(24h) - Theo chân ông bước ra sân, chúng tôi lạnh sống lưng khi ông chỉ tay vào bịch nilon đang treo toòng teng trên cành cây nhãn.

Sau dăm lần gọi điện, chúng tôi mới gặp được ông Vũ Văn Bao (xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định - một giáo dân thuộc xứ đạo Quần Vinh) vào lúc chiều muộn. Chưa kịp mở đầu câu chuyện, nghe có tiếng người lao xao ngoài đầu ngõ, ông đã trầm ngâm: "Lại có các "thiên thần" đến thăm rồi đấy". Theo chân ông bước ra sân, chúng tôi lạnh sống lưng khi ông chỉ tay vào bịch nilon đang treo toòng teng trên cành cây nhãn giới thiệu: "Cứ tìm thấy thai nhi là người ta lại tự động mang đến treo trước ngõ nhà tôi nhờ chôn cất".

"Giúp linh hồn thai nhi lên thiên đường"
Ông Bao kể lại, ông bắt đầu công việc thu gom và chôn cất các thai nhi từ cách đây khoảng gần ba năm. "Thấy người ta vứt bỏ các thai nhi ngày càng nhiều, tôi thấy tội quá. Thai nhi là những sinh linh, chưa đầy năm đầy tháng thì cũng là con người. Con người thì có linh hồn, cần có nơi có chốn. Những đứa trẻ không may mắn được sinh ra, mình cần tạo cho chúng một mái ấm an nghỉ. Mình chỉ cần làm nghi thức rửa tội là các cháu được lên thiên đàng và được làm thánh, trở nên vĩnh cửu", ông tâm sự.

Thời gian đầu tiên, ông bí mật gói hàng chục thai nhi cho vào một cái tiểu lớn, đưa đi chôn cất giữa đêm khuya ngoài nghĩa địa. Ông kể: "Nửa đêm, tôi mơ thấy các cháu nó kêu chật chội quá. Tôi đến tận nơi làm tiểu, định nhờ người ta làm cho mỗi cháu một cái tiểu nhỏ nhưng giá rất đắt, tôi không đủ tiền. Tôi đành cho mỗi cháu vào một bát hương nhỏ thay cho tiểu rồi mang đi chôn".

Câu chuyện ông lão đi tìm thai nhi về chôn cất rồi tình cờ bị người làng phát hiện. Người thì bảo ông lẩn thẩn, người thì thậm chí bảo ông bị điên. "Tôi đi tới đâu, người ta cũng đều sợ hãi, xa lánh. Thậm chí, cứ đèo theo vật gì đó sau yên xe là trẻ con lại hét lên: "Ông cụ chở xác người đấy, chạy đi chúng mày ơi"", ông Bao kể lại.

Phải đến nửa năm sau đó, ông Bao mới tìm được "đồng minh" đầu tiên chính là vợ mình. Hiểu công việc ông đang làm chính là một việc tích đức cho con cháu, bà vợ ông hàng ngày đi tìm thai nhi ở các phòng khám, bệnh viện quanh vùng về cho ông khâm niệm, chôn cất. Chuyện ông lão chuyên chôn chất các thai nhi cũng lan xa trong vùng, nhà ông trở thành nơi "tập kết" của những thai nhi vô thừa nhận. "Cứ đôi ba ngày, lại thấy một vài bịch nilon người lạ mang đến ngoắc vào cành cây trước ngõ", ông Bao nói.

Dần dần, dân làng rồi cũng hiểu ra công việc của ông. Bà Phạm Thị Cường là một người hàng xóm của ông cũng tình nguyện cùng ông đi đến các phòng khám tư, bệnh viện quanh vùng thu gom các thai nhi mang về chôn cất cùng ông.

Tiếng đồn về công việc của ông được một nhà hảo tâm biết đến. Vị này tìm đến tận nhà ông Bao, cấp tiền cho ông xây hai lăng mộ làm nơi chôn cất thai nhi, cấp tiền mua bát hương làm tiểu. Số thai nhi chôn cất được ông Bao đánh theo số thứ tự. Với những thai nhi nhiều tuần tuổi, ông đặt tên cho mang họ Vũ của ông. Hiện ông Bao đã chôn cất cho khoảng 2.750 hài nhi trong hai lăng mộ - nơi mà ông gọi là "nhà chung cư" của các cháu, mỗi tầng đủ chỗ cho khoảng 400 hài nhi. Đưa cho tôi xem cuốn nhật ký, ông nghẹn ngào: "Tên các cháu ngày càng phủ kín cuốn sổ này. Sao nhiều người nỡ vô tình bỏ đi giọt máu của mình đến thế. Để rồi cứ dăm ba ngày, lại có một cô gái tìm đến khu lăng mộ của các cháu, sì sụp khấn vái khóc lóc tỏ vẻ ân hận".

Ông Bao tâm sự: "Bọn trẻ nó cũng gớm lắm. Nhiều ngày mệt quá nên tôi chưa kịp khâm niệm cho các cháu. Nửa đêm, tôi có cảm giác chúng nó quấy khóc, rồi leo lên mặt mình ngoáy mũi trêu chọc... khiến mình chẳng thể ngủ được. Tôi buộc phải dậy khâm niệm, làm nghi thức cho các cháu an nghỉ".

30 năm gắn bó với… người chết

Ông Bao kể lại, ông bước vào công việc thu gom thai nhi cũng bắt nguồn từ việc ông đã từng có 30 năm làm công việc gắn với... người chết. Suốt 27 năm nay, ông làm nghề thủ hối (còn gọi là trùm kẻ liệt) ở giáo xứ Quần Vinh với hơn 500 hộ giáo dân. Công việc của ông là đọc kinh, trò chuyện... hay nói cách khác, là làm mọi công việc để người sắp qua đời không tuyệt vọng mà chết một cách an lành. Trùm kẻ liệt được giáo xứ bầu ra trong nhiệm kỳ năm năm, làm việc tình nguyện. Tuy nhiên, thấy ông làm tốt nên dân bầu ông liên tục... sáu nhiệm kỳ liền. Ông bảo, muốn bỏ nghề cũng không được, dân tin mình rồi thì phải làm thôi.


Cây nhãn trước cửa nhà ông Bao trở thành nơi "tập kết" thai nhi vô thừa nhận.

Vợ ông kể chuyện: "Ông ấy làm việc này thì đi tối ngày, không kể giờ giấc, bất kể đông hè, ngày mưa cũng như ngày nắng. Nửa đêm mưa phùn gió bấc, cứ có người gọi là lại lóc cóc đạp xe lên đường". Không ít trường hợp có người nằm liệt giường tới bảy, tám tháng mới chết. Trong suốt thời gian ấy, ngày nào ông cũng ghé qua nhà, vừa thăm hỏi tình hình sức khỏe, vừa bắt mạch để tiên liệu lúc người ta có thể qua đời. Có trường hợp ông phải ngồi bên giường người sắp chết suốt ba ngày, ba đêm liền để giúp người chết được bằng an. Ông tâm sự: "Lúc lâm chung, con cái họ có thể không có mặt nhưng theo quan niệm của người theo đạo, trùm kẻ liệt dứt khoát phải hiện diện bên họ, trao cho họ cảm giác bình yên, thanh thản khi sắp qua đời".

Làm công việc gắn với giây phút lìa đời của mọi người, ông thấy một số người chết không được khâm niệm chu đáo. "Thương cho trót", ông xắn tay áo giúp khâm niệm người chết cũng từ ngày làm thủ hối. Thấy ông làm việc một cách "chuyên nghiệp", người dân nhờ ông giúp luôn việc cải táng mồ mả. Ông Bao tự miêu tả: "Tôi làm việc theo quy trình "khép kín", kiêm nhiệm tất cả công việc cho người chết, từ lúc người ta hấp hối đến khi sang cát cho họ".

Chỉ làm phúc, không lấy tiền

Lạ hơn nữa, theo người dân xứ đạo Quần Vinh, tất cả công việc ông Bao làm đều không công. Có lần ông Bao đi cải táng mộ cho một gia đình giàu có, họ muốn trả ông vài triệu tiền công nhưng ông cương quyết không lấy. Người nhà họ bảo ông điên mới chê tiền. Ông cười và trả lời: "Vậy thì tôi điên gần 30 năm nay rồi".

Ngay cả chính quyền khi có việc liên quan, cũng nhờ ông Bao đến giúp một tay. Gần 10 năm trước, có một xác chết trôi theo sông Hồng dạt về bãi sông quê ông. Sau khi khám nghiệm tử thi, chính quyền đi thuê người khắp vùng mà không một ai chịu chôn cất xác chết trôi, công an nghe tin ông chuyên làm việc phúc nên mời ông đến giúp. Đến hiện trường, khi nghe công an nói rằng đây là xác chết không rõ danh tính vì không có giấy tờ tuỳ thân, ông Bao tỉ mẩn lục lại xác chết và phát hiện ra chiếc thẻ sinh viên của nạn nhân trong túi quần, vì dính nước nên ép sát vào vải quần mà không ai phát hiện ra. Từ manh mối này, công an phát hiện ra danh tính của nạn nhân là một sinh viên quê ở Vĩnh Phúc, bị một đối tượng giết chết rồi vứt xuống chân cầu Chương Dương (Hà Nội). Vụ án được làm sáng tỏ, trong đó có công đầu là từ manh mối do ông lão chôn xác chết phát hiện ra.

Trong suy nghĩ của ông, lợi ích lớn nhất của những việc thiện ông làm suốt 30 năm qua đơn giản chỉ là: "Trong cuộc sống, làm việc thiện là một điều luôn được khuyến khích để tích đức cho con cháu".

24H.COM.VN (Theo ĐS&PL)