kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Tổng hợp: Hãy thở đi - bạn đang sống

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Tổng hợp: Hãy thở đi - bạn đang sống

    Ngày nay thiền đã trở thành phổ biến, ai cũng nói về thiền, sách báo nào cũng đề cập đến thiền, gần đây lại có chuyện du lịch thiền. Nhiều nhận định về thiền, nào là thiền là sự rỗng lặng, sự đào luyện tâm tỉnh thức, tâm từ bi, sự nhận chân về giả hợp và chân ngã… Thật vậy, trong cuộc sống mà con người luôn phải đối mặt với bao nỗi lo âu sợ hãi và bế tắc thì giáo lý đạo Phật được xem như một giải pháp khả dĩ đáp ứng những yêu cầu bức xúc của thời đại, nhằm tháo gỡ vướng mắc, khổ đau… đã được các triết gia, các nhà tư tưởng, nhà khoa học Đông Tây quan tâm. Thiền đã trở thành một phong cách sống tỉnh thức có thể áp dụng cho nhiều đối tượng, căn cơ khác nhau, không phân biệt truyền thống văn hóa tôn giáo, được phổ biến trên các phương tiện truyền thông và có phạm vi ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như thư pháp, thi ca, hội họa, âm nhạc, uống trà, cắm hoa… và cả kỹ thuật làm đẹp.
    Ở ta, sau một khoảng lặng, thiền cũng đã rộ lên với sách, báo và các bài viết của các thiền sư Việt Nam, Trung Quốc, Tây Tạng… đã giúp nhiều người hiểu biết thêm về thiền, nhưng tiếc thay một số người cũng chỉ dừng lại ở “biết để mà biết”. Họ vẫn nghĩ thiền là lĩnh vực cao siêu thuộc thẩm quyền của các bậc thiền sư, các bậc thức giả có thiện căn hay ít ra cũng là các thiền sinh trong thiền viện, chứ không phải là thứ dành cho bất cứ ai, vội vã nhảy vào không khéo thì… tẩu hỏa nhập ma! Vả lại, khi nói đến thiền người ta cũng chỉ nghĩ đến ngồi thiền. Thật ra, thiền là một phong cách sống tỉnh thức trước thực tại và biểu hiện chánh niệm thường trực trong mọi uy nghi như đi đứng nằm ngồi ngủ nghỉ… mà truyền thống Thiền tông đã nói đến như thiền nhặt rau, bửa củi, giã gạo, lau nhà, múc nước…
    Chính vì vậy, hơn lúc nào hết trong cuộc sống hối hả như ngày nay, con người phải chịu nhiều áp lực, thiền không hẳn là việc ngồi tĩnh tọa trong am cốc, trong thiền viện, chùa chiền theo một thời khóa nhất định. Tất nhiên ngồi thiền có lợi thế để đạt trạng thái định cao.

    Ngày nay thiền đã đi vào cuộc sống, chẳng hạn khi đi xe máy, chỉ đơn giản là biết nương theo hơi thở để trở về với mình… thì đầu óc sẽ tỉnh táo, mắt tinh tường quan sát trước sau (không để tâm lang thang) tất sẽ hạn chế bất cẩn, tai nạn.

    Khi mới ngủ dậy, thay vì vội bước xuống đất ra ngoài, ta để năm mười phút hít thở, xoa đầu mặt, tay chân… hẳn sẽ tránh được trúng gió do sự thay đổi môi trường đột ngột hay trợt té dập đầu, gãy xương. Trước khi ngủ, nằm buông thư hít vào thở ra sâu chậm năm bảy lần, đưa tâm trở về tiếp xúc với mọi bộ phận cơ thể, ta sẽ ý thức được hoạt động không ngừng nghỉ suốt ngày đêm của lục phủ ngũ tạng, ta sẽ biết cách tránh tác hại do hít thở khói thuốc lá, bụi bặm ô nhiễm, thức ăn thức uống độc hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhấc máy điện thoại, trước khi nói hít thở sâu ba bốn lần, kéo tâm đang rong ruổi trở về giây phút hiện tại và nở nụ cười, người nghe bên kia ắt hẳn sẽ cảm nhận được niềm vui. Sau hai ba giờ làm việc mệt nhọc, căng thẳng ta đứng lên, cũng có thể ngồi tại chỗ vươn vai thở sâu năm bảy bận, đưa tâm trở về với thân, sự hưng phấn sẽ trở lại để tiếp tục công việc. Khi gặp chuyện tức tối hay bực bội, trở về với hơi thở ta sẽ nhận diện được cơn giận, cơn giận sẽ từ từ tan biến. Cũng thế, khi gặp chuyện bất trắc, thay vì vội vã đối phó bằng một thái độ giận dữ, ta thở sâu năm bảy lần, lấy lại bình tĩnh và tìm ra cách xử sự phù hợp.

    Đó là những gì tôi đã làm và chia sẻ với người thân, bạn bè và đã đạt được kết quả tốt đẹp, đến độ khi gặp ai đó có vấn đề bức xúc về gia đình con cháu hay đến thăm người bị bệnh, tôi cứ lấy làm tiếc rằng họ không biết sử dụng thiền và nôn nóng muốn vực họ dậy, bày họ thở! Như thế thiền, đúng với mọi nhận định trên, vì hơi thở không phải cố gắng nỗ lực mà kết quả tự nhiên đến! Cũng chính vì thế thiền, ngày càng được vận dụng trong mọi lãnh vực đời sống. Trong trường học, thiền giúp học sinh tăng khả năng chú ý, phát huy trí nhớ, óc sáng tạo. Trong bệnh viện, thiền giúp bệnh nhân làm chủ hơi thở, điều hòa nhịp tim và khí huyết, nhờ thế máu huyết tươi nhuận, tăng cường sức đề kháng. Trong trại cải huấn, thiền giúp trại sinh nương theo hơi thở để soi rọi lại mình, nhờ đó giảm căng thẳng, bớt bạo động, biết thông cảm và thương yêu. Trong trại cai nghiện, thiền giúp phát triển thái độ lạc quan, ổn định tinh thần, thấy được ý nghĩa cuộc sống. Nhờ đó cơ thể kích thích hóc-môn tăng cường hoạt động, chế ngự tác động của chất gây nghiện.
    Đối với tôi thiền còn có một ý nghĩa đặc biệt, giúp cơ thể chuyển hóa được cơn bệnh “bất trị”. Hơn 10 năm trước, cơ thể gầy còm của tôi là nơi hội tụ nhiều chứng bệnh như rối loạn tiêu hóa, táo bón, lâu lâu lại cảm cúm, mụt nhọt nổi khắp mình mẩy, tay chân nhức mỏi… (có thể những triệu chứng này có quan hệ với nhau). Nhiều bác sĩ, qua xét nghiệm chẩn đoán đã kết luận “viêm đại tràng mãn” với lời giải thích do lao lực, lao tâm và khuyên tốt nhất nên an dưỡng tinh thần, bồi dưỡng thể chất vì bệnh này chưa có thuốc đặc trị. Trong suốt ba bốn năm tôi đã gõ cửa nhiều thầy thuốc, nhiều bệnh viện, sử dụng nhiều thuốc Đông Tây y nhưng rốt cục đành chịu bó tay, chỉ nước chờ… chết (cũng có khi bớt nhưng chỉ thời gian ngắn hoặc giảm chứng này lại bày chứng khác). Nghe nói thiền có khả năng chữa được bệnh nan y. Tôi nghi ngờ, y học hiện đại còn bó tay thì liệu thiền có phép mầu nào! Nhưng “hữu sự vái tứ phương”, tôi nghĩ nếu không lành bệnh, ít ra cũng có hiệu quả nào đó, tỉ như cái chết an ổn! Tôi đọc sách, nghe băng đĩa hướng dẫn tập thiền của quý thầy… nhưng do khả năng hạn chế tôi chỉ vận dụng theo cách phù hợp, ngờ đâu kết quả bất ngờ thật đáng ngạc nhiên. Đơn giản chỉ là ngồi yên, theo dõi hơi thở ra vào, vào sâu biết vào sâu, ra chậm biết ra chậm, thế nhưng không giản đơn tí nào. Lúc đầu, đếm lộn lui lộn tới rồi bao nhiêu ý nghĩ khởi lên chẳng đầu đuôi thứ lớp gì. Ngồi chưa được bao lâu thì mắt ríu xuống, rồi ngứa ngáy rần rần như kiến bò trên mặt trên cổ… chân đau, thân mỏi như lúc nào cũng muốn kéo mình xuống! Nhưng kiên trì dần dần rồi cũng thuần thục và chừng năm sáu tháng sau, mọi thao tác trở nên nhuần nhuyễn và thành thói quen mỗi ngày hai thời. Mỗi thời 45-50 phút sáng tối đều đặn, bữa nào trở ngại gì đó không ngồi được cảm thấy như thiếu cái gì! Sau ba bốn tháng, mầu nhiệm thay bệnh viêm đại tràng (chứng bệnh chủ yếu) thuyên giảm và chừng một năm, các triệu chứng khác cũng dần biến mất! Sau gần mười năm kiên trì thực tập, giờ đây sức khỏe phục hồi mà không phải dùng đến bất cứ viên thuốc Đông Tây nào. Đó là sự thật, nhưng nếu ai hỏi tại sao ngồi thiền lại khỏi bệnh hay ngồi thiền lâu rồi có thấy gì không? Tôi chẳng biết trả lời ra sao khi thật sự không (hay chưa) thấy gì và cũng chẳng hiểu vì sao thiền lại chuyển hóa được bệnh tật! Điều có thể thấy rõ là sự thay đổi từ màu da sắc mặt trở nên hồng hào, rồi ăn uống biết ngon, ngủ sâu… trí nhớ phục hồi, đầu óc sáng ra. Và ngạc nhiên hơn là không dưng mà các mối quan hệ được cải thiện rõ rệt! Có thể rằng trong khi ngồi yên, thở ra thở vô, bỗng nhận ra rằng hơi thở là cầu nối giữa thân và tâm, vì thật ra lắm lúc thân có đó mà tâm rong ruổi đâu đâu. Trạng thái đánh mất tâm thường xảy ra đối với tất cả mọi người, mà ông bà xưa thường bảo nôm na là “ú ớ như ốc lộn hồn”. Và khi đem tâm trở về với thân, ta sẽ nhận diện được trạng huống ta đang phải đối mặt thì sự trục trặc, rắc rối sẽ biến mất. Hơi thở cũng giúp ta nhận diện được sự mong manh của đời người, còn thở ra, hít vào là sống, ngược lại là chết. Sống chết chỉ là một quá trình, không liên quan gì đến cái ta hay cái của ta. Thật sự không ai sống và cũng chẳng ai chết mà chỉ là vận hành của nhân và duyên, duyên hết thì kết thúc quá trình. Từ đó nhận ra sự nhất thể giữa ta và muôn loài, vô ngã! Nhờ thế ta biết chia sẻ và cảm thông với mọi người. “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều ta không muốn thì không nên làm cho người). Nhận thức đó có vai trò thật hết sức quan trọng, đã làm thái độ, hành vi, cử chỉ của ta trở nên nhẹ nhàng, cởi mở. Khi tâm không còn lo lắng, buồn phiền, sợ hãi thì thân khỏe ra, hết bệnh là hệ quả tất yếu. Và theo nghiên cứu của khoa học tâm lý trị liệu, bằng hơi thở sâu và dài, máu sẽ được biến đổi, tế bào não không ngừng được đổi mới và nếu cứ lặp lại đều đặn mỗi ngày cơ thể sẽ được làm mới, vô hình trung ta khai thác được nguồn năng lượng vô biên tiềm ẩn sẵn trong ta, tất mọi trục trặc sẽ được điều chỉnh, rối loạn sẽ được điều hòa. Và phải chăng, đó chính là quá trình chuyển hóa của nghiệp lực.

    Như thế - thiền bước vào cuộc đời, phổ biến thành một phong cách sống tỉnh thức. Đấy cũng chính là quá trình tương tác qua lại nhân quả, quả nhân giữa thân và tâm, giữa tâm và cảnh, cảnh và thân do tác động bởi mức độ tinh tấn thực hành giới, định, tuệ và tự nguyện thực hiện tâm từ, bi, hỷ, xả theo hạnh nguyện bố thí, trì giới, nhẫn nhục. Điều này giải thích lý do tại sao pháp Phật được gọi là lương dược và Đức Phật được gọi là bậc đại y vương. Và có thể liên hệ một số Tăng Ni, mặc dù sống đạm bạc nhưng hầu hết có sức khỏe tốt, đặc biệt các bậc cao tăng, các vị thiền sư có phong thái nhẹ nhàng, tuổi thọ cao nhưng trí tuệ mẫn tiệp, bền bỉ thuyết giảng, viết sách, dịch kinh…


    Trong cuộc sống đầy bất trắc và lo âu như hiện nay, thiền đã trở thành một phong cách sống tỉnh thức. Bằng hơi thở, thiền đưa ta trở về thực tại bây giờ và ở đây, ta sẽ nhận diện được trạng huống của tâm, nỗi khổ niềm đau sẽ được ôm ấp và hóa giải. Tâm sẽ được giải phóng khỏi mọi ràng buộc của tham sân si, thân sẽ biết cách tự đối phó với bệnh! Như thế phải chăng thiền quán hơi thở tỉnh thức mang lại cho con người hôm nay con đường giải thoát khổ đau! Và may mắn thay, một người đã từng bị bệnh, từng khổ sở vì bệnh, tôi mới nhận ra sự mầu nhiệm của Phật pháp. Và vô cùng biết ơn khi thiền giúp tôi trở về nhận diện được điều mầu nhiệm đó, tuy đơn giản nhưng quý giá biết dường nào!

    Mong thầy Thích Vạn Hạnh cho phép post Pháp môn thiền phái Làng Mai

    Ăn cơm chánh niệm

    Ăn cơm cũng là một phép thực tập rất sâu sắc. Trong khi ăn ta phải thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại để tiếp xúc với thức ăn và tăng thân đang có mặt. Đừng để tâm ý bị lôi kéo bởi qúa khứ, tương lai và những lo lắng, buồng giận và suy nghĩ vẩn vơ.
    Ta nên hiến tặng sự có mặt của ta cho tăng thân để năng lượng chánh niệm tập thể được thêm hùng hậu. Sắp hàng xới và lấy thức ăn, ta cũng nhiếp tâm thực tập theo các bài thi kệ. Tới trai đường, ngồi xuống, ta lập tức theo dõi hơi thở, đừng chờ đợi. Trước khi ăn, ta thực tập năm phép quán niệm như sau:

    "Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác.
    Xin tập ăn trong chánh niệm để xứng đáng thọ dụng thứ ăn này.
    Khi ăn xin nhớ ngăn ngừa nhũng tật xấu và tập ăn uống cho có chừng mực.
    Xin chỉ ăn những thức có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh; ăn như thế nào để gìn giữ lòng từ bi, giảm bớt khổ đau của các loài chúng sinh, bảo tồn đất Mẹ, và chuyển ngược quá trình hâm nóng của trái đất.
    Vì muốn thực tập con đường hiểu và thương nên thọ dụng thứ ăn này."
    Trước khi đưa thức ăn vào miệng ta hãy nhìn thức ăn ấy với con mắt chánh niệm, nhìn để thấy rõ được chân tướng của nó. Ví dụ ta đưa lên một miếng đậu hũ. Ta thấy được cây đậu nành, được những cơn mưa nắng đi ngang qua hoa đậu, được sự hình thành của miếng đậu hũ trong khuôn vải. Miếng đậu hũ trở thành một vị đại sứ của đất trời, tới với ta để nuôi dưỡng ta. Lòng ta tràn đầy niềm biết ơn và hoan hỷ. Khi nhai, ta nhai rất ý thức, biết rằng ta đang nhai đậu hũ để tiếp xúc sâu sắc với đậu hũ. Đừng nhai những dự án trong đầu, những buồn giận, những lo lắng; đừng nhai quá khứ và tương lai. Ta nhai khoảng 30 lần cho miếng cơm trở thành chất loãng, rất dễ tiêu và bổ dưỡng. Như thế ta không cần phải lấy nhiều cơm mà chất dinh dưỡng vẫn đầy đủ và thân thể lại còng khỏe mạnh hơn. Lâu lâu ta ngừng lại để tiếp xúc với sự có mặt của tăng thân, để thực sự thấy mình may mắn đang được thực tập chánh pháp với tăng đoàn.

    Chánh niệm

    Chánh niệm là cốt tủy của sự tu tập trong đạo Bụt, và tông phái nào cũng lấy phép thực tập chánh niệm làm căn bản.
    Chánh niệm là năng lượng có khả năng nhận diện được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Trong đời sống hàng ngày tâm ta thường có khuynh hướng nhớ tưởng về quá khứ hoặc lo lắng cho tương lai. Thân ta có mặt nhưng tâm ta không có mặt. Khi năng lượng chánh niệm có mặt thì thân và tâm ta hợp nhất và ta thực sự có mặt trong giây phút hiện tại để sống sâu sắc đời sống hàng ngày. Tâm ta không bị những tiếc nuối về quá khứ hoặc những lo lắng về tương lai lôi kéo. Ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu ta. Ta cũng có năng lượng chánh niệm để nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những khổ đau trong ta.
    Tại Tu Viện Lộc Uyển, mọi người đều thực tập chánh niệm. Ta thực tập để chế tác năng lượng chánh niệm khi thở, khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi và khi làm việc. Ta có thể thực tập chánh niệm mỗi giây phút trong đời sống hàng ngày, không chỉ trong tư thế ngồi thiền, mà khi nấu cơm, giặt áo, lái xe, rửa bát, đi cầu, .v.v. ta cũng có thể đặt mình trong trạng thái thân tâm nhất như.
    Khi ta thực tập với một tăng thân hay một đoàn thể, ta có cơ hội thừa hưởng được năng lượng tập thể. Năng lượng này nâng đỡ ta, bảo hộa ta và giúp cho sự thực tập chánh niệm của ta trở nên dễ dàng, vui nhẹ và vững vàng hơn. Mỗi người trong chúng ta đều là tiếng chuông chánh niệm cho nhau, nâng đỡ và nhắc nhở nhau trên con đường thực tập. Với tăng thân của ta, ta có thể thực tập để nuôi lớn niềm an lạc, thảnh thơi và vững chãi trong ta và chung quanh ta, làm món quà ta hiến tặng cho những người ta thương.

    Làm Mới

    Làm mới là thực tập nhìn lại tình trạng của mình và mối liên hệ giữa mình và người thân để có thể hóa giải buồn giận, phá tan mây mù của sự hiểu lầm, đem hạnh phúc trở về để nuôi lớn hạnh phúc ấy. Mỗi tuần ta nên làm mới một lần, dù giữa ta và người kia không có vấn đề với nhau. Người kia có thể là cha ta, mẹ ta, con ta, bạn ta hay người bạn hôn phối của ta. Làm mới cũng là một hình thức của sự thực tập sám hối, cần đến tâm thành khẩn và ý chí thực tập để chuyển đổi tình trạng.

    Sự thức tập làm mới dễ nhất là làm giữa hai người. Nếu thấy hơi khó khăn thì ta mời thêm người thứ ba, một người mà cả hai bên đều thương kính và tin cậy. Đó có thể là một thầy, một sư cô hay là một người bạn tu. Làm mới cũng có thể thực hiện trong một nhóm tăng thân nhiều người.

    Trong thời gian làm mới, ai cũng thực tập theo dõi hơi thở và sử dụng phép lắng nghe. Chỉ khi nào được mời ta mới chắp tay xá và mở lời mà thôi. Khi nói ta phải xử dụng ái ngữ, nghĩa là lời nói dịu dàng, trầm tĩnh, không lên án, không trách móc. Đây là quá trình thực tập:

    1. Tưới hoa: Trong phần này, ta nhắc đến những điểm tích cực và dễ thương của người đối diện. Đây không phải là nói nịnh để làm lớn sự tự hào, tự phụ của người kia, mà là để giúp người kia có thêm đức tự tin nơi chính bản thân họ và do đó sẽ cố gắng phát triển những điểm tích cực ấy, những điểm có thể tạo dựng hạnh phúc cho tự htân và cho kẻ khác.

    2. Tự tỉnh: Trong phần này ta tự nói về những thiếu sót của chính ta, những lúc ta thiếu chánh niệm và vì vậy đã vụng về nói những lời hoặc có những cử chỉ đã có thể làm buồn lòng người khác. Và ta hứa sẽ thực tập khá hơn trong những ngày sắp tới để không còn lặp lại những vụng dại vừa qua.

    3. Nói lên niềm đau: Trong phần này, ta có thể nói lên niềm đau của ta, niềm đau mà ta ngỡ rằng đã được phát sinh do một lời nói hay một cử chỉ của người khác. Ta có thể thêm rằng vì sự thực tập của ta còn kém nên ta còn dễ buồn dễ giận như vậy và ta mong người kia hãy yểm trợ ta trong sự thực tập, lần sau xin đừng nói và đừng làm như thế.

    4. Thực tập lắng nghe: Khi nghe người kia nói lên niềm đau, ta có thể nghĩ rằng người ấy có tri giác sai lầm và đã tự làm khổ mình, chứ ta không hề có ý làm cho người kia khổ. Tuy nhiên ta không nên đính chính ngay trong lúc ấy để biến giờ làm mới thành một cuộc tranh luận. Ta chỉ nên học cách lắng nghe của bồ tát Quan Thế Âm, nghe với tâm từ bi, và cho người kia biết rằng ta đã lắng nghe và ghi nhận những điều người ấy nó và ta nguyện sẽ chiêm nghiệm và nhìn kỹ lại những gì đã xảy ra. Sau đó, ta tìm cơ hội tới với người đó để giúp cho họ thấy được rằng họ đã có nhận thức sai lầm. Nếu ta thấy được sự vụng về hoặc những lầm lỡ của ta thì ta phải lập tức gọi điện thoại hoặc viết thư xin lỗi và hứa sẽ thực tập hay hơn trong những ngày tới. Hạnh phúc của tăng thân tùy thuộc rất nhiều nơi khả năng lắng nghe và ái ngữ của ta.

    Nghe chuông

    Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe. Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương.
    Mỗi khi nghe tiếng chuông, ta ngưng lại mọi hành động, suy tư và nói năng để trở về hơi thở. Thở vào ta thầm niệm: "Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe". Thở ra ta thầm niệm: "Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương".
    Quê hương ở đây là quê hương tâm linh, là sự sống, là giây phút hiện tại, là hải đảo tự thân nơi đó ta có thể tiếp xúc với Bụt, với Tịnh Độ, với tổ tiên tâm linh và huyết thống. Ở Tu Viện Lộc Uyển mỗi khi nghe tiếng đồng hồ đánh nhạc mỗi 15 phút hay tiếng chuông điện thoại, mọi người cũng đều thực tập thở như thế theo bài kệ ít nhất là ba lần.
    Dừng lại để thở, ta buông hết mọi căng thẳng trong thân và trong tâm để trở về với trạng thái bình an và tĩnh lặng. Lúc đó, công việc mà ta đang làm sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, và người bạn trước mặt ta sẽ trở nên quý trọng hơn.

    Thiền Lạy

    Thiền lạy là một pháp môn mà ta phải học cho được trong thời gian ở Tu Viện. Thiền lạy giúp ta tiếp xúc trở lại với tổ tiên, cha mẹ, đất đai và những người thân thuộc, và giúp ta hòa giải được với những người thân thuộc, và giúp ta hòa giải được với những người ấy. Có khi ta thực tập năm lạy, lại có khi ta thực tập ba lạy. Mỗi chúng ta ai cũng có một gia đình huyết thống và một gia đình huyết thống và một gia đình tâm linh. Một cái cây bị bứng ra khỏi khu vườn trong ấy nó đã mọc và lớn lên thì nó không thể tiếp tục sống và giữ được sự xanh tươi của nó. Người bị mất gốc trong hai gia đình huyết thống và tâm linh cũng vậy. Lạy xuống là để buông bỏ cái ý niệm ta là một thực tại biệt lập với dòng huyết thống và tâm linh. Ta thấy ta là một phần của dòng sống huyết thống hay tâm linh ấy. Và ta chấp nhận tổ tiên, cha mẹ và con cháu ta với những đức hạnh và những lỡ lầm của họ. Thấy được như vậy ta buông bỏ được mọi giận hờn, trách móc và oán thù. Có những người chỉ sau một thời thiền lạy đã có thể khóc lên nức nở và hòa giải ngay được với cha mẹ hay con cháu của mình.
    Thiền lạy đưa ta đi rất xa, có thể cho ta tiếp xúc được với tự tính không sinh không tử và giúp ta vượt thắng sợ hãi và đạt tới cái vô úy tự tại của các vị bồ tát.
    Khi lạy, năm vóc ta sát đất, hai bàn tay ta mở ra. Trong tư thế phủ phục đó, ta cảm thấy rất an ổn. Ta quán tưởng theo sự hướng dẫn của một vị duy na, hoặc nếu lạy một mình, ta tự quán tưởng lấy theo lời chỉ dẫn trong sách Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn hay Nhật Tụng Thiền Môn, hay băng CD.

    Ngồi thiền

    Ngồi thiền với đại chúng trong thiền đường là một cơ hội để thu nhiếp thân tâm, chế tác chất liệu vững chãi, tự tại và nuôi lớn niệm, định và tuệ. Ngồi thiền ta phải có an lạc và hạnh phúc trong khi ngồi. Ta ngồi thật thoải mái, đừng gò bó, đừng gồng mình. Hãy ngồi thư thái như ngồi chơi vậy thì ta sẽ ngồi được lâu, không nghẹt thở, không đau nhức, không buồn ngủ.
    Thế ngồi dù bán già hay toàn già cũng giúp ta trở nên vững chãi. Sử dụng hơi thở chánh niệm ta đưa tâm về lại với thân, tạo ra trạng thái thân tâm nhất như.
    Ngồi chung với đại chúng, ta có thể thừa hưởng năng lượng tập thể và ta sẽ thực tập dễ dàng hơn. Ngồi thiền có nhiều mục đích: nuôi dưỡng, quán chiếu và trị liệu. Trong sách Sen Búp Từng Cánh Hé ta có thể tìm thấy nhiều bài thực tập để thực hiện những mục tiêu ấy. Ta biết khi nào thân tâm ta cần được nuôi dưỡng hoặc cần được trị liệu. Muốn trị liệu thân và tâm, ta phải tập quán chiếu. Quán chiếu là nhìn sâu vào thực tại để thấy. Cái thấy này có tác dụng cởi mở và trị liệu cho thân tâm. Có rất nhiều phép quán chiếu, nhưng những chiếc chìa khóa căn bản để mở cửa thực tại vẫn là vô thường, vô ngã, tương tức và niết bàn. Không có niềm đau nào mà không thể trị liệu và chuyển hóa, nếu ta biết sử dụng những phép quán chiếu ấy. Sách Sen Búp Từng Cánh Hé là một thiền phổ tương đối dễ sử dụng, nhưng ta phải nương vào thầy và tăng thân để được hướng dẫn thì mới dễ đi được vào con đường chánh quán. Những bài thực tập để nuôi dưỡng rất cần được sử dụng hàng ngày, nhất là đối với những kẻ nhập môn.
    Giữa hai thời ngồi thiền, ta có dịp thực tập kinh hành, đi chậm, mỗi bước chân phối hợp với một hơi thở (vào hoặc ra.) Đi như đặt dấu ấn của vững chãi và thảnh thơi xuống mặt đất. Đi như thế ta vẫn tiếp tục thiền tập và cũng giúp cho máu huyết lưu thông để lại ngồi tiếp.
    Nếu đến thiền đường trễ sau tiếng chuông, ta đừng nên vào nữa. Hãy đi thiền hành ngoài trời, đợi lúc thời ngồi thiền thứ hai mới nên vào gia nhập. Như vậy để tránh làm động chúng.

    Thiền trà nghi lễ

    Thiền trà là một pháp môn thực tập rất thi vị của Làng Mai. Thiền trà Làng Mai có hai cách, thiền trà nghi lễ và đại thiền trà. Thiền trà nghi lễ là thiền trà có giới hạn số lượng người tham dự (khoảng mười sáu người tới hai mươi người). Còn đại thiền trà là thiền trà dành cho một đại chúng lớn, số lượng có thể rất đông có thể hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tham dự.

    Nguồn gốc của thiền trà Làng Mai:

    Vào những năm 80 của thập kỷ trước, khi mới thành lập Làng Mai, lúc đó sức khỏe của Sư Ông còn rất dồi dào và thiền sinh tới tu tập chưa đông như bây giờ. Thời ấy, thiền sinh nào có khó khăn đều được tham vấn riêng với Sư Ông. Sau đó, pháp môn lan rộng, càng ngày thiền sinh tới tu tập càng đông, lúc đó Sư Ông không thể tiếp riêng từng vị được nữa, nên Sư Ông mới nghĩ ra cách tổ chức một buổi ngồi chơi, uống trà với từng nhóm thiền sinh. Mỗi nhóm khoảng từ mười tới mười sáu người. Như vậy, cùng lúc Sư Ông có thể lắng nghe những khổ đau của nhiều người một lần và tháo gỡ khó khăn giúp họ. Để giúp cho các vị thiền sinh định tâm và không khí được trang nghiêm thanh tịnh, buổi thiền trà có thêm phần nghi lễ như dâng hương, đảnh lễ, ngồi yên lặng... Những nghi lễ như pha trà, mời trà, mời bánh cũng nhằm mục đích tạo sự chăm chú theo dõi của các vị thiền sinh, khi ta chú tâm theo dõi các hành động hết sức chánh niệm của các thầy, các sư cô trà giả thì tâm ta bắt đầu an trú, mà an trú được thì sẽ có bình an, khổ đau sẽ tan biến.
    Thời ấy, Sư Ông là người trực tiếp hướng dẫn các thầy, các sư cô về pháp môn thiền trà. Sư Ông dạy cách bày bánh, cách dâng hương, cách rót trà, dâng trà. Trước mỗi buổi thiền trà nghi lễ, Sư Ông thường trực tiếp cùng hai sư cô chuẩn bị cho buổi lễ. Và vì số người tới tu tập đã rất đông nên chỉ những thiền sinh nào ở lại Làng Mai tu tập trọn một tháng thì mới được mời tham dự thiền trà nghi lễ, và tới tuần thứ ba trong tháng, vị ấy mới được mời tham gia
    Như vậy, thiền trà Làng Mai ra đời với mục đích ban đầu là tạo điều kiện cho thiền sinh được gần gũi và tham vấn với Sư Ông. Pháp môn thiền trà được đón nhận rất hồ hởi nên mỗi khi kết thúc một khóa tu, tất cả các vị thiền sinh đều được mời tham dự vào buổi đại thiền trà. Trong buổi đại thiền trà này thiền sinh chia sẻ rất nhiều về những chuyển hóa trong họ, về niềm vui khi được biết tới pháp môn thực tập cũng như lòng biết ơn của họ đối với Sư Ông và Tăng thân.

    Thiền trà nghi lễ:

    Tới giờ, các vị trà chủ, trà giả, thị giả (là người bưng một đĩa trà bánh nhỏ đưa cho vị trà chủ, để vị này dâng lên Bụt) đứng sắp hàng trước cửa để đón khách, vị trà chủ bắt đầu thỉnh chuông mời khách vào. Lúc các vị khách bước vào thì cả trà chủ và trà giả đều chắp tay xá chào nghênh đón, những vị khách mời cũng chắp tay xá đáp lại. Khi chủ và khách đã yên vị, điều hòa hơi thở thì vị trà chủ đứng dậy tiến lại bàn thờ Bụt, lúc này toàn thể mọi người cùng đứng dậy hướng về bàn Bụt, vị trà chủ thắp nhang và xướng tụng bài dâng hương cúng dường lên chư Bụt. Lời xướng tụng chấm dứt thì toàn thể đại chúng cùng lạy xuống một lạy trước bàn Bụt. Sau đó, vị trà chủ trở về chỗ ngồi của mình chắp tay cung kính hướng về mọi người và nói: “Sen búp xin tặng người - những vị Bụt tương lai” tất cả đại chúng cùng lạy nhau một lạy. Sau đó, đại chúng ngồi xuống theo dõi hơi thở. Có một vị trong đại chúng (nếu là một em bé thì dễ thương hơn) đứng dậy tới chỗ trà giả nhận khay trà bánh đem tới cho vị trà chủ để vị này dâng lên bàn Bụt. Khi hai vị dâng trà bánh cho Bụt đã an vị thì hai vị trà giả bắt đầu chuyền khay bánh cho mọi người, người này lấy xong thì tiếp tục chuyền tới cho người bên cạnh mình, trong thời gian ấy, trà giả bắt đầu pha trà. Lúc khay bánh đã được chuyền xong và được trao trở lại cho trà giả thì khay trà mới được chuyền đi. Sau phần chuyền trà bánh, vị trà chủ mời mọi người cùng nâng ly trà của mình lên và đọc bài kệ uống trà để giúp mọi người nâng cao ý thức chánh niệm:

    Chén trà trong hai tay
    Chánh niệm nâng tròn đầy
    Thân và tâm an trú
    Bây giờ và ở đây


    Tất cả mọi hành động đều được diễn ra trong im lặng tuyệt đối, vị trà giả giỏi là người không gây nên bất cứ một tiếng động nhỏ nào dù trong lúc pha trà hay rót nước. Đợi mọi người cùng thưởng thức trà và ăn bánh trong im lặng vài phút, vị trà giả bắt đầu lên tiếng hướng dẫn: "Nếu bạn hết trà và muốn dùng thêm thì xin chắp tay sen búp, chiếc khay sẽ được chuyền tới để bạn đặt chiếc ly trống của mình lên, trà giả sẽ rót cho đầy và chuyền tới cho bạn. Nếu hết bánh và muốn có thêm xin bạn nắm hai bàn tay lại, mười ngón tay sát vào nhau đặt trước ngực, khay bánh sẽ được chuyền tới. Nếu muốn dùng thêm cả trà và bánh thì một bàn tay duỗi thẳng như hình một cánh sen áp sát vào bàn tay kia đang nắm lại đặt trước ngực, khi đó trà và bánh sẽ đồng thời được chuyển tới cho bạn." Khi đã giới thiệu xong cách thêm trà bánh. Trà chủ bắt đầu mời mọi người chia sẻ. Trong buổi thiền trà nghi lễ mọi người chia sẻ về những niềm vui, lòng biết ơn của mình, nhưng cũng có thể chia sẻ những khó khăn đang gặp phải để những người xung quanh có cơ hội sẻ chia và giúp đỡ. Ngoài ra nếu ai có bài thơ, bản nhạc có tác dụng nuôi dưỡng thân tâm, thì đây cũng là dịp đem ra cúng dường đại chúng.
    Đại thiền trà:

    Đại thiền trà là vốn được giản lược đi rất nhiều chi tiết so với buổi thiền trà nghi lễ. Trong đại thiền trà không có những nghi lễ như dâng hương, đảnh lễ, không có trà chủ hay trà giả mà chỉ có người chủ tọa ngồi chuông. Trước khi tham dự thiền trà, các khách mời được hướng dẫn tới một chiếc bàn để sẵn bánh và trà gần đó mỗi người sẽ tự lấy phần trà và bánh của mình rồi khoan thai bước tới địa điểm tổ chức. Vì đây là một pháp môn thực tập nên mọi người tới tham dự đều có ý thức giữ gìn chánh niệm trong mỗi hành động của mình. Mọi người hoàn toàn giữ im lặng trong khi lấy trà bánh, theo dõi hơi thở và bước những bước chân có ý thức từ bàn trà tới phòng trà. Tới nơi thì nhẹ nhàng ngồi xuống, mỉm cười, thực tập theo dõi hơi thở để chờ những người tới sau. Tuyệt đối tránh gây tiếng động, tránh nói chuyện dù là thầm thì để giữ không khí thanh tịnh. Khi mọi người đã tới hết, chủ tọa mới thỉnh chuông để bắt đầu. Trong đại thiền trà, mọi người cũng chia sẻ những niềm vui, lòng biết ơn của mình để nuôi dưỡng đại chúng, nếu ai có bài thơ hoặc bản nhạc nào hay thì cũng nên chia sẻ để góp vui.
    Thiền trà không chỉ độc quyền trong chốn thiền môn. Thiền trà là một nét đẹp văn hóa có thể áp dụng vào trong đời sống hàng ngày. Trong những buổi sinh nhật, mừng thọ, họp gia đình, họp bạn, chúng ta cũng có thể tổ chức các buổi thiền trà. Đây là cơ hội để các thành viên có thể lắng tâm lại để nhìn rõ mặt những người thương, bè bạn xung quanh mình. Kể lại những kỷ niệm đẹp, chia sẻ những câu chuyện vui trong cuộc sống có tác dụng nuôi dưỡng thâm tình và xí xóa những hiểu lầm, hờn giận.

    Thiền đi

    Đi thiền là một phép thực tập rất dễ chịu. Ta phối hợp hơi thở với bước chân. Thở vào, ta có thể bước hai hoặc ba bước, tùy theo nhu yếu của hai lá phổi ta. Thở ra cũng thế. Để tâm ý xuống lòng bàn chân, ta đi từng bước vững chãi, thực sự tiếp xúc với mặt đất. Ta đi thật tự nhiên; chánh niệm giúp ta đi an lạc và thảnh thơi như đi trong tịnh độ. Ta có thể đi với tăng thân hay đi một mình. Ta có thể đi thiền nhiều lần trong một ngày.
    Tại Làng Mai quanh năm chỉ có một cách đi, đó là thiền hành. Hễ cần di chuyển đi đâu, dù chỉ vài ba thước, ta cũng đi thiền. Thiền đi giúp ta tập sống từng giây phút của đời sống hằng ngày. Khi đi, ta không nói. Nếu cần nói gì, ta hãy ngừng lại đã. Đi, ta đi với một trăm phần trăm của thân tâm ta. Nói, ta cũng nói với một trăm phần trăm của thân tâm ta. Như thế ta mới chế tác được niệm và định. Đi thiền ta có thể sử dụng bài kệ "Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây." Nếu khi thở vào ta bước hai bước thì ta thầm niệm: "Đã về, đã về." Nếu khi thở ra ta bước ba bước thì ta thầm niệm: "Đã tới, đã tới, đã tới." Bài kệ sẽ giúp ta an trú trong chánh niệm. Mỗi khi ta có buồn phiền, lo lắng hoặc hờn tủi, đi thiền giúp ta buông bỏ những năng lượng tiêu cực đó và ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và an vui hơn sau vài mươi phút thực tập.
    Khi vô sự, đi thiền giúp ta nuôi dưỡng niềm vui cũng như năng lực của niệm, định và tuệ rất cần thiết để ta đạt tới vững chãi và thảnh thơi.

    Điều phục cơn giận

    Mỗi khi giận hay buồn, ta phải biết trở về hơi thở chánh niệm và khởi sự đi thiền để chăm sóc thân tâm. Ta dùng năng lượng chánh niệm để ôm lấy niềm đau của ta. Năng lượng này được chế tác bằng hơi thở và bước chân. Ta ôm niềm đau ấy như ôm một em bé với tất cả lòng ưu ái, thì năng lượng chánh niệm sẽ làm nhẹ niềm đau sau năm hay mười phút. Tiếp tục thở và đi trong chánh niệm, ta nhìn sâu vào tự tánh của niềm đau, nghĩa là những nguyên do xa gần đã làm nó phát khởi. Ta không nên đè nén cơn giận và nỗi buồn. Ta phải cho phép chúng có mặt, và ôm ngay lấy chúng bằng năng lượng chánh niệm. Có chánh niệm là có Bụt bảo hộ, ta đã được đặt vào một khung cảnh an toàn rồi.

    Chỉ thực tập thở và đi trong chánh niệm thôi, ta không nói hay không làm bất cứ một điều gì để phản ứng lại khi nỗi buồn hay cơn giận còn đó, bởi vì nói và làm như thế ta sẽ gây sự đổ vỡ trong ta và trong người đối diện. Khi thấy được hạt giống giận hờn và tập khí hay nổi nóng trong ta, và khi thấy được rằng người kia cũng đang có nhiều khổ và tập khí, ta sẽ hết giận và thấy rằng chỉ có sự thục tập hiểu và thương mới giúp được cho ta và cho cả người ấy. Trừng phạt không phải là giải pháp, dù sự trừng phạt ấy được thực hiện bằng lời nói hay bằng hành động. Khuynh hướng muốn trừng phại người kia, làm cho ngườ kia đau khổ để cho mình bớt khổ là khuynh hướng bạo động trong ta, ta phải thấy được điều này trong khi thực tập hơi thở và bước chân ý thức.

    Mỗi khi giận hay buồn, ta phải biết trở về hơi thở chánh niệm và khởi sự đi thiền để chăm sóc thân tâm. Ta dùng năng lượng chánh niệm để ôm lấy niềm đau của ta. Năng lượng này được chế tác bằng hơi thở và bước chân. Ta ôm niềm đau ấy như ôm một em bé với tất cả lòng ưu ái, thì năng lượng chánh niệm sẽ làm nhẹ niềm đau sau năm hay mười phút. Tiếp tục thở và đi trong chánh niệm, ta nhìn sâu vào tự tánh của niềm đau, nghĩa là những nguyên do xa gần đã làm nó phát khởi. Ta không nên đè nén cơn giận và nỗi buồn. Ta phải cho phép chúng có mặt, và ôm ngay lấy chúng bằng năng lượng chánh niệm. Có chánh niệm là có Bụt bảo hộ, ta đã được đặt vào một khung cảnh an toàn rồi. Chỉ thực tập thở và đi trong chánh niệm thôi, ta không nói hay không làm bất cứ một điều gì để phản ứng lại khi nỗi buồn hay cơn giận còn đó, bởi vì nói và làm như thế ta sẽ gây sự đổ vỡ trong ta và trong người đối diện. Khi thấy được hạt giống giận hờn và tập khí hay nổi nóng trong ta, và khi thấy được rằng người kia cũng đang có nhiều khổ và tập khí, ta sẽ hết giận và thấy rằng chỉ có sự thục tập hiểu và thương mới giúp được cho ta và cho cả người ấy. Trừng phạt không phải là giải pháp, dù sự trừng phạt ấy được thực hiện bằng lời nói hay bằng hành động. Khuynh hướng muốn trừng phại người kia, làm cho ngườ kia đau khổ để cho mình bớt khổ là khuynh hướng bạo động trong ta, ta phải thấy được điều này trong khi thực tập hơi thở và bước chân ý thức.

    Last edited by Nob; 10-06-2010 at 10:35 PM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •