:- Tài liệu này ghi lại phần luận của Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma trong quyển “ Bồ-Đề Đạt-Ma Quán Tâm Pháp” (菩提達摩觀心法) do HT Thích Minh Thiền dịch và giảng giải tại chùa Hội Tông, Phú Định, vào năm 1973, xuất bản bởi Nhà xuất bản Quế Sơn, Võ Tánh, Sài Gòn. Quán Tâm Pháp là tên chung cho ba thiên luận về Huyết Mạch, Ngộ Tánh và Phá Tướng.

Trước nay, chúng ta chỉ thường đọc nội dung ba phần luận nầy trong quyển “Thiếu Thất Lục Môn” của Thầy Trúc Thiên dịch . Nay chúng tôi xin đóng góp thêm một bản dịch khác để quí vị có thêm tài liệu tham khảo. Trân trọng

I.- LUẬN HUYẾT MẠCH


Ba cõi lăng xăng đều từ một tâm. Phật trước Phật sau đều chỉ dùng tâm truyền tâm, chẳng lập văn tự.

Có người hỏi: Nếu không lập văn tự, vậy lấy gì là tâm?

Đáp: Ông nói tôi tức là tâm của ông, tôi trả lời với ông tức là tâm của tôi. Nếu tôi không có tâm thì lấy đâu biết để trả lời với ông; ông nếu không có tâm thì làm sao ông biết hỏi tôi. Cho nên biết: Hỏi tôi tức là tâm của ông đó.

Từ lũy kiếp đến giờ, nhẫn đến hành tung hoạt động bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào đều là cái tâm vốn có của ông, đều là Phật vốn có của ông. Cái nghĩa “chính tâm là Phật” là như thế. Ngoài tâm này rốt ráo không có Phật nào khác có thể được. Nếu lìa tâm này mà tìm Bồ-đề, Niết-Bàn, thì thật là không tưởng. Tánh chơn thật của mình không phải pháp nhân pháp quả, đó là nghĩa của tâm. Tự tâm là Niết-Bàn. Nếu nói ngoài tâm có Phật và Bồ-Đề có thể được thì thật là không tưởng.

Phật và Bồ-Đề ở chỗ nào? Ví như có người dang tay bắt hư-không có được gì không? Vì sao thế? Vì hư-không chỉ có tên chớ nào có hình tướng! Bắt đã chẳng được, bỏ cũng chẳng được. Thế là hư-không không thể bắt được. Trừ tâm này ra mà tìm Phật rốt rồi không được cũng giống như vậy.

Phật là tự tâm làm ra. Tại sao lìa tâm mà tìm Phật? Phật trước Phật sau chỉ nói về tâm. Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm; ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm. Nếu nói ngoài tâm có Phật vậy Phật ở đâu? Ngoài tâm đã không Phật sao lại còn làm ra cái thấy có Phật để mà dối gạt lẫn nhau, rồi không thể rõ được cái tâm vốn có của mình, lại bị vật vô tình nó nhiếp mất tự do; nếu không tin hiểu như thế, để tự dối gạt thật là vô ích. Phật không lỗi lầm, chúng sanh điên đảo chẳng biết giác ngộ tâm mình là Phật. Nếu biết tự tâm là Phật chớ nên tìm cầu Phật ngoài tâm.

Phật chẳng độ Phật, nếu đem tâm tìm Phật là chẳng biết Phật là chỉ tự tâm

Những người đi tìm Phật, hết thẩy đều chẳng biết tự tâm là Phật. Cũng chớ nên đem Phật lễ Phật, đem tâm niệm Phật. Phật chẳng tụng kinh, chẳng giữ giới, chẳng phạm giới. Phật không có giữ và phạm, cũng chẳng tạo thiện tạo ác. Nếu chẳng thấy tánh; niệm Phật, tụng kinh, ăn chay, giữ giới cũng không ích lợi gì. Niệm Phật chẳng qua được nhân quả, tụng kinh chẳng qua được thông minh, giữ giới chẳng qua được sanh lên cõi trời, bố thí chẳng qua được phước báo. Tìm Phật quyết định không thể được.
Nếu tự mình không thấu suốt, thì phải nên tìm tham học với thiện tri thức nào đã dứt khoát nguồn cội sanh tử. Nếu chẳng thấy tánh thì không được gọi là thiện tri thức. Nếu không như thế dẫu cho có giảng được hết cả kinh Phật cũng chẳng khỏi sanh tử luân hồi, vẫn ở trong ba cõi chịu khổ mãi mãi.

Xưa có Tỳ-kheo Thiện Tinh giảng được hết cả kinh Phật nhưng vẫn chẳng chịu khỏi luân hồi, cũng chỉ vì chẳng thấy tánh. Thiện Tinh đã như thế, người nay bất quá giảng được năm ba bốn kinh luận rồi vội cho là mình thực hành pháp Phật, đó là thuộc về hạng người mê. Nếu chẳng biết tự tâm, chỉ tụng theo suông mặt chữ của kinh đều là vô dụng. Nếu muốn tìm Phật phải nên thấy tánh. Tánh tức là Phật, Phật tức là người tự tại rảnh rang vô sự. Nếu chẳng thấy tánh, suốt ngày chật vật rong ruổi ra ngoài mà tìm, tìm làm sao được? Tuy không một vật có thể được, nhưng nếu muốn cầu tỏ ngộ cũng phải nên tham học với thiện tri thức. Phải thiết tha cần khổ mà cầu đến bao giờ được tỏ ngộ bổn tâm.
Sanh tử việc lớn, không được phép để luống trôi qua, tự dối gạt vô ích. Dẫu có của quí như non, quyến thuộc như cát sông Hằng, mở mắt thấy đó, khi nhắm mắt rồi ra sao? Phải biết các pháp hữu vi đều như giấc mơ, như huyễn hoá.

Nếu chẳng gấp tìm thầy học đạo, luống uổng một kiếp trôi qua.

Tuy rằng tánh Phật ai cũng vốn tự có, nhưng nếu chẳng nhờ Thầy chỉ giáo rốt không thể tỏ ngộ. Những bật chẳng nhờ Thầy mà tỏ ngộ chỉ là hy hữu trong muôn một mà thôi. Nếu tự mình được nhân duyên hợp ý Thánh thì không cần phải tham học với thiện tri thức; trường hợp này gọi là sanh ra đã biết còn hơn vậy.
Nếu chưa được tỏ ngộ phải nên cần khổ tham học, nương nơi giác mới được ngộ. Nếu đã ngộ rồi chẳng học chẳng sao, không đồng với người mê.

Nếu chưa minh bạch được đen trắng mà kỳ vọng nói tuyên bày giáo pháp của Phật, chê Phật kỵ Pháp. Những bọn như thế, thuyết pháp như thế, hết thảy đều là ma nói, không phải Phật nói, tức là ma vương, đệ tử của họ là ma dân. Người mê chịu cho chúng nó chỉ huy chẳng được giác ngộ, đoạ vào biển sanh tử chỉ vì chẳng thấy tánh, vọng xưng là Phật. Bọn chúng sanh như thế là đại ma vương, gạt gẫm tất cả chúng sanh cho vào cõi ma.

Nếu chẳng thấy tánh, dẫu cho giảng được hết cả kinh Phật đi nữa cũng chẳng qua là ma nói, là quyến thuộc nhà ma, chẳng phải đệ tử của Phật. Đã chẳng biện được đen trắng thì căn cứ nơi đâu mà khỏi sanh tử.

Nếu đã thấy tánh tức là Phật, chẳng thấy tánh tức là chúng sanh. Nếu lìa tánh chúng sanh mà riêng có tánh Phật có thể được, vậy Phật hiện ở chỗ nào? Như thế, tánh chúng sanh là tánh Phật. Ngoài tánh không Phật, Phật tức là tánh, ngoài tánh này không có Phật nào có thể được. Ngoài Phật cũng không có tánh nào có thể được.