Viên đá kỳ lạ chữa rắn cắn

Có lẽ nhiều người sẽ không tin về viên đá chữa được rắn độc cắn. Chính bản thân tôi cũng vậy, khi chưa tận mắt chứng kiến, chỉ nghe những thông tin về nó, tôi cảm thấy “hoang đường”.


Viên đá chữa rắn độc cắn

Hiện tại, chưa ai biết chính xác nó là chất gì mà có công năng kỳ lạ như vậy. Bởi không phải tất cả những sự vật, hiện tượng lạ nào chúng ta cũng tìm ra được cách lý giải thấu đáo. Có một điều không thể phủ nhận là viên đá này đã cứu gần nghìn người khỏi lưỡi hái của tử thần khi bị rắn độc cắn.

Tôi đến huyện Kiến Xương (Thái Bình), hỏi về viên đá nhiệm màu trị được vết thương khi rắn độc cắn, rất nhiều người biết. Người đang cất giữ viên đá chữa rắn độc cắn là ông Vũ Văn Vần, 60 tuổi, thôn Dương Cước, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Hễ ai bị rắn độc cắn, tìm đến ông đều được ông đem viên đá ra cứu chữa với tinh thần cứu người trong cơn hiểm nghèo giữa sự sống và cái chết mà không hề lấy tiền và chính ông cũng không thể giải thích được tại sao viên đá lại nhiệm màu đến vậy.

Ông Vần lấy viên đá được đựng trong túi nilon có chứa gạo nếp, cất rất cẩn thận trong tủ ra cho tôi xem. Ông kể bằng giọng chất phác của người nông dân: “Tôi thật sự không biết tại sao viên đá lại “tài” đến như vậy! Xuất xứ của nó thế này: Ông Nguyễn Đăng Lự, 89 tuổi, lão thành cách mạng, hiện đang sống với con cháu tại TP Ninh Bình. Ông theo cách mạng từ trước năm 1945 cùng với một số anh em trong tổ công tác được trên giao cất giấu, rải truyền đơn tại địa phương. Những lần đi công tác trong vùng rừng rú, các ông thường gặp nhiều loại rắn độc. Các đồng chí chỉ huy cấp trên có giao cho ông Lự một viên đá nhỏ hình vuông và dặn “đây không phải là viên đá bình thường mà nó sẽ giúp ích cho các đồng chí chẳng may bị rắn độc cắn”. Ông Lự cũng không biết nguồn gốc của viên đá, chỉ biết nó đã cứu rất nhiều đồng chí bị rắn độc cắn trong lúc làm nhiệm vụ. Hòa bình lập lại, ông Lự giao lại viên đá cho em gái là bà Nguyễn Thị Trang, năm nay bà 82 tuổi, 40 năm tuổi Đảng-từng nuôi giấu cán bộ bí mật thời tiền khởi nghĩa. Sau đó bà Trang giao viên đá cho tôi và người em trai, dặn hễ ai bị rắn độc cắn thì đem ra cứu giúp”.

Ông Vần đưa cho tôi xem viên đá. Tôi quan sát và nhận biết bằng xúc giác thì viên đá là một thỏi sắt màu đen, có chỗ hơi gỉ, hình vuông 2 x 2cm, dày khoảng 0,5cm, có lý tính là hút những vật bằng sắt như đinh, ốc vít giống như thỏi nam châm, chính giữa hai bên bề mặt viên đá có một vòng tròn nhỏ hơi lõm so với bề mặt, bên trong khắc hình chữ U. Tôi hỏi ông Vần về cách chữa rắn độc cắn như thế nào, ông giải thích: “Sau khi ga rô, chỉ cần cầm viên đá áp thẳng vào vết thương”, vừa nói, ông vừa ấn lên tay tôi: “Nếu nhà báo không tin thì đi tìm một con rắn độc về cho cắn rồi “dùng” thử viên đá khắc biết”.


Ông Vũ Văn Vần, người đang giữ viên đá

Khi viên đá áp vào vết thương, đúng là rắn độc thì lập tức nó hút chặt lấy vết thương như một thỏi nam châm, hết nọc độc thì viên đá tự rơi ra. Thông thường thì khoảng vài tiếng đồng hồ mới xong một “ca”. Sau khi chữa xong thì công việc tiếp theo là “bảo dưỡng” viên đá. “Tôi phải đi xin sữa của phụ nữ đang cho con bú, đem về “giải độc” cho viên đá, thả viên đá vào cốc sữa. Tùy theo nọc độc của loại rắn như: cạp nong, hổ mang, hổ trâu... thì sữa ngả màu vàng, xanh, đen sẫm có sủi bọt lăm tăm, sau đó lau cẩn thận rồi cất vào túi “gạo nếp” - Ông Vần nói. Và ông cũng cho hay là, sau một thời gian thì tất cả những hạt gạo nếp đều “rỗng ruột”, chỉ còn xác gạo bên ngoài. Tôi hỏi vui “Tại sao bác không dùng loại sữa tươi đang sẵn trên thị trường như sữa Cô gái Hà Lan chẳng hạn mà cứ phải nhất thiết là sữa tươi “Cô gái Việt Nam?”. Ông cười như nắc nẻ: “Người trước dặn tôi làm như thế, cứ vậy mà làm, cứ “Cô gái Việt Nam” mà dùng, nhỡ làm sai là hỏng mất đá”.

Gần nghìn người bị rắn độc cắn đã được ông Vần chữa khỏi, trong đó có: nguyên chủ tịch xã Hồng Thái, ông Nguyễn Xuân Báu, ông Đỗ Văn An, làm nghề bắt rắn bị rắn độc cắn tới 10 lần; ông Vũ Văn Trìu, Vũ Văn Út, Phạm Văn Thỉnh, Phạm Việt... Gần đây nhất, chị Đỗ Thị Hát, bị rắn độc cắn khi ra vườn, sau ít phút chị Hát thấy người có cảm giác chóng mặt, đi lại choáng váng. Khi “áp đá” vào vết thương chị đã qua cơn nguy kịch. Trước đó 2 năm, chồng chị, anh Vũ Văn Khẩn cũng được viên đá “cứu” khi giẫm vào một ổ rắn độc. Ông Vần cũng cho biết là, nếu đã dùng một loại thuốc chữa rắn cắn nào đó trước khi dùng viên đá để chữa thì rất khó khăn, có lẽ do nọc độc đã bị phân tán; đặc biệt là vết thương đã bị rạch rộng để hút máu độc ra cũng rất khó chữa vì không biết chính xác rắn cắn ở vị trí nào.

Bài và ảnh: VƯƠNG THY