Khó hiểu nỗi ám ảnh "ma thuốc độc" ở miền Trung

Cuối tháng 3/2010 vừa qua, bà P. ở xã Đức Lâm, Đức Thọ, Hà Tĩnh làm đơn yêu cầu chính quyền làm rõ sự việc vì nghi một người phụ nữ cùng xã bỏ thuốc độc khiến cháu mình quấy khóc. Đây không phải là vụ việc đầu tiên xẩy ra ở Hà Tĩnh. Nỗi ám ảnh về "ma thuốc độc" đã tồn tại hàng trăm năm nay với những câu chuyện rất ly kỳ, không có căn cứ. Nhưng có điều khó hiểu không kém là ở một địa phương được mệnh danh là "đất học" này, giữa thế kỷ 21 mà vẫn có không ít người còn tin vào câu chuyện hoang đường này.


Chợ Đồn hoang lạnh sau những tin đồn nhảm nhí về “ma thuốc độc”.


Ông Nghĩa, quyền công an xã Đức Lâm.
Phát hoảng khi nghe "ma thuốc độc"

Câu chuyện của bà P. được thuật lại trong đơn gửi công an xã Đức Lâm như sau: Vào 17h ngày 24/3/2010, bà P. bồng cháu nhỏ 9 tháng tuổi đi chơi và gặp bà D. Qua lời chào hỏi, sau đó bà D. hỏi thăm cháu trai hay cháu gái, mấy tháng tuổi, rồi xin được xem mặt, thoa ngực, chân tay cháu. Tối về cháu bà P. quấy khóc cả đêm, bỏ bú, dỗ thế nào cũng không được, bác sỹ đến khám nhưng không phát hiện triệu chứng bệnh gì. Đến 23h ngày 25/3, bà P. và con dâu cùng đến nhà bà D. cáo buộc vì bà D. sờ vào cháu bé khiến cháu ốm. Tuy nhiên, bà D. chối bỏ là không sờ vào cháu. Con dâu bà P. van khóc, cho rằng lỗi tại bà D. Sau khi hai mẹ con bà P. về nhà khoảng một tiếng đồng hồ, cháu bé thôi khóc, trở lại bú bình thường. Nghi cháu mình bị bỏ thuốc độc của bà D. nên bà P. viết đơn đề nghị chính quyền giải quyết.

Bị hàng xóm vu khống, đặc biệt là bị dân làng tẩy chay, ngày 31/3 chồng bà D. đã viết đơn gửi cấp uỷ xóm 8, và UBND xã Đức Lâm tố cáo việc bà P. vu khống, xúc phạm danh dự vợ và gia đình mình. Trong đơn, ông D. quả quyết gia đình ông không nuôi con “ma thuốc độc”. Ông D. còn ra điều kiện nếu sau một tuần xã không giải quyết ông sẽ "có hành động trả đũa với gia đình đó". Hiện sự việc vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Câu chuyện "ma thuốc độc" cũng ám ảnh nhiều nơi ở Hà Tĩnh. Đã mấy năm nay tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), đâu đâu người dân cũng đồn thổi về sự xuất hiện của con "ma thuốc độc". Người dân ra chợ không dám mua ăn các thứ hoa quả hay bánh kẹo... Tình trạng lạ lùng này đã diễn ra trong một thời gian dài và đang có nguy cơ lan rộng. Những con "ma" ấy vẫn còn hiện hình với rất nhiều hình thù khác nhau xung quang vùng Chợ Đồn (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Những ngày cuối tháng 4/2010 này, chúng tôi có mặt tại chợ Đồn (Linh Cảm) chứng kiến phiên chợ đông đúc ngày nào thưa thớt đến lạ thường. Người ta đến chợ chỉ để mua bán những hàng nông sản và những đồ dùng sinh hoạt trong gia đình (nói chung là những thứ không ăn được). Bà Nguyễn Thị Nhung, một tiểu thương lâu năm ở chợ cho chúng tôi biết: Từ ngày nghe tin đồn có "ma thuốc độc" ám ở vùng này, ai nấy đều lo sợ, không ai dám ra chợ mua đồ ăn.

Truyền thuyền "ma thuốc độc"

Để bạn đọc hiểu được điều "khó hiểu" về chuyện "ma thuốc độc" tại Hà Tĩnh, chúng tôi đã đến các "điểm nóng" để ghi lại những câu chuyện nhuốm màu hoang đường nhưng vẫn không ít người tin. Một trong những nơi chúng tôi đến là xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân. Tại đây đã từng có gia đình tan cửa nát nhà chỉ vì bị những người khác nghi là nuôi "ma thuốc độc". Nhưng đáng nói là khi tiếp xúc với nhiều người dân ở đây, dù nhắc đến "ma thuốc độc" thì giọng run run nhưng hỏi "nó" như thế nào thì "chưa bao giờ thấy con thuốc độc chỉ nghe kể". Kể cả cụ Lân ở xóm Linh Vượng xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, một người cao niên được coi là có "kinh nghiệm" nhất trong làng về hiện tượng này, ông là người mà mọi người trong xã Xuân Liên cho rằng biết nhiều nhất về "ma thuốc độc" cũng chưa biết "nó là cái gì"!

Nhưng theo cụ Lân thì từ bao lâu nay, có nhiều câu chuyện truyền miệng về "ma thuốc độc", một trong số đó giải thích "nguồn gốc" của nó như sau: Ngày xưa, ở những vùng núi rừng, vùng sâu, vùng xa, ai muốn làm giàu thì bí mật nuôi một con chuột bạch, nhốt trong một chum hay ché bằng sành, giấu nơi thật kín. Cứ một tuần gia chủ làm thịt một con gà cho chuột ăn! Sau ba tháng mười ngày, gia chủ lấy nước bọt của con chuột bí mật mang ra chợ cho vào hoa quả như chuối, mít, dứa, mận, hồng... Hoặc cho vào nước uống, thức ăn mà khách đang ăn! Sau đó chỉ việc "khấn" họ tên, tuổi, quê quán... của người ăn quà... Về nhà, người ăn quà thì bị bệnh... ma thuốc độc!? Còn người bỏ thuốc độc thì được giàu to, nuôi heo chóng lớn, nuôi gà, vịt đẻ nhiều, trồng cây nhiều hoa trái...!

Ngoài ra, cũng có những "phiên bản" khác về nguồn gốc của "ma thuốc độc". Cụ Lân cho biết: "Nghe các cụ đời trước kể lại thì thuốc độc được một số người lấy của người dân tộc về. Khi đã mang về "nuôi" trong nhà thì phải truyền lại cho con. Nếu thất truyền thì cả nhà phải chết như một sự bắt buộc. Người ta nói rằng, những người nuôi thuốc độc trong nhà thì gia đình sống không có hậu, sau này đời con đời cháu không thể khá lên được. Nghe nói một cách chế "thuốc độc" xa xưa nhất được đồn thổi rồi kể lại cho nhau là lên núi giết hổ rồi lấy râu nó cắm vào cây măng rồi làm răng đó là có chất độc. Còn hiện nay khi hổ báo đã hiếm, người ta lại cho là thuốc độc được chế từ con chuột bạch và rắn độc. Vì rứa (thế) mà người dân xa lánh, đề phòng những nhà có nuôi chuột và rắn độc. Ở xã Xuân Liên này người ta nghi có một nhà, ở Cổ Đạm người ta cũng nghi 2 nhà có nuôi “ma thuốc độc” trong nhà".

Hậu quả đau lòng từ một hủ tục

Hàng ngày vẫn có những người bị ốm đau, thậm chí những cái chết mà người ta chưa biết lý do, ngay lập tức được hiểu rằng con người xấu số đó đã bị trúng "ma thuốc độc". Bất cứ một biến thái lạ nào của cơ thể khi tình trạng sức khoẻ xấu đi, người ta cũng cho rằng mình bị dính "ma thuốc độc". Quan niệm đó đã tồn tại bao đời nay ở nhiều nơi của Hà Tĩnh, đến nay vẫn chưa phá bỏ được. Từ đó mà gây nên bao nhiêu oan trái đến khắc nghiệt cho một số không ít những gia đình.

Đến huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chúng tôi đã nghe những câu chuyện đau lòng. Như gia đình chị Trần Thị C. ở xóm Trường Xuân (Kỳ Hợp, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), bị nghi nuôi con "ma thuốc độc". Chị Đỗ Thị H., hàng xóm của gia đình bị nghi oan này cho biết: "Tuy chính quyền địa phương minh oan cho chị C. rồi, sự việc đã qua khá lâu nhưng hậu quả thì vẫn nặng nề lắm. Gia đình chị C., nhất là mấy đứa con đi đâu trong làng đều bị hắt hủi và xa lánh. Nhà chị C. thuộc diện khó khăn lắm, làm thêm nghề bánh đa nhưng từ khi có dư luận nhà chị nuôi "ma thuốc độc" đã làm chị phải bỏ nghề vì không ai dám ăn".

Ngay khi về tới huyện Nghi Xuân, cụ Lân ở xã Xuân Diễn dẫn chúng tôi đến một căn nhà cuối xóm, đó là một căn nhà gỗ nhưng hoang lạnh đến lạ thường, có lẽ lâu rồi không có một bước chân. Cụ Lân tiếp chuyện: "Bỏ đi cả nhà rồi. Không sống được ở đất ni (này) vì mọi người xa lánh. Ngôi nhà này ngày trước là của gia đình anh Phan Trọng T. Cũng chỉ vì mọi người trong làng cho rằng nhà T. nhiều đời nay nuôi “ma thuốc độc” cho nên không ai dám đến gần. Bị xa lánh đến mức độ mà cả nhà phải chuyển đi nơi khác sinh sống. Anh T. bỏ lại căn nhà đó cũng chả ai dám mò đến nhà huống chi là ở".

Khi chúng tôi trao đổi về hiện tượng "ma" thuốc độc ở xã Tùng Ảnh với Bác sĩ Hoàng Thư, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), ông tỏ ra rất bất bình: "Trong y học không có khái niệm thuốc độc mà chỉ có ngộ độc, nhiễm độc. Theo tôi, việc một số người dân mệt mỏi, chán ăn là do hiện tượng cảm cúm (hay còn gọi là siêu vi trùng) gây nên sau một quá trình lao động mệt nhọc. Chỉ có áp - xe và ung thư gan chứ không có cái gọi là huỷ hoại gan".

Để tìm hiểu về sự thật của hiện tượng lạ lùng trên, chúng tôi đã trực tiếp gặp anh Phạm Ngọc Anh (xóm Sơn Lễ) - một nạn nhân của sự lừa bịp này, anh cho biết: "Thấy nhiều người dân trong xóm rủ nhau đi tìm nhà thầy Khang ở Xuân Viên bắt ma, lấy thuốc nên tôi cũng đi cùng xem sao. Khi đi, tôi mang theo một số áo của bản thân và vợ con. Tìm trong đống đồ áo thầy lấy ra đúng chiếc áo bảo hộ lao động của tôi rồi phán: Ông này đã trúng thuốc độc gần chết đến nơi rồi phải cứu chữa kịp thời. Nhưng một hồi sau tôi nhờ thầy xem bệnh cho tôi, xem qua thầy lại lắc đầu: Sức khoẻ anh rất tốt, không có vấn đề gì! Từ đó, khi biết chuyện, gia đình tôi đã không ai tin vào "ma" thuốc độc nữa".

Người dân ở Hà Tĩnh đang hoang mang về cái gọi là "ma thuốc độc". Được biết, chính quyền địa phương đã từng xử lý một số đối tượng tuyên truyền, đồn nhảm về "ma thuốc độc" để lừa trị bệnh, lấy tiền của người dân. Đã có trường hợp phải lên truyền hình tỉnh xin lỗi dân. Tuy nhiên, để dẹp bỏ một hủ tục đã ăn sâu và tâm trí của nhiều người dân thì có lẽ chính quyền địa phương phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa.

Xuân Hồng- Thành Quang