Cuối đời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Tàu loạn lạc, gần bốn mươi chư hầu lăm le thôn tính lẫn nhau. Vua Nguyên Vương nước Sở là người trọng đạo, sùng nho, muốn khôi phục sự hùng cường cho đất nước và chiếm lại những đất đai đã bị mất để chống đối với nước Tần tàn bạo.

Thuở ấy, tại núi Tích Thạch, thuộc xứ Tây Phương, có một vị ẩn sĩ, họ Tả, tên Bá Đao, tuy mồ côi cha mẹ, song có chí học hành, nên sớm trở thành một người có tài trị thế an bang.

Đã gần bốn mươi tuổi, Tả Bá Đao không chịu ra làm quan, nay nghe Nguyên Vương nước Sở mến nghĩa cầu hiền, đem lòng hoài bảo thi thố tài năng của mình.

Ông ta lần đến kinh đô nước Sở để yết kiến.

Khi đi đến xứ Ung, gặp lúc trời mưa tuyết đổ dầm dề, đường sá trơn trợt, mình mẩy ướt dầm, không thể đi được nữa, nên phải tìm nơi tạm trú.

Lần mò mãi quanh chân núi, bốn bề đều vắng tanh không có một nhà cửa làng mạc nào cả. Trong cơn bối rối, màn đêm lại rủ xuống, gió lạnh rít từng cơn. May thay, trước mặt xa, trông thấy lấp loáng một ánh đèn, Tả Bá Đao lần đến thấy một ngôi nhà cỏ, bốn bề phủ một giậu trúc, trông có vẻ thanh cao và u nhã.

Bá Đao bước vào gõ cửa, bên trong chủ nhân ra mở cửa, và mời vào.

Nhà tuy chật hẹp, song rất sạch sẽ, ngăn nắp; giữa nhà kê một chiếc giường mây, trên treo mấy bức họa thời cổ, chung quanh chất đầy sách vở.

Biết là nhà của một nho sĩ ẩn dật, Bá Đa cúi chào và nói :

— Tiểu sinh là người Tây Phương, tên Tả Bá Đao, định sang nước Sở, chẳng may giữa đường gặp nước dầm, tuyết lạnh, vậy xin tiên sinh cho tá túc một đêm.

Chủ nhân lễ mễ đáp :

— Ngài không chê tệ xá mà đến đây thực là quà hóa lắm.

Nói xong, tìm trúc đốt lửa lên cho ấm và sửa soạn cơm, rượu dọn lên đãi khách.

Trong lúc ăn uống, Bá Đao hỏi họ tên thì chủ nhân đáp :

— Tiểu sinh họ Dương, tên Dốc Ai, ham việc sách đèn, nay may gặp tiên sinh hạ cố đến đây thực là may mắn lắm !

Bá Đao nói :

— Trong cơn mưa dầm tuyết đổ, được tiên sinh cho tạm trú, lại ân cần thết đãi như vầy, ơn ấy ngàn ngày không quên !

Đêm ấy hai người nằm gác chân nhau chuyện trò vui vẻ đem hết tài năng kinh lược ra bàn với nhau, tâm tình mỗi lúc một thêm khắn khít.

Sáng hôm sau, mưa tuyết vẫn dằng dai không ngớt, Dốc Ai cầm Bá Đao lại không cho lên đường. Bá Đao nóng lòng nói :

— Nay Nguyên Vương nước Sở chiêu đãi hiền sĩ, tôi tính xuống đó để lập công, còn hiền đệ có tài đồ vương định bá sao không đi cùng tôi xuống đó để lập nghiệp, lại sống ẩn dật nơi đây làm gì cho uổng đời tài hoa như thế ?

Tuy Dốc Ai lâu nay vẫn tính sống cảnh thanh nhàn, nhưng nay trước thâm tình không nỡ từ chối bèn sửa soạn hành trang cùng đi.

Đường xá xa xuôi dịu vợi, lại gặp lúc trời mưa mỗi lúc một thêm, phần thì cả hai người lâu nay sống trong cảnh nghèo nàn thanh đạm, hành là không có bao nhiêu, chỉ dồn vào một bao thay phiên nhau mà vác.

Gió càng ngày càng thổi mạnh, mưa mỗi lúc một thêm, bầu trời lạnh lẽo rủ xuống một màu trắng đục như một màu tang chìm trong cảnh hoang vu quạnh quẽ.

Qua khỏi vùng núi Lương Sơn, đường sá lại càng gay go hơn nữa.

Hỏi thăm thổ dân họ cho biết rằng con đường này, hơn trăm dặm đều là núi sâu, rừng rậm, các thú dữ đi từng đoàn khó mà vượt qua khỏi.

Hai người nhìn nhau thở ra, tuy không ai nói với ai câu gì, nhưng lòng mỗi người đều lo lắng. Bá Đao nói :

— Xưa nay sống thác đều có số mệnh, chúng ta đi đến đây chẳng lẽ trở về. Người anh hùng phải tìm cái sống trong cái chết !...

Đến một ngày kia, núi rừng u tịch, đường sá tuyết đọng trắng phau, lương thực trong hồ bao đã gần cạn, sức người có hạn làm sao chống lại với thiên nhiên trong cảnh nguy nan.

Tả Bá Đao nói với Dốc Ai :

— Tôi nghĩ từ đây phải đi qua hơn trăm dặm trên con đường núi vắng vẻ, không có làng mạc nhà cửa. Tính số lương thực thì một người đi may ra tới nước Sở được. Vậy ta trao lương thực và áo quần cho hiền đệ cố gắng mà đi. Còn ta, ta đã kiệt sức rồi, đành nằm chết ở nơi đây, đợi hiền đệ về đến kinh đô nước Sở, bái yết xong sẽ trở về đây đắp một cho ta cũng được.

Dốc ai nghe Bá Đao nói đau lòng, đáp :

— Chúng ta đã kết nhau làm anh em, thì sống thác có nhau, sao hiền huynh lại nghĩ như thế ?

Bá Đao nói :

— Nếu như thế rồi đây chúng ta sẽ bỏ thây cả hai nơi chốn rừng thâm này phỏng có ích gì không ?

Dốc Ai nhất thiết không chịu, thấy Bá Đao có vẻ hơi mệt nhọc, bèn dìu bạn đến một gốc cây dâu bên mé đường, bẻ cành khô đốt lên để sưởi lửa cho ấm.

Thấy lửa đã gần tàn, và tuyết vẫn rơi như đổ, Dốc ai vội vả rảo bước quanh vùng để kiếm thêm củi khô đem về đốt.

Vừa mới về đến nơi, thấy Bá Đao cởi bỏ hết quần áo, nằm chèo queo, Dốc Ai thất kinh hỏi :

— Anh định làm gì thế ?

Bá Đao chỉ đống quần áo nói :

— Hiền đệ hãy mặc thêm quần áo cho đỡ lạnh, rồi mang lương thực ra đi, tôi nhứt định chết ở đây !!!

Dốc Ai ôm quần áo đem đắp lên mình Bá Đao và nói :

— Nếu anh làm như thế, tôi cũng nguyện chết theo anh cho trọn nghĩa đệ huynh.

Vẻ mặt đầy nét hy sinh và khẳng khái, Bá Đao nói :

— Tôi bình sanh nhiều bệnh tật. Hiền đệ còn trẻ trung, khỏe mạnh, tài học lại hơn tôi bội phần, do đó nên tôi quyết nhường lương thực cho hiền đệ đi tới nước Sở mà lập nghiệp, hiền đệ đừng câu chấp như thế mà hai đứa phải chết cả nơi đây thì vô ích lắm.

Nói xong, thần sắc Bá Đao biến hẳn, rồi chỉ trong chốc lát, con người hy sinh ấy tắt thở.

Dốc Ai thương khóc thảm thiết, muốn tự tử chết theo, song sợ như thế sẽ phụ lòng Bá Đao, làm cho vong hồn Bá Đao không toại chí, bèn vái rằng :

— Em nguyện xin tuân ý anh ra đi và cầu xin vong linh anh phò hộ cho em sớm được thành công để về đây chôn cất cho anh, ấy là nguyện vọng của đời em.

Nói xong, Dốc Ai lấy áo quần mặc, vác bao lương thực còn lại ra đi.

Trải qua bao nhiêu ngày đói rét, Dốc Ai mới lần mò đến kinh đô nước Sở.

Quan Giám khảo là Thượng đại phu Bùi Trọng trông thấy Dốc Ai quần áo rách rưới, nhưng vẻ mặt thông minh, dĩnh ngộ, liền đem tất cả những nghĩa là trong điển kinh ra bàn hỏi. Dốc Ai ứng đáp như nước chảy, Bùi Trọng mừng lắm, vào tâu lại với Sở Vương.

Sở Vương tức khắc cho triệu Dốc Ai đến để bàn việc quốc sự. Dốc Ai dâng mười điều sách lược rất cần yếu cho sự tồn vong của nước Sở.

Nguyên Vương cả mừng, thiết đãi yến tiệc và phong cho Dốc Ai làm Trung đại phu.

Dốc Ai lạy tạ Ơn vua, nhưng đôi dòng nước mắt chảy ròng ròng. Nguyên Vương ngạc nhiên hỏi :

— Trẫm đã mến tài khanh, trọng dụng như thế cớ sao khanh lại còn buồn bã là ý gì vậy ?

Dốc Ai đem chuyện Tả Bá Đao kết nghĩa thâm giao và hy sinh liều chết nơi chốn núi non, để cho mình đủ lương thực đến kinh đô nước Sở bái yết.

Sở Vương nghe nói, động lòng rơi lụy thán phục tinh thần hy sinh cao cả của Tả Bá Đao, và phong cho Tả Bá Đao chức Trung đại phu, ban tứ đồ khâm liệm rất hậu, ủy thác cho Dốc Ai đến đó để dốc táng.

Dốc Ai lạy từ Nguyên Vương trở về đường cũ, tìm đến gốc bụi dâu nơi chân núi Dương Sơn, thấy thi thể Tả Bá Đao vẫn còn tốt tươi như người còn sống.

Dốc Ai khóc lóc một hồi, tẩn liệm theo nghi lễ, rồi xây tường bao quanh mộ, xây đền thờ kỷ niệm, lập bia ghi lại nỗi lòng hy sinh hiếm có ấy.

Bên cạnh ấy lại có xây một ngôi nhà riêng để cắt đặt người ở trông nom việc tế lễ hằng năm.

Công việc hoàn thành, thì tối hôm ấy Dốc Ai chong đèn ngồi trầm tư mặc tưởng ở hưởng đường, nhớ lại tấm lòng thâm khiết cao vời của bạn.

Bỗng nhiên một trận gió thổi đến ào ào làm cho ngọn đèn lờ đi rồi tỏ lại. Dốc Ai nhìn ra trước nhà thấy Bá Đao đứng sừng sững trước mặt, thất kinh vội hỏi:

— Đại huynh hiện hồn về đây chắc có điều gì dạy bảo đệ chăng ?

Vong hồn Bá Đao buồn bã đáp :

— Cảm nghĩa hiền đệ tận tâm chiếu cố đến nắm xương tàn của anh, anh không bao giờ quên được. Song có một điều là phần mộ của anh, em đem táng gần ngôi mã của Kinh Kha, một vong hồn cực kỳ uy mãnh. Đêm đêm vong hồn ấy thường đến kêu anh mắng nhiếc, nói :