MÙA XUÂN ĐI LỄ

dienbatn .
Tháng giêng là tháng ăn chơi , nhưng đồng thời cũng là mùa Lễ hội của người Việt . Với quan niệm " Đầu Trình - Cuối Tạ " , trong tâm hồn người dân Việt , việc đi Lễ đầu năm là một việc không thể thiếu được . Trong cái tiết lạnh của mùa xuân , hàng triệu người " Người xe lũ lượt - Áo quần như nêm - Kiều " tới dâng hương thành kính các Đền , Chùa , Miếu Linh thiêng ở khắp nơi . Trong Tâm khảm mọi người , đầu năm là một dịp tới những khu vực Linh thiêng để Trình các Ngài Thần linh , xin tài , xin Lộc , xin Bình yên cho suốt cả một năm tới . Những khu vực Linh thiêng hay được người ta đến nhiều nhất là những Đền thuộc hệ thống thờ Tứ Phủ và các Ông Hoàng . Nổi bật nhất là Đền thờ Ông Hoàng Mười ở Hà Tĩnh còn gọi là Đền Củi , Đền Thờ Ông Hoàng Bảy ở Bảo Hà Lào cai , Đền thờ Mẫu Thượng ngàn ở Lạng sơn , Đền Bà Chúa Kho ở Bắc ninh ...
[Ngày Xuân , ngày rộng tháng dài , dienbatn mời các bạn hành hương đi Lễ các Đền Linh thiêng nhất của miền Bắc theo cái nhìn của một Phong thủy sư và Pháp sư nhé .

1/ ĐỀN BẢO HÀ - TỨC ĐỀN THỜ THẦN VỆ QUỐC - HOÀNG BẢY :






GIỚI THIỆU : Đền BẢO HÀ ( Đền thờ Thần vệ Quốc HOÀNG BẢY ) , cách Thủ đô Hà nội khoảng 350 Km . Đường tương đối khó đi vì có rất nhiều cua tay áo với những vách tà luy cao và những vực sâu hun hút hàng trăm mét ngay cạnh đường . Từ Hà nội , bạn đi Lào cai bằng Tàu hỏa rồi từ Lào cai đi ô tô hơn trăm Km nữa mới tới . Bạn nào có xe ô tô riêng , nên đi theo đường Sơn Tây , qua cầu Trung Hà , Thanh Sơn khoảng 50Km rồi đi theo đường ven sông Hồng lên tới Phố Ràng rẽ trái là bến Bảo Hà .
Đền Bảo Hà được xây dựng ngay chân đồi Cấm , bên bờ sông Hồng , thuộc xã Bảo hà - HUYỆN BẢO YÊN - TỈNH LÀO CAI . ( Cách ga Bảo Hà khoảng 800 m ) .
Khu vực Đền có phong cảnh thật đẹp , trên bến dưới thuyền . Nhà nước vừa xây dựng một chiếc cầu bắc qua sông Hồng , dáng thanh mảnh tuyệt đẹp . Quang cảnh ở đây có sự kết hợp giữa Thiên nhiên và Kiến trúc theo thuật Phong thủy , có Tiền Án , hậu Trảm , Tả Phù , Hữu bật . Đây là nơi thờ một danh tướng Thời Lê Trung Hưng , có công đánh giặc , giữ nước , chiêu dụ nhân dân khẩn điền , khai mỏ xây dựng quê hương .
Chuyện kể rằng : Vào cuối thời Lê ( Niên hiệu Cảnh Hưng 1740 - 1786 ) , ở khắp vùng Phủ Quy Hoá , nhất là Châu Thủy Vỹ và Châu Văn Bàn luôn bị giặc cướp ở Vân Nam - Trung quốc tràn sang cướp phá . Trong tác phẩm " Hưng Hoá xứ phong thổ lục " của Tiến sĩ Hoàng Bình Chính viết năm 1778 ghi rõ : " Khắp vùng loạn lạc , dân cư điêu tàn , ruộng đất bỏ hoang ..." . Trước tình hình đó Triều đình cử danh tướng thứ bảy họ NGUYỄN lên trấn thủ vùng biên ải , tiến dọc theo sông Hồng đánh đuổi quân giặc , giải phóng Châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành một căn cứ quân sự lớn bảo vệ biên cương Tổ quốc . Tại đây Ông tổ chức thành các Thổ Ty , Tù trưởng , luyện tập cho quân sĩ . Ông làm Thống lĩnh cho cả quân Thủy , Quân Bộ tiến đánh lào cai , đuổi quân giặc chạy sang vùng Vân Nam .
Sau khi giải phóng Phủ Quy Hoá , Ông chiêu dụ các Thổ hào địa phương , đón người Dao , người Thổ và đặc biệt là người Nùng áo xanh tới khẩn điền , khai mỏ xây dựng quê hương . Với công đức và chi khí dũng cảm chống giặc ngoại xâm , giữ yên bờ cõi , nhiều truyền thuyết dân gian đã ca ngợi Ông , Nhân dân tạc dạ ghi công Ông cho ngàn đời sau . Trong một trận chiến đấu không cân sức với quân xâm lược phương Bắc , viên Tướng thứ Bảy của Triều đình đã anh dũng hy sinh . Xác của Ông trôi theo dòng nườc sông Hồng tới Bảo Hà ( Nơi ngôi Đền hiện nay ) thì dạt vào bờ . Nhân dân trong vùng ngậm ngùi thương nhớ , đưa xác Ông chôn cất tại đây và lập Đền thờ để tưởng nhớ công tích của một người anh hùng . Các Triều Vua Minh Mệnh , Thiệu Trị đã phong tặng Ông danh hiệu " Trấn an Hiển Liệt " , các Triều nhà Nguyễn sắc phong cho Ông là : Thần Vệ Quốc " .
Ngày 17/7 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Ông , nhân dân trong vùng náo nức mở Lễ hội . Khắp nơi trong nước đến viếng Ông và cầu xin Ông phù hộ cho ăn nên làm ra , phát tài , phát lộc .
Ngày 5/11/1997 Đền Bảo Hà được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia . ( Viết theo Phiếu ghi công đức Đền Bảo Hà ) .
( Còn tiếp - dienbatn )