Về Tổ Mẫu Âu Cơ trước Đền Hùng Hội mở

- Trước Đền Hùng Hội mở (mồng 10-3 âm lịch), theo dòng người chúng tôi về thắp nén hương thơm viếng Tổ mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa - nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Muộn màng so với ngày chính Hội (mồng 7 tháng giêng) cả tháng trời, vậy mà ngày chủ nhật khu Đền rộng tới vài ba ha vẫn nghìn nghịt những người. Bạn đồng niên, đồng nghiệp, nhà văn Nguyễn Văn Toại, đắm đuối ngắm hình sông, thế núi nơi tọa lạc Đền Tổ Mẫu Âu Cơ - người mẹ sinh ra cả dân tộc ta, luôn miệng xuýt xoa:



Dâng hương Quốc mẫu Âu Cơ. Ảnh Nguyễn Sản


- Thật “Sơn thủy hữu tình”. Hội tụ khí thiêng trời đất là đây!-Tôi bắt nhời trong cái thế của kẻ cậy “sân nhà”:

- Muôn nơi trở về, dù từ dưới xuôi lên, từ ngọn nguồn xuống, dù tới bằng hỏa xa, bằng thuyền, bằng ô tô thì vẫn sông Hồng, sông Thao làm chuẩn, vẫn men theo đôi dải đi về. Nơi đây tên núi, tên sông, tên hồ, tên đồng, tên làng, tên suối đều gắn bện với con cháu Lạc-Hồng. Trước Đền là mênh mang đồng xanh ngút ngát, mờ xa là núi Giác án ngữ, sau lưng là núi Muỗi làm tựa; sông hồ bên tả, bên hữu làm ngai làm lọng. Phong cảnh thế ấy khiến Mẫu Âu Cơ khi chia tay Đức Cha Lạc Long Quân ở núi Nghĩa Lĩnh, đem theo 50 người con lên miền đất này đã dừng chân nghỉ. Thương dân trang Hiền lam lũ nhưng đói khổ, Mẫu lưu lại, tận tình dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, vượt đất làm đường, khơi giếng Loan giếng Phượng lấy nước ngọt sinh sống. Khi dân khá giả, đủ đầy, Mẫu mãn nguyện nhằm lúc nửa đêm 25 tháng chạp để đằng vân. Truyền thuyết kể rằng: Lúc về trời, Mẫu lỡ đánh rơi dải yếm mầu, vương trên ngọn đa kề bên giếng Loan, giếng Phựơng…Từ đấy, dân trang Hiền bảo nhau lập đền thờ Mẫu ngay dưới tán đa, định lệ cầu cúng mỗi năm 2 lần vào ngày Tiên giáng mồng 7 tháng giêng (ngày Tiên Mẫu Âu cơ du xuân giáng xuống thảm dâu xanh thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy ven sông Đà, gặp Lạc Long Quân rồi nên duyên Rồng - Tiên), và 25 tháng chạp là ngày Tiên thăng tại trang Hiền Lương…

Bởi thế, từ thuở xa xôi, nội đã truyền cho tôi niềm hãnh diện: Nhân dân mình là con cháu Rồng – Tiên, bằng cả ngư nghĩa trên bức hoành phi trong đền Tổ Mẫu Âu Cơ: Dân phát sinh ban đầu/ Muôn thuở anh linh/ Tổ mẫu Âu Cơ. (Nguyên ngữ:Dân sinh sơ quyết/ Linh anh cổ vạn/ Mẫu Tổ Cơ Âu). Khi Cách mạng Tháng Tám chưa về, ngày 25 tháng chạp tôi thường theo mẹ ra Đền làm lễ. Tôi đứng ngây, chăm chú nhìn ông Từ sắp lễ với những xôi, những oản, hoa quả, chè kho thẫm đẫm mầu mật mía. Lễ xong, tất cả mọi người, kể cả trẻ con như tôi đều được hưởng lộc. Hương vị xôi, oản, bánh ngọt vẫn quấn bện trong tôi tới tận bây giờ. Ấy là việc lễ hội ngày Tiên thăng. Còn lễ cầu ngày Tiên giáng mồng 7 tháng giêng mới thật công phu. Hội mở suốt từ mồng 5 đến hết mồng 7. Lễ phẩm gồm đủ loại hoa quả quý của đất quê, cùng đó là bỏng nổ, xôi, oản, bánh ngọt; hèm cầu là nắm cơm với bát muối vừng. Phẩm lễ chính là bánh ngọt, nên làng kỳ công chuẩn bị từ chọn gạo, chọn mật; bình xét thôn xóm, gia đình đăng cai, đến việc trùm lễ cho gọi trai gái thanh khiết tới giúp việc…Ngày chính lễ mồng 7, có tới mấy chục mâm, xếp cả trăm chiếc bánh ngọt cùng bỏng nổ, xôi, oản đội đầu dâng lên Đền Mẫu… Nghi thức gồm: Rước kiệu và tế. Phần rước, làng rước con trưởng của Mẫu là Đột Ngột Cao Sơn cùng hai con trai của đức Cao Sơn là Hùng Chấn Quý Minh và Hùng Chấn Bảo Quốc thờ ở đình làng cách Đền chừng nửa cây số về phối hưởng lộc. Phần Tế, gồm 16 cô gái làng trẻ, đẹp, tinh khôi, phân chia làm các chức việc: chủ tế, bồi tế, Đông Tây xướng, chấp sự dâng hương, dâng trầu cau, dâng giá chúc văn và bình hoa, đánh chiêng trống… ăn vận sắc mầu lễ phục. Cô gái đóng vai thông tán, tấu văn tế Tổ Mẫu Âu Cơ, giọng vang âm, trang trọng, cẩn kính: Cung thỉnh đức Quốc tổ Mẫu Âu Cơ/ Trước điện vàng cúi đầu mà tâu rằng: Khí thiêng vằng vặc khắp trời Nam đây đó phụng thờ/ Lượng cả bao dong, lừng đất Việt đời đời kính mộ/ Nhớ xưa Vương Mẫu/ Hồng Hạc duyên hài/ Phong Châu đô cũ/ Nghĩa Lĩnh điện đài/ RồngTiên hợp lại nở sinh ra một bọc trăm trai/ Hòa hiếu một nhà dựng nên nước Văn Lang ngàn thuở… Lời kết cẩn cáo tràn đầy ơn nghĩa với Tổ tông: …Nước thịnh dân yên dẫn thái vận dài ngôi bảo tổ/ Tiết thuộc vượng xuân/ Tiệc mừng khánh thọ/ Hương thơm rượu ngọt kính dâng lên trước mắt Điện vàng/ Lễ bạc lòng thành xin soi thấu tấc lòng con đỏ. (Cẩn cáo)…

Nhớ tâm cốt người xưa với Tổ tông, thêm thấu hiểu tâm thức, tâm đức, cốt cách thời nay của những bậc đứng đầu Nhà nước từng nối tiếp nhau về đây phụng thờ. Trong bút lưu Sổ Vàng (ngày 7/6/2003) Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, khi về dâng hương Đền Quốc Mẫu, tâm mạch lòng thành trong dòng chữ chân phương: “Mẹ Âu Cơ. Chúng con thật có lỗi với Mẹ. Hôm nay chúng con về với Mẹ. Về với cội nguồn dân tộc. Nhờ có Mẹ mà dân tộc Việt Nam phát triển, đất Việt ngày một hùng cường. Chúng con nguyện giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc, xứng đáng với Tổ Tiên”.

Thấy tôi xa quê lâu lâu mới về, anh Nguyễn Kim Nguyên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hiền Lương nói như lý giải: - Chuyện của ngày xưa, các chú biết cả rồi. Nhiều sắc phong của các triều đại trước đều đã thất lạc, hiện chỉ còn 4 đạo sắc của triều Nguyễn là: Tự Đức năm thứ 6 (1853) Tự Đức năm thứ 33 (1883), Đồng Khánh năm thứ 2 (1886), Duy Tân năm thứ 3 (1909, sắc phong đều là Âu Cơ Mẫu Vương, (Vua mẹ Âu Cơ). Mẹ Tổ các triều đại Vua Hùng…

Thắp nén hương thơm vái lậy Tổ Mẫu Âu Cơ; chúng tôi quan sát nơi thờ tự, Nguyên sôi nổi giới thiệu: - Xưa tượng Mẫu ngồi trên long ngai, đặt trong khám dài, trán khám trạm lộng rồng chầu nguyệt, hai bên diềm trạm cúc - mai - tùng. Nay long ngai tượng Mẫu được đặt trên điện thờ hậu cung rộng rãi, cửa điện trạm trổ tinh sảo! Giọng xởi lởi từ gan ruột: - Tâm linh như lẽ sống của dân mình. Tâm linh khiến con người biết sống, biết làm điều nhân đức. Nhân dân Hiền Lương mãi mãi ơn Đảng - Nhà nước, ơn tấm lòng người công đức, góp sức, góp của đại trùng tu khu di tích khang trang như bây giờ!...Chúng tôi đổ mắt nhìn cây đa cổ thụ có tự mấy ngàn năm, thâm nghiêm tỏa tán trùm rợp mái Đền Quốc Mẫu u tịch cổ kính. Ngày lễ Tiên thăng, hèm cầu dải lụa đào biểu trưng cho dải yếm của Mẫu đánh rơi, treo từ ngọn đa thõng xuống nóc đền, bay bay vương vấn, huyền ảo, như mơ như thực. Kề gốc đa về phía tây là miếu Cô, miếu Mẫu Thượng Thiên. Sân trước cửa đền lát gạch rộng thênh đón khách tứ phương. Bên trái sân là nhà Tả mạc, bên phải là nhà Hữu mạc. Trước là ao sen. Sau Đền chếch về hai phía là giếng Loan, giếng Phượng; hai bên lối cổng là nhà khách, nhà lưu niệm...quy hoạch, kiến trúc, xây dựng đậm nét dân gian nối kết các thời đại, trầm ấm, tôn linh. Còn lại trong khuôn viên là vườn cây lưu niệm: ngọc lan, đa đỏ, chò nâu, tùng bách, thanh giao… đang thì tỏa tán. Trở lại câu chuyện lễ hội, giọng khơi khơi, Nguyên kể rằng: - Sau khi Đền Quốc Mẫu được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia (1991), lễ hội tiếp tục được khôi phục, nhưng cải tiến văn minh hơn. Phần Lễ, gồm tế lễ rước kiệu thành hoàng làng về Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trong rực rỡ cờ hoa, trong tiếng nhạc bát âm, sáo nhị, sinh tiền, trống chiêng rộn rã vang lừng. Sau lễ dâng hương và lễ phẩm, bánh, hoa quả là đội tế nữ gồm 12 cô gái thanh tân, tài sắc, vận áo lễ, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài, thắt lưng lụa…Chủ tế là Chủ tịch huyện vận áo quần mầu đỏ, đọc văn tế tri ân công lao trời biển của Mẫu Tổ Âu Cơ, cầu cho nước thịnh dân yên… Khi ấy phần khai Hội, do lãnh đạo tỉnh chủ sự với sự tham gia của đại diện nhân dân 33 xã trong huyện, tham diễn văn nghệ, thi hát dân ca, đu tiên, kéo co, cờ người, bóng chuyền, đẩy gậy… Năm nay ( mồng 7 tháng giêng) có cả vạn lượt người, cùng nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Trung ương và tỉnh về lễ bái, tỏ lòng sùng kính “Uống nước nhớ nguồn”, cầu Mẫu ban phát vạn sự tốt lành!...Chúng tôi xen vào : - Hiền Lương đã làm được những gì để đáp đền công ơn Quốc Mẫu Âu Cơ? Nguyên lấy từ túi xách tay trao cho chúng tôi cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Hiền Lương”, nhời buông theo: Quá khứ oanh liệt xưa của nhân dân Hiền Lương đều có cả trong này! Nhưng lời giới thiệu vắn tắt vẫn đủ đầy: Hiền Lương là xã Anh hùng thời chống Pháp, chống Nhật; là căn cứ kháng chiến; là nơi các vị tiền bối: Hoàng Quốc Việt, Ngô Minh Loan, Nguyễn Bình Phương, Trần Quang Bình… hoạt động. Hiền Lương nay, so với xưa khác cả một trời một vực. Ngô lúa đủ đầy. Làng thôn quy hoạch sắp đặt tinh tươm. Đường xá cứng hóa. Điện đài tới từng nhà. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi sát thực: Nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp -Dịch vụ (phục vụ khách du lịch là chính). Riêng dịch vụ chiếm tới 52% tổng thu nhập của xã. Thủ công, chế biến nông sản phát triển mạnh. Có doanh nghiệp tư nhân, năm qua doanh thu tới 4 tỷ, thuế nộp mỗi tháng từ 30 – 40 triệu đồng... Sinh ra trên đất lịch sử, đất có di sản quí báu của dân tộc (Cho dù phiên bản của Đền đã hội tụ, an tự trên núi Vặn tại khu di tích lịch sử Đền Hùng), thì việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy truyền thống thiêng liêng của Tổ Mẫu Âu Cơ theo hướng văn hóa, văn minh tại đây vân là trách nhiệm của mọi người, trong đó trọng trách sở tại thuộc nhân dân xã Hiền Lương chúng tôi!.. Cứ thế Nguyên say sưa kể. Cứ thế tôi miên man nhớ về lễ hội xưa tới lễ hội nay. Nhớ nao nao những nhời nhắc nhủ:

Mồng bảy trong tiết tháng giêng

Dân Hiền tế lễ trống chiêng vang trời…


Bổi hổi nhớ về Cố đô mười tám hiệu Vua Hùng, cội nguồn sinh ra cụ kỵ, ông bà, cha mẹ chúng ta… Đôi ba tuần nữa, mươi hai ngày nữa Hội Hùng mới mở, vậy mà lời ca cứ lấp láy, hôi hổi khôn nguôi:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mườiTháng ba…



Nguyễn Uyển