Hằng năm, tất cả trẻ em đến một tuổi tại khu vực Karnataka, miền Nam Ấn Độ, lại phải trải qua nghi thức khiến chúng đều bật khóc vì hoảng sợ, trong khi người lớn lại tin rằng, nghi lễ này sẽ đem lại sức khỏe, manh mắn và tài lộc cho trẻ nhỏ.
Một vài người đàn ông đứng trên thành cao của một ngôi đền, họ cầm hai tay và chân những đứa trẻ rồi thả xuống tấm vải lớn đang được rất nhiều người đàn ông hứng ở phía dưới. Thông thường, họ đứng trên độ cao 9m. Trước khi được ném xuống, các em bé sẽ được lắc qua lại cho đến khóc.
Người Ấn Độ tin rằng nghi thức này sẽ giúp em bé khỏe mạnh hơn. Ảnh: OD. Thả trẻ em từ trên cao có lẽ là nghi thức tâm linh rùng rợn nhất ở Ấn Độ. Những em bé khóc thét đến tím tái được ném xuống mà không có bất kỳ vật dụng bảo vệ an toàn nào. Nhóm khoảng 14 - 15 người đàn ông đứng ngay dưới, cầm tấm chăn để đỡ em bé đang rơi. Ngay khi rơi vào tấm chăn, em bé sẽ được một người đàn ông đón và trả lại cho bố mẹ. Chắc chắn rằng, các em nhỏ sẽ phải mất vài phút mới có thể ổn định lại tinh thần sau cú sốc bất ngờ.
Người địa phương cũng không biết tên gọi chính xác của nghi lễ tâm linh này, nhưng nó đã xuất hiện từ 70 năm trước. Mỗi năm, người dân chỉ tổ chức nghi thức một lần đối với trẻ em dưới hai tuổi. Mặc dù, nghi lễ này đã bị cấm từ năm 2011 nhưng vào tuần trước, tại ngôi đền Digambeshwara ở làng Nagrala, nghi lễ man rợ này vẫn được diễn ra trong tiếng khóc sợ hãi của những em bé.

Ông Lov Verma, đến từ Ủy ban Quốc gia về Bảo vệ quyền trẻ em, chia sẻ: “Tôi hoàn toàn bị sốc. Đây không phải đơn thuần là nhiệm vụ của Chính phủ, chúng ta cần giáo dục cho tất cả mọi người đã tham giao vào hủ tục này, cả các thầy tu và dân chúng. Trên thực tế, những người cai quản ngôi đền vẫn tin rằng, làm như vậy trẻ em sẽ lớn lên một cách khỏe mạnh và sống thọ hơn”.