Cập nhật lúc 8h34 GMT+7, ngày 29/10/2007
75 năm sau ngày hai người thanh niên cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Đức Cảnh (24 tuổi) và Hồ Ngọc Lân (26 tuổi) lẫm liệt bước lên máy chém của thực dân, có một nhà ngoại cảm của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người vẫn "nhìn thấy" cái ngày bi tráng đó.

Bản tin báo Đông Pháp


Bạn học trường Thành Chung những năm 1923. Từ trái sang: Nguyễn Phúc, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Đức Cảnh và Đặng Tiệm Quỳ (đứng sau).

Anh Nguyễn Văn Bính - Phó Chủ tịch LĐLĐ Hải Phòng - kể với tôi: "Cách đây khoảng 7 tháng, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng có về thắp hương cụ Cảnh ở Diêm Điền. Bây giờ gọi Nguyễn Đức Cảnh là cụ cũng đúng vì nếu còn sống, cụ cũng đã gần 100 tuổi rồi. Không biết cụ phù hộ, chỉ dẫn thế nào mà chị Hằng vẽ được sơ đồ chính xác đến 80% về nơi cụ Cảnh và cụ Lân ở".

Còn anh Nguyễn Ngọc Đoán - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Bình - cho tôi xem bản sơ đồ mà nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã vẽ kèm theo những dòng chữ: "Vườn Quyến sau, phía tây nam pháp trường, qua cây cầu đá. Từ đó nhìn ra thấy ánh đèn của xe quân viễn chinh đi qua đường Nhà Thương và ánh đèn cột nhà in". Anh Đoán bảo: "Nhờ chỉ dẫn này, chúng tôi đã tìm thấy hài cốt cụ Lân và cụ Cảnh ở khu đất trong Cty cổ phần giày Thống Nhất - An Dương, Hải Phòng". Tất cả mờ ảo, dường như thật khó tin.

Ngày 31.7.1932 ấy đã được một tờ báo thời đó có tên gọi "Đông Pháp" đưa tin rất rõ ràng trong bài báo: "Nguyễn-Đức-Trọng tức Cảnh và Hồ-Ngọc-Lân đã lên máy chém". Bài báo này tường trình tỉ mỉ từng chi tiết việc hành quyết chiến sĩ cách mạng. "Chiều qua một chiếc ô-tô của Sở Mật-thám đã giải hai tội-nhân xuống nhà pha Haiphong. Từ một giờ đêm qua các ngả đường đi tới nhà pha đều cấm không được ai qua lại.

Một toán lính tây ở cơ thứ 10c RLC giúp sức có lính khố-xanh và lính cảnh-sát canh gác khắp nơi, trông càng thêm nghiêm trọng. Trong nhà pha lúc ấy hai tội-nhân được để ngồi vào bàn ghế, trước một cái bàn trên đủ thứ bánh ngọt, rượu, thuốc tây và đồ ăn, nhưng hai người không dùng một miếng, chỉ đòi uống nước... Đúng 5 giờ! Cái giờ trả nợ đời của Trọng và Lân. Bản cáo trạng đọc xong, lần lượt Cảnh trước Lân sau, đều bị trói có lính và các quan chức đi kèm chung quanh đưa ra máy chém...".

Đọc những dòng văn đầu những năm 30 của thế kỷ trước mô tả những giờ phút cuối cùng của các chiến sĩ cách mạng, khó ai cầm được nước mắt. Sáng đó, khi thực dân đưa Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân lên máy chém cạnh cây đa trước đề lao Hải Phòng (vị trí này nay là Ngân hàng Công thương Hải Phòng, đường Nguyễn Đức Cảnh), quần chúng, công nhân, lao động đã kéo đến rất đông bất chấp sự cản đường của bọn cảnh sát, mật thám để chứng kiến cái chết bất khuất của hai nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân.

Thái độ bình tĩnh, hiên ngang của hai nhà cách mạng đã làm cho thực dân cũng phải kính phục. Bước lên máy chém, Nguyễn Đức Cảnh còn hô vang: "Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Đả đảo đế quốc Pháp, đả đảo hội đồng đề hình!".

Tri ân

Hôm 21.10.2007, tôi theo đoàn cán bộ của Viện Pháp y Quân đội xuống nhà tang lễ Quân khu 3, Hải Phòng (nơi đang quàn hài cốt hai cụ Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân) để làm lễ hoàn cốt, nhập lại phần xương, xin của các cụ về Hà Nội làm giám định ADN. Cái tin "xác định chính xác hài cốt của cụ Cảnh và cụ Lân" đã làm nức lòng người dân Hải Phòng, Thái Bình và cả nước.


Hiện trường khai quật hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân (chụp lại ảnh của Điện lực Hải Phòng).

Thế nhưng, người Hải Phòng không đợi đến khi có kết quả giám định hài cốt hai cụ bằng khoa học, ngay khi hài cốt hai cụ được đưa về nhà tang lễ Quân khu 3 ở phố Bến Bính, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng (ngày 21.9), người dân khu phố này đã kéo nhau vào thắp hương viếng hai cụ. Chị Mai - chủ quán càphê ở ngay cạnh nhà tang lễ - bảo: "Thấy xe đưa hài cốt về, tôi cũng chỉ nghe là tìm được hài cốt các nhà cách mạng bị Pháp chém, nên tôi vào thắp hương ngay.

Sau biết là tìm được hài cốt của cụ Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân". Ban đầu, chị Mai bảo tôi hỏi gì nhiều, "để đưa báo à?", chị giãy nẩy lên: "Làm phúc đức ai kể làm gì!". Vậy rồi chị cũng kể; từ hồi bé, bà ngoại chị (vốn là tiểu thương ở chợ Sắt) đã hay kể về hai người cách mạng chết trẻ. Giặc Pháp chặt đầu rồi ném xuống sông Tam Bạc, còn thây người thì chúng bêu nơi chém.

Dân chúng thương lắm, đấu tranh đòi chôn cất cho hai anh. Tiểu thương chợ Sắt còn quyên tiền để lo ma chay. Hôm nay là đầy tháng các cụ ở đây, ngày nào cũng có người vào viếng cụ, đông lắm". Chị Mai bảo: "Người Hải Phòng ai chả biết cụ Cảnh, tiền đồ cụ ở đây, cụ là Bí thư Thành uỷ đầu tiên của Hải Phòng". Có thể chị Mai còn chưa biết, cụ Cảnh còn là một trong 7 người thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên, Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, sáng lập Công hội Đỏ (Tổng Liên đoàn Lao động VN ngày nay) và là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Lao Động - tờ báo của công nhân lao động VN.


Buổi lễ hoàn cốt diễn ra sau lễ cầu siêu của các nhà sư Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng. Trực tiếp đại tá, PGS-TS Nguyễn Trọng Toàn - Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội - tắm rửa lần cuối xương cốt cho hai cụ trước khi nhập quách. Sau buổi lễ, đại tá Toàn tâm sự với tôi: "Hôm 6.10, tôi xuống đây lấy mẫu xương đem về Hà Nội làm giám định ADN, hôm đó là làm vì khoa học. Còn hôm nay, tôi chọn vinh dự này vì mình cảm thấy như là con cháu của các cụ. Ơ quê tôi, người con trưởng bao giờ cũng trực tiếp làm khi sang cát cho cha mẹ. Cụ Cảnh và cụ Lân chết khi còn rất trẻ, chưa vợ con gì, hôm nay dường như các cụ chọn mình vậy".

Những cán bộ của LĐLĐ Hải Phòng túc trực bên hai cụ cho tôi biết, đã có trên 2.000 vòng hoa của các tổ chức và cá nhân viếng hai cụ. Nhiều ngày đã trôi qua, hoa đã tàn, ban tổ chức chỉ giữ lại những ruybăng ghi lời kính viếng treo một dãy dài bên hiên nhà tang lễ. Tôi cũng muốn đếm chính xác là bao nhiêu dải ruybăng, nhưng rồi cũng không đếm xuể. Tôi xem sổ ghi phúng điếu, số thứ tự đang tạm dừng ở con số 2.045...


Đại tá, PGS-TS Nguyễn Trọng Toàn và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tại lễ công bố kết quả giám định hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh.

Hành trình những người đi tìm

Tôi đã gặp những con người quyết tâm đi tìm hài cốt cụ Cảnh, cụ Lân. Đó là anh Nguyễn Ngọc Đoán - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Bình - người đã quả quyết: "Dù khó mấy cũng đi tìm bằng được hài cốt cụ, vì công lao của cụ đối với Đảng, với đất nước, với giai cấp CNVN và tỉnh Thái Bình là rất to lớn". Đó là anh Lê Ngọc Thiệp - Giám đốc Điện lực Hải Phòng. Anh Thiệp bảo: "Đây là việc làm có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình.

Vậy nên khi Thái Bình khởi xướng, chúng tôi rất ủng hộ và tham gia"... Còn anh Bính nói với tôi: "Đáng tiếc là Hải Phòng đã nghĩ đi tìm các cụ từ lâu nhưng không được. Cũng có lý do là vì hồi đó Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người chưa được thành lập, chưa có những nhà ngoại cảm như chị Hằng bây giờ".

Tôi cũng đã tìm đến khu đất rộng gần 1.000 mét vuông nơi đã tìm được hài cốt cụ Cảnh và cụ Lân, đối chiếu với sơ đồ nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã vẽ thì quả là gần giống, với tháp canh cũ, cột điện, ngôi chùa phía sau... Anh Nguyễn Quốc An - GĐ Cty giày Thống Nhất - kể: "Khoảng hôm 17.9, đoàn tìm kiếm đến đây. Nghe bảo khả năng bãi đất hoang phía sau Cty có hài cốt các cụ, tôi cho anh em giúp đoàn phát quang cây cỏ ngay".

Còn anh Nguyễn Ngọc Đoán kể: "Sau khi có sơ đồ chỉ dẫn của chị Hằng, chúng tôi và Hải Phòng đã tổ chức 3 cuộc hội thảo để xác định địa điểm này và đã đi tìm ở thực địa nhiều nơi, nhưng không được. Sau tìm đến khu nghĩa địa An Dương 2 thì nay đã là Cty giày Thống Nhất... Điện cho chị Hằng lúc đó đang ở Hà Nội, chị Hằng bảo: "Đúng rồi". Đứng trước bãi đất phế thải cỏ cây lau lút, nghĩ cụ Cảnh, cụ Lân đang nằm dưới mà tôi ứa nước mắt".

Hôm dự lễ công bố kết quả giám định ADN hài cốt nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh tại Viện Pháp y Quân đội (ngày 19.10), tôi đã có dịp gặp nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Chị Hằng đã tâm sự nhiều về khoa học tâm linh và rất vui vì đã có đóng góp cho việc tìm kiếm được hài cốt của cụ Cảnh và cụ Lân. Anh Đoán kể với tôi, khi tìm được hài cốt hai cụ, Trung ương cho phép đem về Thái Bình cải táng không cần thử ADN, nhưng chúng tôi và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đều mong muốn thử ADN để xác định chính xác hài cốt của các cụ.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích ra đây một đoạn trong thư bạn đọc (là một nhà khoa học của Hội đồng Lý luận Trung ương) vừa gửi đến toà soạn: "Là tác giả của cuốn sách "Nguyễn Đức Cảnh - người lãnh đạo đầu tiên của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ" (NXB Lao Động), tôi rất phấn khởi khi đọc tin: "Xác định chính xác hài cốt lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh" (báo LĐ số 244/2007).

Tôi cũng rất phấn khởi đọc tin về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng (báo LĐ cùng ngày) - người đã tìm ra hài cốt cụ Nguyễn Đức Cảnh và nhiều hài cốt chiến sĩ cách mạng khác. Mong rằng, vấn đề tâm linh sớm được nâng lên thành khoa học, nhưng phải chứng minh nó là một khoa học và khi khẳng định nó là khoa học thì phải nên đối xử với nó như một khoa học".

(Theo Đỗ Văn/Báo Lao Động)