Ngày này năm xưa: Napoléon lao đầu vào 'bức tường đá' Nga

Cập nhật lúc 29 PM, 26/06/2012

(ĐVO) Cách đây 200 năm, Napoléon đem 600.000 quân tiến đánh nước Nga và thảm bại đến mức chỉ còn 16.000 quân "ôm đầu máu" chạy về châu Âu.


Cách đây 200 năm, ngày 24/6/1812, đạo quân “bách chiến, bách thắng” Grand Armee gồm 600.000 lính của Hoàng đế Napoléon vượt sông Memel tấn công nước Nga. Đến ngày 16/12/1982, Napoléon chỉ còn có 16.000 quân sĩ trở về nơi xuất phát, trong một cuộc tháo chạy vô cùng hoảng loạn.



Chiến tranh tổng lực của Napoleon. Ảnh T.M


Ngày 24/6/1812, hơn nửa triệu tinh binh của đại quân Napoléon tiến vào phía Tây nước Nga, giành chiến thắng trong một số cuộc xung đột nhỏ và một trận đánh lớn ở Smolensk. Nhưng số phận của cuộc chiến lại quyết định tại Moskva, nơi Napoléon thân chinh dẫn quân tiến đánh.




Nguyên soái Kutuzov. Ảnh english ruvr.com


Quân Nga do Nguyên soái Kutuzov chỉ huy đã chống cự dữ dội trong trận Borodino, cách Moskva 120 km về phía Tây, ngày 7/9/1812. Quân đội Nga đã chiến đấu anh dũng và gây cho quân Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Tuy Napoléon đã chiến thắng, nhưng trận đánh đẫm máu này đã trở thành một chiến thắng tinh thần của các chiến binh Nga. Mùa đông trên lãnh thổ Nga rất khắc nghiệt. Quân đội Nga càng rút lui, càng khiến cho quân đội Pháp sa lầy khi làng mạc đã bị quân Nga đốt sạch khiến cho người Pháp không thể tìm ra thực phẩm.

Với nguồn quân nhu trống rỗng và đường tiếp tế bị trải dài quá mức, đại quân của Napoléon sau chiến thắng trong trận quyết chiến ở Borodino đã tiến quân đến cố đô Moskva và Napoléon coi thời khắc đã đến để buộc người Nga phải đầu hàng.

Quân Pháp chỉ chiếm được một thành phố Moskva hoang tàn đã bị quân Nga san phẳng hoàn toàn trước khi rút lui. Thiếu nơi đồn trú mùa đông, Napoléon phải rút quân. Bắt đầu vào ngày 19/10 và kéo dài đến tháng 12, quân đội Pháp phải đối mặt với nạn đói, thời tiết giá lạnh và bị quân Nga cùng “Đại tướng Mùa Đông” phục kích trên đường rút lui. Đa số quân Pháp đã chết vì đói, vì lạnh, vì bệnh tật, một số lớn bị bắt làm tù binh.

Một triệu binh sĩ của cả hai bên đã thiệt mạng trong vòng chưa đầy 6 tháng giao chiến đẫm máu, cùng với nửa triệu dân thường Nga bị chết đói trước tình trạng cướp bóc lương thực thực phẩm của đạo quân khổng lồ này.

Cuộc xâm lược nước Nga của Napoléon là một trong những sự kiện trọng đại trong lịch sử châu Âu, là một chiến bại thê thảm và dẫn đến những bi kịch sau này. Grande Armee của Napoléon không bao giờ hồi phục. Chẳng bao lâu sau, các quốc gia châu Âu đồng loạt nổi dậy chống Pháp và Đệ nhất đế chế của Napoléon sụp đổ. Chiến thắng lẫy lừng của cuộc Chiến tranh Vệ quốc Nga được coi là một sự kiện trọng đại dẫn đến giải phóng cả châu Âu thoát khỏi ách đô hộ của Hoàng đế Napoléon.

Cuộc chiến tranh Pháp-Nga năm 1812 là bước ngoặt trong cuộc chiến chinh phục châu Âu của Napoléon. Nó làm giảm sức mạnh của Đế chế Pháp và lực lượng đồng minh, tạo ra một sự thay đổi lớn trên chính trường châu Âu. Danh tiếng “thiên tài quân sự bất khả chiến bại” của Napoléon đã bị lung lay.
Trước khi tấn công nước Nga, Hoàng đế Napoléon thống trị toàn bộ lục địa châu Âu: từ biên giới Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha đến tận Ba Lan, từ thành phố Naples ở Italy đến tận thủ đô Copenhagen của Vương quốc Đan Mạch. Nhiều người châu Âu đã tuân theo chiếc gậy chỉ huy của Napoléon. Người Pháp chỉ chiếm có một nửa trong 600.000 quân sĩ của Grande Armee tấn công nước Nga. Nhiều đơn vị nước ngoài đã chiến đấu vô cùng anh dũng dưới ngọn cờ chinh phục châu Âu của Napoléon.
Thế nhưng, tại sao Napoléon lại liều mạng tấn công nước Nga nghèo nàn lạc hậu, sau khi đã có cả một châu Âu giàu có? Đây vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng đối với các nhà sử học.
Viên trung úy pháo binh xuất thân từ đảo Corsica này đã trở thành Hoàng đế của châu Âu, thông qua việc giải thể các chế độ cũ của tầng lớp quí tộc và thu hút được hàng triệu người cùng khổ thuộc tầng lớp dưới có khát vọng đổi đời. Nếu một viên trung úy pháo binh như Napoléon đã có thể trở thành một vị Hoàng đế vĩ đại, thì những người cùng khổ cũng có thể một ngày nào đó trở thành một vị thống tướng kiêu hùng.
Để duy trì quyền lực của mình, Napoléon đã sử dụng những người này và chiến dịch tấn công Nga chỉ là một sự giải phóng nguồn năng lượng khổng lồ mà đội quân này đã tích tụ.
Một trong những điều kỳ lạ là sau thảm bại ở nước Nga, Hoàng đế Napoléon vẫn duy trì được uy tín của mình. Đến năm 1813, Napoléon lại có trong tay một đội quân 350.000 người. Thế nhưng lần này, các nước chư hầu đã liên minh chống lại ông ta và đánh bại Napoléon trong trận chiến Leipzig và năm 1814 Napoléon bị lưu đày đến Elba.

Tuy nhiên, năm 1815 Napoléon đã trở lại trên đất Pháp và thành lập được một đội quân gồm 200.000 binh sĩ… để rồi thảm bại trong trận đánh cuối cùng ở Waterloo.



Trận Waterloo kết liễu sự nghiệp chính chiến của Napoléon. Ảnh allumis.com


Sau trận Waterloo, nước Pháp không còn đủ những người trưởng thành để thành lập đạo quân thứ 4 của Napoléon. Các cuộc chiến tranh do Napoléon gây ra đã khiến cho 1,4-1,7 người Pháp thiệt mạng. Đây quả là một con số khủng khiếp, nếu ta biết rằng dân số Pháp thời đó chỉ vào khoảng 29 triệu người.


Minh Bích (tổng hợp