Chiến Thắng Ma Vương

Nhân ngày Thành Đạo, chúng ta thử đưa ra một vài nhận định về cuộc đại thắng ma quân của Bồ Tát Tất Đạt Đa để hiểu thêm phần nào ý nghĩa ngày lễ trọng đại này.

Khi nói đến Phật cảm thắng Ma Vương, hầu như mọi người đều tưởng tượng hình ảnh quỷ sứ sừng nhọn, răng nanh, đầu trâu, mặt ngựa, vô cùng khủng khiếp kéo đến bao vây Ngài và Ngài cũng dùng phép thần thông để chống cự; sau một hồi chiến đấu cam go bằng quyền phép nhiệm mầu, Ngài đã hàng phục Ma quân một cách vẻ vang oanh liệt .

Chữ Ma Vương theo nghĩa Phật Giáo, không phải chỉ có nghĩa giản dị như thế. Ma Vương có năm loại:

1. Phiền não ma
2. Ngũ uẩn ma
3. Pháp hành ma
4. Tử diệt ma
5. Chư thiên ma

Cả năm thứ ma trên đều làm trở ngại cho tiến trình giác ngộ. Vì vậy, hễ chiến thắng được ngũ ma, nhất là ma phiền não là đã thành công trong cứu cánh giải thoát. Chúng ta sẽ tìm hiểu ngũ ma là gì, và Đức Phật đã chiến thắng ma quân ấy như thế nào.

1. Phiền não ma

Chúng ta hãy lưu ý đoạn kinh sau đây :

"Này Ma vương, dục lạc là ma quân thứ nhất của ngươi, hai là bất mãn, ba là đói khát, bốn là ái dục, năm là hôn trầm thụy miên (uể oải, buồn ngủ), sáu là sợ hãi, bảy là hoài nghi, tám là phỉ báng và cố chấp, chín là danh lợi và mười là quá mạn (tự cao tự đại, kênh kiệu...). Này Ma Vương, hùng binh của ngươi là thế. Chúng luôn luôn thường trú trong con người xấu xa đê tiện; kẻ hèn yếu thì thất bại, nhưng người nào hàng phục được chúng sẽ đạt được chân hạnh phúc... Ta thà chết trên chiến trường còn hơn sống thất bại...."

Đọc đoạn kinh trên, nếu để ý một chút chúng ta sẽ thấy Đức Phật dùng chữ "Ma Vương" với nghĩa phiền não vì chúng nội tại trong những con người xấu xa đê tiện và xuất hiện dưới hình thức các tâm và tâm sở bất thiện như tham, sân, lười biếng, nghi ngờ. sợ hãi... hay dưới những nhu cầu thể xác như đói khát, ngủ nghỉ... Chúng sanh yếu hèn nên luôn luôn bị chi phối bởi những chướng ngại tâm sinh lý này. Nhưng Bồ Tát với ý chí kiên trì, Ngài đã chiến thắng tất cả ma chướng ấy.

Phải chăng Đức Phật đã dùng thần thông biến hóa, quyền phép nhiệm mầu hay nhờ một trợ lực nào từ bên ngoài để chiến thắng ma quân? Phải chăng Ngài chỉ chiến đấu có một lần dười cội bồ đề ở Bodhigaya (Bồ đề đạo tràng) mà có thể hàng phục được binh tướng ma quân hàng hàng lớp lớp?

Đời sống của Đức Phật chứng minh rằng trừ những truờng hợp tối cần, Ngài ít khi dùng đến phép thần thông, vì Ngài không muốn môn đệ hay kẻ ngoại đạo quy y ngài vì quyền phép nhiệm mầu, mà họ phải đến với Ngài vì lý tưởng giải thoát mà thôi.

Vả lại chủ trương của Đức Phật là chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ bằng chính những đức độ cao dày mà Ngài tu tập trong vô lương kiếp, chứ Ngài không bao giờ dùng quyền uy của kẻ mạnh để chiến thắng quân thù. Như thế Đức Phật không hàng phục Ma Vương bằng thần thông quảng đại mà bằng Ba La Mật lực của Ngài. Sức mạnh Ba La Mật chính là những đặc tính: bố thí, trì giới, xuất gia (ly dục), tinh tấn, trí tuệ, nhẫn nại, cương quyết, chân thật, tâm từ và tâm xả (mười Ba La Mật). Bồ tát đã tu hạnh Ba La Mật, những đức tính cao quý vượt hẳn thế tục này, trong vô lượng kiếp, nghĩa là trong vô lượng cuộc chiến đấu Ma Vương đã diễn ra liên tục và Ngài đã trải qua không biết bao nhiêu là thắng bại, cho đến lần cuối cùng, khi công hạnh đầy đủ, trí tuệ cụ túc, Ngài đã toàn thắng Ma Vương, không bao giờ thất bại nữa.

Vậy chiến thắng phiền não là chiến thắng nội tâm mình, chiến thắng chính mình cà chỉ có sự thắng trận này mới đáng kể hơn cả: "Tự thắng mính quả thật thập phần vẻ vang hơn chiến thắng kẻ khác. Dầu Trời, Càn Thất Ba, Ma Vương hay Phạm Thiên, không ai có thể đánh bại con người đã tự khắc phục và sống tự chế" (Kinh Pháp Cú, 104-105).

2. Ngũ uẩn ma

Một khi phiền não ma đã bị đánh bại hoàn toàn thì những Ma Vương khác cũng đều chịu hàng Phục. Ngũ uẩn ma chính là vọng tưởng về bản ngã, nói một cách khác đó là ngã chấp. Bản ngã theo Phật giáo chỉ là vọng huyễn, vô tưởng hay ảo giác. Không có một cái Ta trường tồn vĩnh cửu, mà chỉ có một sự kết hợp của nhiều yếu tố chi phối bởi định luật vô thường.

Cái mà phàm nhân gọi là Ta, theo ý nghĩa thực của nó (chân đế) là ngũ uẩn, một hữu thể gồm năm yếu tố: sắc, thọ, tưởng, hành, và thức (vật chất, cảm giác, tri giác, những tạo tác của tâm ý và thức). Năm yếu tố ấy duyên nhau mà sanh, duyên nhau mà diệt, rồi lại duyên cảnh trần mà biến đổi để tạo thành một dòng tiến trình liên tục trong bể khổ trầm luân. Vì sự sinh diệt quá phức tạp của kiếp sống nên con người cứ mãi nuôi vọng chấp hữu ngã, hũu nhân để làm nô lệ cho những ma chướng sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

Với trí tuệ siêu phàm, Đức Phật đã thấy rõ cái Ta chỉ là ngũ uẩn, có hợp, có tan, vô thường biến đổi nên Ngài đã phá ma chướng chấp ngã. Đó chính là chiến thắng Ngũ uẩn ma vậy.

3. Pháp hành ma

Pháp hành có nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng ở đây ám chỉ những hành động tạo nghiệp của thân, khẩu, ý. Có ba loại hành là :

- Phước hành: Những nghiệp thiện, như bố thí, trì giới, tham thiền, từ bi, hỉ xả v.v.

- Phi phước hành: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, ganh tị. bủn xỉn. cố oán, v.v.

- Bất động hành: Hành vi không thiện ác.

Những nghiệp thiện ác này phát xuất từ phiền não và lại đóng một vai trò quan trong trong việc huân tập phiền não, bởi thế khổ đau càng ngày càng tích lũy, kiếp luân hồi mỗi lúc một gia tăng. Vậy chiến thắng pháp hành ma tức là tiêu diệt sự hình thành của nghiệp, giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của thiện ác như Phật đã dạy trong Samyutta Nikàya (Tương Ưng):"Vì bị chi phối bởi tham lam, sân hận, si mê mà nghiệp hình thành, đó là căn nguyên của mọi đau khổ. Đoạn diệt được tham, sân, si tức là hủy diệt động lực hình thành của nghiệp và mọi đau khổ phải chấm dứt." Đức Phật và các vị A La Hán là những bậc đã đoạn trừ được sự chi phối của nghiệp, tức là đã hàng phục được pháp hành ma vương vậy.

4. Tử diệt ma

Đã là chúng sanh, còn thân ngũ uẩn tức là phải có sinh, có tử. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy : "Chẳng phải bay lên trời, chẳng phải lặn xuống đáy biển, chẳng phải trốn vào hang sâu núi thẳm, không bất cứ nơi nào trên thế giới có thể thoát khỏi tử vong".

Dù Đông phương hay Tây phương, ai ai cũng phải nhìn nhận chân lý hiển nhiên đó. Nhân loại dù có văn minh đến đâu, y học có tiến bộ đến đâu cũng không thể nào tìm ra được một phương thức nào, một linh dược nào giúp cho con người thoát khỏi tử vong: "không ai tránh khỏi sự chết".

Thật ra, mỗi một chúng ta đang chết dần, tùng giây, từng phút; chứ không phải chỉ lúc nhắm mắt xuôi tay mới gọi là chết. Mỗi một điểm nhỏ thời gian trôi qua, chúng ta đã già đi một ít. Nhưng sự biến đổi quá nhanh chóng nên ta không nhận chân được.

Bao lâu chúng sanh còn vô minh, ái dục, phiền não, ô nhiễm thì vẫn còn bị chi phối bởi định luật tử sinh. Trái lại Đức Phật đã diệt tận vô minh nên không còn hành, tức không còn tạo nghiệp. Không có hành nên thức không sanh. Thức không sanh nên danh sắc, tức thân tâm không sanh. Thân tâm không sanh thì làm gì có lục nhập: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm. Không có lục nhập thì không có sự xúc chạm. Không có xúc chạm thì không sinh ra thọ vui, thọ khổ. Không có cảm giác vui, khổ thì không có ái, tức không sinh ra yêu ghét. Không yêu ghét thì không có thủ chấp, muốn có, bám viú, giữ chặt... Không có thủ thì không có hữu, không có sinh, không già, chết. Đức Phật không còn vô minh, ái dục.. nên đã thoát ra khỏi tử sinh tức Ngài đã chiến thắng được tử thần ma.

5. Chư thiên ma

Trong năm loại Ma Vương, chỉ có chư thiên ma là ma quân từ bên ngoài, còn bốn loại kể trên đều là nội ma cả. Nhưng thứ ngoại ma này không quan trọng bằng các nội ma, do đó Đức Phật dạy: "Dù thắng vạn quân ở chiến trường không bằng chiến thắng chính mình, vì đó là chiến thắng cao thượng nhất." Chư thiên ma là những vị trời, những vị quỉ thần, tà kiến hay chúng sinh trong cảnh giới A Tu La, Dạ Xoa... Những hạng phi nhơn này có khi ủng hộ, có lúc phá phách những bậc tu hành ở nơi thanh vắng.

Những người kém đức sẽ khiếp sợ và thối chuyển, nhưng những bực đức độ cao dầy, ý chí sắt đá không những không khiếp nhược trước ma quân mà còn đem lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả của mình để hóa độ chúng trở về chánh đạo. Trong Kinh có ghi lại nhiều trường hợp Đức Phật cảm hóa loài Ma Vương này, như trường hợp Alàvaka hay Long Vương Nandopananda... sau khi thi triển thần lực đều qui phục trước đức Bi, Trí, Tịnh vô song của Thế Tôn. Chính vì thế mà Ngài được tôn xưng là bậc Thầy và Người. Chư Thiên Ma cũng còn có nghĩa là ước vọng của người muốn trở thành chư thiên hay muốn lên cõi Trời để hưởng lạc. Ứơc vọng đó cũng là ma chướng nội tại cản trở bước tiến của chúng ta đến bờ giác ngộ.

Tóm lại hành trình giải thoát, chúng ta sẽ phải noi gương Đức Phật để phấn đấu với Ngũ Ma từng giờ, từng phút cho đến lúc nào toàn thắng được tất cả ma quân mới có thể trở thành bậc Giác Ngộ.

Theo quangduc.com