Nghĩ về tượng Đức Thánh Trần ở Trường Sa

Cập nhật lúc 55 AM, 05/06/2012

Việc dựng tượng Đức Thánh Trần, thiên tài quân sự Việt Nam, vị tướng duy nhất được nhân dân phong Thánh, tại Song Tử Tây, nơi đầu sóng ngọn gió ở Trường Sa, là một việc làm thật có ý nghĩa!


Đây một hành động mạnh mẽ trong quyết sách giữ nước, thể hiện rõ bản lĩnh Việt Nam “có cứng mới đứng đầu gió”, gió Biển Đông!

Ngọn gió của “bát ngát sóng kình muôn dặm”, “nước trời một sắc” nơi “sóng Hồng cuốn cuộn tuôn về Biển Đông” mà Trương Hán Siêu nói đến trong Bạch Đằng Giang phú: “Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã. Cũng là bãi biển xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao”.

“Ô Mã” đây chính là tên tướng Tàu xâm lược ở thế kỷ 13 từng khoác lác hăm dọa vua Trần: “Ngươi chạy lên trời, ta theo lên trời; ngươi chạy xuông đất ta theo xuống đất, ngươi trốn lên núi ta theo lên núi, ngươi lặn xuống nước ta theo xuống nước” để rồi cuối cùng y bị tóm cổ tại cửa sông Bạch Đằng, nơi Hưng Đạo Vương đã dàn thế trận với những bãi cọc đâm thủng thuyền giặc.




Tượng Đức Thánh Trần tại đảo Song Tử Tây.


Đúng là trong những trận quyết chiến chiến lược đó, thủy binh luôn giữ một vai trò rất quan trọng trong tư duy chiến lược của ông cha ta, một quốc gia bán đảo với bờ biển dài 3.260km, tiêu biểu là Trần Hưng Đạo.
Hơn nữa, trong tâm thế Việt, “Đức Thánh Trần” còn tượng trưng cho oai lực trừ tà diệt quỷ. Những hồn ma Toa Đô, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp dạo ấy... và bất kỳ kẻ xâm lược nào đang lảng vảng ở Biển Đông hôm nay chắc sẽ vẫn còn nhớ đến bài học xưa.

Bao đời đứng trước biển, “mỗi người Việt Nam dù sống ở đâu, ngay cả ở trên miền núi, hình như bao giờ cũng nghe được tiếng rì rào của biển cả ngày đêm không mỏi vỗ sóng vào bờ... Ngay cây rừng cũng mọc rậm rạp hơn ở hướng nhìn ra biển Đông và hướng nhà đâu đâu cũng quay về phía gió biển đến...

Con mắt và trái tim chúng ta vì vậy sẽ không chỉ dừng lại ở đường bờ biển thường được biểu diễn bằng một nét vẽ mảnh ở trên bản đồ: những phần đất nổi và đất nằm dưới mặt biển mà chúng ta có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ rộng lớn hơn nhiều, và chúng ta phải có ý thức rõ ràng về điều đó!”

Ngẫm sâu vào tự tình dân tộc sẽ thấy rằng, trong cảm thức người Việt chúng ta, núi và biển có sức lay động thật mãnh liệt. Biểu tượng con Rồng, cháu Tiên từ huyền thoại Lạc Long - Âu Cơ ghi đậm không chỉ là hình tượng thăng hoa của nguồn cội, mà suy ngẫm cho kỹ, thì ra đây từng là sự lựa chọn của ông cha ta, hướng núi hay hướng biển? Dựa vào hình thể đất nước thì chọn hướng nào để phát triển?




Trường Sa.


Phải chăng truyền thuyết 50 người con theo cha lên núi và 50 người theo mẹ xuống biển là một lựa chọn của sự cân bằng tâm thế hướng núi và hướng biển. Mà hướng biển xem ra có phần ưu trội vì trong mô hình mẫu hệ thì “mẹ Âu Cơ” chắc không phải là yếu thế hơn, nếu không là ngược lại.
Chỉ có điều, ân huệ của biển rất nhiều song không dễ thụ hưởng, còn tai họa vì bão lụt do biển gây ra thì lại bạo liệt tàn khốc. Vì thế, dựa vào địa hình, “yếu tố trội” và là yếu tố bảo thủ nhất, biến đổi chậm nhất theo thời gian, cùng với các yếu tố tự nhiên khác như khí hậu, sông ngòi và lớp phủ sinh vật, thì chọn “hướng núi”, dựa vào núi để mà mở nước phải chăng là một sự lựa chọn trong thế chẳng đặng đừng vào buổi ấy mặc dù biển vẫn luôn vẫy gọi.

Lịch sử đã từng ghi nhận bản lĩnh mở đường, đi về phương Nam của Nguyễn Hoàng thế kỷ 17. Bản lĩnh đó được bật dậy từ một tầm nhìn: nhìn ra cái thế chiến lược của việc mở nước về phương Nam, hướng ra biển từ dải Hoành Sơn, tạo ra một thế phát triển mới.
Tầm nhìn chiến lược, xuyên lịch sử, xuyên không gian và thời gian từ đôi mắt của bậc danh sĩ thế kỷ 16 Nguyễn Bỉnh Khiêm, với bản lĩnh và sự nghiệp của người anh hùng đi mở cõi Nguyễn Hoàng, đã khởi đầu cho một chuyển đổi tâm thế dân tộc: hướng ra biển.

Nhưng cũng chính vì thế mà những thế lực bành trướng quyết chặn con đường biển của chúng ta, không muốn chúng ta mạnh lên, cản trở cho tham vọng bành trướng của chúng. Mà đâu chỉ phải hôm nay. Trong lịch sử, các đạo quân xâm lược tràn vào nước ta từ đường biển. Cho nên, ông cha ta không một khoảnh khắc lơi lỏng.

“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: năm 1161, Lý Anh Tông sai đô tướng Tô Hiến Thành và phó tướng Đỗ An Di đem hai vạn quân đi tuần tiễu ở các nơi ven biển miền Tây Nam để giữ yên cõi xa. Năm 1171, vua đi tuần các hải đảo, xem khắp hình thế núi sông, muốn biết dân tình đau khổ và đường đi xa gần thế nào. Năm 1172, mùa Xuân tháng 2, vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về. Liệu đây có phải là vị vua đầu tiên vẽ bản đồ đất nước? Và chính trên con đường biển ấy, bao thây xâm lược đã làm mồi cho cá. Trận Bạch Đằng năm 938 Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán đánh dấu một bước trong tiến trình xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập là một ví dụ. Bình về chiến công này, Ngô Thì Sĩ viết: “Một vũ công cao cả vang dội đến nghìn thu há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu!” .

Quả đúng vậy! Trận quyết chiến chiến lược của quân dân đời Trần tháng ba năm Mậu Tý (1288) dưới sự chỉ huy của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đánh tan mấy chục vạn quân Nguyên cũng diễn ra trên khúc sông Bạch Đằng lịch sử này. Trong Nguyên sử, q.166, Phàn Tiếp truyện chép: “Kịch chiến từ giờ Mão đến giờ Dậu”, tức là từ sáng đến chiều, đã nói lên tính khốc liệt của cuộc chiến.

Rõ ràng là vào thời điểm nhạy cảm như hiện nay, càng phải có ý thức thường trực về việc động viên tình cảm yêu nước của thế hệ trẻ, cổ vũ và tạo cho họ điều kiện để thực hiện quyền được yêu nước của mình. Làm thất thoát hay để thui chột tình cảm ấy, vì những ứng xử tế nhị trên trường quốc tế mà cản trở việc tuổi trẻ thể hiện tình cảm yêu nước đó là có tội với đất nước, đáng hổ thẹn với cha ông đã bao đời đổ máu để giữ gìn từng tấc đất, từng thước biển, từng hòn đảo làm nên giang sơn gấm vóc hôm nay.

Việc dựng tượng Đức Thánh Trần tại Song Tử Tây của Trường Sa đầu sóng ngọn gió có ý nghĩa gợi nhớ bài học lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, đồng thời cũng biểu tỏ bản lĩnh Việt Nam trước mọi mưu toan của kẻ thù.