Mỗi vùng miền đều có những phong tục tập quán khác nhau. So sánh 3 miền Bắc, Trung, Nam thì sự khác biệt rất rõ.
1 ví dụ điển hình về phong tục và hành sử với người thân đã mất :
Miền Bắc : sau khi mất 3 năm - cải mộ và chôn lại. Đa số chôn cất tập chung ở những khu quy định, xa nhà ở.
Miền Trung khoảng 50% cải, 50% chôn vĩnh viễn. Đa số chôn tập chung ở nơi quy định, xa nhà ở.
Miền Nam đa số chôn vĩnh viễn 1 lần. Đa số chôn tập chung ở nơi quy định, xa khu dân cư, Nhưng có 1 số địa phương người dân có đất vườn rộng nên chôn ngay trong sân, vườn, trước hoặc sau nhà mình ở.
Việc đặt âm phần mồ mả gần nơi dương trạch gây ảnh hưởng cực xấu đến nguồn Sinh Khí cho môi trường, nếu dùng trực tiếp nguồn nước nơi đó thì lại càng đáng sợ. Đó là chưa kể đến những yếu tố Tâm Linh khác....

Tham khảo bài viết trên tuần báo Vietnamnet hôm nay. KP không biết tải ảnh.

Hàng chục năm sống lay lắt cùng người chết
Cập nhật lúc 14:00, Thứ Ba, 04/05/2010 (GMT+7)
,
- Hàng trăm hộ dân ở các thôn Hải Thành, Minh Hải, An Hải, Hải Bình (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế) phải “sống chung” với người chết khi mà các khu lăng mộ ngày một to thêm. Cuộc sống người dân nơi vùng lăng mộ không có đất sản xuất, dân trí thấp, đời sống chủ yếu bám biển đã khốn khó nay càng chật vật hơn…
“Xung đột” người sống và người chết
Nằm giữa thị trấn Thuận An, khu lăng mộ chiếm hơn 7ha đất từ bao năm nay đã dần dần “lấn” sang phần đất ở, đất sản xuất của hàng nghìn hộ dân nơi đây. Ở “thành phố mộ" này, những ngồi nhà lụp xụp cũng có, xây dựng khang trang cũng có, cứ chen chúc nhau “xen kẽ” giữa các ngôi mộ.


Những căn nhà bị “vây kín” giữa rừng lăng mộ
Mặc dù, năm 2006, chính quyền thị trấn Thuận An đã có chính sách cấm chôn cất người chết ở khu lăng mộ này, song tình trạng “xung đột” giữa người sống và người chết vẫn không chấm dứt.

Đất bị lấn chiếm ngày càng hẹp đi, nhiều đôi vợ chồng trẻ khi tách hộ, không có đất ở cũng lên khu lăng mộ để “xí phần”, làm móng dựng nhà ở.

Chúng tôi gặp bà Đào Thị Hoa (60 tuổi, thôn Minh Hải), gia đình bà đã “sống chung” với khu lăng mộ này ngót nghét 30 năm trời.


Đằng sau khu lăng mộ có những căn nhà đang được xây mới
Bà Hoa cho biết: “Ngày trước (khoảng những năm 1990-1991-PV) đất ở đây còn rộng lắm. Nhà tui còn trồng được vườn rau khoai, cải. Thế mà nay chú xem, bây giờ ra ngõ là gặp mộ, sau vườn cũng có mộ, không còn một miếng đất mà trồng cái cây nữa nói gì sản xuất”.

Với “lịch sử” 30 năm gắn bó với vùng lăng mộ này, gia đình bà Hoa đã chứng kiến bao lần khu lăng mộ ngày một “phình to” ra. Không còn đất sản xuất, nhiều hộ gia đình phải xuống bám biển mưu sinh hoặc phiêu dạt vào nam kiếm sống.

Gia đình bà Hoa có con trai lớn là Nguyễn Phong Cảnh (SN 1980) từ chục năm nay cũng theo bạn thuyền phiêu bạt, kiếm cơm đắp đổi qua ngày. Căn nhà của bà Hoa chỉ có phần mái trên là còn có thể nhìn thấy, bởi gác dưới bị bao quanh tứ bề là lăng mộ.

Chỉ tay về phía căn nhà, bà Hoa than: “Khi tui làm căn nhà ni, mấy khu lăng mộ này còn cách xa cả vài chục mét, thế mà dần dần mộ “lấn” vào thấu sân nhà rồi. Mình thì ở hoài cũng quen, chứ mấy đứa nhỏ thì tội lắm, lớn lên biết chạy là không dám ra đường vì sợ…ma”.


Căn nhà anh Trần Văn Thành bị “chẹt” giữa “thành phố” mộ
Từ nhà bà Hoa, len lỏi qua “rừng” lăng hộ với những cồn cát níu chân người, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm đến được nhà anh Trần Văn Thành (SN 1981, thôn Hải Thành). Căn nhà lụp xụp của đôi vợ chồng trẻ nằm lọt thỏm giữa từ bề là lăng mộ.

Anh Thành là một trong những hộ dân “sinh sau đẻ muộn” ở khu lăng mộ này. Anh chuyển đến đây ở hơn 10 năm nay. Anh Thành cho hay: “Tui vốn làm nghề biển, vợ thì đi buôn bán nhỏ, lượm ve chai ở biển Thuận An nên khi cưới nhau, ra riêng không kiếm được mảnh đất cắm dùi. Tìm mãi rồi thấy được khu lăng mộ ni còn đất có thể ở được. Hồi tui mới lên, từ sau vườn mộ còn cách nhà hơn chục mét, thế mà mới mấy năm nó đã lấn “tới nách” rồi.”

Nhiều đôi vợ chống trẻ khi cưới nhau, do điều kiện kinh tế khó khăn nên cũng tìm đến khu lăng mộ này để “xí phần” làm nhà ở; có hộ vì sợ hết đất cũng làm “mộ gió” hương khói đoàng hoàng để chiếm đất.

Mặc dù chính quyền thị trấn đã cấm chôn người chết ở khu nghĩa trang Thuận An từ năm 2009, song gần 100 hộ dân ở nơi đây hơn chục năm nay cũng bị “bủa vây” tứ bề là lăng mộ. Đây là điệp khúc diễn ra nhiều năm, làm cho những “thành phố mộ" ngày một to hơn, “xung đột” giữa người sống và người chết không biết lúc nào mới chấm dứt.
Đối diện với bệnh tật
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt, dùng nước ô nhiễm trong khu lăng mộ đã diễn ra trong nhiều năm qua làm hàng chục hộ dân nơi đây đối diện với các nguy cơ về bệnh tật. Mặc dù tỉnh đã đầu tư hệ thống nước sạch chảy về tận các thôn, song những hộ dân trong vùng lăng mộ vì do điều kiện địa lý nằm xa hệ thống nước, không đủ chi phí để mắc nên phải gồng gánh nước, sử dụng nước giếng khoan ô nhiễm nặng nề.


Nhiều lăng mộ được xây mới bao quanh nhà những hộ dân ở thôn Minh Hải
Mỗi gia đình ở khu lăng mộ đều tự đầu tư một hệ thống giếng khoan nước ngầm để dùng cho giặt giũ, tắm rửa, còn nước uống thì phải mua từ hệ thống nước máy bên kia đường.
Theo kết quả nghiên cứu thì nước ngầm trong các nghĩa địa lâu năm đa phần đều bị nhiễm nitrat và vi sinh phân hủy từ xác người. Trong nguồn nước nhiễm bẩn vữa ra từ xác người chết có các hóa chất độc hại như: Axít sunphuríc, Phốt pho, lưu huỳnh,… Và thường có hàm lượng amoni vượt mức cho phép (<1,5mg/lít). Nếu vượt quá chỉ số này, nguồn nước ngầm sẽ gây ra các loại bệnh như: Viêm ruột, viêm gan, ung thư da, rối loạn tiêu hóa…
Gia đình bà Hoa đã làm hệ thống giếng khoan lấy nước ngầm cách đây gần 20 năm, đến nay vẫn cứ sử dụng. Hàng ngày, đứa con trai lớn của bà mỗi khi rảnh rỗi nghề biển, lại đi gánh nước thay mẹ.

Bà Hoa buồn buồn: “Hồi trẻ tui còn sức gánh được, giờ già rồi nên chỉ biết nhờ con thôi. Cứ uống mãi cái nước ni cũng sợ bệnh lắm. Không biết khi mô kiếm được cái miếng đất cho đang hoàn mà ở, thoát khỏi cái cảnh ni nữa”.
Hộ gia đình anh Thành vừa đầu tư giếng khoan năm 2009, còn trước đó, muốn có nước dùng, anh phải đi mua từng can nước máy ở nhà hàng xóm. Cứ mỗi can 20-30 lít có giá 500-1000 đồng.

Anh Thành cho biết: “Vào mùa nắng phải đi gánh nước rất khổ sở. Có nước rồi phải dùng tằn tiện lắm mới đủ. Nước mua thì dùng ăn uống thôi, giặt giũ thì dùng nước giếng chứ tiền đâu mà mua cho đủ. Gia đình tôi có 4 người, mỗi tháng cũng ngốn mất mấy chục ngàn tiền mua nước rồi”,

Theo ghi nhận của chúng tôi, nước ở các giếng khoan hầu hết đều bị nhiễm bẩn, có màu vàng lợm, hôi tanh rất khó chịu. “Dùng nước này lâu ngày mà không sợ nhiễm bệnh à?”- Tôi hỏi. Vừa bơm nước lên, anh Thành cho biết: “Từ nhỏ mình dùng thì thấy hay bị ngứa khó chịu nhưng lớn lên thì thấy “quen” rồi. Giờ trong gia đình chỉ sợ tắm rửa nước ni lũ nhỏ dễ bị ghẻ thôi”,


Hộ anh Trần Văn Thành nhiều năm nay “liều” sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Sau vườn nhà, chị Nguyễn Thị Là (vợ anh Thành) đang giặt giũ tắm rửa cho hai đứa con nhỏ, nghe hỏi chuyện chị chen ngang: “Sợ nhiễm bệnh song vẫn phải cứ dùng chú à. Nếu bắt được nước máy từ dưới đường lên thì tốn hết mấy triệu bạc lận, tiền đâu ra. Thu nhập gia đình thiếu trước hụt sau nên chẳng biết khi mô bắt được cái ống, có nước sạch mà tắm nữa!”.

Sống trong vùng lăng mộ bủa vây lâu năm, nhiều hộ gia đình, nhất là trẻ nhỏ không chỉ nguy cơ đối diện với bệnh ngoài da, đường ruột, mắt mà còn bị chi phối tâm lý “sợ ma”, ảnh hưởng đến việc học hành, sinh hoạt.


Những căn nhà lụp xụp bị “kẹp” giữa vùng lăng mộ
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Cớ - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết: “Năm 2006 chúng tôi đã có quy hoạch và đã được huyện phê duyệt. Theo đó, một phần những hộ dân sống trong khu vực lăng mộ sẽ được di dời lên khu tái định cư Bàu Sen (thôn An Hải- PV), nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai vì vướng mắc vấn đề kinh phí giải toả đền bù, cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên hiện tại vẫn chưa biết giải quyết ra sao”.

“Có một thực trạng làm cho số hộ dân sống trong khu lăng mộ ngày càng tăng thêm là một số hộ dân đã lén lút di dời những phần mộ của người thân, sau đó “xí phần” làm móng nhà rồi dọn tới ở. Mặc dù chính quyền đã vận động tuyên truyền rất nhiều nhưng không mấy hiệu quả.”- ông Cớ thừa nhận.
T.Linh
Những bệnh tật hiểm nghèo cũng xuất phát từ đây. Vậy người dân nên có sự hiểu biết nhất định về Môi trường, Phong Thủy, Cảm Xạ để tự cứu mình trước khi được Trời cứu.