Đua nhau bán thánh buôn thần
Thứ Sáu, 04/06/2010 --- cập nhật 03:07 GMT+7


Vào mùa vía Bà Chúa Xứ núi Sam, hàng loạt kẻ đua nhau xưng “thần thánh”, “thầy bà”, “hạ phàm cứu nhân độ thế” lừa khách hành hương đến vùng Bảy Núi - An Giang.

Dù còn vài hôm nữa mới đến ngày vía chính Bà Chúa Xứ núi Sam (24-4 âm lịch, tức ngày 6-6) nhưng khách hành hương đã đổ về vùng Bảy Núi - An Giang rất đông. Ăn theo họ, nhiều kẻ không ngại ngần giở đủ trò buôn thần bán thánh.

“Thầy”... chạy !

Sau khi vãn cảnh trên đỉnh núi Trà Sư, thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên - An Giang, đoàn người hành hương chen nhau đi xuống. Đến tảng đá to cách đỉnh núi chừng 50 - 60 m, đoàn người phải dừng lại vì một đám đông vây quanh một người đàn ông trạc 40 tuổi đang ngồi huơ chân múa tay rêu rao gì đó.


Sau cái ngáp dài, người phụ nữ (đứng giữa) uốn éo, múa may chuẩn bị “lên đồng” ở hang Ông Hổ trên núi Cấm – An Giang

Tôi nghe trong đám đông có tiếng thì thào: “Thầy Năm này được thần thánh “dựa”, tài giỏi lắm”. Lách đám đông để đến gần hơn, tôi nghe “thầy Năm” huyên thuyên: “Mười năm trước, một đêm nằm mơ, thầy được vong hồn cậu Út về báo mộng và khiến phải đi khắp núi này sang núi nọ để cứu nhân độ thế. Từ ngày được cậu Út “dựa” đến nay, thầy đã giúp rất nhiều người, như chữa bệnh, bắt ma, đuổi tà... Ngày nào thầy cũng phải đi núi, nếu không thì bị cậu Út hành đứng ngồi không nổi”.

Dừng một lát đợi đám đông “lĩnh hội” hết ý mình nói, “thầy Năm” tiếp lời: “Không phải ai cũng gặp được vong cậu Ut đâu nhé. Quý vị đây phải nói là có duyên, có phước lắm mới gặp được thầy, tai nạn gì cũng có thể hóa giải được”.

Một phụ nữ ngồi đối diện “thầy Năm” ngập ngừng: “Con bị đau nhức kinh niên, đi lại rất khó khăn. Lần trước con đi núi này, may gặp được thầy cho ít thuốc uống, giờ bệnh tình đã đỡ rất nhiều. Lần này, con tìm thầy xin tiếp thuốc uống cho dứt bệnh, tốn kém bao nhiêu cũng không quan trọng”.

“Thầy Năm” ngẩn người một lát rồi vỗ đùi, reo lên: “A, thầy nhớ rồi!”. Trong khi “thầy” lục lọi tìm thuốc, bà ta quay sang tiết lộ với những người xung quanh: “Thầy còn giải hạn, đuổi tà ma rất hay. Cháu gái tôi bị “mắc đàng dưới”, tối ngày cứ nói nhảm, đi khắp nơi rồi bị người ta làm cho mang thai. Tôi dắt nó lên núi xin thầy làm phép. Thầy cho mấy lá bùa về uống, giờ con nhỏ trở lại bình thường, có chồng rồi”.

Nhiều người vây quanh bàn tán xôn xao. Lác đác đã có người tiến đến gần “thầy Năm” e dè xin chữa bệnh, nhờ giải hạn... Đột nhiên, “thầy Năm” và người phụ nữ “đau nhức kinh niên” vội vã đứng lên chen vào đám đông, chạy ngược lên núi rồi mất hút.

Tôi thấy một cảnh sát khu vực dẫn toán dân phòng đi tới. Trong khi nhiều người đang ngơ ngác thì một dân phòng cười ngất: “Cha Năm Lèo này ở Thoại Sơn - An Giang, chuyên lừa đảo khách hành hương chứ thầy bà, thần thánh gì. Còn người phụ nữ nói bị bệnh đau nhức gì đó là cò mồi. Họ từng bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính vì buôn thần bán thánh nên thấy công an, dân phòng là chạy mất dép”!

Bỗng dưng bị “nhập”

Tại hang Ông Hổ trên núi Cấm, huyện Tịnh Biên – An Giang, khi đang nghỉ chân cùng đoàn người hành hương ở một quán giải khát, tôi thấy nhóm 3 người đến am thờ gần đó thắp hương.

Nén hương chưa kịp cháy thì một phụ nữ trong nhóm này bỗng dưng múa may tay chân tứ phía, cơ thể ngoặt ngoẹo như muốn rũ xuống. Sau một cái ngáp rõ dài, bà ta cất giọng như hụt hơi: “Trước đây... tôi tu... ở núi này”. Hai người đi chung liền la lớn: “Trời ơi, vong cô nhập rồi. Cô nhập xác rồi...”.

Sẵn máy ảnh trên tay, tôi đưa lên bấm một loạt. Đang uốn éo, phụ nữ bị “vong cô nhập” liền hốt hoảng kéo hai người kia chạy xuống núi. Người bán nước giải khát lắc đầu, bảo: “Mấy người này thường đến đây lên đồng, nhập xác, lừa chữa bệnh, trừ tà ma để lấy tiền khách hành hương”.

Đến núi Sam ở thị xã Châu Đốc – An Giang, tôi nghe người dân địa phương đồn đại nhiều về một “bà thầy” chuyên lên đồng liền tìm đến. Tại nhà bà ta cách chân núi Sam khá xa, tôi thấy có nhiều khách đang chờ đợi.

Một người hạ giọng, vẻ bí ẩn: “ Bà thầy này được một đứa trẻ nhập hồn nên giọng nói rất khó hiểu”. Có lẽ vì vậy nên khi lên đồng, bà ta phải nhờ một “phiên dịch” ngồi cạnh để trao đổi với khách.

Lúc tôi đến, “bà thầy” đang lên đồng, cất giọng the thé rất khó nghe. Đúng lúc “bà thầy” đang giao tiếp với “cõi khác” thì có người đi xe máy chở nước đá đến trước nhà, hỏi to: “Để ở đâu đây?”.

“Bà thầy” quay ra, gắt gỏng: “Cứ để đại đó đi, chút tui cho người ra lấy”. Nhiều vị khách đang nghe bà nói “tiếng cõi trên”, giờ lại thốt ra... giọng phàm cứ ngẩn người ngỡ ngàng!

Chèo kéo mời xem bói, xin xăm

Đến Khu Di tích núi Sam những ngày này, du khách hẳn sẽ rất mệt mỏi, phiền lòng với cảnh chèo kéo dai dẳng mời xem bói, xin xăm của những người bán hoa quả, nhang đèn. Gặp bất cứ ai, những người này cũng luôn mời mọc: “Có xin xăm, coi bói gì không?”.

Theo chân một cậu bé bán nhang, tôi đến chùa Giác Nguyên ở lưng chừng núi Sam. Một phụ nữ bước ra, đưa một chiếc lon đựng đầy que xăm bảo tôi lắc thật nhanh. Khi tôi lắc, một que xăm lọt ra, bà ta lấy ngắm nghía rồi mang một cái rổ đựng đầy những mảnh giấy photocopy ghi sẵn lời giải tương ứng với số trên que.

Đưa cho tôi mẩu giấy có vài câu thơ lục bát, bà đọc lướt qua, bảo “quẻ tốt lắm” và đòi “tiền tổ” 20.000 đồng. Chỉ vài phút ở đây, tôi đã thấy hàng chục người đến xin xăm.



Theo Người Lao Động