Phùng Chí Cường
Feng Zhiqiang
http://www.khoahocngoaicam.de/h%E1%B...quy%E1%BB%81n/

Sơ lược tiểu sử

Lão võ sư Phùng Chí Cường sinh ngày 1 tháng 1 năm 1928 tại Đông Lộc, tỉnh Hà Bắc.

Năm 8 tuổi bắt đầu học Thiếu Lâm quyền và luyện Đồng Tử Công.

Năm 17 tuổi học Thông Bối Quyền, Chu Sa Chưởng và Ưng Trảo Công.

Năm 20 tuổi theo Hồ Diệu Trinh tập Tâm Ý Lục Hợp Quyền.

Năm 24 tuổi bái sư nơi Trần Phát Khoa. Từ đó luyện TCQ 5 năm cho đến ngày Trần Phát Khoa qua đời, là đệ tử quan môn (đệ tử chính thức cuối cùng) của Trần Phát Khoa.

Hiện nay, Lão võ sư Phùng là Hội trưởng Hội nghiên cứu TCQ Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Bắc Kinh kiêm nhiều chức Hội trưởng danh dự và cố vấn cho nhiều hội đoàn khác. Mỗi năm ông đến Nhật một lần để biểu diễn và mở khoá tập huấn cho học trò tại đây.

Trong số những clip do wudang tìm về ở trên, có clip ghi hình 24 động tác của bài Hỗn Nguyên Thái Cực Quyền là bài cơ bản công của dòng Trần thức Phùng thị này. Học trò ông cho biết mỗi năm 24 thức này lại được thay đổi nên mỗi lần dự tập huấn lại học lại từ đầu.

Giới thiệu sư truyền

Phùng Chí Cường là đệ tử cuối cùng của danh quyền Trần Phát Khoa, bản thân ông Phùng cũng nổi tiếng với TCQ thực chiến nhưng ông cũng còn là đệ tử thân tín của Hồ Diệu Trinh, người được mệnh danh là "cha đẻ của khí công võ thuật hiện đại Trung Quốc". Ít có người biết đến Hồ Diệu Trinh vì ông này đã quy ẩn biệt tích ít lâu trước khi cuộc Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc diễn ra. Phùng lão sư kể lại rằng Hồ sư phụ của ông đoán biết sẽ có cuộc Cách mạng Văn hoá nên đã dặn dò đệ tử yêu của mình những điều cần thiết và bảo "ta về quê sinh sống" nhưng ông đi đâu, sống chết nơi nào, khi nào thì không ai biết.

Phùng lão sư thuật rằng Lão sư phụ Hồ Diệu Trinh theo học Đạo gia khí công, Nội công, Lục hợp Tâm ý quyền và Hoa Đà Ngũ cầm hí với Bành Đình Tuấn sau đó theo học Tâm ý quyền với Đới Văn Tuấn tại tỉnh Sơn Tây. Sau đó, Hồ sư phụ còn được một vị khác là Viên Tú Thần người huyện Thành An, tỉnh Hà Bắc truyền cho bài Tử lộ TCQ. Hồ sư phụ là người Sơn Tây, làm nghề bác sĩ Đông y, chuyên cả quyền thuật lẫn khí công. Sau quá trình nhiều năm tu luyện, ông Hồ dừng lại ở Tĩnh động công, đặc biệt chú trọng Động công tự phát ( động tác tuỳ phát theo nhu cầu cơ thể chứ không theo bài bản cố định )Ông có hai trước tác là "Khí công" (1959- NXB Nhân dân Vệ sinh) và "Khí công và Bảo kiện công" (1962- cũng do NXB kể trên ấn hành).

Phùng lão sư cho biết tính cách và phong thái của nhị vị sư phụ của ông hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu Trần sư phụ chỉ cần nhấn một cái nhẹ cũng có thể làm gãy, bể bàn ghế thì Hồ sư phụ là một người khinh linh, có thể giữ nguyên tư thế tọa thiền mà ngồi lơ lửng không đụng mặt đất (Tin hay hoài nghi chi tiết này là việc của quý vị, những người đọc những dòng này. Có lẽ nên xem đây là chi tiết miêu tả sự khác biệt giữa hai vị thầy thì hơn là cãi nhau về chuyện chân - giả)


Trước đây, Phùng lão sư sống gần công viên Thiên Đàn tại Bắc kinh nhưng gần đây đã chuyển đến gần công viên Địa Đàn và dùng công viên này như nơi giảng dạy của mình. Kể từ năm 1983, Phùng lão sư thành lập Hội nghiên cứu Trần thức Thái Cực Quyền và giữ chức Hội Trưởng. Hội này ngoài Phùng lão sư còn có các vị đệ tử của Trần Chiếu Khuê, đệ tử của Điền Tú Thần từ Trần Gia Câu đến Bắc Kinh. Hội này hàng năm vẫn tổ chức nhiều hoạt động võ thuật khác nhau.


Đôi điều về Trần thức Tâm ý Hỗn nguyên Thái Cực Quyền

Phùng lão sư cho hay nhiều người thường nói bài Trần thức Tâm ý Hỗn nguyên TCQ là do ông tự chế ra nhưng sự thật thì không phải. Lão võ sư cho hay khi đến cuối đời Trần Phát Khoa cho rằng luyện Trần thức TCQ đến một mức cao thì nhập vào Hỗn nguyên (cử động tròn, hình cầu) . Những năm cuối đời, Trần sư phụ càng lúc càng đi quyền tròn trịa hơn và thay đổi bài quyền tổng cộng 7 lần. Trong số 7 lần thay đổi này thì 5 lần là do một mình Trần Phát Khoa tiến hành, 2 lần cuối là thay đổi với sự góp ý, bàn luận của Hồ Diệu Trinh trong suốt quá trình hơn 2 năm. Bảy lần thay đổi ấy được đúc kết để trở thành nền tảng của Trần thức Tâm ý Hỗn nguyên TCQ. Trần sư phụ mang bài đã thay đổi xong biểu diễn từng thế một, cắt nghĩa tường tận về khái niệm Hỗn nguyên của từng động tác cho Phùng lão sư. Phùng lão sư lại sửa đổi thêm 7 lần nữa để có được bài như hiện nay (mỗi năm cũng còn thay đổi chi tiết ). Nói cách khác, bài quyền truyền thống của Trần thức đã được Trần Phát Khoa và Hồ Diệu Trinh nghiên cứu và thay đổi phản ánh thành quả nghiên cứu ấy. Lấy ví dụ như thức "Kim Cương Đảo Đối" trở thành đường tròn đứng như hiện nay là do sự thay đổi của Trần Phát Khoa.

Trả lời nghi vấn của các sư huynh đồng môn cho rằng thời kỳ đầu thập niên 1980, họ không thấy Phùng Chí Cường tập bài Trần thức Tâm ý Hỗn nguyên TCQ hiện nay, Phùng lão sư cho biết ông vẫn tập một mình nhưng không đem truyền dạy vì chưa phải lúc và chưa có người xứng đáng để mang ra truyền. Hiện nay, những người mới bắt đầu vào học đã được truyền dạy bài này nhưng tuỳ theo từng người mà động tác được dạy có thể được lược bớt để trở thành đơn giản hơn. Phùng lão sư cũng nói thêm rằng, sư phụ Trần Phát Khoa đã không truyền bài Hỗn nguyên TCQ này cho tất cả những sư huynh, đệ khác. Căn nguyên ở chỗ bài Hỗn nguyên TCQ này có sự nghiên cứu và cải biến của hai vị là Trần Phát Khoa và Hồ Diệu Trinh. Chỉ Phùng lão sư là đệ tử chính thức của cả hai vị mới được truyền dạy và kế thừa, phát triển nó như ngày nay. Phùng lão sư nhấn mạnh rằng mỗi bài TCQ có cái hay riêng, không phải riêng một bài nào hoặc chỉ có bài Hỗn nguyên TCQ do ông truyền mới là hay nhất. Phùng lão sư luôn luôn nhắc nhở điều này với môn đồ để tránh tình trạng chỉ trích, chê bai nhau hoặc tự mãn với những gì mình học được, biết được.