Đi tìm chân tướng thầy Vọng 03/07/2007

Trong cái nóng hừng hực của gian "điện" khoảng hơn 30m2, không điều hòa, không quạt, các "con nhang đệ tử" vẫn ngồi chật kín cả "lò", dỏng tai nghe "thầy" phán đủ thứ chuyện trên đời chỉ bằng cách xem những… quả cau.

Mỏi cổ chờ "thầy"
Sau hành trình hơn 20 cây số từ Hà Nội qua đường 5, chúng tôi có mặt trên địa bàn xã Vĩnh Khúc. Đường vào thôn Vĩnh Bảo ngoằn ngoèo, nhiều ngả rẽ, nhưng tìm được nhà thầy bói Vọng không mấy khó khăn. Khắp trong xã từ các cô bé, cậu bé mươi tuổi đến những cụ già 70, 80 tuổi đều có thể chỉ cho chúng tôi đường tới nhà thầy bói Vọng. "Xem ra ông thầy này rất nổi tiếng" - ông bạn tôi phán đoán.

Ngôi nhà 2 tầng khang trang cửa đóng then cài. Tôi thò tay mở tấm sắt nhỏ trên chiếc cửa xanh rồi gọi lớn. Tiếng chó sủa liên hồi, phía trong nhà một người đàn ông to cao, mặt dữ tợn lừ lừ tiến về phía cổng… "Hôm nay thầy nghỉ đi lễ, mai đến sớm", chẳng kịp để chúng tôi thưa chuyện, anh ta nói cụt ngủn rồi lầm lũi đi vào. Chưa kịp nổ máy quay ra, cậu bé bán đồ lễ ngay cạnh nói: "Thầy lên Hà Nội từ sáng, chiều anh quay lại chắc gặp. Nếu cần chỗ ngủ, em chỉ cho".

3 giờ 30 chiều, khi quay lại vẫn thấy nhà không có ai. Cậu bé ban sáng thò cổ ra cửa, mời chào: "Thầy về rồi, các anh ra mua đồ lễ để vào chầu". Đồ lễ gồm 1 bó hương, 1 quả cau, 1 gói bánh. Cậu ta thu của chúng tôi 10.000 đồng rồi cho số điện thoại: "Có người nhấc máy anh cứ bảo: Em đang ở trước cổng nhà chị". Tiếng chuông điện thoại đổ dài, nhưng không ai nhấc máy.

16 giờ 30, sau gần một ngày chờ đợi, bà Thi, vợ thầy về, đon đả mời vào nhà và yêu cầu chúng tôi ghi ra giấy đầy đủ tên tuổi, vợ con, địa chỉ… Trong lúc chúng tôi ghi chép, bà nhấc điện thoại, giọng không lấy gì làm trang nghiêm, kính trọng với "thầy", kiêm người chồng: "Đang đâu đấy… điện thoại hết pin, không về đi còn la cà ở đâu. Nhà có khách đến đăng ký đấy… ngày mai chứ gì…". Vợ thầy "phổ biến" tình hình. Chúng tôi đặt 50.000 đồng vào đồ lễ, rồi nghe bà dặn dò "mai khoảng 9 giờ đến để "thầy" xem sớm".

Vào "lò" điện nghe thầy phán

Sáng hôm sau, chúng tôi đến trước hẹn khoảng 30 phút. Một vài cái ô tô biển 29 đã đỗ cạnh ngõ vào nhà. Cổng mở toang, phía trong khoảng sân rộng có vài chục chiếc xe máy biển 29, 34, 16, 18… nằm la liệt. Phòng điện khoảng hơn 30m2 đã chật kín người. Một con nhang đệ tử đang chăm chú: "Cái hông bên phải của mày còn đau không? Đi khám bác sĩ chưa?... Thế mày có muốn khỏi bệnh không?... Nếu muốn thì cầm cái giấy này đưa cho vợ tao, rồi mai quay lại?".

Cả một điện thờ tối om om không khói nhang, đầy bí ẩn, án ngữ ở đầu hồi gian phòng nơi "thầy" "tác nghiệp". Thầy ngồi ngay cửa ra vào, xoay lưng về phía điện, mắt nhìn về các "con nhang". Mặt thầy mỏng và đen nhẻm, hàm răng đen xỉn có vẻ là kết quả của tật hút thuốc lá liên hồi. Giọng "thầy" nằng nặng, oang oang, rất "đời", thi thoảng lại chen vào những câu rất chi "trần tục": "Con... mẹ mày...", "Tao đã bảo...", "Quả cau bé tí thế này xem thế đ… nào được".

Mỗi khi phán cho một "con nhang đệ tử", "thầy" lại đưa ra những chuyện mà chỉ có thầy và họ biết: "Cánh cửa tủ trên tầng hai nhà mày bị hỏng bản lề bên phải, trong có 3 bộ complet, bên trái có cái hộp nhôm đựng tiền, vàng. Ngực mày không cân, có muốn chữa cho nó cân không?

Mua giảm xóc mà đeo vào…". Chẳng rõ thực hư thế nào, chỉ thấy người phụ nữ ngồi đối diện "thầy" gật đầu lia lịa. Giọng hài hước của "thầy" thỉnh thoảng làm cho các "con nhang" cười thích chí. Chừng như đã thuyết phục được đối tượng, giọng "thầy" đột nhiên trầm xuống. Chỉ tay vào mặt người phụ nữ chừng 50 tuổi, thầy phán: "Nhà mày đất không tốt. Hàng đêm thường có 2 vong hồn mặc đồ trắng về báo mộng.

Chính vì thế mà mảnh đất đó không ai thuê, cũng chẳng ai thèm mua. Tao nói có đúng không?". Vừa nói, vừa cầm con dao chỉ thẳng vào mặt chị ta, thầy chuyển giọng như quát. Quá sợ hãi, chị kia chỉ còn biết "trăm sự nhờ thầy!". Hầu như trường hợp nào cũng vậy, mỗi khi "vạch" ra những điều người xem quan tâm, thầy không "phán" luôn cách tháo gỡ mà chỉ hẹn ngày mai.

Sau gần 2 tiếng ngồi nghe “thầy” phán, cuối cùng cũng đến lượt ông bạn tôi. "Thầy" lấy dao từ từ bổ làm đôi quả cau. Nhìn bạn tôi, thầy lắc đầu: "Cau của anh không có hạt. Hôm nay anh không có duyên. Ngày mai đến". Nhìn kỹ thấy cau có hạt, bạn tôi cố thuyết phục "thầy" xem giúp, vì đã mất công đặt lễ từ hôm qua. Thầy lại từ chối với lý do cau… nhũn.

Tới lượt tôi lại trục trặc. Hai người chỉ mua một lễ nên tôi không xem ngay được. Đang phân vân không hiểu vì sao hôm qua vợ thầy không nói rõ, người đàn ông ngồi cạnh mách: Ra mua ngay đồ lễ khác, bỏ kha khá tiền vào, đặt lên điện, hi vọng chiều có thể xem được.

Lúc này đồng hồ đã chỉ 10 giờ 40, một trong những "đệ tử" của thầy trong điện có gương mặt hết sức "hầm hố", thông báo với ai đó qua điện thoại: "Không được đâu, còn khoảng ba chục người nữa, mà "cô" chưa ăn cơm". Tôi chắc mẩm nếu có mua đồ lễ ngay hôm nay sẽ lại mất toi 60 ngàn, bởi nếu cau không có hạt thì cũng phải chờ đến… sáng.

Trước khi về, tôi đưa điện thoại lén chụp vài tấm ảnh cho bài viết. "Pụp!". Tiếng máy khẽ vang lên. "Thầy" ngừng phán, nhìn dáo dác. Một gã to béo, đầu trọc tiến lại gần. May sao vừa lúc đó, đồng nghiệp ở ngoài gọi vào, tôi đưa máy lên tai: "Bố ạ! Con chưa xem được, chắc phải mai… thôi nhá, máy con hết pin rồi". Gã thanh niên nghe vậy liền bỏ đi.

Hú hồn! "Thầy" Vọng được tiếng là thấu hiểu "thiên, địa", đoán việc như thần, lại luôn đề cao cảnh giác mà không biết tôi vừa làm gì. Nói dại nếu "thầy" tài (như nhiều người lầm tưởng) mà chộp điện thoại, xem ảnh thì chẳng biết điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi sau đó.



--------------------------------

Đi tìm chân tướng "thầy" Vọng (bài 2) 04/07/2007

Kỳ 2: Không biết hay bao che?

Sự trở lại liều lĩnh và ngang nhiên của vị thầy bói từng có tiền án khiến chúng tôi hết sức thận trọng trong khi tác nghiệp và buộc phải đặt ra những nghi vấn đối với các cơ quan chức năng địa phương trong công tác quản lý.


Chính vì thế, sau khi trực tiếp đi "xem bói", chúng tôi mới tiến hành trao đổi với các cơ quan này. Đáng tiếc, câu trả lời đã không nằm ngoài dự đoán!
Những chuyện bất thường

Nếu như chuyện xem bói có thể coi là bình thường thì điều khác thường là việc trong nhà thầy có quá nhiều những tay đầu gấu. Không khó khăn để phát hiện, chỉ cần một tiếng chuông điện thoại, một động tác gây chú ý là lập tức chúng tôi bị mấy gương mặt lạnh lùng lượn quanh theo dõi. Nghe nói trước đây từng có phóng viên bị đầu gấu nhà "thầy" đập tan máy ảnh và đuổi đánh. Chính vậy mà lần này chúng tôi hết sức cảnh giác.

Không hiểu có quy mô bằng thời gian trước Khi “thầy” bị công an huyện Văn Giang khởi tố (cuối năm 2003), song việc xem bói của "thầy" Vọng ngày nay vẫn được tổ chức khá tinh vi và bài bản. Từ ngoài đường cái đi vào là những hàng quán bán đồ lễ, trông xe, hàng ăn, trà thuốc, vừa làm nhiệm vụ cảnh giới. Mọi hoạt động bên trong đều liên quan mật thiết với bên ngoài.

Trong khuôn viên của gia đình "thầy" là cả một "hệ thống" các dịch vụ "ăn theo" do người nhà thầy đảm nhiệm: Đồ lễ 10.000 đồng/túi, trông xe 2.000 đồng/chiếc, chưa kể xe ôm, ăn uống, nghỉ ngơi… Quá nhiều thứ để moi tiền người xem bói. Một đồng nghiệp của tôi cho biết đã có lần phát hiện một người phụ nữ "chân gỗ" của thầy đang mang cả giỏ bánh, hương từ trong nhà thầy ra "cửa hàng" đồ lễ. Cả túi đồ lễ 10.000 đồng chỉ có mỗi quả cau bị bổ, còn những thứ khác sẽ trở ra bằng con đường này để "tham gia" lại từ đầu quy trình móc túi người xem bói.

Không chỉ riêng chuyện đồ lễ "chu du" lòng vòng từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài, chỉ cần "thầy" từ từ chậm chạp câu giờ là quán ăn của người nhà "thầy" tự nhiên phải đông khách. Chưa hết, ở đó khách còn có cơ hội qua mặt nhau để được "thầy" xem trước, chúng tôi đã được người bán phở ở đây "khuyên" phải chi thêm tiền nếu muốn vợ thầy ưu tiên khi xếp lễ lên điện thờ.

Theo quan sát của chúng tôi, cứ xem cho khoảng chục người thì đã có 7, 8 người bị thầy phán có vấn đề ảnh hưởng đến tính mạng. Giọng thầy oang oang, những câu nói nhố nhăng tục tằn, như một cách tăng thêm uy lực của “đấng” bề trên kẻ cả.

Tay thầy bổ cau thoăn thoắt rồi đưa lên ngắm như thể qua đó có thể am tường mọi ngõ ngách nhân gian: "Nhà mày năm nay bị động. Không giải bùa thì chồng mày nhất định bị xe tông chết". Nghe chuyện chết chóc, con nhang đệ tử cứ thế thi nhau vái lia lịa và Kỳ 2: Không biết hay bao che?

(Xem NTNN từ số 158 ra ngày 3-7-2007) Sự trở lại liều lĩnh và ngang nhiên của vị thầy bói từng có tiền án khiến chúng tôi hết sức thận trọng trong khi tác nghiệp và buộc phải đặt ra những nghi vấn đối với các cơ quan chức năng địa phương trong công tác quản lý. Chính vì thế, sau khi trực tiếp đi "xem bói", chúng tôi mới tiến hành trao đổi với các cơ quan này.

Đáng tiếc, câu trả lời đã không nằm ngoài dự đoán! thầy lại có dịp ra tay trừ tà, chữa bệnh. Và, cũng như những lang y vừa khám bệnh vừa bốc thuốc, phần béo bở nhất vẫn nằm ở khâu “chữa trị”. Thầy ung dung bảo yên tâm, mai đến và "con bệnh" sẽ có cơ hội… bổ sung vào nguồn thu "cơ bản" của thầy là cúng lễ, bán bùa...

Không biết hay bao che?

10 giờ 55 phút sáng 27-6-2007 sau khi rời khỏi nhà “thầy” Vọng, chúng tôi có mặt tại trụ sở công an huyện Văn Giang và được biết các lãnh đạo đều đi vắng. Buổi chiều, qua điện thoại, ông Ngô Duy Phương - Trưởng công an huyện Văn Giang khẳng định: "Thực tế hiện tượng xem bói của thầy bói Vọng đến thời điểm này là không còn, không thể còn như thế đâu".

Ông còn cho biết, trước đây vài người dân cũng có đến thắp hương, trả lễ vào ngày rằm hay mùng 1, vì họ có đặt bát hương cúng lễ ở nhà thầy bói Vọng. Nếu chúng tôi muốn về khảo sát tình hình cho thật khách quan thì nên sắp xếp vào ngày mùng 1, vì đó là ngày con nhang đệ tử, nếu có, sẽ đông nhất.

Còn Phó công an xã Vĩnh Khúc, ông Đoàn Văn Cẩn thì nói: Xã cũng đã ngăn chặn nhiều hơn các năm trước, kiểm tra đột xuất rồi gọi ra răn đe giáo dục, nên không còn như ngày xưa. Nhưng đến khi chúng tôi khẳng định thầy bói Vọng sau khi ra tù vẫn tiếp tục hành nghề có khi còn hơn trước, ông có phần dè dặt: “Thôi hẳn thì chưa, nó vẫn có lác đác, một số người nghe tin người ta đến. Đến thì nó đóng cửa ngoài thì mình không thực tế vào trong nên không nắm được như thế nào...”.

Về phần mình, ông Nguyễn Văn Năng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc cho biết địa phương đã tiến hành kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục và bắt làm cam kết nên: "Việc thầy bói Vọng vẫn thường xuyên hành nghề là không có hoặc nếu có thì có thể do lén lút nên anh em không bắt được”.

Thế nhưng khi chúng tôi đặt thẳng vấn đề hôm qua có tới mấy chục người đến xem bói nhà thầy Vọng thì ông nói: "Nếu mà nắm được thông tin này thì để anh em tiếp tục thực hiện những biện pháp mời ra, rồi vào kiểm tra thường xuyên, chắc như thế thôi. Bắt thì cũng khó chứ không phải dễ".

Điều khó hiểu là hành trình từ quốc lộ 5 vào đến nhà "thầy" Vọng ở làng Thượng, thôn Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, đường đi khá quanh co nhưng hầu hết người dân đều có thể chỉ cho chúng tôi đường tới nhà thầy bói "nổi danh" này. Ai cũng biết đến "thầy" và "thầy" vẫn hành nghề, chẳng lý gì địa phương lại "mơ hồ" như vậy.

Chính cậu bé bán đồ lễ cho chúng tôi - một minh chứng cho sự "tồn tại" của “thầy”, lúc mách chúng tôi tìm chỗ nghỉ trong khi chờ "thầy" còn cho biết: "Ngày nào người đến xem cũng đông nườm nượp. Anh muốn xem có khi phải đợi đến mai".

Anh T - một người dân cùng làng "thầy" ở thôn Vĩnh Bảo thì tỏ ra phẫn nộ: "Sao quá nhiều người bị "tâm thần", bói toán gì, chỉ cúng tiền cho nó làm giàu, dân ở đây chẳng ai tin như thế cả". Một nguồn tin còn cho chúng tôi hay: Thầy bói Vọng là anh em con cô, con bác với một Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc.

Chúng tôi không hiểu "khó khăn" của địa phương là gì nhưng với những gì đã chứng kiến và với kinh nghiệm của Công an Văn Giang hồi năm 2003, việc giải quyết vấn đề về "vị" thầy bói này sự thực không phải là việc quá khó.

Đặc biệt, với một đối tượng đã có tiền án tiền sự, mọi việc lẽ ra còn phải được quan tâm đúng mức hơn. Tuy nhiên, có thể đây là chuyện quá xa vời, nếu các cơ quan chức năng xã và huyện vẫn cứ để ngoài tai mọi việc.

Nông Thôn Ngày Nay