về ngoại tài. Nội tài và ngoại tài đều nên xả. Cho nên mỗi ngày đi làm, làm công việc của mình cho đến nơi đến chốn là bố thí cho công ty; công ty phục vụ cho đại chúng là bố thí cho xã hội. Như vậy mới biết việc này cũng giống như những làn sóng trên mặt nước. Liệng một cục đá xuống nước tạo thành những làn sóng hình tròn, càng lan rộng càng lớn. Gia đình cũng giống vậy, một gia đình hạnh phúc sẽ ảnh hưởng đến láng giềng, xã hội, quốc gia, thế giới, Phật dạy chúng ta làm một gương tốt cho mọi người trong thế gian này: gia đình chúng ta là gương tốt cho mọi gia đình, công ty là một công ty tốt nhất, gương mẫu cho mọi công ty trên thế giới, thế mới là Phật pháp. Trong Phật pháp thứ nào cũng hạng nhất cho nên Phật pháp rất bình đẳng.

Pháp môn tu hành của 25 vị Bồ Tát trong 25 Chương Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm đều khác nhau, [nhưng] pháp môn nào cũng là hạng nhất. Ðây là ‘chư pháp như nghĩa’, [nghĩa là] ‘các pháp bình đẳng, không có cao thấp’ nói trong kinh Kim Cang. Có cao thấp tức không phải là Phật pháp, có cao thấp tức là ‘nhị pháp’, Phật pháp là pháp bất nhị (pháp không hai). Nghĩa lý của việc này sâu rộng vô cùng, trong kinh đức Phật nói đến việc này rất nhiều, rõ ràng, và minh bạch.

Tu bố thí là tu nhân, nhân nhất định có quả báo, cho nên ‘nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định’ (một miếng ăn một miếng uống đều có định sẵn từ trước). [Vận] ‘Mạng’ từ đâu đến? Từ nhân đã tạo ở đời trước, đời này nhận lấy quả báo. Nhân quả nhất định tương ứng [lẫn nhau], -- nhân duyên quả báo tơ hào chẳng sai -- Trồng nhân gì thì sẽ được quả báo đó. Muốn biết nhân tạo đời trước, những gì mình nhận chịu đời này là nó (nhân đời trước). Muốn biết quả đời sau, những gì mình làm đời này là nó (quả đời sau). Ðây là chân lý.

‘Thế gian’ là ‘tướng tương tục, tiếp nối của nhân duyên quả báo’ mà thôi, cho nên trong kinh đức Phật nói ‘Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả’. Bồ Tát là người giác ngộ, chúng sanh là người mê hoặc. Người mê không sợ tạo nghiệp, khi quả báo hiện ra thì mới sợ; người giác ngộ không sợ quả báo, quả báo vừa đến, khó khăn trở ngại đến thì tùy thuận theo mà nhận chịu. Khi khởi tâm động niệm, đối xử với người và tiếp xúc với mọi vật đều không khởi tâm niệm ác, ý nghĩ ác, được vậy thì quả báo nhất định sẽ tốt lành, viên mãn. Niệm niệm đều vì lợi ích, phước lợi của tất cả chúng sanh, không nghĩ đến mình, thân tâm thanh tịnh, tự tại vui vẻ, như vậy mới là phước báo chân thật.

‘Bố thí pháp’ là nhân, thông minh trí huệ là quả báo. Khoẻ mạnh sống lâu là quả báo của sự tu bố thí vô uý. Bố thí vô uý là gì? Ðó là từ bi, quan tâm, thương mến tất cả chúng sanh, làm cho tất cả chúng sanh được thân tâm an ổn, vĩnh viễn xa lìa lo buồn, sợ sệt. Trong định luật nhân quả, tuyệt đối không có việc chịu thiệt thòi, bị lường gạt, và cũng không có việc lợi dụng. Nếu bạn tưởng là chịu thiệt thòi và bị lường gạt, [nhưng thực ra đó] chỉ là quả báo của những việc mình làm đời trước. Hiểu rõ đạo lý và chân tướng sự thật thì tâm chúng ta sẽ định, cho dù bị người khác lường gạt, sỉ nhục, thì cũng có thể nhìn thấu và buông xả. Vì hóa giải oan trái gút mắc xong thì khi gặp nhau sẽ vui vẻ. Nên giải trừ oán thù chứ không nên kết, người có thông minh trí huệ chân thật nhất định sẽ không kết oán thù với bất cứ người nào, tương lai trên con đường bồ đề sẽ được thuận buồm xuôi gió.

Lý do chúng sanh kết oán thù không ngoài hai nguyên nhân, nguyên nhân thứ nhất là căn bịnh tập khí (thói quen) của mình, nhìn không quen thì chịu không nổi, không nhất định [việc đó] có liên quan gì với mình. Trong [Pháp Bảo] Ðàn Kinh, Lục Tổ Ðại sư nói: ‘Nếu là người tu đạo chân thật thì sẽ không nhìn thấy lỗi lầm của thế gian (người khác)’. Lỗi lầm của người khác không liên can gì với mình, nên dùng tâm thanh tịnh, từ bi đối xử với tất cả chúng sanh.

Nguyên nhân thứ hai là ‘lợi hại xung đột’ (đụng chạm quyền lợi), đây là nguyên nhân lớn nhất làm cho chúng sanh kết oán thù, trong Phật pháp gọi là ác duyên. Thiệt ra chẳng có lợi hại, tất cả đều do vận mạng an bài. Nếu hiểu được đạo lý này, cũng như ‘Liễu Phàm Tứ Huấn’ có nói: ‘Quân tử vui làm người quân tử, tiểu nhân làm người tiểu nhân oan uổng’. Những gì đạt được khi dùng tất cả những thủ đoạn không chính đáng, không lương thiện, cũng là vốn sẵn có trong vận mạng, nhất định không phải dùng thủ đoạn mà có thể đạt được, nếu không như vậy thì sẽ trái ngược với định luật nhân quả. Vì vậy nếu hiểu được đạo lý và chân tướng sự thật này, tâm [chúng ta] sẽ vĩnh viễn bình [an, thanh] tịnh. Tâm thanh tịnh sẽ sanh trí huệ, kinh Kim Cang nói: ‘Lòng tin thanh tịnh ắt sanh thật tướng’.

Phật dạy ‘Ưng vô sở trụ’. ‘Trụ’ là chấp trước; ‘vô sở trụ’ nghĩa là không chấp trước. Chấp trước là căn bịnh. Vũ trụ, vạn vật, sanh mạng, lục đạo do đâu mà có? Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật trả lời cho câu hỏi này, đó là: ‘vọng tưởng, chấp trước’. Vì có vọng tưởng nên biến hiện ra thập pháp giới, vì có chấp trước nên biến hiện ra lục đạo luân hồi. Vì vậy nếu phá chấp trước thì sẽ vượt ra khỏi lục đạo; đoạn trừ vọng tưởng thì sẽ vượt ra khỏi thập pháp giới. Từ xưa đến nay các khoa học gia, triết học gia trong và ngoài nước đều muốn tìm kiếm nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, họ có thể tìm đến bờ mé nhưng tìm không được nguồn gốc chân thật. Vì họ dùng đầu óc suy nghĩ, suy nghĩ tức là vọng tưởng, chấp trước, cả hai đều có giới hạn, không thể phá tan giới hạn của ý thức.

Ðức Phật dạy chúng ta khi đoạn vọng tưởng, phân biệt, và chấp trước thì giới hạn của tâm ý thức sẽ bị phá tan; sau khi phá tan mới có thể nhìn thấy bộ mặt thật của vũ trụ nhân sanh, mới hiểu rõ chân tướng sự thật. Cho nên sự tu học trong Phật pháp bất cứ pháp môn, tông phái nào cũng đều tu ‘thiền định’. Niệm Phật đạt được ‘nhất tâm bất loạn’ là ‘thiền định’. Giáo Hạ tu ‘chỉ quán’ cũng là ‘thiền định’. Tuy danh từ và phương pháp không giống nhau nhưng tất cả đều tu ‘thiền định’. ‘Giới’ là phương pháp chính xác; y theo phương pháp chính xác mới có thể nhập ‘định’; sau khi nhập định thì sẽ khai ‘trí huệ’; có trí huệ thì mới có thể hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh.

Chúng ta chuyên cần tu tập ba thứ bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô uý, và không trước tướng (chấp tướng), như vậy rất đúng. Nếu trước tướng mà tu 3 thứ bố thí này, quả báo sẽ chỉ là phước báo trong cõi người và trời, làm vua, thiên vương, người trời, người trưởng giả giàu có, không thể thoát ra khỏi tam giới, đương nhiên cũng không ra khỏi thập pháp giới. Phật dạy chúng ta ‘ưng vô sở trụ’, không trụ ‘chấp trước’ thì ra khỏi lục đạo; không trụ ‘vọng tưởng’ thì ra khỏi thập pháp giới. Nhưng không trụ ‘chấp trước’ (không trước tướng) rất khó làm được, cần phải dụng công thiết thực nơi ‘nhìn thấu’, ‘buông xả’, ‘niệm Phật’.



2. Quy hướng Cực Lạc Tịnh Ðộ.

Trong phẩm thứ 10 ‘Giai Nguyện Tác Phật’ (Ðều Nguyện Làm Phật) của kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật nói nhóm 500 người cùng vua A Xà Thế trong đời quá khứ đã từng cúng dường 400 ức Phật. Khi nghe đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh Vô Lượng Thọ xong, họ sanh tâm hoan hỷ, hy vọng sau này thành Phật cũng giống như đức Phật A Di Ðà, nhưng không phát khởi ý niệm tín nguyện cầu vãng sanh. Thế mới biết khi nghe danh hiệu của đức Phật A Di Ðà rồi sanh tâm hoan hỷ, cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới, người này trong đời quá khứ tu tập tích lũy thiện căn nhất định vượt hơn vua A Xà Thế cúng dường chư Phật Như Lai, nhất định không chỉ [cúng dường] 400 ức chư Phật. Vì chúng ta có thể phát tâm cầu sanh Cực Lạc thế giới nhưng họ chưa từng phát lên tâm niệm này.

Cho nên trong kinh nói pháp môn Tịnh Ðộ đều được tất cả chư Phật tuyên nói, không phải chỉ có 1 hay 2 đức Phật nói mà thôi, thiệt là pháp khó tin. Kinh A Di Ðà dạy ‘không thể dùng ít thiện căn, phước đức, nhân duyên được sanh nước đó’, thế mới biết được thiện căn của chúng ta sâu dày bao nhiêu, vô cùng hiếm có! Ðời này chúng ta gặp được pháp môn Tịnh Ðộ và sanh tâm hoan hỷ, tín nguyện cầu vãng sanh, việc này rất đáng vui mừng và hân hạnh.

Ðức Phật giáo hoá chúng sanh đích thật là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, đại từ, đại bi. Thiện căn của chúng sanh không sâu dày thì phải vun bồi từ từ, từng đời từng đời giúp đỡ họ. Thiện căn đã thành thục (chín muồi) thì giúp họ tín nguyện niệm Phật, vãng sanh Tây phương. Nếu chưa thành thục thì giúp họ trồng thiện căn của Di Ðà Tịnh Ðộ. Công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn, một phen đã lọt vào tai thì vĩnh viễn là hạt giống đạo. Ngày nay họ nghe đến danh hiệu đức Phật A Di Ðà, đọc đến ‘Tịnh Ðộ Tam kinh’, nhìn thấy hình tượng của đức Phật A Di Ðà, trong A Lại Da Thức đã trồng được hạt giống Tây phương Cực Lạc thế giới. Tuy đời này không thể vãng sanh, nhưng đời sau khi gặp được nhân duyên thì họ sẽ vãng sanh. Chúng ta không thể khinh rẻ bất cứ người nào, không thể khinh mạn vô lễ đối với họ.

Việc chư Phật Như Lai giúp đỡ chúng ta [chỉ] là nói ra chân tướng sự thật, giảng giải phương pháp phá mê khai ngộ, và kinh nghiệm tu hành chứng quả của các Ngài để cho chúng ta tham khảo. Bản thân chúng ta phải tự mình thực hành, muôn ngàn xin chớ tưởng rằng mình nương nhờ chư Phật, Bồ Tát, quý Ngài sẽ phò hộ cho mình. Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn không thể phò hộ cho A Nan. A Nan lúc đầu vốn là đang khởi vọng tưởng: ‘Ðức Phật Thích Ca là anh họ của mình, người khác phải tu khổ nhọc, không tu thì không thể thành tựu; còn mình thì không quan hệ gì cả, anh họ rất thương mình, Ngài sẽ truyền dạy Thiền Ðịnh và Bát Nhã cho mình’. Sau khi gặp nạn mới biết đức Phật không thể giúp mình. Chư Phật, Bồ Tát gia trì cho chúng ta chỉ bằng những lời dạy trong kinh điển. Chúng ta muốn Phật gia trì thì chỉ có cách y giáo phụng hành, [và như vậy] thì sẽ được ‘sự phò hộ’ của chư Phật.

Ðức Phật từ bi khổ nhọc khuyên chúng ta buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nhưng chúng ta buông xả không nổi. Nguyên nhân là không hiểu rõ chân tướng sự thật, cứ tưởng ‘thân’ là thiệt, cứ tưởng ‘cảnh giới trước mặt’ là thiệt, mà không biết đây chỉ là quan niệm, cách suy nghĩ, và cái nhìn sai lầm. Nếu khi đối xử với người, sự việc, và vật, trong tâm có mê hoặc, có đụng chạm quyền lợi, có sân giận, hãy nghĩ đến lời đức Phật dạy ‘Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng’ (Hễ những gì có tướng đều là hư vọng) niệm vài lần, trong tâm sẽ bình tịnh trở lại. Tất cả mọi hiện tượng đích thật đều là hư vọng, thực tế không tồn tại.