Gia đình nào giàu nhất Việt Nam?
3:08, 15/05/2012
Có một thời, người giàu được coi là đối tượng bóc lột dù họ làm giàu chính đáng. Công cuộc đổi mới đã xác định trong hiến pháp của nước ta việc khuyến khích làm giàu chính đáng, bảo đảm kinh tế nhiều thành phần cùng phát triển. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh… đã trở thành động lực của người dân.


Chỉ trong một thời gian gần 20 năm, nhiều người giàu đã xuất hiện ở nước ta, báo chí, các phương tiện truyền thông thường xuyên động viên, cổ vũ người dân làm giàu chính đáng, làm giàu đúng pháp luật.

Từ khi thị trường chứng khoán ra đời, gia sản những người giàu đã được công khai từ cổ phiếu của họ. Hàng năm, đã có danh sách những người giàu nhất Việt Nam được công bố.

Năm 2005, nhà văn Dương Kỳ Anh đã xuất bản cuốn sách: “Ai là người giàu nhất Việt Nam” và được đón nhận. Từ đó đến nay, ông đã tiếp tục tìm hiểu, thu thập tài liệu, đối chiếu, tham khảo với những người giàu trên thế giới và cũng từ việc ông, trong suốt 20 năm làm trưởng ban tổ chức hoa hậu Việt Nam, nên có quan hệ với nhiều đại gia trong và ngoài nước do họ làm tài trợ cho các cuộc thi hoa hậu. Đó là điều kiện tốt để ông viết cuốn “Gia đình nào giàu nhất Việt Nam?” sẽ xuất bản vào năm tới. Được sự đồng ý của tác giả, từ số này chúng tôi trích đăng một số bài viết trong cuốn sách hấp dẫn này.

Gia đình giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán

Châu Á, có một truyền thống nổi trội hơn ở các châu lục khác là rất coi trọng gia đình. Gia đình gia giáo, danh gia vọng tộc, gia đình giàu có… đã trở thành niềm tự hào không chỉ cho dòng họ mà còn cho cả quê hương, bản quán.

Những gia đình giàu có bậc nhất châu Á như gia đình Lee Kun hee (Hàn Quốc) với tài sản là 11,6 tỷ đô la Mỹ. Gia đình Lee Kun Hee với hãng SAM SUNG nổi tiếng. Gia đình này là chủ thương hiệu SAM SUNG mà theo các phương tiện truyền thông, thì năm qua hãng này đã có lãi trên 4 tỷ đô la, là một trong hai tập đoàn phát đạt nhất thế giới năm 2011. Tiếp đến là gia đình nhà HARTONO ở Indonesia với tài sản 11 tỷ đô la. Gia đình nhà NG (Singapore) chủ tập đoàn địa ốc Viễn Đông và SinNo có tài sản 8,7 tỷ đô.
Gia đình nhà OANG ở Đài Loan chủ tập đoàn nhựa nổi tiếng Porimôsa có tài sản là 8,6 tỷ đô la… Ở Việt Nam từ trước đến nay cũng đã có những gia đình giàu có. Tỷ như gia đình nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi, từng có hãng tầu biển lớn nhất nước, cạnh tranh với cả những ông chủ người Pháp.
Gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô đã được sử sách ghi lại. Vào thời điểm khó khăn nhất của cách mạng, ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ chính quyền của cách mạng 5.147 cây vàng. Bà Hồ đã từng nói rằng: “Người làm ăn buôn bán chúng tôi tiết kiệm từng hào, từng xu … thế nhưng làm từ thiện hay ủng hộ cách mạng thì mấy chục lạng vàng một lúc cũng không tiếc”. Đó là những gia đình giàu có mà yêu nước trước cách mạng nay còn được vinh danh.

Thế nhưng, có một thời, người giàu là đối tượng bị loại bỏ. Thời quan liêu bao cấp với quan điểm giầu có là bóc lột là có tội. Triết lý “Một tấc đất tư hữu đều có thể đẻ ra chủ nghĩa tư bản” đã gần như triệt tiêu ý muốn làm giàu của hàng triệu người.

Ai cũng biết, có một thời chưa xa, ở Hà Nội đã có chiến dịch Z, trịch thu tài sản tất cả những gia đình có một chút của cải, căn nhà hai tầng cũng bị tịch thu, chủ nhân có thể bị bắt đi cải tạo dù đó là của cải mình làm ra hợp pháp. Công cuộc đổi mới đã thực sự khuyến khích người dân làm giàu chính đáng.

Rồi những ngày đầu chập chững hình thành các đại gia, lại nảy sinh bao nhiêu vấn đề, nhiều đại gia như họ Tăng, họ Liên lần lượt vào tù, làm nảy sinh tâm trạng nghi ngờ người giàu, nghi ngờ những gia đình giàu có, người ta nhìn họ đầy ác cảm…

Người giàu Việt Nam, những gia đình giàu có Việt Nam chỉ thực sự hình thành từ cuối những năm 90 đầu những năm 2000. Bước sang đầu thế kỷ 21 họ mới thực sự nở rộ. Và, thị trường chứng khoán chính là hình thức công khai đầu tiên về tài sản của người giàu, của những gia đình giàu có ở Việt Nam.

Vậy gia đình nào được coi là giàu nhất Việt Nam hiện nay ?

Theo số liệu thống kê tài sản được công khai trên phượng tiện thông tin đại chúng thì gia đình ông Phạm Nhật Vượng được coi là giàu nhất Việt Nam hiện nay. Ông Phạm Nhật Vượng có tài sản là 16.764 tỷ đồng Việt Nam. Hiện ông đang là chủ tập đoàn VINGROUP. Bà Phạm Thu Hương vợ ông Phạm Nhật Vượng có 2.891 tỷ. Em ruột bà Phạm Thu Hương là Phạm Thúy Hằng có 1.919 tỷ.


Trong số 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2011, thì cả ba người trong gia đình ông Phạm Nhật Vượng đều có mặt. Phạm Nhật Vượng đứng thứ nhất. Phạm Thu Hương đứng thứ ba. Còn Phạm Thuý Hằng đứng thứ năm. Đó là con số thống kê trong những ngày cuối cùng của năm 2011 trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Như vậy cộng lại, gia đình này đã có 21.574 tỷ đồng, tương đương một tỷ đô la Mỹ (1 tỷ đô la) thời điểm hiện nay.

Đó là chưa kể em ruột ông Phạm Nhật Vượng là Phạm Nhật Vũ, người đã bỏ tiền xây đường dây cáp treo vượt biển dài nhất Việt Nam, nối thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) với hòn ngọc Việt. Nguyên tài sản này cũng là cả ngàn tỷ. Ông Vũ còn là chủ một công ty truyền thông rất lớn – AVG.
Tôi đã có dịp trò chuyện với những người trong gia đình giàu có này và thật ngạc nhiên vì họ còn rất trẻ. Phạm Nhật Vượng cùng quê Hà Tĩnh với tôi, vùng quê nghèo ngàn đời nay mà ai cũng biết. Tiếp xúc với hai chị em Phạm Thu Hương và Phạm Thúy Hằng tôi thấy rất dễ chịu, họ xinh đẹp, nhẹ nhàng và lịch sự. Xem ra họ cũng khiêm tốn, khi trò chuyện, khi khách đến nhà chơi, hay khi ăn uống tiệc tùng.

Tôi còn nhớ khi được mời lên trao giải tại cuộc thi “Hoa hậu thế giới người Việt” lần thứ hai, vì không chuẩn bị trước nên tôi không muốn lên sân khấu, nhưng cả hai chị em Thu Hương và Thu Hằng ngồi ở hàng ghế sau cứ nhất mực động viên tôi lên trao. Tôi vốn hay mềm lòng trước người đẹp nên đã phải mượn cái cà vạt của một nhân viên để lên trao giải.
Nhưng, có người nói rằng, tài sản trên sàn chứng khoán là tài sản ảo! Có đúng vậy không? Thử điểm lại những người được coi là giàu nhất trên sàn mấy năm qua. Năm 2006, ông Trương Gia Bình với tài sản là 2.354 tỷ VND, được coi là người giàu nhất Việt Nam năm đó. Sang năm 2007 là ông Đặng Thành Tâm chủ tập đoàn Tân Tạo và Kinh Bắc với tài sản là 6.293 tỷ . Ông được coi là người giàu nhất 2007.

Đến năm 2008, ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai lên ngôi. Ông Đoàn Nguyên Đức có tài sản trên sàn lúc đó là 6.159 tỷ. Ông được coi là người giàu nhất Việt Nam 2008. Đến năm 2009 vẫn ông Đoàn Nguyên Đức giữ ngôi đầu với tài sản lên đến 11.439 tỷ. Năm 2010 ông Đức mất ngôi, thay vào đó là ông Phạm Nhật Vượng với tài sản là 15.775 tỷ. Năm 2011 ông Vượng vẫn giữ ngôi đầu với tài sản lên tới 16 .764 tỷ.

Qua đó ta thấy rằng sự giàu có này có sự biến đổi, có lẽ cái “Ảo” là ở chỗ đó chăng? Ví như ông Đặng Thành Tâm, người được coi là giàu nhất năm 2007 đến năm 2011 tài sản của ông trên sàn đã giảm 70% so với năm 2010. Giảm những 2.670 tỷ. Hay ông Đoàn Nguyên Đức hai năm liền giữ ngôi đầu, cho đến năm 2011, tài sản đã giảm 64% so với 2010, giảm đến 4.440 tỷ.

Chị em với ông Đặng Thành Tâm, có bà Đặng Thị Hoàng Yến đã rời khỏi tốp 10 người giàu nhất, thay vào đó là một đại gia Yến khác. Bà Nguyễn Hoàng Yến năm ngoái đứng thứ 12 nay đã lên hạng, đứng thứ 4. Hồ Hùng Anh xếp thứ 13 năm ngoái, nay đã lên bảy bậc, đứng thứ 6…
Những biến đổi này là tất nhiên, vì không chỉ trên sàn, nơi tài sản được coi là “ảo” mà ngay cả những đại gia, những gia đình không lên sàn cũng có những thay đổi. Cuộc sống là như vậy.

Tôi nghe nói thi sỹ Bùi Giáng vốn sinh ra trong một gia đình “Danh gia vọng tộc” thế mà đến đời ông, lại sống không cửa, không nhà, trở thành một người chăn dê trên núi. Ông đã lựa chọn? hay cuộc đời đã lựa chọn cho ông?

Không cửa, không nhà, nhưng ông đã để lại cho đời những vần thơ bất hủ. Đó mới là tài sản đáng quý nhất. Cho nên, “danh thiếp” của thi sỹ Bùi Giáng mới ghi: “Hỏi tên: rằng biển dâu ngàn. Hỏi quê: rằng xứ mơ màng đã quên”.

Hôm qua là nương dâu, hôm nay đã là bãi biển. Với lại, như triết lý của nhà Phật, của cải vốn là vật ngoại thân, ai mà biết được. Huống chi của cải lại ở trên sàn chứng khoán…ảo!
Cho nên, có những gia đình giàu có ở Việt Nam bỏ ra nhiều tiền làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Họ cũng rất có ý thức trong việc để lại những công trình văn hóa, xã hội cho đời sau như các ông Phạm Nhật Vượng, Vũ Văn Tiền mà tôi được biết.

Gia đình giàu nhất Việt Nam có tài sản không “Ảo”

Ảo cũng chỉ là một cách nói mà thôi! Phải có hình rồi mới có bóng chứ.
Sau cái ảo là cái thật. Cái thật là đất đai, nhà cửa, bệnh viện, những khu nghỉ dưỡng vui chơi… Tuy tài sản trên sàn không định hình, luôn thay đổi, năm nay anh là giàu nhất, nhưng năm sau có thể phải xếp sau người khác, nhưng họ vẫn là những gia đình giàu có bậc nhất đất nước này.
Tôi lại nói về một người có tài sản, đúng hơn là một gia đình người Việt có tài sản không kém gì gia đình ông Phạm Nhật Vượng. Mà là tài sản không “ảo” nghĩa là không ở trên sàn chứng khoán; tài sản nhìn thấy hẳn hoi, có người trả giá hẳn hoi, đã được kiểm chứng hẳn hoi. Đó là gia đình ông Trần Đình Trường.


Cũng như ông Phạm Nhật Vượng, tôi cũng đã có bài viết về ông Trần Đình Trường. Ông cũng người Hà Tĩnh, không phải ở huyện Can Lộc quê ông Vượng mà là ở huyện Kỳ Anh, cùng huyện với tôi. Ông Trần Đình Trường hiện là Chủ tịch tập đoàn Quản trị Trần và đang định cư ở Mỹ.
Khi tôi, trong chuyến đi với hoa hậu Thu Thủy thăm nước Mỹ, lần đầu tiên đặt chân lên thành phố giầu có và phồn hoa bậc nhất thế giới, thành phố NewYork, ở trong một khách sạn ngay trung tâm của quảng trường Thời đại nổi tiếng, khách sạn Carter, mà chủ của nó là một người Việt, ông Trần Đình Trường, tôi thực sự ngạc nhiên.

Tuy từ thời học phổ thông, tôi cùng học với người em ruột của ông Trần Đình Trường là Trần Đình Triêm, đã được nghe kể nhiều chuyện ly kỳ về ông Trần Đình Trường, mà thời đó chúng tôi chỉ ghé tai nói thầm với nhau vì sợ. Ý chí làm giàu đến kỳ lạ của một con người sinh ra và lớn lên ở vùng quê được coi là nghèo nhất nước, vùng bán sơn địa của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Trong câu chuyện Trạng mà mấy anh em chúng tôi vẫn kể: Để chứng minh quê mình nghèo nhất (được xếp vào diện nghèo), chẳng cần lập hồ sơ hay số liệu gì cả, mà chỉ cần đọc hai câu ca dao thôi: “Trăng lên đến đỉnh mu rùa. Cho anh đ… chịu, đến mùa anh trả khoai”. Đến ngay cái khoản ấy mà còn phải “chịu”, đến mùa mới trả… mà còn trả bằng khoai… nữa chứ! Nghèo đến thế là cùng! Vậy mà lại có một con người sinh ra ở đó nay là người giàu nhất Việt Nam.

Trong một bức thư ông gửi cho tôi mời tôi sang thăm Mỹ(mà tôi chưa đi được), ông viết thêm rằng khách sạn Carter của ông ở trung tâm thành phố New York có người trả giá 1 tỷ đô la, ông khẳng định “Khách sạn Carter là niềm tự hào của người Việt ở đây … vì thế khách sạn Carter không bán… chúng tôi sẽ duy trì nó như một tài sản vô giá”.

Trong dịp Tết Nhâm Tuất, con trai đầu của ông Trường là Trần Đình Nam và vợ là Chu Thị Hạ về Việt Nam, có đến nhà tôi chơi, Trần Đình Nam cho biết có người đã trả giá khách sạn Carter hơn một tỷ đô nhưng “Ba em không bán. Ba em nói dứt khoát như vậy”. Vì tôi đã nhìn thấy khách sạn Carter, đã hỏi một số người đáng tin cậy họ đều nói, giá một tỷ đô là đúng.
Ông Trần Đình Trường có 11 người con, nhiều người trong số đó đang làm ăn tại Mỹ như Trần Đình Nam, Trần Thanh Bắc …đều có tài sản riêng đáng kể.

Tháng Chạp năm 2011, tôi có đến nhà em ruột ông Trần Đình Trường là Trần Đình Chín ở ngay trung tâm bờ hồ Hoàn Kiếm (phố hàng Khay) và được ông cho xem bản thiết kế một dự án lớn. Đó là dự án công viên biển ở Nha Trang (Khánh Hòa). Tôi đã nhiều lần đến hồ cá Tri Nguyên, nơi trước đây nuôi nhiều loại cá nước mặn cùng các loại sinh vật biển thu hút khách tham quan khắp cả nước.

Ông Trần Đình Chín cho biết, hồ cá Tri Nguyên sẽ là trung tâm của công viên biển, một khu nghỉ dưỡng, vui chơi vào loại bậc nhất Việt Nam. Gần ba mươi phút, tôi đắm mình vào dự án này qua thiết kế của một kiến trúc sư nổi tiếng ở Mỹ.

Bãi tắm tự nhiên tuyệt đẹp. Bãi tắm nhân tạo cũng rất đẹp. Hệ thống khách sạn 5 sao, bể bơi, sân ten - nít, khu vực dưỡng sinh… Tôi đã đến nhiều nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng trong nước và thế giới. Mỗi nơi có một vẻ đẹp và những tiện ích khác nhau. Nơi đây, cái đẹp vừa có vẻ hoang sơ, nơi con người có thể hòa mình vào thiên nhiên trong lành của biển cả lại vừa rất hiện đại, đầy đủ tiện nghi… Ngay con đường dẫn vào khu trung tâm nghỉ dưỡng mà tôi nói với chủ nhà là “Cổng thiên đường”, nhưng ông Trần Đình Chín thì khiêm tốn: sợ như vậy người ta lại bảo là khoa trương!


Ông Trần Đình Chín , ông Đoàn Nguyên Đức, ông Trần Đình Trường .


Ông Chín cho biết dự án này đang triển khai với số tiền đầu tư lên đến 35 triệu đô la Mỹ. Câu chuyện xoay quanh các con ông đang làm ăn ở Mỹ. Ba người con trai của ông Trần Đình Chín là Trần Đình Thành, Trần Đình Hùng, Trần Đình Sơn hiện là chủ của Quality Inn ở Mỹ. Với hai khách sạn đã đưa vào sử dụng và một khách sạn đang xây. Số tài sản của các con ông khoảng 100 triệu đô la. Như vậy, số tài sản “nhìn thấy”, có giá hẳn hoi của gia đình ông Trần Đình Trường (gồm các con, em ông Trường) lên đến 1 tỷ 200 triệu đô la Mỹ.

Gia đình ông Trần Đình Trường là gia đình đầu tiên ở Việt Nam có tài sản không “Ảo” hơn 1 tỷ đô. Là gia đình người Việt giàu nhất từ trước đến nay. Cũng có thể nói là gia đình giàu nhất Việt Nam hiện nay. Dù đã có hai gia đình người Việt có tài sản hơn một tỷ đô la, nhưng họ vẫn chưa được xếp hạng vào các gia đình giàu có trên thế giới.

Có một tạp chí rất có uy tín về xếp hạng các người giàu trên thế giới là tờ FORBES, hàng năm, tạp chí này thường đưa ra danh sách các tỷ phú đôla và xếp hạng người giàu (từ 1 tỷ đô trở lên), nhưng, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có ai được họ để mắt đến! Họ chưa biết hay chưa tin vào số liệu chúng ta đưa ra? hay vì lẽ gì? Đó là tôi chỉ nói về những người giàu, nhưng gia đình giàu có ở Việt Nam không phải là quan chức. Họ được xem như những đại gia. Những nhà “Tư sản” mới!

Còn các quan chức thì sao? Có người nói quan chức Việt Nam lương ba cọc, ba đồng làm sao có được tài sản lớn! Lại có người nói, tài sản của nhiều quan chức, nhất là quan chức cấp cao cũng rất lớn và có khi đã nằm trong tài sản của các đại gia mà ta không biết! Họ đã ẩn vào đấy hay vào đâu? Tất cả cũng chỉ là phỏng đoán thôi. Có trời mới biết!


Dương Kỳ Anh