Đại gia Việt bỏ tiền tỉ mua tê giác châu Phi... về làm cảnh
Thứ Hai, 21/06/2010 --- cập nhật 10:43 GMT+7


Cá thể tê giác ở Cát Tiên bị chết vào khoảng tháng 4 đã khiến các cơ quan chức năng rầm rộ điều tra. Tuy nhiên, sự kiện trên sẽ chỉ là “muỗi” đối với một đại gia Việt Nam bỏ nhiều tỷ đồng để mua 2 con tê giác về làm cảnh.

Phải sau rất nhiều lần lên kế hoạch, cuộc xâm nhập “khu vườn” của “đại gia xứ Nghệ” hiện đang nuôi giữ 2 cá thể tê giác “làm cảnh” của chúng tôi mới thành hiện thực.


Hai con tê giác hai sừng được cho là giống tê giác châu Phi đang ở độ tuổi trưởng thành.


Cuộc thâm nhập của chúng tôi vào một ngày chang chang nắng. Nắng tháng 6 và gió Lào khô rát rần rật thổi như muốn thiêu đốt cả “chảo lửa” vùng miền núi phía Tây Nghệ An.

Con đường dẫn vào “khu vườn thú quý hiếm” khá lắt léo, nếu như không dừng lại 4, 5 lần để hỏi người dân bản địa chỉ đường, có lẽ chúng tôi đã phải bỏ cuộc.

“Khu vườn thú quý hiếm” này thực chất là một trang trại rộng 5 ha, được chủ nhân của nó thuê đất rừng cải tạo để xây dựng khu du lịch sinh thái và trang trại nuôi bò.


Chuồng nuôi là khu nhà cấp bốn lợp prô-ximăng. Thời tiết nắng nóng dường như phù hợp với môi trường khắc nghiệt của "cố hương" nên chú tê giác này trông có vẻ rất "phởn".


Đó là nội dung chính trong giấy phép hoạt động của trang trại được đóng khung dưới tầng một của ngôi nhà sàn khang trang được dựng ở chính giữa trang trại làm nơi tiếp khách.

Nếu không trực tiếp mục sở thị, chắc chắn chúng tôi cũng sẽ không bao giờ tin về sự thật có 2 cá thể tê giác châu Phi đang có mặt ở Việt Nam, và được một người Việt Nam mua về để “làm cảnh” trong “vườn nhà”.

Lý do: để vận chuyển một loài động vật khổng lồ và quý hiếm ngần đó về Việt Nam từ một đất nước xa xôi, không phải chuyện dễ. Và, càng không thể nếu như không có tiền, cũng những mối quan hệ cực kỳ “đỉnh” mới có thể trót lọt và an toàn.


Một người dân địa phương cho biết, để mang được con tê giác này về Việt Nam, chủ nhân của nó phải bỏ tới... 500 tỷ/1 con. Nhưng thông tin này dường như không chính xác.


Đường vào trang trại khá lắt léo, với những khúc quanh, những ngã rẽ tưởng như đã tuyệt lộ.

Ngoằn nghoèo chừng hơn chục km từ quốc lộ đi vào, trang trại nằm ở tận cùng rìa ngoài của một xã miền núi tỉnh Nghệ An.

Đây nguyên là khu vực đất đồi được đại gia này thuê để làm trang trại.




Nhìn phía sau cứ ngỡ đó là... 1 đôi voi. Thế nhưng, 2 chiếc sừng "gắn" trên đầu đá phủ nhận sự hiểu lầm này.


Thời điểm phóng viên có mặt, khu trang trại đã hoàn thành về cơ bản.

Những khu nhà sàn được phân bố ở vị trí trung tâm trong khuôn viên của trang trại. Hai chiếc hồ nhân tạo được đào ở ngay phía cổng vào. Nhiều công nhân đang xây dựng hòn non bộ và phối cảnh bên mép hồ đã được kè.

Hoành tráng nhất là những khu chuồng nuôi giữ các loại động vật hoang dã được ông chủ này thu mua và “tập kết” tại đây. Dường như, không có biểu hiện của sự bí mật trong khu trang trại rộng lớn này.

Dò hỏi một thanh niên bản địa đang làm công nhân trong trang trại vị trí của nơi nuôi hai con tê giác, anh thanh niên hồn nhiên chỉ dẫn: đi thẳng một đoạn chừng trăm mét, sẽ nhìn thấy nó ngay.


Dù bạn là một người đa nghi đến cỡ nào, bạn cũng vẫn phải tin rằng, có hai con tê giác đang hiện hữu ở Việt Nam mà không ai biết. Cho nên, sự kiện một cá thể tê giác bị bắn hạ thời gian trước có lẽ chỉ là "muỗi" so với sự kiện này.


Chuồng nuôi giữ 2 chú tê giác nằm bên phải của ngôi nhà sàn được dựng ở vị trí trung tâm trang trại.

Bức tường xây ngang người, tiếp đến là hai ống kim loại đường kính phi 100 được dựng theo chiều ngang, tựa như võ đài đấm bốc. Phía trên được rào bằng lưới thép b40 chắc chắn.

Một gian nhà lợp tôn được xây dựng ở phía ngoài sát với lối đi. Phía trước rộng mênh mông là khu vườn cây lâu năm đang bắt đầu vào tán nhưng trồng rải rác, không hàng lối. Phía xa, một vũng nước khá lớn (có thể gọi là ao). Có thể, đây là khu vực tắm mát của hai chú tê giác.

Đang đưa mắt tìm kiếm, chúng tôi giật mình khi thấy tiếc bước chân nện đất thình thịch. Từ trong gian nhà cấp 4 lợp tôn, một con tê giác lừng lững tựa một con voi trưởng thành lùi lũi tiến ra.

Được một lát, chú tê giác còn lại lững thững đi ra theo. Cả hai con lừng lững tiến ra mé chái nhà, nhẩn nha gặm bó ngọn mía, cỏ voi đã được vứt sẵn ở đó.

Sửng sốt. Chúng tôi không tin vào chính mắt mình, bởi lại có thể bắt gặp trực tiếp hai cá thể tê giác hoang dã bằng xương bằng thịt ở giữa khu vực đồng rừng như thế này. Đồng nghiệp đi cùng nhiều kinh nghiệm phán đoán: đây là hai tê giác đực, giống tê giác châu Phi vì chúng mọc 2 sừng trên đầu.

Không để ý sự có mặt của những khách lạ, hai con tê giác vẫn thản nhiên nhai bó cỏ một cách chậm chạp đến ngon lành. Thỉnh thoảng, chúng còn tranh ăn như trẻ con.

Bó cỏ được giải quyết trong vòng chừng 30 phút. Xong việc ăn uống, hai con tê giác to như hai con voi rừng lùi lũi tiến ra vạt đất trống tắm nắng. Một con đủng đỉnh tiến ra phía hồ nước lưng lửng ở cuối khu đất đã rào vuông vức.

Thấy bộ dạng tò mò của chúng tôi, một nhóm công nhân đang nghỉ nắng dưới lùm cây giải thích thêm: Hai con tê giác này được mang từ châu Phi về được chừng 3 năm, nên nó đã quen với cuộc sống ở đây.

Dường như thời tiết nắng nóng vùng núi miền Tây xứ Nghệ tương tự... Châu Phi nên có vẻ chúng thích nghi rất nhanh.

Người thanh niên ban đầu chúng tôi hỏi đường tỏ vẻ am hiểu: "Để mang được 2 con tê giác này về nuôi trong trang trại, ông chủ phải bỏ tiền mua mỗi con với giá 500 tỷ đồng. Tới đây, người ta sẽ mua thêm hổ bạch về nuôi nữa". Ngoài hai con tê giác này, còn rất nhiều thú hoang dã, mà nguồn gốc đều từ châu Phi, cũng đang có mặt trong trang trại.

Theo lời kể của những người trong trang trại, được biết, hai con tê giác này được vận chuyển về Việt Nam từ châu Phi bằng đường biển.

Dù không biết thực hư như thế nào, nhưng sự hiện diện của hai con tê giác trưởng thành từ châu Phi tại đây cũng đủ để chúng tôi không thể thốt lên lời trầm trồ thán phục. Chắc chắn, đấy là một câu chuyện rất dài và rất ly kỳ, của một người có thú chơi… không ai có thể “đụng hàng” ở Việt Nam.

Dưới cái nắng chang chang 40 độ, hai con tê giác nhởn nhơ nô đùa. Anh bạn đi cùng tôi vẫn lè lưỡi lắc đầu thán phục: “Cứ nghĩ nó to chừng con lợn con, ai dè to như một con voi!”.

Kế bên khu chuồng xây dựng nuôi giữ hai con tê giác khổng lồ, những dãy chuồng khác cũng đã được dựng lên.

Háo hức và tò mò, chúng tôi tìm đường sang các khu chuồng nuôi bên cạnh. Kinh ngạc nối tiếp kinh ngạc, khi sự thật tại đây không chỉ có 2 cá thể tê giác, còn có hàng trăm cá thể động vật hoang dã quý hiếm, mà nguồn gốc được cho là đều đến từ châu Phi.

Theo VietNamNet