kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: BỒ TÁT THIÊN THỦ THIÊN NHÃN - tự cứu và phát tâm thành bồ tát

  1. #1

    Mặc định BỒ TÁT THIÊN THỦ THIÊN NHÃN - tự cứu và phát tâm thành bồ tát

    Đạo Phật không dựa vào cầu khẩn, mê tín, trông chờ sự cứu độ của Bồ Tát bên ngoài, mà dạy phải tự chuyển đổi nghiệp xấu nơi tâm, tự cứu và phát tâm thành bồ tát muốn cứu độ những người hữu duyên sống xung quanh.

    BỒ TÁT THIÊN THỦ THIÊN NHÃN

    TKN.Thích Nữ Chân Liễu


    Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn còn có danh hiệu Bồ Tát Chuẩn Đề. Qua hình tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn chúng ta cũng có thể thấy được ý nghĩa Công Đức và Phước Đức của Bồ Tát Hạnh. Với tư tưởng giải thoát rốt ráo tuyệt đối của đạo Phật, nhận thức tâm lý con người ở thế gian thân, miệng, ý là nguyên nhân tạo những nghiệp thiện hay ác qua nhiều kiếp luân hồi, chỉ có tu hạnh bồ tát mới chuyển đổi được nhân quả.

    Cho nên những tôn tượng bồ tát vẫn luôn luôn là đề tài thu hút một cách mãnh liệt các tín đồ Phật giáo. Hiểu theo chánh kiến một cách sáng suốt, thì tín ngưỡng dân gian chỉ nhằm mục đích giác ngộ thật tánh chân như bình dị tự nhiên và cốt tủy đạo Phật dạy: “Tu tâm chuyển ý hành bồ tát đạo”.

    Trên mạng lưới Internet, nhiều người phổ biến rộng rãi một đoạn phim ngắn vũ khúc ngàn tay ngàn mắt, do các nghệ nhân câm điếc biểu diễn rất công phu điêu luyện. Hình ảnh đẹp của những nghệ nhân khuyết tật, múa theo mẫu pho tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn, một biểu tượng tuyệt vời về tư tưởng Từ Bi và Trí Tuệ của đạo Phật.

    Ngoài những đường nét tinh tế điêu luyện, họ thể hiện tuyệt đỉnh của nghệ thuật Đông Nam Á, bằng con tim (tâm) và khối óc (ý), vì họ hoàn toàn không nghe được âm thanh của tiếng nhạc. Tuy họ bất hạnh, nhưng khi biểu diễn, gương mặt các nghệ nhân khuyết tật nầy toát ra sự bình an từ nội tâm trong ánh hào quang của Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn.

    TRÍ TUỆ (CÔNG ĐỨC) CỦA BỒ TÁT THIÊN THỦ THIÊN NHẢN

    Trong những khóa lễ thường có phẩm trì chú Đại Bi: “Thiên Thủ Thiên Nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni…” là sự truyền đạt cho người tụng đọc cảm nhận đại trí lực, đại từ bi, vô quái ngại của vị Bồ Tát ngàn tay ngàn mắt. Các Bậc tu hành giác ngộ trong dân gian ngày xưa có lẽ cảm nhận được sự mầu nhiệm bất khả tư nghì nầy, khó nói hết được, nên các Ngài tạo tôn tượng bồ tát từ những tảng đá trong thiên nhiên. Đó là những phương pháp giáo hóa chúng sanh không bằng lời, mà bằng “Tâm”, thật sự bản chất của tảng đá không có sự linh thiêng nào cả.

    Hình ảnh tôn tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn mỗi bàn tay đều có con mắt trí tuệ, trong tay cầm nhiều pháp khí dùng hàng phục ma chướng, những cánh tay cầm kiếm, búa, tràng hoa, châu báu, vải lụa gấm vóc, hoa sen, bánh xe pháp, bình tịnh thủy, chày kim cang.. cũng tượng trưng cho mọi ngành nghề trong cuộc sống trên thế gian này.

    Ý nghĩa tượng trưng vị bồ tát có đầy đủ năng lực khắc chế sự trói buộc của mọi cảnh trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp), không khuất phục mọi quyền lực ngoại đạo tà giáo, tuyệt đối bình đẳng trong khi cứu độ chúng sanh, biểu trưng công đức và phước đức siêu việt. Mọi người sanh ra đều có sáu cơ quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Kinh sách gọi là lục căn.

    Khi sống trên đời, con người tiếp xúc hàng ngày với cảnh trần. Mắt thấy sắc (các vật có hình tướng). Tai nghe tiếng (âm thinh, lời nói). Mũi ngửi mùi hương. Lưỡi nếm vị. Thân xúc chạm. Ý nghĩ duyên theo pháp trần. Kinh sách gọi chung sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp là lục trần.

    Trong cuộc sống hàng ngày, khi tiếp xúc với trần cảnh như vậy, tâm con người hay phê phán: đẹp hay xấu (mắt), dễ nghe hay khó nghe (tai), dễ ngửi hay khó ngửi (mũi), ngon hay dở (lưỡi), mịn màng hay thô nhám (thân), thương hay ghét (ý). Những sự phê phán trong tâm thức như vậy, kinh sách gọi chung là lục thức.

    Người đời thường do lục căn dính mắc với lục trần sanh ra lục thức, và bắt đầu tạo nghiệp, thường là nghiệp chẳng lành. Người tu muốn phát sanh trí tuệ phải nhận rõ nguyên nhân bị cuốn vào sanh tử luân hồi là do sự dính mắc.

    - Nếu mắt thấy sắc, tâm không phê phán đẹp xấu, khỏi bị trói buộc.

    - Nếu tai nghe tiếng, tâm không phê phán, khỏi bị não phiền.

    - Nếu mũi ngửi mùi, tâm không phê phán, khỏi bị bực mình.

    - Nếu lưỡi nếm vị, tâm không phê phán, khỏi tạo nghiệp chướng.

    - Nếu thân xúc chạm, tâm không phê phán, khỏi bị tham đắm.

    - Nếu ý nhớ tưởng, tâm không phê phán, khỏi khởi sân hận, hay luyến tiếc, nhớ thương.

    Tâm không phê phán nghĩa là không dính mắc, không nhiều chuyện, không chạy theo sự suy nghĩ sanh diệt, chứ không phải không nhận thức rõ đẹp xấu, đúng sai, ngon dở.

    Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải có dạy: "Tâm và cảnh không dính nhau là giải thoát".


    Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn hiểu, vẫn biết tất cả các cảnh trên trần đời, nếu tâm không dính mắc, không tham đắm, thì không phiền não. Không phiền não tức là giải thoát.

    Hành Bồ Tát đạo là con đường nhập thế của người tu, 48 ngàn pháp môn diệt trừ phiền não tự thân và muôn ngàn phương cách đưa giáo lý đạo Phật giúp người cùng tu giải thoát. Con người trải qua trăm ngàn kiếp tái sanh luân hồi trong thập loại chúng sinh, tâm còn nhiều chánh tà lẫn lộn, tốt có, xấu cũng có.

    Khi được thân người, thiện duyên kỳ ngộ với Phật Pháp, con người phát tâm tu muốn trở về Thật tánh chân như của mình, trước hết phải tẩy trừ nghiệp chướng sâu dầy nơi thân khẩu ý. Kinh sách dạy 48 ngàn pháp môn trừ sạch phiền não ma, phiền não chướng, chính là ngàn tay cầm pháp khí trừ ma, ngàn mắt trí tuệ sáng suốt xóa trừ vô minh.

    Con đường cứu cánh của Bồ Tát là sự kiên định, ý chí bền vững để giác ngộ được khổ, không, vô ngã, vô thường trong Thật tánh của mỗi người. Để đạt được tâm thiền định và ý chí bền vững, cần áp dụng pháp tu quán Tứ Niệm Xứ, gồm có: thân, thọ, tâm, pháp.

    Niệm thân: Quán thân bất tịnh. Biết rõ thân là bất tịnh, nhiều phiền lụy, không trau chuốt theo nhu cầu đòi hỏi của thân, tu thân đoan chính trang nghiêm, đơn giản.

    Niệm thọ: Quán thọ thị khổ. Thọ nhận nhiều thì khổ nhiều. Không thọ vui buồn sướng khổ, không tham đắm quyền lợi vật chất, biết tri túc sống thanh bần, đạt được an lạc trong đời sống.

    Niệm tâm: Quán tâm vô thường. Tâm con người nay thương mai ghét, nay tốt mai xấu. Hoặc ngược lại. Do đó, khi có hạnh phúc không vui quá, khi gặp khổ nạn không than trách. Không tự tôn, chẳng tự ti, thì tâm tự tại.

    Niệm pháp: Quán pháp vô ngã. Mọi sự việc xảy ra trên đời đều do nhiều nguyên nhân, nguyên do, xa và gần, không có một nguyên nhân đơn độc gây ra sự việc, nên gọi là vô ngã. Thấy được, hiểu được như vậy, tâm không còn phiền não.

    Chúng sanh lăn lộn đầu thai trong lục đạo sanh tử luân hồi do nhiều căn bịnh từ vô minh ngàn kiếp, gồm: tham ái, dục vọng, chấp thủ, đoạn kiến, thường kiến, ngã mạn. Sự chân thật của Thật Tánh là người tu theo con đường Đức Phật dạy, đạt được tâm thanh tịnh, đầy đủ trí tuệ, có thể chuyển phàm phu trở thành thánh nhân hay bồ tát.

    Đức Phật Thích Ca chứng đắc tam minh: Thiên nhãn minh, Túc mạng minh, Lậu tận minh. Mắt trí tuệ của Ngài thấy được tam thiên đại thiên thế giới, thấy nhân quả trong nhiều đời nhiều kiếp, phá vô minh phiền não chấp ngã chấp pháp không còn sanh tử, ra khỏi lục đạo luân hồi. Lục đạo là sáu cảnh giới luân hồi mà con người phải đầu thai chuyển kiếp, nếu chưa sạch hết nghiệp chướng, gồm: Thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh.

    Cõi Thiên: Sanh về cõi thiên, nơi cực lạc thế gian, hưởng phước báo thiện căn nhiều đời, được giàu sang, đủ ăn đủ mặc, có người hầu hạ, nhà cao cửa rộng, an lạc hạnh phúc.

    Cõi Nhơn: Sanh vào cõi người, giàu có nghèo có, ưa thích làm việc phước thiện, cũng có khi tạo nghiệp bất thiện, hưởng phước báo và cũng chịu quả báo đau khổ, sanh, lão, bịnh tử.

    Cõi A Tu La: Sanh vào nhà quyền quí, hưởng phước tốt của gia đình, có danh tiếng, có tiền của, tánh tình nóng nảy và kiêu mạn, thích bạo động, có trí thức đời và thông minh, không khéo dễ tạo nghiệp ác.

    Cõi Địa Ngục: Sanh vào cõi đau khổ, vì nghiệp ác hại người sâu nặng, bị hành hạ tra tấn ngày đêm, sống không được chết không xong, đau khổ vô cùng.

    Cõi Ngạ Quỉ: Sanh vào nơi bất tịnh, vì nghiệp bỏn sẻn, thường bị hãm hại, không chỗ dung thân, luôn đói khát, không có sức tự kiếm ăn, sống nhờ vào lòng tốt của mọi người.

    Cõi Súc Sanh: Sanh vào nơi cầm thú, vì nghiệp sát quá nặng mà đọa vào cõi nầy, lúc nào cũng sợ bị giết, sống nơi ẩm thấp rừng sâu nước độc, mang lông đội sừng suốt kiếp.

    Phật dạy: Rời xa kiến chấp, an lạc niết bàn, hàng phục ma chướng, chứng đắc trí tuệ sáng suốt, thoát ra khỏi lục đạo luân hồi, vượt khỏi giả danh, không còn chỗ thọ của bản ngã, không bị ràng buộc các pháp ác của tà ma ngoại đạo. Đó là chỗ nhận biết của người trí tuệ và là chỗ cư trú các bậc thánh, các bồ tát, các bậc giác ngộ.
    (Kinh Duy Ma Cật)



    TỪ BI (PHƯỚC ĐỨC) CỦA BỒ TÁT THIÊN THỦ THIÊN NHẢN

    Xuất gia hay tại gia được các vị Tôn túc hay Sư phụ thường khuyến khích thọ bồ tát giới, vì đó là gieo căn lành cho người tu chuyển hóa phàm phu thành bồ tát. Nghĩa là nhiều đời nhiều kiếp, bằng trí tuệ sáng suốt, hạnh nguyện một vị Bồ Tát trong dân gian có thể cứu khổ cùng một lúc hàng trăm, hàng ngàn người, hoặc nhiều hơn nữa, mà không làm tổn hại bản thân hay một ai khác.

    Những Bồ Tát sống trong nhân gian có rất nhiều hình tướng, tùy cơ nghi xiển dương chánh pháp, hóa độ chúng sanh, diệt ác sanh thiện, cứu khổ ban vui.

    Với tâm Bồ Tát con người có thể khuyên nhủ vấn đề nan giải trong gia đình, bức xúc trong tình cảm, nỗi tuyệt vọng bị áp bức, bất công, xung đột, tranh chấp. Thiền môn cũng là nơi người Phật tử trở về nương tựa, tịnh tu, gởi gắm niềm tin hy vọng và tìm được những phương pháp xoa dịu nỗi đau tâm linh, giải quyết đau khổ mà họ đang gánh chịu.

    Uy đức thiện lành từ các vị chân tu thật học, phước trí trang nghiêm có biện tài thuyết phục nhân vật quyền thế, kêu gọi hòa bình, hòa giải chiến tranh. Đó là trí lực nhiệm mầu của Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn trong nhân gian, đã cứu được hàng ngàn, hàng vạn sanh linh trong biển lửa đao binh. Tâm nguyện của người tu hành:

    Thượng cầu Phật đạo,
    hạ hóa chúng sanh.
    *
    Trên cầu giác ngộ,
    dưới cứu dân gian.

    Có rất nhiều người trên thế gian phát tâm từ thiện, vô úy thí, bố thí ngoại tài, nội tài vô điều kiện cho những mãnh đời bất hạnh, nghèo khổ, thiên tai, bịnh tật, phiền não sầu bi, gia đình tan vỡ.

    Khi mới bắt đầu chỉ có một tấm lòng với hai tay đơn độc, cùng đôi mắt từ bi biểu lộ tình thương và cảm thông. Nhưng lòng từ bi của họ lâu dần lan rộng, cảm ứng tâm từ thiện đến những người xung quanh, thêm người, góp thêm một bàn tay, ngàn người tạo thành ngàn cánh tay, với tinh thần vô ngã vị tha tuyệt đối không danh không lợi.

    Đó chính là những vị Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn trong nhân gian ở khắp mọi nơi.

    Tóm lại, sức mạnh thiện căn của Phật Tâm Phật Tánh con người ở thế gian rất thâm sâu khó nói hết được. Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Tùng địa dũng xuất, Đức Phật ca ngợi đức độ và tin tưởng tuyệt đối, sự việc người phàm xuất thân cõi ta bà chuyển pháp luân, đầy đủ bi trí dũng, hành Bồ Tát đạo, tự tu, tự độ. Khi một người tu học Phật hiểu và hành trì giới, được định lực, có trí tuệ và từ bi, tinh thần rất mạnh mẽ cao thượng vô cùng, họ làm được những chuyện kỳ diệu nhiệm mầu không thể nghĩ bàn.

    Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn trong dân gian xả thân cứu độ mọi loài, hành đạo giúp đời có thật không phải là hoang tưởng và Bồ Tát cũng là tâm Phật, là “Thật Tánh” của những con người biết tu tâm dưỡng tánh, rốt ráo đoạn trừ ma chướng tự thân.

    Đạo Phật không dựa vào cầu khẩn, mê tín, trông chờ sự cứu độ của Bồ Tát bên ngoài, mà dạy phải tự chuyển đổi nghiệp xấu nơi tâm, tự cứu và phát tâm thành bồ tát muốn cứu độ những người hữu duyên sống xung quanh.

    Người có tâm bất thiện nhìn thấy oai lực hình tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên nhãn cảm giác sợ hãi kinh hoàng, tưởng tượng phép lạ, mơ ước kỳ nhân, chỉ biết cầu khẩn van lạy xin thật nhiều thứ. Một khi con người phước đức thiện tâm có tu, thì có cảm ứng sự dịu mát kính ngưỡng khó nghĩ bàn, tự phát nguyện tu giới hạnh và hành trì theo đức độ Bồ Tát. Tôn tượng các vị Bồ Tát thường được ngầm ý biểu trưng thuộc về tâm thức, muốn tán thán đức hạnh cao thượng của những người tu xuất thế gian có đủ Từ Bi và Trí Tuệ.

    Đó là tất cả ý nghĩa thâm sâu của Vi Diệu Pháp cần suy ngẫm thấu đáo. [ ]

    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
    TKN.Thích Nữ Chân Liễu
    "Đừng cố sử dụng kiến thức Phật học để thành tín đồ; hãy sử dụng nó để bạn trở nên tốt hơn"

  2. #2

    Mặc định




    NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI
    THIÊN THỦ THIÊN NHÃN QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT




    A. Những bước chuẩn bị.

    Bồ Tát Quán Thế Âm đã khả hứa với chúng ta: “Nếu hành giả có thể tụng trì đúng pháp -khởi lòng thương xót tất cả chúng sanh- lúc ấy ta sẽ sắc cho tất cả Thiện thần, Long vương, Kim Cang, Mật tích thường theo ủng hộ, không rời bên mình, như giữ gìn tròng con mắt hay thân mạng của chính họ “.

    Như vậy, thế nào là tụng trì đúng pháp?

    Trong phần hình trạng tướng mạo đã chỉ rõ mười đặc tính cốt yếu của Thần chú Đại Bi mà quan trọng hàng đầu là tâm Đại Từ Bi, cho nên mỗi lần trì tụng thần chú này hành giả phải bắt đầu hướng tâm vào việc quán tưởng khởi lòng thương xót tất cả chúng sanh. Một cách lý tưởng, để đạt được những công năng mà thần chú mang lại, trong thời gian trì tụng, hành giả phải giữ gìn giới hạnh, đặc biệt là sát, đạo, dâm, vọng. Phải kiêng cử rượu thịt, các thứ hành, hẹ, tỏi, cùng các thức ăn hôi hám. Tốt nhất là nên ăn chay.

    Phải giữ vệ sinh thân thể, thường xuyên tắm gội, thay đổi y phục sạch sẽ, không nên để cho trong người có mùi hôi. Trước khi trì chú cũng phải đánh răng, súc miệng sạch sẽ, nếu trước đó có đi đại tiện, tiểu tiện thì phải rửa tay sạch sẽ trước khi trì tụng.Tóm lại, “Giữ gìn trai giới,ở nơi tịnh thất,tắm gội sạch sẽ, mặc y phục sạch, treo phan đốt đèn, dùng hương hoa cùng thực phẩm cúng dường, buộc tâm một chỗ”, đó là tất cả những điều kiện lý tưởng để hành giả trì chú Đại Bi. Tuy nhiên, như phần trên đã nói, Bồ Tát Quán Thế Âm chỉ yêu cầu chúng ta hai điều mỗi khi trì tụng chú Đại Bi, đó là thành tâm và không mưu cầu những việc bất thiện. Điều này cho phép hành giả có thể trì tụng bất cứ lúc nào mà điều kiện cho phép. Trên xe, trên tàu, trên máy bay, tại sở làm, tại nhà… Với tâm thành, tâm chúng ta lúc đó sẽ hòa nhập vào lời trì tụng đểø cùng thể nhập vào pháp giới, mười phương chư Phật. Bơỉ vì Bồ Tát đã cho chúng ta biết, mỗi lần trì tụng thần chú Đại Bi, thập phương chư Phật đều đến chứng minh.

    Bàn thờ.

    Hành giả nên có một phòng riêng yên tỉnh để lập bàn thờ Bồ tát. Bàn thờ nên có hình tượng Bồ Tát ngàn tay, ngàn mắt. Nếu không có thì có thể sử dụng bất cứ hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm nào mà mình hiện có. Hình tượng Bồ Tát nên để day mặt về hướng Tây. Trên bàn thờ tuy không bắt buộc nhưng nên có hoa tươi, trái cây, lư hương để cắm nhang, nước cúng. Nên để đèn sáng mỗi khi hành lễ.

    Cách thức ngồi, lạy :

    Mỗi người nên có một tọa cụ, hoặc đơn giản hơn, một miếng vải sạch hay khăn bông xếp lại để làm chỗ tọa thiền. Hành giả nên ngồi theo cách thức kiết già nhưng nếu gặp khó khăn thì có thể ngồi theo cách thức bán già (ngồi xếp bằng, chân phải gác lên chân trái hay ngược lại), lòng bàn tay để ngữa hướng lên trên, bàn tay mặt để lên trên bàn tay trái, hai đầu ngón cái đụng vào nhau. Mắt nên mở hé, nếu nhắm hẵn thì dễ rơi vào trạng thái hôn trầm, nếu mở lớn thì khó định tâm.

    Lạy là nghi thức biểu lộ sự cung kính, tôn trọng. Mỗi thời đại có một cung cách khác nhau để biểu lộ sự tôn trọng. Lối lạy kiểu cũ theo cách thức của người Trung Hoa có nhiều điểm rất bất tiện, không thích hợp cho không khí thiền đường. Trước hết, với kiểu lạy này, khi hành lễ mỗi người chiếm một khoảng diện tích đáng kể đủ để có thể đứng và qùy xuống lạy, gây trở ngại cho những thiền đường nhỏ. Việc đứng lên qùy xuống gây ra những tiếng động của động tác, tiếng sột soạt của quần áo, những động tác này cũng có thể làm phóng ra những bụi bặm, vi trùng mà ta mang trên quần áo, những mùi hôi của cơ thể – nhất là trong những xứ khí hậu nóng nực-, làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường ta cần có để thở. Chưa kể là việc đứng lên qùy xuống lộn xộn trong những tư thế rất khó coi… Cho nên, chúng ta có thể thực hành một cách lạy tương đối đơn giản trong khi hành lễ, là thiền sinh cứ ngồi theo tư thế hành thiền, kiết già hay bán già, khi lạy chỉ cúi gập đầu xuống sàn phía trước, kéo dài tư thế này một khoảng thời gian ngắn đủ để niệm một câu “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm BồTát”, xong ngồi dậy.

    Cách thức tụng đọc :

    Chú Đại Bi phải nên được trì tụng lớn tiếng, giọng điệu trầm hùng, nhanh và liên tục bằng cách lấy hơi từ bụng ra. Lớn tiếng ở đây không có nghĩa là ta phải la lớn lên, nhưng giọng đọc phải rõ ràng, nghe đủ tiếng, không lờ mờ, trại giọng.

    Kinh “Nghiệp Báo Sai Biệt” cho biết việc niệm Phật, tụng kinh, trì chú lớn tiếng có mười công đức sau đây :

    1.Dẹp được sự buồn ngủ ám ảnh
    2.Thiên ma hoảng sợ.
    3.Tiếng vang khắp mười phương
    4.Ba đường hết khổ
    5.Tiếng đời chẳng lọt vào tai
    6.Lòng không tán loạn
    7.Dõng mãnh tinh tấn
    8.Chư Phật vui mừng
    9.Tam muội hiện ra trước mắt
    10.Vãng sanh Tịnh Độ

    Thật sự, ta cũng sẽ không lo ngại cơn buồn ngủ ám ảnh. Bởi vì khi trì tụng chú Đại Bi, các vị Thiên, Long, Hộ Pháp sẽ luôn ở bên cạnh ta, khi ta rơi vào cơn buồn ngủ, các Ngài sẽ giúp đánh thức ta -mà rồi qúy vị sẽ chứng nghiệm khi thực hành trì chú một cách nghiêm túc- bằng một âm thanh như tiếng sấm nổ ở trong đầu khiến ta hoảng hồn, giật mình tỉnh thức. Thông thường sau đó ta sẽ không còn (hoặc không dám) buồn ngủ nữa. Tuy nhiên, nếu việc này xảy ra một lần thứ hai trong buổi hành Thiền, điều này có nghĩa là thể xác ta quá mỏi mệt, ta nên xin phép được xả thiền để nghỉ ngơi.

    Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt phải tụng thầm chỉ riêng cho mình nghe, hoặc chỉ nhép môi không ra tiếng như khi chúng ta đang làm việc, đi chung xe tàu với người khác, hoặc đi nằm trước khi ngủ.

    B. Nghi Thức Hành Lễ

    Hành giả nên tự mình sắp xếp thời khoá biểu thích hợp và cố định cho việc hành thiền tu tập của mình hằng ngày, vào buổi sáng hoặc buổi tối hoặc cả sáng lẫn tối. Đức Phật dạy rằng mỗi người nên hành thiền ngày hai buổi, buổi sáng sớm lúc mới rạng đông và buổi hoàng hôn lúc ngày chuyển qua đêm, còn nữa đêm thì nên thức dậy để đọc kinh. Đó là thời khóa biểu lý tưởng cho người tu tập, tuy nhiên nếu ta không có điều kiện thì chọn một thời khóa trong ngày cũng được. Thời gian lựa chọn để thiền định vào buổi sáng hay buổi tối rất quan trọng đối với mỗi cá nhân bởi vì có người chỉ hành thiền kết quả vào buổi sáng hoặc ngược lại. Kinh nghiệm cho thấy những người còn sống đời sống thế tục thì hành Thiền vào buổi sáng sớm kết quả hơn, bởi vì buổi tối sau một ngày làm việc, thể xác còn mệt mỏi, tâm hồn lại bị vướng mắc bởi bao nhiêu chuyện lo nghĩ từ chuyện gia đình đến chuyện sở làm … rất khó định tâm.

    Ngoài ra, mỗi cuối tuần nên có một buổi hành lễ chung của những người trong nhóm; đây cũng là dịp để tự sám hối, trao đổi kinh nghiệm tu tập. Việc tu học sẽ tăng tiến nhanh chóng nếu ta có những bạn đồng tu, những thiện trí thức đúng nghĩa.

    http://namo84000.com/2008/10/25/tri-...A%A1i-bi-dung/

  3. #3

    Mặc định

    SVCZ YouTube Player
    ERROR: If you can see this, then YouTube is down or you don't have Flash installed.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 17
    Bài mới gởi: 15-03-2016, 02:14 PM
  2. Trả lời: 22
    Bài mới gởi: 01-06-2012, 11:51 AM
  3. TÂM VŨ TRỤ
    By doxuantho in forum Đạo Việt Nam
    Trả lời: 242
    Bài mới gởi: 26-03-2012, 02:27 PM
  4. Trả lời: 48
    Bài mới gởi: 29-04-2011, 12:15 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •