Lotus74 mạo muội trích đăng một phần của Tuyệt Quán Luận. Kính mong Bác Vũ Thế Ngọc(dịch giả) và Quý Vị mở lượng hải hà hỷ xá.
Tuyệt Quán Luận

BỒ ĐỀ ĐẠT MA(Người dịch: Vũ Thế Ngọc, NXB tổng hợpTPHCM & Cty VH Phương Nam.)

Phần dẫn nhập
I. ĐÔN HOÀNG: BÍ MẬT TÂY BẮC
II. NGUYÊN BẢN TUYỆT QUÁN LUẬN
III. TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM:
Tuyệt Quán Luận là một văn bản Thiền tông cổ nhất,và cũng sâu thẳm nhất. Cho đến nay dường như chỉ có những chú thích mà chưa có những giảng luận về tác phẩm này, đủ hiểu các học giả kiệt liệt của Thiền giới cẩn trọng là dường nào.
Muốn thâm nhập Tuyệt Quán Luận, trộm nghĩ người học giả phải rất sâu sắc trong giáo lý tánh không và dòng văn học Bát Nhã. Tuy nhiên người quen thuộc với văn học Thiền, gối đầu giường với Đạo Đức Kinh, trì tụng Kim Cương Kinh sẽ thấy Tuyệt Quán Luận là rất quen thuộc, quen thuột như là cái Bản Lai Diện Mục mà vì trong cõi trần ai vọng trược chúng ta đã tự quên quá lâu ngày ấy thôi.
Lẽ dĩ nhiên theo gương các học giả đi trước, chúng tôi chẳng giám vọng động mà giảng luận ở đây một cách vội vã. Giai đoạn tiên khởi là chú dịch một cách cẩn trọng mà thôi.
Trở lại vấn đề tác giả, chúng tôi cũng đồng ý với Suzuki là chính Bồ Đề Đạt Ma là tác giả Tuyệt Quán Luận này( Hai bản trong sáu bản có đề rõ Tổ Đạt Ma là tác giả). Như vậy Tuyệt Quán Luận chính là văn bản Thiền Tông nguyên thủy nhất và là tác phẩm duy nhất của Tổ Đạt Ma còn truyền đền ngày nay.
Một số học giả cho rằng tác giả là Hòa Thượng Pháp Dung núi Ngưu Đầu(Ngưu Đầu Pháp Dung), đệ tử đệ tứ Tổ Đạo Tín , vì dựa vào một vài câu vấn đáp trong Tuyệt Quán Luận cũng có ghi trong Tổ Đường Tập (viết năm 952) hoặc Tông Cảnh Lục (viết năm 960)- Trung Hoa Đại Tạng Kinh, quyển 70- là những sách viết sau Tuyệt Quán Luận quá lâu, thật không đủ chứng cớ.
Lý do đằng sau những chứng lý này là bóng dáng của Bồ Đề Đạt Ma, một tiên sư đã làm chuyển hóa cả một dòng tư duy nhân loại, mà Phật học giới đã chuyển qua ba giai đoạn: thời xưa người ta tin tất cả những gì viết, nói về Bồ Đề Đạt Ma mà không cần chứng liệu lịch sử,giai đoạn thứ hai từ đầu thế kỷ với các phương pháp sử học, nghiên cứu của Tây phương, người ta nghĩ rằng Bồ Đề Đạt Ma là một con người của huyền thoại mà thôi, và giai đoạn hiện nay là với phương pháp khoa học cộng với những phát hiện khảo cổ như trường hợp động Đôn Hoàng, học giới đã chấp nhận quả thật có một Đạt Ma như vậy nhưng xét lại các giai thoại Tổ Đạt Ma phi hành về Tây Trúc, Tổ Tuệ Khả chặt tay cầu đạo với Tổ Đạt Ma. Vì vậy nếu giả dụ là không có một nhân vật Bồ Đề Đạt Ma thì làm sao mà có một tác phẩm của người? đó là lý do có một vài người đặt vấn đề. Tuy nhiên tất cả đều phải nhận Tuyệt Quán Luận là một văn bản Thiền cổ kính nhất và sâu sắc nhất trong toàn bộ Ngữ Lục Thiền Tông.

IV.VỀ CÁC BẢN DỊCH:
Hiện nay ngoài nguyên bản và san bản bằng Hán văn, chúng ta chỉ mới có bản dịch Nhật ngữ và bản dịch Anh ngữ của Gishin Tokiwa dịch từ bản Nhật ngữ. Bản Anh ngữ này mặc dù khá trung thực và hoa mỹ, nhưng chưa lột tả được thần khí sấm sét của nguyên bản. Chúng tôi sẽ cố gắng trình bày một bản Anh ngữ mới dịch thẳng từ nguyên bản Hán văn, hi sinh phần mỹ lệ để cố giữ lại phần nào thần khí tố phát của nguyên bản, bản Anh ngữ sẽ được giới thiệu sau bản Việt ngữ.
Riêng bản Việt ngữ này chúng tôi tự cho rằng đây chỉ là bản sơ thảo. Chúng tôi thành thật kính mong chư vị thiện tri thức chỉ giáo, để mong rằng các bản dịch sau, hoặc của chúng tôi hay của các học giả khác, sẽ được hoàn hảo hơn.
Cũng là để bổ chính cho bản Việt ngữ rất thô sơ này, chúng tôi cho ghi cả phần âm Hán Việt nguyên bản để độc giả có dịp đối chiếu với bản Việt ngữ. Nhiều đoạn chúng tôi trộm nghĩ nếu cứ để nguyên văn Hán Việt có lẽ còn súc tích hơn là dịch ra thuần nôm.
Ở một nơi cô lậu, thiếu thầy,thiếu bạn, thiếu sách… việc làm của chúng tôi thật là một sự liều lĩnh hơn là một công trình nghiên cứu nghiêm túc. Xin chư vị đọc giả khoan dung cho những sơ sót chắc chắn là có rất nhiều ở đây.
Bát Bất Đường, Đông chí 2526
Vũ Thế Ngọc kính đề

Tuyệt Quán Luận

Đoạn một

1.
Phù đại đạo xung hư, u vi tịch quảng,bất khả dĩ tâm hội,bất khả dĩ ngôn thuyên. Kim thả lập nhị nhân, cộng đàm chân thật. Sư chủ danh Nhập Lý, đệ tử hiệu Duyên Môn. Ư thị Nhập Lý tiên sinh, tịch vô ngôn thuyết. Duyên Môn hốt khởi, vấn Nhập Lý tiên sinh viết: Vân hà danh Tâm? Vân hà an tâm? Đáp viết: Nhữ bất tu lập tâm, diệc bất tu cưỡng an. Khả vi an hỷ.

1.
Đạo lớn thâm sâu, u diệu mà tịch nhiên quảng đại, chẳng thể lấy Tâm mà hiểu, chẳng thể lấy lời mà giải. Nay thử lấy hai người, cùng nói điều chân thật. Sư chủ tên Nhập Lý, đệ tử gọi là Duyên Môn. Bấy giờ Nhập Lý tiên sinh tịch lặng chẳng nói. Duyên Môn bổng đứng dậy thưa với Nhập Lý tiên sinh:
“ Cái gì gọi là Tâm, thế nào là An Tâm?”
Đáp: “ Người chẳng cần cho rằng phải có cái Tâm, cũng chẳng cố cho được an. Như thế gọi là An đó.”

2.
Vấn viết: Nhược vô hữu tâm, vân hà học Đạo? Đáp viết: Đạo phi tâm niệm, hà tại ư tâm dã!

2.
Hỏi: “ Nếu như chẳng có Tâm, làm sao để học Đạo?”
Đáp: “ Đạo chẳng thể lấy Tâm để nghĩ bàn được, thì há cần tâm ư!”.

3.
Vấn viết: Nhược phi Tâm niệm, đương hà dĩ niệm? Đáp viết: Hữu niệm tức hữu tâm, hữu tâm tức quai đạo. Vô Niệm tức vô tâm, vô tâm tức chân đạo.

3.
Hỏi: “ Nếu chẳng lấy Tâm để nghĩ bàn, thì lấy gì để nghĩ suy?”.
Đáp: “ Có Niệm ắt có Tâm, có Tâm ắt sái Đạo. Vô Niệm tức Vô Tâm, Vô Tâm tức chân Đạo vậy”.

4.
Vấn viết: Nhất thiết chúng sinh thực hữu tâm phủ? Đáp viết: Nhược chúng sinh thực hữu tâm, tức điên đảo.Chỉ vi ư vô tâm trung nhi lập tâm, nãi sinh vọng tưởng.

4.
Hỏi: “ Tất cả chúng sinh thực đều có Tâm chăng?”
Đáp: “ Nếu chúng sinh thực có Tâm, ắt sinh điên đảo. chỉ vì ở nơi Vô Tâm mà lấy làm Tâm nên sinh ra vọng tưởng”.

5.
Vấn viết: Vô Tâm hữu hà vật? Đáp viết: Vô Tâm tức Vô Vật, Vô Vật tức Thiên Chân, Thiên Chân tức Đại Đạo”.

5.
Hỏi: “ Vô Tâm có những gì?”
Đáp: “ Vô Tâm tức Vô Vật ( không có gì cả),Vô Vật tức là Thiên chân (đầy đủ chân thật một cách tự nhiên), Thiên chân tức là Đại Đạo”.

6.
Vấn viết: Chúng sinh vọng tưởng vân hà đắc diệt? Đáp viết: Nhược kiến vọng tưởng, cập kiến diệt giả, bất ly vọng tưởng.

6. Hỏi: “ Vọng Tưởng của chúng sinh diệt được chăng?”.
Đáp: “ Như kẻ đã thấy Vọng Tưởng, lại thấy( có thể) diệt được thì chẳng xa lìa được vọng tưởng”.

7.
Vấn viết: Bất di diệt giả, đắc hợp Đạo lý phủ? Đáp viết: Nhược ngôn hợp dữ bất hợp, diệc bất ly vọng tưởng.

7.
Hỏi: “ Kẻ chẳng còn ( cần) diệt trừ ( vọng tưởng) thì hợp đạo lý chăng?”
Đáp: “Nếu đã nói HỢP với BẤT HỢP là cũng đã chẳng xa rời được Vọng Tưởng”.

8.
Vấn viết: Nhược vi thời thị? Đáp viết: Bất vi thời thị

8.
Hỏi: “ Bấy giờ thì làm gì?”
Đáp: “Chẳng có bấy giờ”.