Đi tìm cây "thuốc khoẻ" ở Gia Lai

07:51' 02/03/2005 (GMT+7)

Tết Ất Dậu, một số người ở Gia Lai đãi khách quý bằng một loại rượu ngâm củ và rễ cây ở rừng; đồn rằng có công dụng đặc biệt.

Rượu ngâm củ "cây sức khoẻ" và rễ "sâm cau".
Loại rượu này có mùi vị của một loại sâm, hơi đăng đắng, ngọt ngọt, kèm theo hương thơm dễ chịu. những gia chủ ngâm loại rượu này cho biết, để có loại quý tửu này, phải tìm mua được cây sức khỏe của đồng bào BahNar, chỉ ở rừng KBang . Khi mệt mỏi, uống rượu này vào sẽ thấy khỏe ra nhanh, tăng cường sinh lực.

Cần có sự kiểm định về cây "thuốc khỏe"

Chánh văn phòng UBND huyện KBang, người rất rành về cây thuốc này cho biết: "Tôi không biết gì về nó, chỉ nghe nói khỏe, có người biếu nên tôi cũng uống". Anh khẳng định, uống rượu này vào sẽ khỏe ra; nhưng nếu uống nhiều thì nóng và không tốt".

Ở làng Kon Lốc, xã Đắk Rong, huyện KBang, Thôn Phó Đinh Mân thật lòng cho biết: "Cây này dân địa phương mình uống từ trước đến giờ".

Chính Đinh Mân và cả những người dân BahNar ở đây cũng không hiểu nó là cây gì, chỉ biết rằng người xưa truyền lại: "Pơgang bơran (tiếng BahNar, Pơgang là cây thuốc, bơran là sức khỏe) giúp cho con người khỏe mạnh"; nên thế hệ này đến thế hệ khác đều dùng.

Theo một số người dân địa phương, có 2 loại cây uống khỏe, có mùi vị sâm gần giống nhau, đó là Pơgang bơran (cây thuốc sức khỏe) như đã nói trên và cây "sâm cau". Cây "sức khỏe" có lá giống lá cây nghệ nhưng nhỏ hơn, củ (rễ) nhỏ màu vàng nhạt gần như củ sâm và có ở vùng núi cao Kon Ka Kinh.

Loại thứ hai giống cây sâm cau nên người ta tạm gọi là "sâm cau". Cây này có lá và thân giống loài cây thủy trúc (một loài trúc cảnh), rễ dùng để uống màu nâu sẫm có ở vùng rừng núi Kon P'Ne (KBang).

Sau khi được một số người Kinh ngâm rượu uống, Pơgang bơran trở thành một thứ hàng hóa có giá trị cao. Lúc đầu chỉ 20.000 đồng/kg tươi, nhưng sau đó càng khan hiếm và lên đến cả trăm ngàn đồng. Theo phán đoán của nhiều người, có thể đây là cây thuộc dòng họ sâm.

Ngọc Như (CAND)