Người phát minh “sự sống nhân tạo”
Viết bởi Travidat
Thứ năm, 27 Tháng 5 2010 05:09

Việt Nam đã biến đổi Craig Venter từ một thanh niên chẳng có hoài bão thành tên tuổi chói sáng trong giới khoa học, nhân vật phát minh “sự sống nhân tạo”.



Người ta có thể gọi Craig Venter là gì nhỉ? Một nhà khoa học chống đối mọi quy tắc, luôn biết cách biến mình thành tiêu điểm của giới báo chí với cái tôi “lớn bằng bánh xe bò”?
Trải nghiệm tại Việt Nam đã thay đổi cuộc đời Craig Venter - Ảnh: Smh
Hay là một nhà nghiên cứu tài ba đã thành công trong việc tạo ra sự sống? Có thể nói Craig Venter là sự pha trộn của cả hai con người đó. Thế nhưng, ít ai biết được thiên tài khoa học này đã trải qua thời niên thiếu nhạt nhẽo. Và cuộc đời ông đã thay đổi hoàn toàn sau bước ngoặt đáng nhớ - Việt Nam(*).
Sống mòn

Craig Venter sinh năm 1946 tại thành phố Salt Lake, tiểu bang Utah của Mỹ. Cha là kế toán viên, mẹ là nội trợ, cậu bé Venter được nuôi dạy cùng 3 anh em trong một căn nhà gỗ gần phi trường quốc tế San Francisco, bang California. Là con thứ trong gia đình, Venter lớn lên dưới cái bóng của người anh cả. Học hành chẳng có gì nổi bật, thậm chí có thể nói là bết bát, với bảng điểm toàn C và D. Venter chưa bao giờ đặt nặng chuyện học hành, suốt ngày vi vu lướt sóng hoặc la cà ngoài bãi biển. Khi lên trung học, tức vào đầu những năm 1960, chàng Venter trẻ tuổi vẫn không có hoài bão gì khác ngoài chuyện theo đuổi các cô gái và lướt sóng. Người em Keith Venter, hiện là kỹ sư NASA, nói: “Anh ấy chẳng có động lực học hành gì cả. Chuyện đó chẳng có chút quan trọng gì với anh ấy”.

Sau khi học hết trung học, Venter bị kêu đi quân dịch và cuối cùng lọt vào danh sách binh lính đến Việt Nam, dù anh cực lực phản đối cuộc chiến của Mỹ. Trong tự truyện For a Moment (tạm dịch: Trong từng khoảnh khắc) phát hành năm 2007, “gã xấu tính” của giới khoa học tiết lộ cuộc hành trình theo đuổi sự sống đã nhen nhóm vào năm 1968. Lúc đó người lính trẻ Venter phục vụ trong đội quân y nơi tiền tuyến khi cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân diễn ra. Chán ngán khi phải chứng kiến quá nhiều sự tàn khốc của chiến tranh và cuộc sống, Venter quyết định tự tử. Là người mê sóng nước, Venter quyết định gửi thây nơi biển cả. Anh bơi ra biển Đà Nẵng và dự định sẽ không quay vào bờ nữa. Khi đã ở ngoài khơi xa, trong vòng vây của rắn biển và cá mập, Venter chợt bừng tỉnh và nhận ra rằng chết không phải là lối thoát.

Thức tỉnh

Trong cuốn tự truyện, Venter viết: “Tôi phát giận khi thấy con cá mập đã ngăn trở kế hoạch của mình. Kế đến, cơn sợ hãi ập đến xâm chiếm tôi. Tôi đang làm cái quái gì vậy? Tôi muốn sống...”. Thế là Venter vật lộn với sóng dữ để có thể quay vào bờ. Và khi chạm vào bãi cát, anh được tái sinh với vận mệnh mới: “Tôi nằm dài trên cát, trần như nhộng. Tôi cảm thấy kiệt sức nhưng đồng thời lại rất nhẹ nhõm. Tôi muốn sống có ích. Tôi muốn tạo ra sự khác biệt. Tôi cảm thấy thật sự giác ngộ; tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng”.

Trong 40 năm qua, nguồn năng lượng đó đã giúp đưa Craig Venter lên những đỉnh cao phi thường. Chia sẻ với người em khi quyết định dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu y học, Craig Venter nói: “Cả đời một bác sĩ chỉ có thể cứu được vài trăm mạng người. Một nhà nghiên cứu có thể cứu cả thế giới”. Trở về Mỹ cùng người vợ VN, Venter tập trung học hành, hoàn thành một lèo từ đại học đến tiến sĩ ngành sinh lý học và dược lý học chỉ trong 6 năm. Sau đó, trong cương vị nhà nghiên cứu thuộc Viện Y học quốc gia Mỹ, Venter đi tiên phong trong công nghệ mới với mục tiêu sử dụng máy tính để giải mã bản đồ gien, giúp rút ngắn thời gian giải mã đến 20 lần. Thành tựu này cũng đã mở đường cho các thành công mới sau này, trong đó phát kiến nổi bật nhất, và cũng gây sốc nhất - tạo ra tế bào sống. Nhờ vào các đóng góp đáng kể hướng đến mục tiêu bảo vệ nhân loại và hành tinh xanh, Craig Venter đã được tạp chí Time vinh danh là một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới vào năm 2007.



Sự sống nhân tạo

Ngày 21.5, giới khoa học rúng động trước tin đội nghiên cứu của Viện J.Craig Venter - dẫn đầu là tiến sĩ Craig Venter - đã thành công khi tạo được tế bào sống nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Nhóm của ông Venter đã sử dụng một số hóa chất để tổng hợp nên các đoạn ADN, sau đó gắn một đoạn ADN mới vào bộ gien của vi khuẩn đơn bào Mycoplasma mycoides - thủ phạm gây bệnh viêm vú ở dê. Sau đó, họ tiếp tục cấy bộ gien này vào tế bào chất của một loài vi khuẩn đơn bào có quan hệ họ hàng với Mycoplasma mycoides. Bộ gien nhanh chóng "bám rễ" trong tế bào (vi khuẩn) mới rồi phân chia liên tục, tạo ra hàng triệu vi khuẩn Mycoplasma mycoides mới. Với thành tựu trên, ông Venter đã được gán biệt danh "kẻ thách thức Chúa", sau khi mở ra cánh cửa giúp loài người có thể sở hữu quyền năng tạo ra sự sống nhân tạo chưa từng có trước đây.


Thụy Miên